Gẫm & Bình

Vì sao một bức tượng Vladimir khổng lồ lại khiến dư luận Moscow tranh cãi? 29. 06. 15 - 6:59 am

Minh Thảo dịch theo The Guardian

Hàng chục ngàn người dân Moscow đã kí tên vào một đơn kiến nghị phản đối địa điểm dự kiến chọn làm nơi dựng đài tưởng niệm Vladimir Đại Đế cao 24 m. Và đó mới chỉ là khởi đầu của cuộc tranh cãi.

Nghệ sĩ Nga Salavat Scherbakov với bức tượng Vladimir Đại Đế khổng lồ trong xưởng làm việc tại Moscow. Ảnh: Yuri Kochetkov/EPA

Cao 24 m tính từ mặt đất, đài tưởng niệm Vladimir Đại Đế dự kiến sẽ có tầm nhìn bao quát hết Moscow. Tuy nhiên, vấn đề đối với nhiều người dân Moscow là cũng chừng ấy phần của thủ đô nước Nga không muốn cũng phải nhìn thấy Vladimir Đại Đế.

Bức tượng tưởng niệm nhà cai trị theo Thiên Chúa Giáo đầu tiên của nhà nước Đông Slav sơ khai – tiền thân của nước Nga hiện đại – được dự kiến dựng trên Đồi Sparrow vào tháng Mười Một. Nằm trong đợt vận động ái quốc làm người Nga cảm thấy tự hào về lịch sử của mình, nó đánh dấu 1.000 năm ngày mất của Vladimir. Tuy nhiên bức tượng đã gây nên sự phản đối kịch liệt từ dư luận do nó sẽ phá hỏng khung cảnh trên cao của thành phố.

Ý tưởng của điêu khắc gia về tượng đài trên đồi Sparrow. Hàng chục ngàn người dân Moscow đã kí tên vào một đơn kiến nghị phản đối việc đặt đài tưởng niệm trên Đồi Sparrow, sau khi bức tượng được quyết định đặt ở đó mà không qua trưng cầu dân ý.

Vladimir, người lên nắm quyền tại Kiev sau khi giết anh trai mình Yaropolk, là một người theo chủ nghĩa khoái lạc có nhiều vợ và hàng trăm tì thiếp. Ông được cho là đã cải sang Chính Thống Giáo vào năm 988 – một sự kiện đánh dấu việc hình thành văn hóa Thiên Chúa giáo Slave.

“Có thể có nhiều tranh cãi liên quan đến vai trò lịch sử của Ivan Bạo Chúa hay Joseph Stalinm hay thậm chí Peter Đại Đế, nhưng trong trường hợp của Đại Công Vladimir, không nghi ngờ gì nữa, đó là một hình ảnh tích cực,” nhà điêu khắc Salavat Shcherbakov của đài tưởng niệm nói.

Một hình ảnh giả định của Dmitry-Chistoprudov về bức tượng trên Đồi Sparrow. Ảnh từ trang này

Một nghịch lý là nhà nước Rus sơ khai mà Vladimir trị vì lại được đặt tại Kiev. Ở Ukraine, Tổng thống Poroshenko cũng đã kí một sắc lệnh tuyên bố 2015 là năm kỉ niệm 1.000 năm ngày mất của “người thành lập nên nhà nước Rus-Ukraina”.

“Đây hiển nhiên không phải là một quyết định mang tính thẩm mỹ hay văn hóa, mà là một quyết định mang tính chính trị,” Alexei Venediktov, tổng biên tập đài Ekho Moskvy nói hồi đầu tuần về quyết định dựng một đài tưởng niệm Vladimir khổng lồ ở Moscow. “Đó là một thông điệp gửi đến thủ đô Ukraine rằng: “Thánh Vladimir là của chúng tôi, không phải của các người.”

Tuy vậy, ở Mosocw, đài tượng niệm Vladimir được chào đón thờ ơ thấy rõ. Trong một cuộc tranh luận do The Guardian tổ chức tại Moscow hôm 8. 6. 2015, rất nhiều người phản đối đài tưởng niệm; và kể cả Olga Zakharova, người được chính phủ bổ nhiệm làm giám đốc Công viên Gorky, cũng thúc giục người dân Moscow phản đối xây dựng tượng đài.

Bức tượng đúc từ đồng đỏ sẽ cao hơn 24 m và nặng 330 tấn, với một cây thánh giá lớn trong bàn tay phải của Vladimir. Ảnh: Yuri Kochetkov/EPA

Các nhà sử học nói rằng chính trị gia ở cả Moscow và Kiev đều đang dùng các nhân vật lịch sử vào mục đích riêng.

Tạp chí Afisha đã đề xuất một số địa điểm dựng tượng khác trong một loạt ảnh châm biếm đã qua chỉnh sửa nhằm nhấn mạnh sự vô lý của các kế hoạch hiện tại.

Điêu khắc gia Schcherbakov nói vào hôm 10. 6. 2015 rằng chưa có quyết định chính thức, nhưng thừa nhận có thể có các địa điểm khác phù hợp hơn ở Moscow. Trong một dấu hiệu cho thấy áp lực đám đông đã có tác động, hội Sử học – đơn vị đề xuất dự án – nói trong tuần này rằng các địa điểm khác sẽ được cân nhắc. Điều quan trọng hơn, Shcherbakov nói, là bức tượng phải tìm được một nơi gọi là“nhà”ở thủ đô.

Một hình ảnh giả định của Viktor Borisov về bức tượng trên Đồi Sparrow. Ảnh từ trang này

“Cũng như người Mỹ thì có George Washington… Mọi quốc gia đều có các nhân vật lịch sử riêng và bạn phải tôn trọng họ.”

Sau khi Crimea sát nhập vào Nga hồi năm ngoái, nhân vật Đại Công Vladimir đã nhận được thêm nhiều sự chú ý. Một Vladimir khác, tổng thống Nga Putin, trong bài diễn văn trước giới chính trị cao cấp của đất nước này vào tháng Mười Hai năm ngoái, đã nói rằng Crimea rất thiêng liêng đối với nước Nga. do người cùng tên với ông đã được rửa tội tại đây.

“Bán đảo này có tầm quan trọng chiến lược đối với nước Nga vì nó là nguồn sức mạnh tinh thần trong việc phát triển một nước Nga nhiều mặt nhưng vững chắc và một nhà nước Nga trung ương tập quyền,” Putin nói. “Chính tại Crimea, trong thành phố cổ Chersonesus, Đại Công Vladimir đã được rửa tội trước khi mang Thiên Chúa Giáo đến Rus.”
 

Di tích chỗ rửa tội của Vladimie đại đế ở Khersones, Sevastopol. Ảnh của Alexxx Malev, từ trang này

Các nhà sử học nói rằng các chính trị gia Moscow and Kiev đang dùng các nhân vật lịch sử vào mục đích riêng, bắt đầu bằng Vladimir Đại Đế, rồi tiếp đến là lịch sử gây tranh cãi của Thế Chiến II.

“Vào thế kỉ 11 không tồn tại người Nga hay Ukraine,” Simon Franklin, một giáo sư tại khoa Lịch sử Slave của Đại học Cambridge nói. “Về mặt văn hóa, cả hai đều là tiếp nối của phần lãnh thổ phía Đông theo Thiên Chúa Giáo, vốn nổi lên và hưng thịnh trong các thế kỉ 10-13. Về mặt chính trị, không có bên nào là hậu duệ trực tiếp về mặt chính trị cả.”

Đài tưởng niệm Đại Công Vladimir theo như tưởng tượng của Hiệp hội Lịch sử-Quân đội Nga.

Franklin nói trong khi Vladimir “có khả năng là”đã được rửa tội tại Crimea, bán đảo này không liên quan gì đến nhà nước Slave sơ khai, và vẫn còn là thuộc địa Byzantine rất lâu sau lễ rửa tội của Vladimir. Chỉ đến bảy thế kỉ sau, khi Catherine Đại Đế sát nhập phần lãnh thổ này vào Nga, nó mới thật sử trở thành một phần của Đế chế Nga.

Tuy vậy, Tổng thống Putin nói rằng lễ rửa tội của Vladimir đồng nghĩa với việc Crimea có “giá trị văn minh vô giá và thậm chí mang tầm quan trọng thiêng liêng đối với nước Nga, như Temple Mount đối với những người theo Hồi giáo và Do Thái giáo.”

*

Vào một ngày mùa xuân lạnh lẽo tháng Ba, có lác đác khách du lịch tại Khersones, nơi Vladimir hiển nhiên đã được rửa tội, gần Sevastopol. Nhưng hiện đã có nhiều kế hoạch biến nó thành một địa chỉ chính cho hàng triệu du khách Nga được kỳ vọng sẽ đến vào những năm tới sau khi đã thuộc Nga.

Nhà nguyện Saint Vladimir in Chersonesus. Ảnh: George Chernilevsky

Hiện cũng đang có kế hoạch thực hiện một bộ phim ái quốc về lễ rửa tội của Vladimir. do Vladimir Bortko, một đạo diễn-đảng viên, thực hiện. “Tất nhiên tôi nghĩ nó sẽ là một bộ phim cổ động lòng yêu nước giúp tăng cường sức mạnh quốc gia,”ông nói.

Kinh phí thực hiện bộ phim vào khoảng 20 triệu USD, nhưng Bortko nói việc sản xuất đã gặp vấn đề từ khi tình hình kinh tế trở nên xấu đi. Ông cũng làn người đề xuất lấy ngày Vladimir được rửa tội làm một ngày lễ quốc gia mới.

 

Ý kiến - Thảo luận

0:32 Tuesday,30.6.2015 Đăng bởi:  Dekneed
Phải tham khảo tượng mẹ Việt Nam anh hùng nhé
...xem tiếp
0:32 Tuesday,30.6.2015 Đăng bởi:  Dekneed
Phải tham khảo tượng mẹ Việt Nam anh hùng nhé 
10:11 Monday,29.6.2015 Đăng bởi:  Lê Thành
“Vào thế kỉ 11 không tồn tại người Nga hay Ukraine,” bài viết này có nhiều tư liệu nghiêm túc và các thông điệp ẩn nhưng gây suy nghĩ.
...xem tiếp
10:11 Monday,29.6.2015 Đăng bởi:  Lê Thành
“Vào thế kỉ 11 không tồn tại người Nga hay Ukraine,” bài viết này có nhiều tư liệu nghiêm túc và các thông điệp ẩn nhưng gây suy nghĩ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả