|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhInside out: Suýt bị đuổi việc mà vẫn làm được phim hay 01. 09. 15 - 10:06 pmPha LêNgày nay, Pixar không còn là hãng chuyên sản xuất phim hoạt hình 3D duy nhất hay đẹp nhất nữa, do hiện giờ Dreamworks đang soán ngôi Pixar về mặt hình ảnh. Thế nhưng ở khoản dẫn dắt câu chuyện thì trên đất Mỹ vẫn không có nơi nào sánh bằng Pixar được. Điều đáng nể là, ngay cả những fan cuồng Pixar hết mực cũng phải công nhận rằng Inside out – tác phẩm mới nhất của hãng hoạt hình này – chẳng kể về cái gì cao siêu cả. Cô bé Riley, nhân vật chính của phim, sinh ra, lớn lên, và đến năm 11 tuổi vì công việc mà bố mẹ Riley phải chuyển nhà từ Minnesota đến San Fancisco sống. Vốn là người vui vẻ, nhưng sự thay đổi dồn dập từ chuyển nhà, chuyển trường, đến việc phải chia ly xa cách với bạn bè thân ở Minnesota khiến Riley bỗng dưng lầm lỳ, khó chịu, thay đổi tính tình.
Tôi hay càm ràm rằng phim hoạt hình Mỹ không hề dở, nhưng đa số cứ bị tình trạng thiếu ý nhị khi nhắc đến bài học, ý nghĩa của phim, hoặc bài học quá ngây ngô nên con nít lúc lớn lên chả thể áp dụng được nữa. Nhân vật chính nói vài câu là ôi thôi bao nhiêu tâm tư ùa ra hết cả, mọi gửi gắm cứ thể nổi lên hết trên bề mặt, tất nhiên dễ hiểu đối với trẻ con rồi nhưng như thế cũng mất đi thú vui khám phá sau này. Sẽ tuyệt vời biết mấy khi một đứa bé xem bộ phim hoạt hình bé thích, rồi mai sau bé lớn lên, lôi phim ra xem lại thì bé sẽ tiếp tục hiểu ra thêm nhiều thứ mới nữa mà hồi nhỏ bé chưa hình dung hết. Không như tôi đây, lúc bé mê mẩn Nàng tiên Cá nhưng khi lớn lại thấy nó vô duyên, đâu ra đứa con gái hy sinh đánh đổi cái hay nhất của mình chỉ vì một anh chàng mà cô ấy chưa từng thực sự chạm mặt hay trò chuyện bao giờ (hèn gì trong sách của Andersen cô nàng mới tự tử). Sau đó tôi đâm buồn vì bộ phim yêu thích hồi bé ấy không theo mình đến lúc lớn được. Nhưng Inside out không phải một bộ phim như vậy, nó sẽ theo đứa bé – lẫn bố mẹ chúng – đến suốt cuộc đời của họ. Lúc Riley chào đời ở Minnesota, năm nhân vật tượng trưng cho năm cảm xúc thành hình trong đầu cô bé: Vui, Buồn, Sợ Hãi, Ghê Tởm (rạp của mình dịch thành Chảnh Chọe), và Giận Dữ. Năm cảm xúc này sống tại nơi mà họ gọi là “cơ quan đầu não”, với nhiệm vụ giúp Riley sống một cuộc đời tốt đẹp. Như Sợ Hãi sẽ giúp Riley cẩn thận, đi đứng an toàn, không liều mạng trèo cửa sổ hay leo cây quá cao. Vui sẽ giúp Riley tươi cười, Ghê Tởm sẽ là yếu tố khiến cô bé ghét thứ gì đó, ví dụ như ghét nhện hay không thích ăn rau.
Mỗi lúc Riley có trải nghiệm gì, một quả cầu ký ức sẽ xuất hiện tại trung tâm đầu não, và quả cầu sẽ mang màu của cảm xúc mà cô bé có với trải nghiệm này. Ví dụ như trải nghiệm vui thì quả cầu sẽ mang màu vàng, buồn là xanh dương, ghê tởm là xanh lá, giận giữ là đỏ. Vào mỗi ngày, năm cảm xúc ở cơ quan đầu não sẽ đưa đa số những ký ức ấy đi phân loại ở các vùng trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn. Nhưng lâu lâu khi Riley trải nghiệm việc gì đấy quá sâu đậm, quả cầu ký ức lõi sẽ hiện ra và sẽ nó sẽ nằm vĩnh viễn ở cơ quan đầu não. Một quả cầu ký ức lõi sẽ cho ra đời một “đảo tính cách” và các đảo sẽ ảnh hưởng lên cuộc sống của cô bé. Lúc mở đầu phim thì năm quả cầu ký ức lõi của Riley đều có màu vàng vui vẻ, và đảo tính cách của Riley cũng tràn ngập niềm vui.
Cô nàng Vui gần như là chỉ huy của cả bọn do ai mà không muốn thấy Riley cười? Tuy nhiên, lúc gia đình cô bé chuyển nhà, vì Riley quá buồn nên trung tâm đầu não nhận được quả cầu ký ức lõi mang màu xanh. Không muốn điều này ảnh hưởng tới cô bé, Vui tìm cách nạy quả cầu buồn ra khỏi trung tâm. Hậu quả là Vui, Buồn, cùng năm quả cầu ký ức lõi màu vàng bị đẩy ra ngoài cơ quan đầu não, dẫn đến việc đảo tính cách của bê bé mất điện, và lúc này trong đầu Riley chỉ còn Sợ Hãi, Giận Dữ, và Ghê Tởm.
Để giúp cô bé trở lại như bình thường, Vui với Buồn gấp rút tìm cách quay về phòng chỉ huy với các ký ức lõi trước khi quá muộn. Mất đảo tính cách rồi, ai sẽ đảm bảo rằng Riley không làm những điều mà sau này bé sẽ hối hận? Nhờ hiện thực hóa các cảm xúc thành nhân vật mà đạo diễn Pete Docter của Pixar đã biến câu chuyện đơn giản thành một chuyến phiêu lưu đầy kỳ thú. Để về trung tâm, Vui và Buồn cần băng qua khu ký ức ngắn hạn, ký ức dài hạn, chạy tới vùng đất tưởng tượng, sa vào bãi “rác” nơi các ký ức vụn vặt không quan trọng bị đem đổ, đến phim trường giấc mơ, leo lên con tàu chở suy nghĩ v.v… Não người luôn chứa bao điều mới lạ hấp dẫn và bí ẩn mà. Pete Docter tận dụng những cái hay của bộ não con người – trong trường hợp này là của một cô bé 11 tuổi – để tạo dựng nên cái kiến trúc tổng thể cho bộ phim. Tận mắt xem các hoạt động của não bộ dưới dạng vùng, dạng khu, trong hình hài các nhân vật sống tại một xã hội thu nhỏ có tổ chức hẳn là rất thú vị đối với cả người lớn lẫn trẻ con. Và do cảm xúc hay sự vận động não luôn hiện diện trong mỗi con người chúng ta, nên những vùng đất, những nhân vật kỳ thú này vẫn giữ được nét gần gũi, chứ không chỉ “đèm đẹp là lạ” theo kiểu chẳng mang chút cốt lõi ý nghĩa gì.
Nhờ hiện thực hóa các cảm xúc thành tuyến nhân vật cũng như biến hoạt động suy nghĩ thành chuyến phiêu lưu, đạo diễn giữ cho Inside out luôn hấp dẫn mà không cần nhét nhân vật ác ôn nào vô phim hết. Ai cũng hiểu làm một phim đủ hấp dẫn trẻ con mà không có cao trào, không có “cái ác” để chiến đấu vượt qua thật vô cùng khó. Đâu phải tự nhiên mà thế giới có một lượng các bậc phụ huynh thích cho con xem phim Miyazaki hơn các phim hoạt hình khác, đó là vì nhiều phim của ông luôn vắng mặt nhân vật phản diện nhưng vẫn hay, vài phụ huynh thích thế do chẳng phải đứa bé nào cũng nuốt nổi hình ảnh… ác quỷ. Như tôi biết lắm bạn từng bị bà phù thủy bạch tuộc trong Nàng tiên Cá ám, tới mức sợ không dám tắt đèn ngủ. Nhưng không có phù thủy thì lấy đâu ra cao trào, đâu ra cảnh hoàng tử lái tàu đâm lủng bụng bạch tuộc để cứu người yêu? Khổ thế! Bởi vậy thật thích khi cuộc hành trình lấy lại cảm xúc vui và buồn của một cô bé con là điểm cuốn hút lẫn hấp dẫn người xem nhất khi thưởng thức Inside out, chứ không phải một ông kẹ nào đấy. Và để tạo ra cái cốt truyện, tạo ra các tình tiết hấp dẫn như vậy là chẳng dễ chút nào. Đạo diễn Pete Docter nhen nhóm ý tưởng cho Inside out rất lâu rồi, từ khi anh đọc tài liệu tâm lý nói rằng bé gái sẽ giãi bày đa dạng các kiểu cảm xúc sớm hơn bé trai. Nhưng anh loay hoay gần 4,5 năm mà không biết dẫn dắt câu chuyện sao cho hay. Pete từng tuyệt vọng đến mức anh chắc mẻm rằng mình sắp bị Pixar… đuổi việc, vì qua chừng ấy năm rồi mà truyện phim vẫn chưa đâu ra đâu. Không ngờ ngay lúc nghĩ mình sắp bị đuổi, Pete nhận ra rằng anh buồn bã vì anh yêu công ty lẫn yêu đồng nghiệp của mình, chính nỗi buồn này thúc đẩy anh tiếp tục cố gắng với Inside out để tiếp tục được làm việc cùng các bạn tại Pixar. Pete bỗng hiểu nỗi buồn cũng quan trọng chẳng kém niềm vui. Thế nên nhân vật Vui mới bị hút văng ra khỏi trung tâm đầu não cùng nhân vật Buồn, và người này phải cố chịu đựng người kia để còn quay về giúp bé Riley. Cũng nhờ các rắc rối nảy sinh từ việc “hai nhân vật trái tính nết bị bắt buộc hợp tác với nhau” mà phim trở nên kịch tính, hấp dẫn hơn. Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ thích Inside out ở mức độ vừa phải thôi. Nhưng không ngờ nó lại là một trong những tác phẩm đáng xem nhất mùa hè này. Chẳng có lý do gì để bỏ rơi Inside out hết, kể cả nếu như bạn nghe ngóng đâu nói rằng Inside out đạo ý tưởng của một phim Nhật. Đúng là Nhật có phim tên Poison Berry, kể về một cô gái gặp một câu trai, cô thích cậu nhưng năm tính cách trong đầu cô choảng nhau để cân nhắc xem cậu này có đáng để cô “tiến tới” hay không. Quả là Poison Berry có điểm chung với Inside out, và Poison lại phát hành trước. Tuy nhiên một bên là phim tình yêu cho thanh niên, bên kia là đề tài hoàn toàn cho trẻ con, xét kỹ thì Inside out không giống y xì đến mức “đạo văn”. Với lại Pete trầy trật với Inside out trong chừng ấy năm đến xém bị đuổi việc kia mà, phim hoạt hình phát hành sau nhưng thời gian phôi thai của hai tác phẩm không chênh nhau mấy để Pete có thể “đạo” được điều gì. Ngoài ra, như bao đạo diễn khác ở Pixar, Pete luôn giữ liên lạc với các đồng nghiệp Nhật. Trong phim Inside out có đoạn bé Riley ghét ăn bông cải xanh – do đây là thứ rau con nít Mỹ hay ghét. Nhưng lúc chiếu thử cho các đồng nghiệp Nhật, họ phản ánh với Pete rằng đoạn này mà đem chiếu ở Nhật thì e trẻ em Nhật không hiểu, do con nít Nhật thích bông cải xanh lắm, chúng ăn ào ào ấy. Pete mới hỏi vậy con nít Nhật ghét ăn gì, mấy ông Nhật mới trả lời là chúng ghét… ớt chuông. Pete nói điều này với Pixar và hãng phim đặc cách, sửa lại cảnh Riley không thích măm bông cải xanh thành cảnh Riley nhăn nhó với ớt chuông cho phiên bản chiếu ở Nhật của Inside out. Nếu Pete có ý gian muốn đạo phim của Nhật thì các bạn bè xứ anh đào đã nhắc nhở, khiển trách anh đạo diễn rồi, nhìn chung họ vẫn còn đau sau khi Disney chôm phim Sư tử trắng Kimba để làm Vua sư tử Simba mà.
Bởi vậy ai cũng có thể thanh thản lương tâm đi xem phim nhé, coi như để tự tạo một quả cầu ký ức đẹp cho mình lẫn con cái mình. * Lịch chiếu: Hà Nội Tp.HCM
Ý kiến - Thảo luận
13:35
Wednesday,2.9.2015
Đăng bởi:
Admin
13:35
Wednesday,2.9.2015
Đăng bởi:
Admin
@ dim: Soi sửa lại rồi bạn nhé.
12:30
Wednesday,2.9.2015
Đăng bởi:
dim
"Giận dữ", ko phải "Giận giữ" nhé Soi.
...xem tiếp
12:30
Wednesday,2.9.2015
Đăng bởi:
dim
"Giận dữ", ko phải "Giận giữ" nhé Soi.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
@ dim: Soi sửa lại rồi bạn nhé.
...xem tiếp