Gẫm & Bình

Julian Opie: Cốt lõi của chân dung 28. 10. 10 - 9:55 pm

Sandy Nairne

 
Julian Opie, sinh năm 1958, là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất của Anh; tác phẩm của ông có mặt trong hầu hết các bộ sưu tập lớn và quan trọng trên thế giới.

Tranh của ông còn được dùng trong bộ tem “hạng nhất” chuẩn bị cho London 2012. Mỗi con tem do một họa sĩ hàng đầu thiết kế. Bộ đầu tiên đã được đem ra bán từ 22. 10. 2010. Trong bộ này, Julian Opie vẽ một vận động viên nhảy cầu.

Tác phẩm của ông, bắt nguồn phần nào từ Patrick Caulfield và Michael Craig-Martin, là đem kỹ thuật giản lược ảnh vào tạo hình, kết hợp với việc dùng các phần mềm vi tính, để cuối cùng chỉ còn lại những nét đơn giản nhất mà nắm gọn nhất cái thần của đối tượng.

Trong chân dung ông vẽ, gương mặt người được đặc trưng bằng những viền đen với các mảng màu phẳng, tối giản hóa chi tiết, đến mức con mắt có thể chỉ còn là một vòng đen của đồng tử, và đôi lúc cái đầu được ước lệ chỉ bằng một hình tròn với khoảng trống nơi đáng ra phải là cái cổ; Opie cố gắng mô tả tính cách một con người bằng càng ít chi tiết càng tốt.

Opie còn sử dụng vi tính trong những tác phẩm nghệ thuật khác. Ông dùng điêu khắc, sắp đặt ánh sáng để thể hiện những “món” trong cuộc sống ngày thường. Trí tưởng tượng của ông coi con người là… những mạch điện, những hoạt động như lái xe, đi bộ, leo núi đều có thể đại diện bằng những nét tối giản.

Đôi khi Julian Opie cũng cải tiến công nghệ vi tính bằng cách cắt những đường viền và những khối hình màu bằng nhựa vinyl, ví dụ như trong các banner lớn trưng bày ở Tate Anh quốc.

Tác phẩm của Opie tại trung tâm Indianapolis

Opie là một cựu thành viên sáng lập của Tate. Gallery Lisson từng viết về ông như sau:

Julian Opie là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất của một thế hệ mà sự quan tâm nghệ thuật của họ tập trung vào hình thức và phương cách thể hiện, làm sao để hình ảnh hiểu được, cảm nhận được.

Opie đã nghĩ ra cho riêng mình một thứ ngôn ngữ tiết giản về hình thức, không nhằm phản ánh hiện thực, mà đúng hơn là một cách để trình bày hiện thực: thứ ngôn ngữ này của ông đặc biệt vì kiên định về hình thức và quy tắc thể hiện…”

Làng, 1996

Và Sandy Nairne – cựu giám đốc Chương trình tại Tate, hiện giám đốc Gallery Chân dung Quốc gia có hẳn một bài phân tích về lối vẽ của Julian Opie, mời các bạn đọc.

 

CỐT LÕI CỦA CHÂN DUNG

Cái thần của chân dung là gì? Sự tối thiểu tận cùng mà con người có thể đại diện là gì? Yếu tố nội tại nào có thể truyền tải nét đặc thù của con người?

Làm thế nào để sự pha trộn màu sắc với đường thẳng có thể truyền tải đặc điểm và tính cách của một ai đó?

Chân dung của Julian Opie mô tả từng cá nhân cụ thể, nhưng đồng thời cũng lật lại những nghi vấn phức tạp vốn tồn đọng từ lâu. Ai cũng biết, những bức chân dung kiểu truyền thống, chở 500 năm truyền thống, gồm hai chiều hướng đại diện cho những người xung quanh ta; Một: mô tả họ trong khung cảnh cuộc sống thường ngày; Hai: sự sắp đặt cụ thể thế ngồi, thế đứng để từ đó vẽ chân dung. Nảy sinh từ những cách thức này là những nghi vấn về hình thức nhận diện (đấy có phải là người đó không?), về biểu cảm (người này đang cảm thấy ra sao?).

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta tức khắc nhận ra người mình quen biết, dẫu đó là trong cuộc gặp gỡ bạn bè, người thân, hay đồng nghiệp; và điều này cũng đúng khi ta xem những người nổi tiếng được truyền tải qua đường truyền thông đại chúng – TV, web, báo hoặc tạp chí. Nhưng sau khoảnh khắc nhận biết, rất tự nhiên chúng ta nhìn hoặc xem xét kỹ hơn hình ảnh của người ấy nhằm hiểu hoàn cảnh và tâm trạng họ. Để hiểu được vậy, chúng ta tận dụng phép vẽ-nhạt-dần tinh tế nhất của biểu cảm gương mặt, hình dáng cơ thể, dáng điệu và bóng nền, để cuối cùng rút lại còn những nét đặc trưng nhất của người ấy, trong lát cắt thời gian ấy.

Khi xem một bức chân dung, chúng ta thậm chí còn khảo sát và nghiên cứu tỉ mỉ hơn là khi quan sát người bằng xương bằng thịt – chúng ở đó là để cho ta chất vấn.   

 
 

Hirofumi với tập hồ sơ

 Qua các tác phẩm của mình, Julian Opie luôn luôn lưu ý đến việc chúng ta, những khán giả, nhìn và đánh giá những đường nét như thế nào. Ngay cả thời kỳ trước khi vẽ chân dung, những bức tượng và các tác phẩm chạm khắc của ông đều cho thấy cách thức ông mô tả thế giới, theo đó ông cân bằng phong cách thiên về sắc thái của nghệ thuật phương Tây với nghệ thuật vẽ tranh biếm họa và tranh minh họa (kể cả truyện tranh) truyền thống. Phương pháp cấp tiến của ông – mà nhờ đó người ta có thể đặt vẽ qua catalogue – đã giúp ông hoàn thiện nghệ thuật mô tả đồ vật và con người: từ một thứ trong thực tế, sang một thứ thuần tạo tác. Tác phẩm của Opie là những hình ảnh được bố cục sáng sủa, sắc nét và mượt mà, cho dù là vẽ trên kim loại hay phác thảo bằng phần mềm máy tính. 

 
 
 
 
 

Shahnoza, vũ công múa cột, 2006

  Tác phẩm của Julian Opie mang dáng dấp của sự kết hợp giữa tranh chân dung Anh-Hà Lan (thế kỉ 17-18) và ảnh in Nhật Bản (thế kỉ 18-19). Đấy là thời kì hoàng kim của nghệ thuật và của chân dung.  

 

Rembrant - Người đàn ông có râu đội mũ nhung, 1637

Takahashi Yuishi – Vẻ đẹp, 1872

 Nhưng dù tranh Julian Opie có ảnh hưởng từ nguồn nào, thì trong chân dung ông vẽ luôn ẩn chứa một thứ gì đó đặc biệt tự tin trong dáng vẻ và tư thế của nhân vật – như để cố ý truyền tải về sự giàu có và thông thái. Nguồn chất liệu của Opie nhìn chung là những chân dung đáp ứng sự tiêu thụ của số đông quần chúng, với những biểu tượng và chi tiết phúng dụ, bóng gió, đôi khi bổ sung thêm chút ám chỉ, nhưng được Opie chuyển đổi trang phục và điệu bộ, từ trang trọng sang thân mật, từ cổ xưa sang hiện đại, từ cá nhân sang gia đình… một cách thật đương đại.

 
 
 
 

Christina Ruth hút thuốc

Tóm lại, những bức chân dung của Opie là để nhằm giới thiệu một con người, nhưng đồng thời cũng để nhằm đặt nghi vấn cho chính bản chất của nghệ thuật vẽ chân dung.   

 

*

Bài liên quan:

– Julian Opie: Cốt lõi của chân dung 
– Giá tranh điên đảo của Julian Opie 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả