Nghệ sĩ thế giới

Đến Jeju để xem châu Á nói gì với châu Á 22. 08. 15 - 8:25 am

Ghi chép của Phạm Huy Thông

.

.

Bốn tác phẩm của tôi hiện đang được trưng bày trong triển lãm “Châu Á, đối thoại với châu Á” tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Jeju, Hàn Quốc. Đây là triển lãm đặc biệt, kết nối các họa sĩ ở Jeju nói riêng và Hàn Quốc nói chung với các nghệ sĩ một số nước châu Á. Có gần 70 tác phẩm của 22 nghệ sĩ từ 6 quốc gia: Hàn Quốc, Phi-líp-pin, Trung Quốc, In-đô-xi-a, Ấn Độ và Việt Nam.

Triển lãm được chia làm 3 phần: “Câu chuyện con người”, “Câu chuyện cuộc sống” và “Chân dung của thiên nhiên”. Tuy nhiên sự sắp xếp các tranh trong 3 nhóm này chỉ mang tính tương đối bởi trong mỗi tác phẩm lúc nào cũng ẩn hiện con người và văn hóa của nơi người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm. Triển lãm có sự chung tay của rất nhiều phía, từ chính quyền Tỉnh tự trị đặc biệt Jeju, các đại sứ quán Philippine, Ấn Độ, đến các trung tâm văn hóa, Bảo tàng Nghệ thuật Jeju và Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Jeju…
 

Phòng trưng bày chủ đề “Câu chuyện con người” trong triển lãm

Theo lời ban tổ chức, “đây sẽ là cơ hội để khuếch trương văn hóa đảo Jeju tới thế giới, và cũng là cơ hội đầy ý nghĩa để trải nghiệm và thấu hiểu sự cả sự tương đồng và sự khác biệt giữa các quốc gia trong khu vực thông qua sự quyến rũ của nghệ thuật đương đại châu Á.”
 

Tác phẩm “Confused War” của Teja Astawa người Indonesia

Trước khi đi đến Jeju, tôi chưa kịp tìm hiểu nhiều về đảo này. Khi được người lái xe đón ở sân bay, rồi chạy 45 phút cao tốc mới tới đầu kia của đảo, tôi mới biết diện tích của đảo này hóa ra cũng không phải dạng vừa đâu. Chiều rộng nhất của đảo lên tới 70km. Cả hòn đảo là một ngọn núi lửa lớn (với nhiều miệng núi lửa nhỏ hơn rải rác), nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương. Nhưng 5000 năm rồi núi không phun lửa nữa, nên đây trở thành mảnh đất yên bình về mặt địa chất. Tuy nhiên với vị trí địa lý yết hầu trên biển, Jeju cũng thường xuyên bị các quốc gia hay các tập đoàn quyền lực tranh cướp trong quá trình chinh phạt lẫn nhau. Nhưng nói chung là cả mảnh đất Triều Tiên xưa bị cái số “đắc địa” nó ám, chả riêng gì Jeju. Jeju từng là trại ngựa khổng lồ của quân Mông Cổ, nơi tập trung lương thảo trước khi nhà Nguyên đi đánh các nước trong khu vực. Rồi Jeju từng được quân đội Nhật xây dựng như rào chắn cuối cùng nếu quân Đồng Minh đổ bộ Nhật Bản. Nhưng túm lại là Jeju bây giờ là địa điểm hot về du lịch, nơi được Unesco công nhận di sản thiên nhiên và là nơi các nam nữ sao Hàn khi yêu đương và thất tình đều tìm đến (trong phim).
  

Một góc của đảo Jeju

Giống như nhiều bảo tàng khác ở Hàn Quốc và một số nước phát triển, Bảo tàng Nghệ thuật Đương Đại Jeju nằm ở khu vực hình như rất thưa người ở. Không được may mắn nằm trên các khu đất vàng như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội hay Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tôi lại thấy Bảo tàng Nghệ thuật Đương Đại Jeju có nhiều người đến xem hơn. Khuôn viên ngoài trời của bảo tàng rộng rãi và nhiều cây cối, và tất nhiên là nhiều tượng ngoài trời – Hàn Quốc mà lị. Khối kiến trúc của bảo tàng lợi dụng địa hình, nằm ép bên sườn đồi. Lối đi sảnh chính vào tầng một, loanh quanh một hồi lên tầng hai tiếp tục là các phòng triển lãm, vậy nhưng khi bước ra cửa tầng hai, nơi tưởng là ban công lại là lối ra khác cho phía đồi cao hơn. Khu vực xung quanh bảo tàng là làng nghệ sĩ, có một số ngôi nhà có kiến trúc hết sức kỳ quặc, chắc chỉ có nghệ sĩ mới muốn ở.
    

Một số tượng ngoài trời của Bảo tàng Nghệ thuật Đương Đại Jeju

 

Trái: Tác phẩm “Tiểu Hoàng Tử, Tiểu Công Chúa” 150cm x 150cm của Phạm Huy Thông. Phải: Tác phẩm”Đầu Bếp” 200cmx300cm của Shen Jindong

Đông đúc nhất triển lãm là các củ nghệ Tàu khựa. Có một số cái tên tuy không phải hàng đầu nhưng tương đối nổi hay cụ thể hơn là góp mặt thường xuyên ở các hội chợ nghệ thuật: Shen Jindong, Piao GuangXie, Shang Donghong…
  

Các tác phẩm khác của Shen Jindong trong triển lãm

Có một nghệ Tầu tôi chưa xem tranh bao giờ, nhìn tranh qua ảnh catalo cũng thấy thường thường thôi. Nhưng khi ngắm tranh thật lại rất hấp dẫn, không muốn rời mắt ra. Đó là Qiu Jun với mấy bức tranh đơn giản vẽ mấy cái đầu tượng vứt lăn lóc.
 

Các tác phẩm của Qiu Jun bày trong phòng “Câu chuyện con người”.

Nhóm Indonesia có tranh của 4 họa sĩ, nhưng chỉ có một họa sĩ đến dự được khai mạc. Đó là Dadi Setiyadi với những tranh giễu nhại phục hưng, kết hợp với các truyền thuyết sử thi của Indonesia. Tranh của Setiyadi lấy bố cục các tranh phục hưng châu Âu, thêm thắt vào đó các chi tiết của Indonesia, đôi khi có chút hình ảnh của văn hóa toàn cầu hiện đại, nhưng mầu sắc trong tranh thì hoàn toàn Á châu, không thể lẫn vào đâu được.
  

Các tác phẩm của Setiyadi người Indonesia

 

Tác phẩm “Dewi Sri đản sinh” của Dadi Setiyadi.

Nasirun là một họa sĩ nghe nói rất nổi tiếng ở Indonesia. Nasirun làm những con rối cổ truyền Indonesia rất lớn, những con rối này tuy làm theo motip cổ nhưng lại là những tạo hình hoàn toàn mới.
    

Ba trong số các tác phẩm của Nasirun người Indonesia

Nhóm họa sĩ Ấn Độ gồm có 6 họa sĩ, trong đó gây ấn tượng nhất với tôi là hai họa sĩ Goutam Das và Dilip Mitra. Tranh của Goutam Das rất đơn giản, mang nhiều tính tự sự. Trong tranh của Goutam cũng xuất hiện nhiều dòng chữ góp phần tạo nên kết cấu cho tranh.
   

Tranh của Goutam Das. Trái: “Vô đề” 99c x 119cm. Phải: “Ký ức tuổi thơ” 99cmx211cm

Tranh của các Ấn Độ dùng nhiều mầu tối, các mảng đậm và sâu. Đó là gu của một nền văn hóa, giống như trào lưu “nước cống” hay được sinh viên một trường đại học nào đó ở ta hay dùng khi làm bài bố cục. Kể chuyện này ra có vẻ hơi buồn cười, nhưng không chỉ các họa sĩ Ấn hay dùng mầu tối mà các nhà sưu tập Ấn Độ cũng thích các bức tranh tối om. Trong các tranh tôi bán được, những bức tối om thường do người mua Ấn Độ nhấc về. Thậm chí sau này khi in sách về mấy bức đó, họ hình như còn cố làm cho tranh tôi tối mầu hơn nữa.
    

Một số các tác phẩm khác của các họa sĩ Ấn Độ

Philippines có một họa sĩ được mời bày tranh. Tranh sơn dầu của họa sĩ này có bề mặt phẳng, các khối trong tranh được tạo nên bởi cách dùng đầu nhọn (thường là dao gọt bút chì) cạo bỏ lớp sơn dầu phía trên để lộ ra mầu của lớp lót phía dưới. Kỹ thuật này ít dùng ở ta nhưng không xa lạ với các họa sĩ Thái Lan và Malaysia, Philippines..
 

Tác phẩm của họa sĩ Leslie De Chavez người Philippines

Việt Nam chỉ có một họa sĩ được mời là tôi. Hic. Tôi gửi đến triển lãm này 4 tác phẩm. Năm vẽ các bức này tương đối cách nhau. Hai bức thuộc bộ Tay được vẽ năm 2011 ở Hàn Quốc, rồi chu du qua Singapore triển lãm, trở về Sài Gòn triển lãm tiếp và rồi nay lại được gửi đến Jeju để trưng bày với thiên hạ. Một bức thuộc bộ Tay khác vẽ muộn hơn năm 2012 và một bức chân dung tự họa vẽ năm 2014. Các bức tranh của tôi khi ở nhà thì không hề nhỏ, tốn bao nhiêu là chỗ trong kho của tôi, vậy nhưng khi ra đến bảo tàng thì bé như con muỗi.
 

Tác phẩm “Vâng thưa ngài, Cuộc sống vẫn tươi đẹp!” của Phạm Huy Thông

Các bức tranh thuộc bộ Tay thì các bạn có thể biết rồi, tôi cũng đã có vài bài viết giới thiệu. Mỗi bức Tay trong triển lãm lần này kể về một câu chuyện của Việt Nam, nhưng cũng là câu chuyện của khu vực, của châu lục. Bức chân dung tự họa vẽ năm 2014 là tranh lẻ, không thuộc về một bộ tranh cụ thể nào. Trong tranh tôi vẽ tôi, một người Việt Nam đơn thuần, chìm thân mình dưới nước, chỉ nhô lên tí đỉnh, như một hòn đảo giữa Biển Đông với phần nổi rất nhỏ bé so phần ẩn giấu dưới sâu. Phần nền xung quanh, có vẻ hơi kể lể (nhưng tính tôi là thế) có mô tả thuyền đánh cá (kiểu Việt Nam nhé), tàu cánh sát biển, cá tôm, có cả cá voi và một con rồng và cả tầu ngầm nữa. Phần đại dương tuy là nền xung quanh cho gương mặt, nhưng tôi cố gắng gợi nên sự đa dạng nhộn nhịp về sinh học, thương mại và quân sự giống như Biển Đông của Việt Nam bây giờ. Túm lại bức chân dung này, tuy là tự họa (vì chả nhẽ mượn mặt người khác, vẽ xấu lại rách việc) nhưng tôi muốn vẽ tôi một người Việt Nam như mọi người Việt Nam khác, sống trong bối cảnh hiện tại của đất nước.
 

Tác phẩm “Chân dung tự họa – Xanh thẫm” của Phạm Huy Thông

Các họa sĩ bản địa có không nhiều người, tôi đoán họ người từ địa phương, tác phẩm của họ cũng mang tính địa phương, vẽ nhiều cảnh đẹp của Jeju. Duy chỉ có họa sĩ Youngsul Kwon, đến từ thành phố Busan, tạo ra ấn tượng khác biệt. Tranh của Youngsul vẽ kết hợp giữa bút chì, bút bi, sơn dầu. Trong đó có nhiều mảng được dụng công với rất nhiều chi tiết hấp dẫn. Trong tranh của Youngsul, trong một nhân hình lớn là hỗn độn những cảnh đời sống, cảnh tình ái của rất nhiều những nhân hình nhỏ.
   

Tác phẩm của Youngsul Kwon. Trái: “Ham Muốn” 181cm x 181cm. Phải: “Craving – Siyamatara” 130.3cm x162cm.

     

Một số các tranh khác của các họa sĩ tại địa phương.

Tựa đề của triển lãm là “Châu Á, đối thoại với châu Á”. Vậy rốt cuộc các tác phẩm trong triển lãm này đã đối thoại với nhau được những gì và theo cách nào? Tôi nghĩ, nhiệm vụ của mỗi tác phẩm mang lên một phần văn hóa từ đất nước mình đến triển lãm. Rồi trong không gian của nhưng câu chuyện ấy, mỗi người xem lại nhận ra một cuộc đối thoại, một cách đối thoại khác nhau giữa những bức tranh.
    

Tác phẩm của họa sĩ Trung Quốc Zhang DongHong. Các tác phẩm này có chất tính dục cao, vừa vẽ hoa nhưng lại như vẽ bộ phận sinh dục của giới nữ.

 

Các tác phẩm của nghệ sĩ Trung Quốc Piao Guang Xie bày kín một mảng tường trong phòng “Câu chuyện cuộc sống”

 

Chi tiết tác phẩm của nghệ sĩ Trung Quốc Piao Guang Xie

*

Tôi có đôi chút tự thắc mắc về mong muốn khuếch trương văn hóa đảo Jeju của ban tổ chức. Triển lãm chỉ trưng bày ở bảo tàng ở Jeju thôi, cho dân Jeju và khách du lịch xem nghệ thuật từ các nước khác thì làm sao mà khếch trương được văn hóa đảo Jeju ra thế giới. Trong những ngày được mời tới khai mạc ở Jeju, các nghệ sĩ được tiếp đón rất nồng hậu, được đưa đi tham quan rất nhiều nơi. Đặc biệt, người hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi, ngoài nói chuyện về ẩm thực, về núi lửa, về hang động ống nham thạch trên đảo, còn nói về nhiều thứ khác như những người phụ nữ thợ lặn, về sự xoay chuyển mô hình kinh tế trên đảo Jeju, rồi nói rộng ra về cả sự trỗi dậy của kinh tế Hàn Quốc. Nghe cứ như một cán bộ tuyên giáo cài cắm vào hãng du lịch. Tôi chợt nhận ra vai trò của các nghệ sĩ được mời đến tham dự triển lãm. Chúng tôi chính là những con thuyền chở văn hóa, bưng văn hóa trong tác phẩm đến đóng góp cho Jeju và ngược lại cũng mang những trải nghiệm về Jeju ra thế giới.

Tôi không chắc mình sẽ chở được bao nhiêu cái Jeju về Việt Nam, chỉ hy vọng bài viết này giới thiệu được một hình dung cơ bản về triển lãm đang được bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của đảo. Để hiểu đầy đủ hơn về triển lãm và các tác phẩm, các bạn có thể xem  thêm video .

Trong các bài tiếp theo, tôi sẽ viết giới thiệu qua về một số tác phẩm trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật tư nhân Arario (chi nhánh Jeju) và Bảo tàng Nghệ thuật Jeju (Đây là một bảo tàng khác, không có chữ đương đại trong tên gọi nhưng tác phẩm cũng không vì thế mà kém mới mẻ).

Xin cám ơn.

 

Ý kiến - Thảo luận

20:17 Saturday,22.8.2015 Đăng bởi:  lc
Ối bức tự hoạ Thông giống Tôn ngộ Không quá ! Cũng bởi tranh lắm bàn tay bắt quyết mà,, có chỗ rất giống ...càng cua hua hua chưởng ?!?
...xem tiếp
20:17 Saturday,22.8.2015 Đăng bởi:  lc
Ối bức tự hoạ Thông giống Tôn ngộ Không quá ! Cũng bởi tranh lắm bàn tay bắt quyết mà,, có chỗ rất giống ...càng cua hua hua chưởng ?!? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả