Sử-Triết

Biết Congo để xem tranh Congo 15. 07. 15 - 7:07 pm

Sáng Ánh

SOI: Nhắc lại nhé, lưu ý là theo Wiki có tới 2 nước mang tên Congo nhé các bạn:
– Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC): có thủ đô là Kinshasa. Nước này trước gọi là Zaire
– Cộng hòa Congo :có thủ đô là Brazzaville

Bài này nói về DRC, tức Cộng hòa Dân chủ Congo và để làm cho bài trước dễ hiểu hơn.

*

Một bức tranh thế kỷ 17th của họa sĩ Hà Lan Albert Eckhout vẽ hai sử giả của Vương quốc Kongo đến Brazil, trên tay là hai món sản vật chính của Tây Phi: ngà voi và hộp nữ trang. Hình từ trang này.

Bên ngoài chuyện nghệ thuật, Congo là miền đất triền miên bất hạnh từ thế kỷ thứ 19. Hiện nay, khi đây kia tại châu Phi đã bắt đầu chuyển mình và phát triển để biết đâu vài thập niên nữa trở thành thớt voi hay mãnh sư kinh tế thì Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn là nơi tăm tối cùng cực như lời nguyền của thành ngữ tiếng Việt (Bao giờ cho đến) “Tết Congo”.

Năm 1884, Hội nghị Berlin cắt bánh Phi châu (khi ấy gọi là Vương quốc Kongo) và chia phần cho các nước Âu, mỗi người một miếng nhấm nháp. Một miếng về tay Pháp (ngày nay là Cộng hòa Congo và Cộng hòa Trung Phi), miếng khác về tay Portugal (và là Angola ngày nay). Miếng lớn nhất của Vương quốc Kongo này, ngày nay là Cộng hòa Dân chủ Congo, trở thành đồn điền, đất đai tư hữu của địa chủ lớn nhất thế giới là vua Leopold II của nước Bỉ.

Thành Loango của Vương quốc Kongo vào thế kỷ 17, bên bờ Atlantic, trước khi vương quốc này bị chia năm xẻ bảy. Hình từ trang này.

Xin nói rõ, “Quốc gia Congo Độc lập” (Congo Free State, Etat Independent du Congo) đây là của riêng của cá nhân hoàng đế nước Bỉ chứ không phải là thuộc địa của Bỉ quốc. Ông sở hữu 2,3 triệu cây số vuông tức là 7 lần diện tích của Việt nam! L‎ý do một cá nhân lại được phần hơi bị to này là vì miền đất không có bờ biển mà chỉ có tí lối thông ra, sông ngòi chưa thám hiểm bởi người Âu, tức là chẳng hiểu “nhân” của miếng bánh có được ngọt hay không. Mặt khác, hai cường quốc Anh Pháp lại đang kèn cựa nhau tại lục địa, cho nên nhà đầu tư địa ốc tài tình trên mới được cơ hội xí phần dưới danh nghĩa một tổ chức từ thiện (!) và chống nô lệ buôn người (!) do ông kiểm soát.

Một hí họa chính trị vẽ vua Leopold và cô bồ 16 tuổi Caroline Lacroix. Ông này có nhiều phi. Vào năm 1899, ở tuổi 65, Leopold gặp cô gái điếm người Pháp Caroline Lacroix, và hai người gắn bó với nhau cả chục năm trước khi ông qua đời. Hai người làm một lễ cưới bí mật 5 ngày trước đó. Sau đó vua Leopold để lại cho cô này bao nhiêu là tài sản! Trong tranh, vị tu viện trưởng hỏi vua: “Ở tuổi này của ông ư?” Vua đáp: “Ông cũng nên tự mình thử đi”.

Thời đại Leopold II tại Congo trở thành kinh hoàng bậc nhất ngay cả trong lịch sử bóc lột thuộc địa. Ước tính số người thiệt mạng trực tiếp hay gián tiếp vì chính sách cai trị của tổ chức từ thiện trên có thể lên đến 10 triệu nạn nhân , hay ¼ dân số. Trốn phu đồn điền, lục lộ thì bị chặt tay chặt đầu và Leopold II dưới sức ép của xì-căng-đan phải “biếu lại” Congo cho nước Bỉ (1908).

Người bản xứ Congo làm tại đồn điền bị chặt tay vì không cạo đủ mủ cao su. Hình từ trang này

Chính sách này cũng cho phép Leopold II sắm 1 biệt thự máu đẫm hồ bơi cho nàng hầu tại miền Nam nước Pháp là Villa Leopold. Biệt thự này ngày nay vẫn giữ kỉ lục địa ốc của một căn hộ cá nhân. Năm 2008, tỉ phú Nga Prokhorov toan mua lại với giá 380 triệu Euro, nhưng sau nghĩ lại đang thời điểm của khủng hoảng kinh tế, ông rút lại không mua, mất toi tiền đặt cọc là 37 triệu USD.

Villa Leopold

Thời đại độc lập (1960-1965) rối ren và nội chiến, ly khai. Người hùng của độc lập, Thủ tướng Patrice Lumumba bị bắt giết 1961, xác của ông được CIA Hoa Kỳ băm nát và rải trong rừng (Lumumba là nhân vật áo đỏ giữa Obama và Mandela trong bức tranh “Oui, il faut réfléchir” của Cheri Samba trong bài “Bạn biết gì về nghệ thuật Congo?”).

Thủ tướng đầu tiên của Congo, Thủ tướng Patrice Lumumba, khi bị bắt đi hành hình. Ảnh từ trang này

Cơ quan tình báo này giúp Đại tá Mobutu lên cầm quyền năm 1965 và ông vui vẻ nhận lời, ở lại cho đến 1997. Trước khi bị đuổi ông kịp cho xây một bản sao Hoàng thành Bắc Kinh tại quê ông (ông này không nói đến không được, giữa rừng ông dựng lên 3 dinh, dinh thứ nhất cho vợ cả, dinh thứ nhì cho vợ hai, nói qua, hai bà này là chị em sinh đôi, còn bản sao Hoàng thành là nơi ông tịnh dưỡng để tránh nghe chuyện đàn bà).

Tổng thống Mobutu Sese Seko nắm tay bà vợ thứ hai là Bobi Ladawa. Bà này là tình nhân của ông cho tới 1980 thì cưới nhau, sau khi bà đầu qua đời. Hình từ trang này

Khi bố bị lật đổ, con trai Mobutu chạy sang Cộng hòa Congo bên cạnh (phân biệt với Cộng hòa Dân chủ Congo nhé), lên truyền hình mặt mày thất sắc kể “cướp mới vào tận phòng (khách sạn 5 sao nơi ông đang tạm trú) lấy tư trang trên người của vợ tôi”! Nên nhớ bạn này chỉ có mấy ngày trước mới bắn chết tướng Tổng tham mưu quân lực vì tội thiếu cứng rắn dẹp loạn.

Laurent Desire Kabila dẫn đầu một đạo quân ô hợp vào thủ đô như thế nước vỡ bờ. Ông này là nhà cách mạng chống Mobutu từ thập niên 60. Vào thủa ấy, khi “Che” Guevara bí mật sang giúp cách mạng Congo, đã phê Kabila một câu: “Bạn này cách mạng chỉ có rượu và gái”.

Laurent Desire Kabila. Ảnh từ trang này

Thời đại Kabila (1997- ngày nay) cũng rối ren chẳng kém. Ông này bị ám sát (chứ sao!) vào 2001, và con ông lên thay làm tổng thống; triều này có lúc có đến 9 phó tổng thống (mỗi ông đại diện cho một phe phái). Chiến tranh triền miên kiểu lẻ tẻ nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, tuy cường độ thấp nhưng đủ gây đói kém bệnh tật khiến 5 triệu người chết (trên 75 triệu), phần lớn là trẻ em thiếu sữa trong khi mẹ của chúng đang bị hãm hiếp (1/2 triệu nạn nhân). Giờ vẫn đang tiếp diễn và kết cục sẽ ra sao nào ai biết, trong khi chờ đợi thì nô lệ bị các lãnh chúa bắt đào đá quí chắc chẳng kém gì thời Leopold II, tuy các vị tướng lãnh này, nếu có nhà ở bờ biển nước Pháp hẳn phải khiêm tốn hơn.

Lính Cộng hòa Dân chủ Congo tại trại huấn luyện của Liên hợp quốc ở vùng bất ổn. Bài tập là đột nhập và giải cứu con tin. Do lương thấp, do thiết bị không ra đâu vào đâu, lực lượng này lại hay cấu kết với… phiến quân, khiến dân trong vùng mất niềm tin, và hòa bình trong vùng khó mà có được. Ảnh: Brent Stirton

*
Những con số:

– GDP bình quân 2014 theo IMF của Cộng hòa Dân chủ Congo là 437 USD.
– Cộng hòa Congo bên cạnh (thuộc Pháp cũ), là 3159 USD.
– Angola (tức Congo thuộc Portugal cũ), là 5273 USD.
– Việt Nam là 2053 USD.

Cộng hòa Dân chủ Congo tuy vậy vẫn hơn Việt Nam về cách ăn chơi hàng hiệu. Hiện nay ở đây chắc là nơi duy nhất trên thế giới có phong trào mặc áo ngược để cho người ta thấy nhãn chứ!

Dân ăn diện (sapeur) ở Congo DRC. Ảnh: Per-Anders Petersson

Ngoài lãnh vực nghệ thuật được đề cập ở bài về triển lãm tranh ảnh Congo, văn chương Congo gây được quan tâm và chú ‎‎ý tại nước ngoài, nhờ viết bằng tiếng Pháp trực tiếp, nhưng giá trị này cũng có bị sứt mẻ bởi vài xì-căng-đan như có hay không việc Sony Tabou Lansi nhờ vài đồng nghiệp Congo của ông viết hộ hay bà Calixthe Beyala rất hot (Giải tiểu thuyết Hàn lâm viện Pháp) có hay không nháy nhó mấy giám khảo chống gậy của Viện cùng một lượt.

Nhà văn Calixthe Beyala. Ảnh từ trang này

Ý kiến - Thảo luận

2:46 Thursday,16.7.2015 Đăng bởi:  SA
Phần cuối nhắc đến bà Calixthe Beyala.

Chuyện vui phong thanh (mình không có ở đó mà kiểm chứng) là năm 98 được giải, bà được sự ủng hộ của 2 giám khảo lão nam. Hai vị này sau đó mới phát hiện là bà lại được vị kia cùng đỡ đầu!

Beyala có mấy chục đầu sách, bán rất chạy, dịch cả sang tiếng Việt (?), đoạt nhiều giải,được Pháp tặng Bắc đẩu bội ti
...xem tiếp
2:46 Thursday,16.7.2015 Đăng bởi:  SA
Phần cuối nhắc đến bà Calixthe Beyala.

Chuyện vui phong thanh (mình không có ở đó mà kiểm chứng) là năm 98 được giải, bà được sự ủng hộ của 2 giám khảo lão nam. Hai vị này sau đó mới phát hiện là bà lại được vị kia cùng đỡ đầu!

Beyala có mấy chục đầu sách, bán rất chạy, dịch cả sang tiếng Việt (?), đoạt nhiều giải,được Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh (Légion d'honneur).

2007 bà có viết 1 tiểu thuyết hư cấu, "Người đàn ông tặng tôi bầu trời", kể cuộc tình và lén lút của 1 người dẫn chương trình nổi tiếng nhất nước Pháp đã có vợ với 1 thiếu phụ da đen, cuốn sách bị nhạo là "Người đàn ông tặng tôi 1 ngày nghỉ cuối tuần". Sau đó bà đi kiện người dẫn chương trình nổi tiếng nhất nước Pháp (người thật chứ không phải nhân vật hư cấu) về tội nhờ bà thảo 1 quyển sách khác (trò chuyện với văn hào Régis Debray) mà không trả công 200.000 Euro. Bà thắng kiện, không được bầu trời mà được 40.000 Euro.

May cho Congo là đất nước toàn chuyện buồn này còn được biết đến nhờ những chuyện vui của bà Beyala! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả