|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhRichard Avedon: nghĩa đẹp của “khiêu vũ với bầy sói” 31. 07. 15 - 2:07 pmHoàng Lan St và dịchSOI: Bạn Vinh Ma, qua facebook, nhắc lại hồi 2010, trong bài “Đấu giá ảnh Richard Avedon: còn đắt hơn tranh“, Soi có hứa sẽ tìm dịch vài về Avedon. Xin lỗi là quên béng mất. Nay nhờ Vinh Ma mới đi tìm bài… * Sinh năm 1923 tại New York, thời phổ thông Richard Avedon đã bỏ học để tham gia đội nhiếp ảnh của đoàn tàu Merchant Marine (một loạt tàu bè của tư nhân, chuyên chở hàng hóa vào ra nước Mỹ). Khi về đất liền vào năm 1944, Avedon xin làm nhiếp ảnh gia cho một cửa hàng bách hóa. Trong vòng hai năm, ông nhanh chóng lọt vào tầm nhắm của một nhà chỉ đạo nghệ thuật của tạp chí Harper’s Bazaar. Avedon nhanh chóng chụp ảnh cho họ cũng như cho Vogue, Look, và một số tạp chí khác. Trong những năm đầu, Avedon sống chủ yếu nhờ vào chụp ảnh quảng cáo. Tuy nhiên, niềm đam mê thực sự của ông lại là ảnh chân dung và khả năng bộc lộ bản chất chủ thể của dòng ảnh này. Nhờ làm việc nhiều với giới người mẫu và nghệ sĩ tại các tạp chí, Avedon dần nổi tiếng, không lâu sau khi những nhân vật này bắt đầu nhờ ông chụp chân dung cho mình. Suốt cuộc đời mình, Avedon luôn giữ vững phong cách độc đáo của riêng ông trong mỗi tác phẩm. Ảnh chân dung của ông nổi tiếng nhờ tính tối giản, chủ thể sáng sủa, và phông nền trắng.
Một trong những vấn đề nhạy cảm khi chụp ảnh chân dung là nghệ sĩ phải khắc họa được con người “thật” của chủ thể – chứ không áp đặt quá nhiều ý tưởng của bản thân lên họ. Tuy nhiên, Avedon chọn cách tiếp cận trái ngược. Ông công khai thừa nhận rằng với tư cách của một nhiếp ảnh gia – ông là người cầm cương. Cái nhìn của nghệ sĩ quan trọng hơn điều mà chủ thể muốn tự công nhận hay giãi bày. Avedon nói rằng hầu hết mọi người đều có những vấn đề về bản thân mà họ không muốn biểu lộ: “Không nhất thiết phải quan tâm đến bí mật của ai đó. Chính việc người ấy có những phẩm chất mà họ không muốn tôi nhìn ra đã là một điểm thú vị rồi (đủ thú vị cho một bức ảnh chân dung). Tác phẩm sẽ trở thành bức chân dung chụp một người đang cố giấu điều gì đó. Đây chính là cái hay”. Avedon giải thích về việc khắc họa “sự thật” ẩn giấu bên trong một con người: “Trong nhiếp ảnh chẳng có sự thật nào cả. Cũng chẳng có sự thật về bất cứ cá nhân nào. Ảnh chân dung của tôi thể hiện chính bản thân tôi nhiều hơn là thể hiện người tôi chụp. Tôi từng nghĩ rằng ảnh chân dung là một sự hợp tác, rằng nó là kết quả của những gì chủ thể muốn diễn đạt với những gì nhiếp ảnh gia muốn chụp. Nhưng giờ đây tôi không còn nghĩ thế nữa”.
Đa số các tác phẩm của Avedon có nguồn năng lượng và sức sống mãnh liệt. Với mấy bức ảnh thời trang Avedon chụp vào thời kì đầu, ông thường cầm chiếc Rolleiflex của mình rồi… nhảy múa cùng người mẫu trong buổi chụp – và các cô người mẫu cũng tương tác lại bằng cách uốn éo theo. Từ đó ông chụp nên hàng loạt tác phẩm đầy năng lượng, nhộn nhịp và sắc sảo. “Sự bất ngờ là một trong những điểm mạnh của chuyển động. Bạn chẳng thể biết các nếp vải sẽ trông ra sao, hay tóc cô người mẫu sẽ bay như thế nào, bạn chỉ kiểm soát được chúng theo một mức nào đó – và điều bất ngờ luôn xuất hiện. Bạn nhận ra rằng khi chụp chuyển động, ta phải dự đoán được sự bất ngờ ấy trước khi nó diễn ra – bằng không thì sẽ không chụp kịp lúc. Thứ giúp cô người mẫu và bản thân ta tương tác chính là múa, và nó phải vô cùng đồng điệu.”
Ảnh của Avedon cũng giàu cảm xúc: “Để trở thành một nghệ sĩ – hay để trở thành một nhiếp ảnh gia, bạn cần nuôi dưỡng những thứ người khác thường rũ bỏ. Bạn phải nuôi những cảm xúc đó để còn tận dụng chúng. Việc cực quan trọng mà tôi luôn làm trong suốt cuộc đời này là cố không để tuột mất bất cứ thứ gì, cho dù đấy là thứ thiên hạ sẽ đem quăng sọt rác. Tôi cần chạm đến những cảm xúc mong manh của chính mình, đến người đàn ông trong tôi, người phụ nữ trong tôi, đứa trẻ trong tôi, người ông người bà trong tôi. Tất cả những thứ đó, tôi phải duy trì chúng”.
Avedon thường xuyên khai thác đề tài “nỗi sợ hãi” trong các tác phẩm của ông: “Tôi chụp những điều mình sợ, chụp những điều tôi không thể đối phó nổi nếu không cầm máy ảnh. Chúng là cái chết của cha tôi, sự điên rồ, thời tôi còn trẻ – và đàn bà. Tôi không thể hiểu được chúng. Nhưng chụp ảnh chúng, tôi cảm giác rằng mình kiểm soát được mọi thứ, điều này lại chính đáng, vì nhờ thế mà tôi làm tốt công việc của một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Và bằng cách chụp ảnh những thứ mình sợ, hay những thứ mình quan tâm – tôi đã giải tỏa nỗi sợ ấy. Tôi đào thải nó ra khỏi tâm trí và đưa nó lên ảnh”. Trong suốt những năm 1960s, Avedon tiếp tục làm việc cho tạp chí Harper’s Bazaar. Vào năm 1992 ông trở thành nhiếp ảnh gia chính thức đầu tiên của báo The New Yorker, và hai năm sau, Bảo tàng Whitney tổ chức triển lãm tổng kết đời đầu tiên cho Avedon với tên Richard Avedon: Evidence (Richard Avedon: Minh chứng). Triển lãm này tập hợp các tác phẩm của ông trong suốt 50 năm. Làng nhiếp ảnh sau đó còn bầu ông vào tốp 10 nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất thế giới, và năm 1989 Avedon nhận danh hiệu tiến sĩ danh dự từ trường Nghệ thuật Hoàng gia của London. Avedon mất vào ngày 1. 10. 2004, để lại nhiều tác phẩm vô giá cho đời. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|