Nghệ sĩ thế giới

6. 8 – Sinh nhật Andy Warhol: Đời là TV thôi! 06. 08. 11 - 8:54 pm

Khôi Nguyên lọc từ Wikipedia - Soi dịch

 

6. 8 là sinh nhật của Andy Warhol. Sinh ngày 6. 8. 1928, mất 22. 2. 1987, Andrew Warhola là một họa sĩ, nhà làm phim người Mỹ, một gương mặt hàng đầu của phong trào pop art. Andy Warhol là thành viên nổi bật của nhiều nhóm xã hội khác nhau, từ dân Bohemian đường phố, tới nhóm trí thức, rồi giới nổi tiếng, minh tinh, và cả thế giới của những ông chủ giàu sụ. Warhol còn là đối tượng để khi ông mất rồi người ta thi nhau làm sách, làm triển lãm, làm phim tài liệu. Ở thành phố quê nhà ông, Pittsburgh, Pennsylvania có hẳn bảo tàng Andy Warhol để tưởng nhớ ông. Trong ảnh, Andy năm 1963. Ảnh của Dennis Hopper.

2010 – 2011 là cao điểm phong trào thu thập tác phẩm của Warhol (Soi sẽ dịch bài về hiện tượng này). Bức tranh có giá cao nhất của ông là Eight Elvises, vẽ năm 1963, bán năm 2008 với giá US$100 triệu, đến nỗi tờ Economist đã gọi ông là “đầu sỏ của thị trường nghệ thuật”. 100 triệu là giá mà chỉ có Jackson Pollock, Pablo Picasso, Vincent van Gogh, Pierre-August Renoir, Gustav Klimt và Willem de Kooning mới dám mơ.

Những hình ảnh mà Warhol hay sử dụng làm đề tài nhất là đồng đô-la, những người nổi tiếng, những thương hiệu phổ biến. Warhol cũng dùng những chai Coca Cola làm đề tài; ông từng nói như sau: "Điều vĩ đại ở đất nước này là chính Mỹ đã khởi nguồn truyền thống là nơi mà người tiêu thụ giàu nhất cũng mua cùng những thứ căn cơ, căn bản như những kẻ nghèo nhất. Bạn có thể đang xem TV, thấy Coca-Cola, và bạn biết rằng ngài tổng thống đang uống Coca-Cola, Liz Taylor đang uống Coca-Cola, và nghĩ mà xem, bạn cũng có thể uống Coca-Cola y như họ. Một chai Coke là một chai Coke và bao nhiêu tiền cũng không thể mang lại cho bạn một chai Coke ngon hơn chai Coke mà tay vô công rồi nghề ngồi góc đường kia đang uống. Mọi chai Coke là như nhau, và ly Coke nào cũng ngon. Liz Taylor biết điều đó, tổng thống biết điều đó, tay vô công rồi nghề kia biết điều đó, và bạn biết điều đó."

Warhol mất tại New York City ngày 22. 2. 1987 với một lý do rất vô duyên là rối loạn nhịp tim sau mổ túi mật do không được chăm sóc kỹ và nhiễm độc nước (ông giàu thế cơ mà, nằm bệnh viện tốt thế cơ mà!) Trước đó Warhol bị sỏi túi mật nhưng ông vẫn cứ nấn ná không chịu đi bệnh viện vì ông sợ bệnh viện, sợ bác sĩ. Sau khi ông mất, gia đình ông đã kiện bệnh viện. Thi hài ông được các anh em trai đưa về quê là Pittsburgh để chôn. Lễ tang được thực hiện với quan tài để mở. Quan tài làm bằng đồng với những tay vịn mạ vàng và bạch kim. Warhol được bận đồ suit đen bằng cashmere, thắt nơ cổ có họa tiết cánh hoa, một bộ tóc giả bạch kim, và đeo kính râm. Trong ảnh là phác thảo và chữ ký của Warhol.

Lần này thì ông đã ra đi thật. 9 năm trước đó, vào ngày 3. 6. 1968, ông đã bị Valerie Solanas, một nhân vật lìu tìu ở xưởng Factory, bắn. Cô là người theo phong trào nữ quyền ly khai, từng xuất hiện trong phim “Tôi, một người đàn ông” của Warhol, 1968. Sáng hôm đó, cô đến xưởng Factory để đòi lại kịch bản đã đưa cho Warhol. Kịch bản ấy đã bị thất lạc… Warhol bị thương nặng và tưởng đâu đã không qua khỏi (bác sĩ phải mổ lồng ngực ông, xoa bóp tim để kích thích tim hoạt động trở lại). Cú ám sát ấy đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến cả thể chất lẫn đời nghệ thuật của Warhol. Giải thích khi bị bắt, Solanas nói Warhol "đã quá kiểm soát cả cuộc đời tôi". Truyền thông ít nói về vụ này vì sau đó hai ngày, Robert F. Kennedy cũng bị ám sát. Trong ảnh: Valerie Solanas.

Warhol đã nói về vụ tấn công này như sau: “Trước khi bị bắn, tôi vẫn luôn nghĩ mình không sống toàn bộ, chỉ sống một nửa ở đây. Tôi vẫn luôn ngờ rằng mình đang xem TV thay vì sống đời sống thật. Người ta thỉnh thoảng vẫn nói cách thức sự việc xảy ra trong phim ảnh là không thực, nhưng thực ra chính cách thức sự việc xảy ra trong đời mới là không thực. Phim ảnh khiến cho cảm xúc ta mạnh và thực làm sao, nhưng trái lại khi có việc xảy ra thực với ta thì lại hệt như xem truyền hình – ta chẳng cảm thấy (thực) gì cả. Ngay khi bị bắn, và kể từ đó trở đi, tôi biết rằng mình đang xem truyền hình. Kênh có đổi, nhưng tất cả chỉ là truyền hình.” Trong ảnh: Warhol trong một bức ảnh quảng cáo cho chương trình truyền hình do ông sản xuất.

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

8:52 Sunday,7.8.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Andy Wahol là bậc thầy PR, dù bị bắn gần chết vẫn không quên gián tiếp quảng bá cho kênh truyền hình của mình. Đáng nể. Cái triết lý cuộc sống này là ảo giác đâu như đã được hình thành từ thời La Mã, lão Andy chỉ khéo léo thay hình tượng TV vào thôi.
...xem tiếp
8:52 Sunday,7.8.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Andy Wahol là bậc thầy PR, dù bị bắn gần chết vẫn không quên gián tiếp quảng bá cho kênh truyền hình của mình. Đáng nể. Cái triết lý cuộc sống này là ảo giác đâu như đã được hình thành từ thời La Mã, lão Andy chỉ khéo léo thay hình tượng TV vào thôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả