Gẫm & Bình

Xem TAY thấy Mất Mặt 24. 10. 12 - 7:10 pm

Xuân Bình

“Rùa tiến bộ”, Phạm Huy Thông

Tiếp theo triển lãm Đồng bào (2010), Giấc mơ lạ (2011), họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông vừa ra mắt những người yêu mỹ thuật Sài Gòn bộ sưu tập có tên gọi TAY.

Quan sát quá trình sáng tạo gần đây của họa sĩ, ấn tượng mạnh nhất với tôi chính là câu chuyện về sự xê dịch trong không gian địa lý, chuyển dịch trong cảm xúc và biến dịch từ nhận thức của tác giả. Thông đi nhiều nước, tham gia nhiều workshop, liên tục thay đổi đề tài. Đứng bên mỗi tác phẩm của Phạm Huy Thông, điều mà tôi muốn tìm kiếm trước tiên là sự đồng cảm về thái độ sống, cách chia sẻ trách nhiệm của nghệ sĩ – trí thức trước hiện thực đời sống quá nhiều biến dạng bất thường, quái đản. Tôi đã nhận về, đang hấp thụ, sẽ tiếp tục suy nghiệm và thử có vài dự đoán về một hiện tượng Phạm Huy Thông.

Với cách đặt vấn đề như thế, tôi muốn đứng ngoài những bàn tán, lời qua tiếng lại hay sự bình phán. Các quan niệm nghệ thuật, trường phái, phong cách để dành cho các nhà phê bình mỹ thuật. Việc có ảnh hưởng của Pop Tàu, Lê Quảng Hà, Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Mạnh Thắng, Liên Trương, Thái Tuấn hay không cũng chỉ là những việc riêng mà bản thân tác giả sẽ đón nhận, xử lý tiếp trong suốt một lộ trình rất dài và sẽ còn nhiều gian khó của một nghiệp sáng tạo.

Tôi có thói quen đến các triển lãm sau ngày khai mạc. Trước mỗi tác phẩm, tôi thường nhắm mắt rất lâu sau vài phút quan sát tỉ mỉ. Người thưởng ngoạn chủ đích bỏ ngỏ ngôi nhà tinh thần của mình để cho từng bức tranh tự gõ cửa và đi vào những căn phòng, khoảng trống nằm sâu đâu đó bên trong. Sự vắng lặng, yên tĩnh của phòng tranh cộng hưởng tâm trí không màu và bộ nhớ đã tự cho phép gạn lọc lại những nét, mảng mà nó cần. Diện tích của không gian đó rộng hay hẹp, kích cỡ lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu là tùy khả năng khai mở của tác phẩm và tác giả.

Nếu còn thơ bé chắc hẳn một vài thủ pháp của TAY sẽ dẫn dụ, khích lệ tôi ước mơ trở thành họa sĩ chuyên vẽ về những câu chuyện đầy kỳ ảo của một thế giới ẩn chứa thật nhiều những hoàn cảnh khác thường, các nhân vật có sức mạnh siêu phàm, năng lực siêu nhiên. Nếu ở tuổi teen, có thể TAY sẽ gợi ý cho tôi vài ý tưởng xuất sắc về một văn hóa mặt nạ, kéo tôi đến lễ hội đường phố cuồng nhiệt của người Anh ở Notting Hill hoặc mơ về những đêm hội Halloween ở Rio, Brazil.
 
Nhưng tôi đã qua tuổi mơ. Nhiều bấn loạn thời thế đã buộc mỗi con người phải tự hạn chế, điều chỉnh tới tận cùng rất nhiều những dự định lãng mạn. Trong tôi có thừa sự ẩn ức đối với những đề tài, câu chuyện mà Thông đeo đuổi nhiều năm qua. Phía sau ánh mắt cười tinh nghịch của họa sĩ, đời sống, con người Việt Nam và thế giới này đã trở thành một gương MẶT biến dạng, dị dạng. Môi trường sống xô đẩy nhân tính đảo điên, văn hóa suy thoái. Xung đột biên giới, chiến tranh, khủng bố, khủng hoảng kinh tế… trở thành căn bệnh kinh niên trên toàn cầu. Những khát thèm tiền lực, quyền lực vẫn ngự trị thế giới và luôn tấy lên cơn đau nhức từ mỗi tế bào của những kẻ ác quỷ mang một phần hình hài con người. Đồng tiền tạo tác nên một thế giới mới kỳ quái đến mức khó tưởng tượng… Những xung động quá lớn đó mau chóng thúc đẩy Phạm Huy Thông thoát bỏ cái duy mỹ và trở thành cây cọ chính luận.

“Một cuộc hiến tế”, Phạm Huy Thông

Là một người yêu thích nhiếp ảnh tôi từng nghe Ansel Adam (một nhiếp ảnh gia chuyên chụp phong cảnh rất nổi tiếng người Mỹ) nói rằng: chân dung con người là phong cảnh tuyệt vời nhất. Mỗi khi phải đi chụp chân dung cho các chính khách, doanh nhân để kiếm sống tôi luôn lẩm bẩm câu thơ của Phùng Khắc Bắc:
 
Mặt lá nhìn ngửa.
Mặt người nhìn ngang.
Mặt thú lang nhìn xuống
…”

Và khi đối diện mỗi bức tranh của Thông trong tâm trí tôi lại hiện ra thật nhiều nghi vấn, định nghĩa, khái niệm… Có bao nhiêu định dạng MẶT? Tại sao từ bỏ MẶT để chọn TAY? Có bao nhiêu tín hiệu, ký hiệu hay mật mã từ dáng vẻ, kích cỡ hay từng vết vân TAY? Tại sao những điêu khắc cổ ở văn hóa Khme lại là tứ diện, bốn mặt hỉ nộ ái ố?…

Tranh của Thông có kết nối rất chặt chẽ với hiện thực, những vấn đề thời sự. Khi phác họa chân dung trần trụi của hiện thực, tác giả viết ra một cảm nhận khá khiêm nhường:“Tôi muốn xóa bỏ nhân diện cá nhân của các nhân vật, chỉ đề cập họ như là một phần của đám đông (hoặc xã hội), cá tính của họ bị làm mờ và được thay bằng những tính cách chung của con người. Những nhân vật trong bộ tranh này đều không có đầu, mặt; thay vào đó là những bàn tay với đủ các dáng điệu. “
 
Nhưng TAY ra đời trong một đời sống mà tự do bị nghi ngời, cá nhân bị phế bỏ, cá tính đừng nên tồn tại, chẳng nên khích lệ tư duy độc lập, rất cần hạn chế những ước mơ khát vọng. Xã hội chỉ còn là nơi tập hợp của bầy người. Nó nhắc người xem không tính độ dày mỏng của từng lớp da, mau chóng bỏ qua cái bề mặt. Nhìn ngắm những bộ comple ngon lành, những cầu vai nhiều sao, những cái bụng không thể viên mãn hơn và những ngón tay nhăn nhúm, thô kệch, bấn loạn… Mỗi tác phẩm TAY và người xem bất chợt đồng hiện câu hỏi: những kẻ quyền cao, chức trọng, thừa tiền kia có khi nào bất chợt nhìn tranh, soi gương và nhận ra chân dung của mình? Có thể tìm thấy trong TAY thấp thoáng nét mặt một đồng chí X, dung nhan anh Y hay cá tính em Z? Liệu khi nhìn vào những lời phỉ báng nhiều màu sắc, đa nghĩa kia, họ có thể sĩ diện? Trong tâm can họ còn chút liêm xỉ nào để gìn giữ cái thể diện của một con người?

“Một cuộc thi ăn”, Phạm Huy Thông

Viết đến đây tôi muốn liên hệ lại những điều mà Lỗ Tấn từng nghi vấn, từ gần một thế kỷ qua: “thể diện” rốt lại là cái thá gì? Chẳng nghĩ tới thì thôi, nghĩ tới, thấy nó mập mờ lắm. Nó giống như là có đến mấy thứ, mỗi một thứ thân phận thì có một thứ “thể diện”, tức cũng gọi là “mặt”. Cái “mặt” ấy có một đường ranh giới, nếu rơi xuống phía dưới đường ấy tức là mất thể diện, cũng gọi là “bẽ mặt”. Kẻ nào không sợ “bẽ mặt”, tức là “muối mặt”. Trái lại, nếu làm được việc gì vượt lên trên đường ấy, thì “có thể diện”, hoặc nói “mở mặt”. Mà cái nghĩa “bẽ mặt” thì lại tùy người mà không giống nhau.”
 
Vậy là gần một trăm năm trôi qua, mà sao cả Trung Hoa khốn cùng hôm qua, điên đảo hôm nay và Việt Nam suy trầm, gương mặt người luôn khiếm diện, đổi dạng hay biến mất đi? Thay thế vào đó là hàng loạt những hình tượng, biểu tượng hoàn toàn xa lạ với CON NGƯỜI? Nhiều thế kỷ sau sự bất thường vẫn tồn sinh cùng điều bình thường, cái tốt đẹp bị cái xấu truy sát và điều phi nhân vẫn tồn tại đâu đó bên cạnh những giá trị nhân bản? Có lẽ cuộc sống vốn thế, mãi thế. Và chắc hẳn sẽ có nhiều thế hệ họa sĩ sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài này. Hy vọng, kỳ vọng Phạm Huy Thông sẽ góp phần tạo nên một chân dung, khắc họa dáng vóc mới cho hội họa đương đại. Xin chép tặng họa sĩ những câu thơ tiếp theo của Phùng Khắc Bắc:
 

 Khi ta còn ngẩng lên kính ngưỡng
Khi ta còn cúi xuống nguyện cầu
Ta tạo cho mình những dáng đau.

– Nguồn: songmoi.vn  

 

*

TAY
Triển lãm cá nhân của Phạm Huy Thông

Khai mạc: 18g Thứ Bảy ngày 20. 10.  2012
Địa điểm: Craig Thomas Gallery (27i Trần Nhật Duật, P. Tân Định, Quận 1, Tp.HCM)
Liên hệ: Craig (0903888431) hoặc Mai (0908878317) hoặc email: info@cthomasgallery.com

 

**

Về họa sĩ Phạm Huy Thông, mời các bạn đọc thêm:

– Khai mạc Đồng Bào – vẫn còn art talk! 
– Art talk Đồng Bào – đáng lẽ nên tránh xa Chủ Nhật

– 10. 1: Làm sao xem GIẤC MƠ LẠ của Phạm Huy Thông?

– Khai mạc GIẤC MƠ LẠ

– Bộ tranh “TAY” (Hands Series)

– Bộ tranh Tay – Lần này tranh anh Thông giống tranh anh nào?

– Thử “đọc” tranh Thông trong bộ Tay
 

 

***

Bài liên quan:

– TAY của Phạm Huy Thông đã vươn tới Sài Gòn   
– Xem TAY thấy Mất Mặt

– Xem TAY (anh Thông) chỉ thấy MẶT (anh Bình)

 

Ý kiến - Thảo luận

8:35 Wednesday,1.4.2015 Đăng bởi:  ong Bắp

toàn vẽ tranh như minh họa sách báo thế
trường mỹ thuật đúng là chỉ dạy người ta chép tranh là tốt


...xem tiếp
8:35 Wednesday,1.4.2015 Đăng bởi:  ong Bắp

toàn vẽ tranh như minh họa sách báo thế
trường mỹ thuật đúng là chỉ dạy người ta chép tranh là tốt

 
21:30 Friday,26.10.2012 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Có vẽ sơn mài mà Art Viet. Giờ thôi rồi.
...xem tiếp
21:30 Friday,26.10.2012 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Có vẽ sơn mài mà Art Viet. Giờ thôi rồi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả