Chính trị

Nhân sinh nhật “anh Ted”: về tình yêu, về thành ý từ nước Mỹ 13. 08. 15 - 9:03 pm

Phạm Tuấn Anh

Đại sứ Hoa Kỳ Ambassador Ted Osius mà mình vẫn gọi thân mật là anh Ted là một người bạn từ thời 1997, lúc mình may mắn được Đại biện Desaix Anderson mời đi dịch cho nhiều buổi gặp quan trọng với các nhân vật lịch sử, các quan chức trọng yếu của Việt Nam. Đến lượt anh Ted thì anh cũng chọn mình đi dịch cho bà Bộ trưởng Ngoại giao Albright, và sau này là khi Tổng thống Clinton thăm Hà Nội. Chính anh, cùng Đại biện Desaix Anderson, cô chú Mike và Chan Eiland, chú Andre Sauvageot, chú Chuck Searcy, và nhiều người bạn Mỹ Việt thân quý khác, đã giúp làm cho con đường của mình vào học cao học ở Princeton được rộng mở lúc mình mới 20-21 tuổi. Có thể nói không ngoa là những gì mình có được ngày hôm nay có công không nhỏ của những người bạn như anh Ted.

Chính vì thế, việc anh Ted quay lại Việt Nam với vai trò Đại sứ Hoa Kỳ là một niềm vui lớn của mình. Nhiều năm nay mình chỉ có một tâm niệm hai mặt, một là làm gì cũng chỉ để gia đình và bạn bè được vui, được đẹp lòng vì mình, và hai là đưa được hai đất nước quê hương Việt Nam và quê mới Mỹ lại gần nhau hơn nữa. Có Đại sứ Mỹ là một người bạn quý giúp cho những điều tâm niệm này của mình được thêm nhiều phần thuận lợi. 

Ted Osius và con trai Tabo tại sân bay Nội Bài, 15. 12. 2014, bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam. Hình từ trang này

Được tham gia vào gần như ngay từ những ngày đầu của quan hệ ngoại giao hai nước được nối lại, mình hôm nay được nhìn thấy nhiều điều như lặp lại. Mới ngày nào mình đi cùng Viên chức Chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ Ted Osius đi ra và đứng chờ cùng đám đông trên đường băng sân bay Nội Bài để đón Đại sứ Mỹ đầu tiên Pete Peterson đến nhiệm sở Hà Nội, thì hôm trước mình lại cùng Đại sứ Ted Osius ra đứng chờ trên đường băng sân bay Andrew AFB để đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mới hôm nào các bạn thân của mình là Việt và Vân sang đóng đồ vào vali để tiễn mình đi du học ở Mỹ, thì cũng mới tuần trước đây một buổi sáng sớm, hai bạn đó tình cờ đang sang thăm mình ở Mỹ lại dậy sớm xếp đồ vào vali rồi đưa mình ra sân bay tiễn mình lên đường về Việt Nam công tác. Tâm niệm cá nhân của mình được thỏa mãn theo những cách xúc động vô cùng như thế. Trong bóng tối, khi máy bay chuyên cơ dần dần hạ độ cao để xuống Nội Bài, mình nghe đi nghe lại “Tôi mong về Hà Nội, để nghe gió sông Hồng thổi…”, mà nước mắt chảy ra không lau kịp.

Những câu chuyện tương tự như của mình có rất nhiều. Trong hai mươi năm qua hai nước đã đến với nhau thật gần gũi, cởi mở. Hoa Kỳ đã chứng tỏ, thông qua những câu chuyện thành đạt cá nhân như mình, rằng tình bạn mà Hoa Kỳ muốn dành cho và nhận lại từ Việt Nam là chân thành. Ở đâu đó trong sâu tâm hồn và tâm khảm Việt Nam vẫn còn những góc khuất, nơi tồn tại sự nghi ngờ thành ý của nước Mỹ hay sự giận dữ với những nỗi đau quá khứ, nhưng trong những tiếp xúc ở cấp cao nhất vừa qua đã có những tuyên bố mạnh mẽ về việc Hoa Kỳ tôn trọng Việt Nam và nền tảng ý thức hệ, chế độ chính trị của Việt Nam – đủ mạnh mẽ để một sự tin cậy lành mạnh có thể bắt rễ.

Để mối quan hệ giữa hai nước được tiếp tục đơm hoa kết trái, vai trò của những người như Đại sứ Ted Osius là vô cùng quan trọng. Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói chính xác rằng Đại sứ là một trong những nhà ngoại giao ngoại hạng của Hoa Kỳ. Vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử chung của hai nước, việc có được Đại sứ là một người yêu, hiểu, chiều, quý Việt Nam thế này là một thứ phúc phận lớn mà số phận mang lại cho đất nước chúng ta, một dấu hiệu về vận nước đã khởi phát. 

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại sứ Hoa Kỳ Ted Ted Osius, tác giả Phạm Tuấn Anh.

Bên cạnh vai trò là một nhà ngoại giao tài giỏi, Đại sứ Ted Osius cũng là một người chồng tuyệt vời trong một hôn nhân đồng tính với hôn phu Clayton Bond. Tuần trước ở Hà Nội mình được vinh dự có mặt tại buổi lễ mà anh Ted và anh Clayton làm lễ tái khẳng định lời thề hôn nhân nhân dịp 10 năm hai người kết hôn. Mình ngất lịm khi biết người chủ lễ là Thẩm phán phó Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Ruth Ginsburg – một người bà 82 tuổi với một trí tuệ siêu quần và một ý chí thép chuyên bảo vệ quyền và ý chí tự do, một người bên cạnh Tổng thống Obama và Giáo hoàng Francis và ngài Dalai Lama mình coi như các hải đăng tư tưởng và hành động của mình – lại chính là người chủ lễ hôm đó. Mình đùa bảo việc này giống như Giáo hoàng Francis đến tận nhà hát Happy Birthday cho mình nhân ngày sinh nhật vậy. Trong cái nóng chiều hè Hà Nội, cụ Ginsburg thấp nhỏ và mặc diện, đọc những lời nguyện ước hôn nhân cho một cặp đôi đồng tính là một hình ảnh siêu thực mình chắc chắn không bao giờ quên.
 

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và hôn phu Clayton Bond, cùng bé Tabo. Hình từ trang này

Nhân ngày sinh nhật 54 tuổi của Đại sứ, anh Ted, mình viết note này để tỏ vẻ thân với anh là chính hahaha… nhưng đồng thời để cảm ơn anh đã giúp mình và giúp đất nước quê mình cải thiện vị thế trên toàn thế giới. Những việc anh làm đã giúp mình từ đứa trẻ kiếm sống ngoài đường Hà Nội được biết tới Princeton, được gặp được bà xã rồi có các con trai xinh tươi ngoan ngoãn, biết bao người Việt Nam khác cũng được hưởng những niềm vui cá nhân tuyệt vời tương tự như của mình khi quan hệ hai nước cải thiện, thương mại và đầu tư phát triển, niềm tin được nâng cao vv… Mình xin chia sẻ những suy nghĩ âu yếm trong ngày sinh nhật người bạn đặc biệt của mình. Dưới đây là note anh Ted mới viết mà mình dịch lại.

*

TÌNH YÊU VÀ MỤC ĐÍCH
Ted Osius

Đêm trước ngày sinh nhật lần thứ 54 của mình, tôi nghĩ tôi đã nghiệm ra được về hai điều trong đời thực sự là có ý nghĩa: yêu và được yêu, và có ý nghĩa hay mục đích nào đó trong những gì chúng ta làm. Không phải lúc nào tình yêu và mục đích cũng song hành với nhau, nhưng tuần này thì việc đó đã xảy ra cho Clayton và tôi và gia đình nhỏ của chúng tôi.

Khi chúng tôi đề nghị Bà Thẩm phán Tối Cao Pháp viện Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg giúp chúng tôi tái khẳng định lời hẹn ước hôn nhân, phải nói thật là chúng tôi nghĩ đầu tiên tới việc làm vậy để khuyến khích cộng đồng LGBT Việt Nam. Chúng tôi nghĩ tới quyết định gần đây của Tối cao Pháp viện cho phép hôn nhân của chúng tôi được thừa nhận ở khắp 50 bang. Là một xã hội dựa trên nền tảng của truyền thống và tập tục nơi gia đình là tất cả, Việt Nam đang dần trở nên cởi mở hơn với ý tưởng về hôn nhân đồng giới. Nghề ngoại giao, như là nghề mà tôi đã chọn theo đuổi, giúp cho cuộc đời của tôi có thêm mục đích. Tôi đã nghĩ rằng việc Thẩm phán Ginsburg giúp tái khẳng định những lời thề nguyện hôn nhân của chúng tôi bằng cách nào đó sẽ vừa giúp cho đất nước nơi tôi đang phụng sự với tư cách Đại sứ Hoa Kỳ và đất nước mà tôi đại diện cùng với những giá trị đang tiến hóa của nó. Nhưng tôi đã không nhận thức được trước việc chúng tôi nhắc lại lời thề ước hôn nhân có ý nghĩa quan trọng thế nào cho chính bản thân chúng tôi. Bây giờ thì những cam kết này có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho hai chúng tôi mà còn cả cho hai con người bé bỏng mà đối với chúng tôi như hai trái tim nằm ngoài lồng ngực là các con Tabo và Lucy.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry trao lời thề phụng sự cho đại sứ Ted Osius, với Osius giơ tay thề, và vị hôn phu Clayton Bond đỡ cuốn Kinh Thánh. Hình từ trang này

Mười năm trước đây khi Clayton và tôi quyết định sẽ dành phần còn lại của cuộc đời với nhau, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cho một buổi lễ đính ước ở vùng Bờ biển phía Đông của bang Maryland, và trong buổi lễ đó người bạn tốt nhất của chúng tôi là Gil đã đồng ý làm chủ lễ. Chúng tôi cũng gần như phút cuối mới quyết định sẽ có một buổi lễ đăng ký pháp lý tại Vancouver, nơi các cặp đôi đồng tính Mỹ sống ở ngoài bang Massachusetts có thể kết hôn hợp pháp. Một quan chức địa phương đã nhập tên chúng tôi vào sổ hôn của Tỉnh bang British Columbia vào cùng ngày mà ở đất nước quê hương chúng tôi Tổng thống George W. Bush kêu gọi đưa ra một Tu Chính án cấm những cuộc hôn nhân như của chúng tôi. Việc chính quyền Canada thừa nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi mang lại cảm giác như được trả đũa vậy.

Vị quan chức phòng hộ tịch làm chủ hôn đã hỏi mỗi chúng tôi: “Ông có nguyện sẽ mang tới cho hôn phu của ông tình yêu của thân thể ông, sự ấm áp của sự đồng hành của ông, và sự kiên nhẫn của lòng thông hiểu của ông hay không? Chia sẻ với ông ấy những nhu cầu cấp thiết và niềm vui của đời sống; tôn trọng nhân phẩm của ông ấy và chấp nhận nhu cầu cần có giao tiếp và nhượng bộ trong hôn nhân của hai ông hay không?” Cả hai chúng tôi đều nói, “Tôi đồng ý.” và đó là điều chúng tôi đã cố gắng làm trong gần 10 năm qua. Gil đã nhắc lại cùng những lời đó trên đảo Tilghman trước gia đình và bạn bè, và rồi sau đó mới hôm thứ Bảy vừa rồi, Thẩm phán Ginsburg cũng đã hỏi lại những câu hỏi đó lần nữa trong phòng khách của chúng tôi tại Hà Nội.

Lần này, khi tôi đeo nhẫn vào ngón tay Clayton và tái khẳng định cam kết của mình “để có và để giữ… từ ngày hôm nay cho tới suốt cuộc đời chúng ta bên nhau,” con trai 19 tháng tuổi của chúng tôi đã vươn người trườn từ tay tôi sang tay Clayton. Có lẽ bởi vì chúng tôi yêu Tabo và em gái 5 tháng tuổi của cháu cuồng nhiệt quá, và bởi vì chúng tôi giờ biết rõ hơn nhiều trước đây là hôn nhân nghĩa là gì, những lời hứa đó giờ mang càng nhiều sức nặng hơn nữa.

Bà Thẩm phán Tối Cao Pháp viện Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg làm lễ tái khẳng định lời thề hôn nhân cho anh Ted và anh Clayton. Hình từ trang này

Cha tôi qua đời vào năm thứ 54 của cuộc đời ông, và có lẽ đây là lý do tại sao tôi lại cảm thấy nhiều suy tư triết lý như vậy vào lần sinh nhật này. Cha tôi đã sống đủ lâu để nhìn thấy Alison, Meg và tôi tốt nghiệp đại học, nhưng không đủ lâu để thấy em gái Lucy tốt nghiệp đại học, hay để thấy các con của ông kết hôn, hay để gặp bất kỳ ai trong số 5 cháu nội ngoại tuyệt vời của ông. Nhưng cha tôi biết tầm quan trọng của việc sống đời sống có mục đích, và ông cũng đã yêu gia đình với một tình yêu cuồng nhiệt.

Ý kiến - Thảo luận

6:22 Friday,14.8.2015 Đăng bởi:  admin
@ Cùng học tiếng Việt: "Vị" ở đây là... "vị" thôi CHTV ơi, giống như trong câu, "vị này không nói gì, chỉ cười", chứ không phải "vị" trong "vị lai".
...xem tiếp
6:22 Friday,14.8.2015 Đăng bởi:  admin
@ Cùng học tiếng Việt: "Vị" ở đây là... "vị" thôi CHTV ơi, giống như trong câu, "vị này không nói gì, chỉ cười", chứ không phải "vị" trong "vị lai". 
0:55 Friday,14.8.2015 Đăng bởi:  Cùng học Tiếng Việt
Hình Ted-Clayton cùng với John Kerry, SOI dùng chữ "vị hôn phu" là bị sai rồi nhé. "Vị hôn phu" dùng chữ vị này 未, nghĩa là "chưa", chứ không phải chữ vị 位 (ghép chữ nhân và chữ lập-đứng), nghĩa là "chỗ". Vị hôn phu là chồng chưa cưới.
Ở đây dùng chữ "hôn phu", tức "chồng", là chuẩn nhất.
...xem tiếp
0:55 Friday,14.8.2015 Đăng bởi:  Cùng học Tiếng Việt
Hình Ted-Clayton cùng với John Kerry, SOI dùng chữ "vị hôn phu" là bị sai rồi nhé. "Vị hôn phu" dùng chữ vị này 未, nghĩa là "chưa", chứ không phải chữ vị 位 (ghép chữ nhân và chữ lập-đứng), nghĩa là "chỗ". Vị hôn phu là chồng chưa cưới.
Ở đây dùng chữ "hôn phu", tức "chồng", là chuẩn nhất. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa - Tranh Trừu Tượng

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả