Nghệ sĩ thế giới

Bạn biết gì về nghệ thuật của Congo DRC? Hãy đến Paris xem triển lãm! 15. 07. 15 - 7:45 am

Hannah Ellis-Petersen, Sáng Ánh st cho Hữu Khoa dịch

SOI: Lưu ý là theo Wiki có tới 2 nước mang tên Congo nhé các bạn:
Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC): có thủ đô là Kinshasa. Nước này trước gọi là Zaire 
– Cộng hòa Congo: có thủ đô là Brazzaville 

*

Giữa lúc nghệ thuật châu Phi đang được để ý hơn bao giờ hết, triển lãm mở rộng Beauté Congo của Quỹ Cartier bày tác phẩm của Cộng hòa Dân chủ Congo, từ những bức tranh (non nớt) thuở ban đầu, tới những bức tranh rực rỡ, hừng hực tính chính trị của ngày hôm nay.

“Untitled”, của Pili Pili Mulongoy. Ảnh: Pili Pili Mulongoy/Fondation Cartier

Ở Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo, có một truyền thống: họa sĩ treo tranh bên ngoài studio, để cả thế giới đi qua đi lại tha hồ ngắm.

Có vài bức phản ánh chính những con đường mà tại đó chúng đang treo – những quán bar đầy nhạc và nhảy múa, những con đường chật nêm xe hơi bụi bặm, đám người “sapeur” lập dị mà lịch lãm ưỡn ẹo trên vỉa hè, trang sức lủng lẳng, áo quần lòe loẹt. Vài bức lại miêu tả thế giới utopia – một viễn cảnh mà DRC đã (đành) để lại, sau cuộc xung đột, đói nghèo và nạn tham nhũng của thế kỷ 20. Còn lại hầu như toàn bộ là nói về chính trị.

Những tay sapeur chịu khó chưng diện. Ảnh từ Internet.

Chính những bức tranh này, cùng một số tác phẩm khác lùi về 90 năm trước, đã làm nên cuộc triển lãm về nghệ thuật Congo. Khai mạc hôm thứ Bảy tại Quỹ Cartier ở Paris, triển lãm mở rộng này gồm 350 tranh, ảnh, tượng, và sách truyện tranh từ 41 nghệ sĩ.

Hầu hết các tác phẩm này chưa từng bày ở nước ngoài, lâu nay vẫn nằm trong những bộ sưu tập tư nhân ở Bỉ, Pháp, và Thụy Sĩ. Một số bức được lôi ra từ những kho lưu trữ thuộc địa ở Brussels, và một số được mua trực tiếp từ họa sĩ, tại thủ đô Kinshasa.

“La Nostalgie”(Hoài hương), của JP Mika, 2014. Ảnh: JP Mika/Fondation Cartier

Triển lãm này có lẽ đã ngốn của giám tuyển André Magnin cả năm trời để sắp xếp các tác phẩm lại với nhau, nhưng đó chính là niềm say mê của ông suốt 30 năm nay: ông đã đi đi về về Congo, gặp và động viên nhiều nghệ sĩ hôm nay có tác phẩm được bày. Trong bối cảnh chưa bao giờ nhiều con mắt xanh hướng về thế giới nghệ thuật châu Phi đến thế, và những hội chợ nghệ thuật châu Phi thi nhau mọc lên ở những thành phố lớn như New York, London và Paris, thì Magnin, người có thể coi là chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật châu Phi, nói đây chính là lúc để hợp tác với Quỹ Cartier thực hiện ước vọng của ông.

“Người ta thường coi Cộng hòa Dân chủ Congo như một xứ sở của chiến tranh, chết chóc, khổ đau, nhưng nhìn quanh mà xem, đây là những tác phẩm đẹp biết bao, đầy màu sắc, hóm hỉnh, và tình cảm,” Magnin nói trong lúc đứng bên những bức tranh theo phong cách Đại chúng của Pierre Bodo.

“Femme surchargée” (2005) của Pierre Bodo

“Tôi muốn triển lãm này mở mang nhận thức của người ta về đất nước Congo, không chỉ bày ra cho thấy nghệ thuật xứ này đẹp thế nào, mà còn cho thấy nó đậm tính chính trị ra sao trong suốt mấy thập niên qua. Tôi đã chờ đợi để làm triển lãm này từ 1987, nhưng chỉ có bây giờ mới thấy là đúng lúc.”

Bản thân triển lãm được bày theo hướng đi ngược thời gian: đầu tiên là tác phẩm đương đại của các nghệ sĩ trẻ, vẽ ngày hôm nay, tại thủ đô; kết thúc là một series những bức tranh của “tiền nhân”: những bức màu nước sơ khai từ hồi 1926 vẫn nằm lãng quên tận đáy kho lưu trữ của Thư viện Brussels, cho đến khi được Magnin tái phát hiện.

“Untitled”, của Antoinette Lubaki, khoảng 1929. Ảnh: Antoinette Lubaki/Fondation Cartier

Trong số những tác phẩm mới hơn có bộ sưu tập ảnh của Kiripi Katembo, miêu tả thành phố Kinshasa qua màn nước bẩn bao phủ những con đường, mang lại một sự nên thơ nào đó cho những con lộ ồn ào và ô nhiễm của thủ đô.

Một series khác, của Sammy Baloji, là đè chồng những bức ảnh về các bộ tộc Congo được chụp trong một cuộc thám hiểm của người Bỉ vào cuối những năm 1800s lên những bức màu nước vẽ xứ sở này, do một họa sĩ Bỉ vẽ vào thời thuộc địa – như một lời bình chua chát về di sản của nền thuộc địa.

Cũng trưng bày trong triển lãm này là những cuốn truyện tranh của Papa Mfumu’eto, người vào khoảng 1990 và 2000 đã làm ra bộ truyện tranh nổi tiếng nhất ở Kinshasa. Mặc dầu là hư cấu, bộ truyện được vẽ từ cuộc sống thường nhật, từ nền chính trị tham nhũng của thời độc tài Mobutu, và vào cao điểm, bộ truyện tranh này còn phổ biến hơn cả nhật báo.

“Wewa Abomi Libala, 2012”, tranh của Papa Mfumu’eto

Là một nhân vật hay lẩn trốn đám đông, Mfumu’eto sau bảy năm mới xuất hiện lần đầu trước công chúng khi đến dự triển lãm này tại Paris. Nói với phóng viên của The Guardian, anh giải thích chuyện mình đã bị lôi cuốn vào việc vẽ truyện tranh ra sao. “Năm người chị của tôi đều chết trước khi lên 5, và tôi ra đời, mẹ tôi trở nên hết sức bảo bọc tôi. Tôi không cách nào chơi được với trẻ con nhà khác do mẹ sợ mất tôi như đã mất các chị tôi. Tôi cảm thấy cô đơn và vô danh trong cái thế giới bao quanh mình, và truyện tranh đến với tôi như một cách thoát khỏi điều đó. Truyện tranh mang con người đến với tôi – họ theo dõi câu chuyện và muốn biết tôi sắp làm tiếp ra cái gì.”

Truyện tranh đầu tiên của anh – mô tả Mobutu như một con trăn nuốt mọi vật rồi phun chúng ra lại thành tiền – hiện vẫn là truyện tranh bán chạy nhất từ trước tới nay tại Kinshasa, hiện được bày tại triển lãm, cùng với rất nhiều truyện tranh khác mà Mfumu’eto đã làm ra trong suốt chục năm qua. Mfumu’eto thường hồi đáp những ước muốn của người đọc, và khi Mobutu chết lúc lưu vong ở Morocco hồi 1997, họa sĩ đã minh họa nhà độc tài đang gieo giống cho một người đàn bà ở địa ngục, và bị thiêu cháy ở đó đến muôn đời.

Tuy thế, làm ra những thông điệp có tính chỉ trích ở DRC, dù là dưới hình thức nghệ thuật, cũng vẫn có thể là một nghề nguy hiểm. Mfumu’eto nói anh từng bị chính quyền “dọa” khi vẽ những truyện tranh ấy, trong khi đó, Bodo, một họa sĩ “Đại chúng” khác và là nhà truyền giáo nhiệt tâm, cũng có tranh bày trong triển lãm này, mới qua đời hồi tháng Chín vừa qua trong một hoàn cảnh nhiều nghi vấn.

Tuy nhiên, hầu hết các nghệ sĩ vẫn bất chấp mà tiếp tục. Một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới của Congo là Chéri Samba, 58 tuổi, với các tác phẩm từng được bày tại Pompidou (Paris), MoMA (New York), cũng như tại 2007 Venice Biennale. Vào đời bằng nghề vẽ quảng cáo vào những năm 1970s, Samba trở thành người tiên phong của phong cách nghệ thuật Đại chúng: những tác phẩm rực rỡ, bắt mắt tập trung vào đời sống hàng ngày và thường có xen những dòng chữ vào.

“Amour & Pastèque”, tranh của Chéri Samba, 1984. Ảnh: Chéri Samba/Fondation Cartier

“Với tranh, tôi muốn thu hút con người và muốn thông điệp tranh mình được chuyển trực tiếp,” Samba nói. “Tôi nhắm tác phẩm mình tới các nhà lãnh đạo, và tôi muốn dùng tranh mình để nói về những chủ đề có thể bị bỏ quên đấy nhưng lại quan trọng với nhân dân. Tranh tôi lấy cảm hứng từ đời sống thường nhật và với tôi, ý nghĩa của nghệ thuật Đại chúng là thứ mà mọi tầng lớp đều có thể nhận ra chủ đề, chủ thể, ý ngầm của tác phẩm mà tôi đang xử lý. Đó là thứ nghệ thuật được sáng tác cho nhân dân.”

“Tôi tin mỗi người trên trái đất này đều có một nhiệm vụ, và tôi tin rằng Thượng đế đã cho tôi công cụ để vẽ, để nói lên thông điệp của mình qua tranh.”

Những nhân vật, từ Nelson Mandela tới Barack Obama, hiện ra trong tranh Samba, nhưng một trong những tác phẩm “mạnh” nhất được bày tại triển lãm tổng kết lại là một bức mang tên “Little Kadogo, I am For Peace, That is Why I Like Weapons” (Nhóc Kadogo, tôi đứng về phe hòa bình, cho nên tôi thích vũ khí). Đó là chân dung con trai ông, mặc bộ đồ lính Congo loại cho con nít, giơ hay tay lên đầu hàng và nhìn thẳng vào người xem tranh.

“Little Kadogo, I am For Peace, That is Why I Like Weapons”

“Tôi không thể tách rời tác phẩm của mình với chính trị, và tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể làm thế,” Samba nói. “Vâng, tác phẩm của tôi trước giờ vẫn làm khó tôi, nhà chức trách vẫn ngăn cản tôi, nhưng cũng chẳng bao giờ đi xa hơn việc đó và tôi không quan tâm. Tôi sẽ không bao giờ để cho mình ngừng vẽ.”

“Oui, il faut réfléchir”(Vâng, phải suy nghĩ), của Chéri Samba, 2014. Ảnh: Chéri Samba/Fondation Cartier

Nghệ thuật, Samba nói, có khắp nơi ở Kinshasa, từ những poster trên đường phố tới mặt tiền nhà dân. Giờ đây, hơn bao giờ hết, khung cảnh nghệ thuật trong thành phố này thực náo nhiệt. Samba mừng vui khi trong nghệ thuật Đại chúng, một thế hệ mới đã “nhận gác, đổi ca”, và điều này đã vượt khỏi biên giới thành phố cũng như biên giới quốc gia.

Thay vì thế, Samba nói ông sẽ vẫn tiếp tục vẽ như lâu nay ông vẫn làm. “Suốt 40 năm nay, tôi luôn luôn làm đúng việc ấy trong tranh mình, đặc biệt là về mặt thông điệp,” Samba nói. “Điều duy nhất thay đổi là râu tôi đã bạc.”

 •  Beauté Congo 1926-2015 Congo Kitoko sẽ bày từ 11. 7 tới 15. 11. 2015 tại Fondation Cartier

“Untitled (Moziki)”, khoảng 1955-65, của Jean Depara

 

“Untitled”, khoảng 1955-65, của Jean Depara

 

“Untitled (Moziki de Léopoldville)”, khoảng 1955-1965, của Jean Depara

 

“Euphorie de deux jeunes gens qui se retrouvent”, 1972, của Ambroise Ngaimoko

 

“Untitled”, khoảng 1950, của Sylvestre Kaballa

 

“Untitled,” 1955, của Pilipili Mulongoy

 

“Kiese na kiese”, 2014, của JP Mika

 

“Untitled”, 2007, của Pathy Tshindele

 

“Je suis jeune”, Cassius Clay series, 2014, của Steve Bandoma

 

“Le Calendrier lunaire Luba”, 1979, của Mode Muntu

 

“La Vraie Carte du Monde” (Bản đồ thực sự của thế giới), của Chéri Samba, 2011. Ảnh: Chéri Samba/Fondation Cartier

 

Untitled (Match Ali-Foreman, Kinshasa), của Moke, 1974. Ảnh: Moke/Fondation Cartier

 *

Các bạn đọc thêm bài này nhé, để hiểu hơn về DRC

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả