Nghệ sĩ Việt Nam

Bến Trà Không:
Kiểu gì cũng phải đến thôi 03. 11. 10 - 9:14 am

Thông tin từ Ga 0

(SOI: Dự án này Soi thấy rất hay. Hoan hô Ga 0, với mỗi hoạt động cụ thể thế này, các bạn lại cung cấp cho mọi người một khái niệm để ngẫm nghĩ).

Nguồn: public-domain.zorger.com

Ga 0 xin trân trọng giới thiệu dự án nghệ thuật Bến Trà Không của Thiên Thu Bình, một sinh viên đang học ngành hạ tầng đô thị tại đại học kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.

Là sáng lập viên của “Mộ trà hội”, một nhóm các bạn trẻ có chung sở thích uống trà, lần này Thiên Thu Bình muốn sử dụng Ga 0 như một “bến” dừng, nơi trà và các buổi uống trà sẽ trở nên một “cú pháp” để qua đó, anh thiết tạo nên một không gian trao đổi tương tác thực sự, có khả năng sản tạo ra các giao tiếp và tri thức thuộc xã hội.

 

Dự án có cấu trúc như sau:

Thiên Thu Bình sẽ chuyển hóa toàn bộ không gian vật lý của Ga 0 thành một khu vực dành riêng cho việc uống trà, với tiền sảnh của Ga 0 sẽ là nơi anh lập ra một bàn rửa tay cho khách tới uống trà, và với không gian trưng bày bên trong của Ga 0 sẽ trở thành một không gian thưởng trà, cả trà xanh và trà đen.
Khách tới uống trà sẽ có nhiều thành phần khác nhau, trong đó có cả khách vãng lai và cả những khách do Thiên thu Bình trực tiếp mời tới.
Điều thú vị ở đây là trong không gian do Thiên thu Bình thiết tạo nên, tất cả các đồ vật đều sở hữu gíá trị sử dụng- và thực sự chúng chính là những đồ vật dành cho các thao tác pha trà, uống trà, hay nghỉ ngơi.

Việc hoàn toàn không có gì để-xem trong không gian này đã giải hóa toàn bộ tính chất trưng bày, hay biểu tượng của  một không gian có tính triển lãm, tức không gian nghệ thuật,  để chuyển hóa nó thành một không gian khác – không gian để sử dụng, không gian xã hội.

Chính ở đây, Thiên Thu Bình đã xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật, văn hóa, và cuộc đời, biến cái biểu tượng (the symbolic) thành cái trực tiếp (the direct) và cái ẩn dụ (the metaphor) thành cái bề mặt (the surface). Hành vi xóa nhòa ranh giới này của Thiên Thu Bình cũng đã vô hình chung giải hóa luôn cái khái niệm “xem” – có tính khách quan và đặt cơ sở trên tiến trình mỹ học hay phản mỹ học của một công chúngnghệ thuật- và tạo ra một môi trường của sự tham dự, của sự dấn thân dành cho những người tham gia vào dự án của anh.

Thật vậy, khách tới với dự án của Thiên Thu Bình sẽ tùy ý, hoặc là tham dự vào bàn trà do anh làm chủ, và ở đó, họ có thể trao đổi nói chuyện với nhau, hay im lặng thưởng trà; hoặc cũng chính những khách ấy có thể đi ra gian ngoài với các ấm trà xanh, để ngồi chơi, nghe nhạc, im lặng hay nói chuyện với nhau.
Điều mà họ thu được trong dự án này sẽ không phải là một kinh nghiệm thẩm mỹ, hay phản thẩm mỹ được sắp đặt trước cho “cái ngã” nghệ thuật của họ.Trái lại, ở đây, bản thân toàn bộ cơ thể của họ sẽ được tạo điều kiện để chủ động nghỉ ngơi và chìm nhòa vào một không gian xã hội, không gian giao tiếp kiểu đời thường. Nói cách khác, điều họ có được khi tham dự vào dự án này chính là một kinh nghiệm sống có thật trong một không gian giao tiếp xã hội có thật.

Cách tiếp cận này của Thiên Thu Bình, về mặt lý thuyết nghệ thuật, trùng khít với cái gọi là mỹ học vị quan hệ (relational aesthetic) do triết gia Pháp Nicolas Bourriaud.

Theo định nghĩa của Triết gia này: Nghệ thuật có tính vị quan hệ là “một tập hợp các thực hành nghệ thuật coi điểm xuất phát về mặt thực hành của chúng là toàn bộ các mối quan hệ và văn cảnh xã hội của con người chứ không là các không gian cá nhân và độc lập. (Bourriaud 1998, tr. 113).

Các tác phẩm nghệ thuật này tạo ra một không gian xã hội mà ở đó mọi người cùng nhau tham gia vào một hành vi chung. Theo Bourriaud “vai trò của tác phẩm nghệ thuật giờ đây không còn nhằm để tạo ra các thực tại kiểu tưởng tượng và không tưởng (utopian) nữa, mà chính là những phương cách sống và các mô hình hành động có sẵn trong hiện thực đời sống theo các khuôn khổ do nghệ sỹ lựa chọn.” (1998, tr. 13).

Nhìn từ góc độ này- Ga 0 trân trọng mời quý vị đến với dự án Bến-Trà –Không của Thiên Thu Bình.

Dự án này hân hạnh được tài trợ bởi Trà Việt : www.traviet.org; Đông Sơn Tea, www.dongsontea.com; và Gốm Việt, www.gomviet.net

Địa chỉ của Bến Trà Không: 91 A Đinh Tiên Hoàng, P 3. Q. Bình Thạnh, TP HCM.

Dự án sẽ khai mạc vào thứ bảy ngày 6 tháng 11 năm 2010, và kéo dài tới ngày 28 tháng 11 năm 2010
Sau ngày khai mạc, các buổi uống trà sẽ diễn ra đều đặn vào mỗi thứ bảy và chủ nhật của  bốn tuần trong tháng 11

Cụ thể là:

TUẦN 1 CỦA THÁNG 11 NĂM 2010
Thứ Bảy 6 tháng 11 năm 2010
18:00 Khai mạc
Chủ Nhật 07 tháng 11 năm 2010
9:00 mở cửa – 21:00 đóng cửa

TUẦN 2 CỦA THÁNG 11 NĂM 2010
Thứ Bảy 13 tháng 11 năm 2010
18:00 Khai mạc
Chủ Nhật 14 tháng 11 năm 2010
9:00 mở cửa – 21:00 đóng cửa

TUẦN 3 CỦA THÁNG 11 NĂM 2010
Thứ Bảy 20 tháng 11 năm 2010
18:00 Khai mạc
Chủ Nhật 21 tháng 11 năm 2010
9:00 mở cửa – 21:00 đóng cửa

TUẦN 4 CỦA THÁNG 11 NĂM 2010
Thứ Bảy 27 tháng 11 năm 2010
18:00 Khai mạc
Chủ Nhật 28 tháng 11 năm 2010
9:00 mở cửa – 21:00 đóng cửa

Xen lẫn các buổi uống trà sẽ có các buổi thảo luận, trao đổi, hay đàn hát do các khách mời Thiên Thu Bình mời tới uống trà và trao đổi bên bàn trà

Click vào link này để xem phim tài liệu về Thiên Thu Bình trên trang vimeo
http://www.vimeo.com/16344666

Trân trọng!

Mọi thông tin xin liên lạc với cô Quỳnh Giao info@zerostation.vn hay/và zerostationvietnam@gmail.com

Giám đốc nghệ thuật  của ZeroStation

Như Huy

*

Bài liên quan:

– Bến Trà Không: Kiểu gì cũng phải đến thôi 
– D.Q thắc mắc với Như Huy 
– Như Huy trả lời D.Q 
– Về mỹ học vị quan hệ (phần 1)
– Mỹ học vị quan hệ (phần 2)
 

Ý kiến - Thảo luận

19:20 Thursday,4.11.2010 Đăng bởi:  DQ
Haizz, cái dự án của Bình thì mình không có ý kiến gì. Nhưng bài giới thiệu của ga 0 do Như Huy viết thì thật là không hay chút nào. "Điều thú vị ở đây là trong không gian do Thiên thu Bình thiết tạo nên, tất cả các đồ vật đều sở hữu gíá trị sử dụng- và thực sự chúng chính là những đồ vật dành cho các thao tác pha trà, uống trà, hay nghỉ ngơi." Câu này anh viết
...xem tiếp
19:20 Thursday,4.11.2010 Đăng bởi:  DQ
Haizz, cái dự án của Bình thì mình không có ý kiến gì. Nhưng bài giới thiệu của ga 0 do Như Huy viết thì thật là không hay chút nào. "Điều thú vị ở đây là trong không gian do Thiên thu Bình thiết tạo nên, tất cả các đồ vật đều sở hữu gíá trị sử dụng- và thực sự chúng chính là những đồ vật dành cho các thao tác pha trà, uống trà, hay nghỉ ngơi." Câu này anh viết vậy là để nói gì, tôi thấy thừa quá.

"Việc hoàn toàn không có gì để-xem trong không gian này đã giải hóa toàn bộ tính chất trưng bày, hay biểu tượng của một không gian có tính triển lãm, tức không gian nghệ thuật, để chuyển hóa nó thành một không gian khác – không gian để sử dụng, không gian xã hội." => anh có thể lý giải, việc này có thể thay thế bằng cách, một quán trà nào đó, cho khách uống trà miễn phí một tháng không.

"Điều mà họ thu được trong dự án này sẽ không phải là một kinh nghiệm thẩm mỹ, hay phản thẩm mỹ được sắp đặt trước cho “cái ngã” nghệ thuật của họ.Trái lại, ở đây, bản thân toàn bộ cơ thể của họ sẽ được tạo điều kiện để chủ động nghỉ ngơi và chìm nhòa vào một không gian xã hội, không gian giao tiếp kiểu đời thường. Nói cách khác, điều họ có được khi tham dự vào dự án này chính là một kinh nghiệm sống có thật trong một không gian giao tiếp xã hội có thật."

Điều Như Huy muốn nói ở đây là gì, tại sao khách phải cất công tới đây để uống trà, thay vì tới một quán trà nào đó. Phải chăng lý do họ tới vì uống trà ở đây không mất tiền? Nếu không mất tiền, tức là họ đã được đẩy vào một tình trạng không chủ động trong giao tiếp thông thường, tức là họ bị tước đi cái quyền trao đổi hàng hóa.

Để anh đi tới việc dẫn một câu của một triết gia (chữ này anh viết hoa hơi bừa bãi thì phải :D) “một tập hợp các thực hành nghệ thuật coi điểm xuất phát về mặt thực hành của chúng là toàn bộ các mối quan hệ và văn cảnh xã hội của con người chứ không là các không gian cá nhân và độc lập. (Bourriaud 1998, tr. 113).

Vậy với câu viện dẫn đó, anh có thể chỉ ra văn cảnh ở đây là như thế nào không. Và nữa, phải chăng đây vẫn là một dự án thu nhỏ phạm vi lẫn giới hạn về mặt công chúng. Bởi nếu có một trải nghiệm thực, tôi có thể chạy tới quán trà mà.


Mến 
11:25 Thursday,4.11.2010 Đăng bởi:  Nick Nick Nick
Không gian giao tiếp như vậy có lẽ không nên nói là có thật, mà đúng hơn là không gian "nhân tạo" giống như người tự nhiên (do cha mẹ mang thai, sinh ra một cách tự nhiên) và người "nhân tạo"- rô-bốt. Vì mình nghĩ, nếu khách vãng lai đến uống trà thì phải trả tiền (như là đến quán trà có thật) chứ nhỉ... Nếu cứ áp dựng việc "giải hóa" không gian nghệ thuật thành k
...xem tiếp
11:25 Thursday,4.11.2010 Đăng bởi:  Nick Nick Nick
Không gian giao tiếp như vậy có lẽ không nên nói là có thật, mà đúng hơn là không gian "nhân tạo" giống như người tự nhiên (do cha mẹ mang thai, sinh ra một cách tự nhiên) và người "nhân tạo"- rô-bốt. Vì mình nghĩ, nếu khách vãng lai đến uống trà thì phải trả tiền (như là đến quán trà có thật) chứ nhỉ... Nếu cứ áp dựng việc "giải hóa" không gian nghệ thuật thành không gian xã hội như thế này, biết đâu mai kia nơi đây lại có Bến Phở không, bến bún bò không, bến buffet không... không chừng... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả