Bàn luận

Như Huy trả lời D.Q 05. 11. 10 - 1:38 pm

Như Huy từ Ga 0

(SOI: Sau cmt của bạn D.Q trong bài “Bến Trà Không: Kiểu gì cũng phải đến thôi”. Như Huy có bài trả lời. Tiếp theo sẽ một bài dịch liên quan đến chủ đề này.)

 

Thân gửi bạn D.Q.

Trước hết rất cảm ơn bạn đã đặt ra những câu hỏi cho dự án của Thiên Thu Bình, và nhất là cho bản thông cáo báo chí của chúng tôi về triển lãm này.

Trước khi trả lời các thắc mắc của bạn. Cho phép tôi bàn một chút về không gian ga 0 của chúng tôi

Nói một cách không hề khách sáo chút nào, sự quan tâm của các bạn cũng chính là một lý do để chúng tôi vận hành Ga 0
Ga 0 của chúng tôi – qua ba dự án cho tới nay, cũng đã rất tập trung vào khía cạnh trao đổi và thảo luận với công chúng nói chung.
Bạn có thể vào trang web của ga 0, hay vào facebook của ga 0 sẽ thấy rõ điều này.

Có thể nói – mục đích chủ yếu của chúng tôi hiện tại là tìm cách làm sao bắc một nịp cầu giữa công chúng và nghệ sỹ, giữa thực hành nghệ thuật và đời sống. Điều này không biết chúng tôi có làm được không, song – trong thời điểm này – đây chính là kim chỉ nam cho chúng tôi – bởi một lẽ đơn giản, nghệ thuật và nghệ sỹ, không bao giờ có thể tách khỏi không gian diễn ngôn trực tiếp và trực thời của nó – được tạo nên bởi các mối quan tâm có thực của công chúng xung quanh họ
Ngay khi nó tìm cách thoát khỏi không gian trực tiếp và trực thời ấy- nó mất ngay cái raison d’être của nó – cái lý do tồn tại của nó
Và đây chính là điều thể hiện qua slogan của chúng tôi: How to Transform from Acting to Action (làm sao chuyển hóa từ diễn sang đời)

 Nói thế để thấy các mối quan tâm của các bạn chắc chắn luôn là điều mà chúng tôi hướng tới, nếu không muốn nói, đó còn chính là lý do chủ yếu cho các hoạt động nghệ thuật của chúng tôi

 Một lần nữa xin cảm ơn về sự quan tâm của bạn.

 *

Bây giờ trở lại về dự án của Thiên Thu Bình. Xin lưu ý với bạn, trong dự án này, Ga 0 chỉ sắm vai trò người điều phối, tổ chức, và tài trợ cho dự án, chứ không hề đóng vai giám tuyển, hay “nhà phê bình nghệ thuật”
Chính vì thế, tôi sẽ không thể nói gì được tới những khía cạnh liên quan tới bản thân dự án của Thiên thu Bình – một dự án mà bản thân chúng tôi thấy rất thú vị (và đó là lý do chúng tôi tài trợ, tổ chức và điều phối cho nó), nhất là ở khía cạnh – như chúng tôi đã đề cập trong bản thông cáo – giải hóa tính chất biểu tượng của một không gian nghệ thuật – và thay vào đó là cung cấp một không gian thảo luận xã hội – dưới hình thức của các buổi uống trà.

Để bàn về thắc mắc đầu tiên của bạn,

“Điều thú vị ở đây là trong không gian do Thiên Thu Bình thiết tạo nên, tất cả các đồ vật đều sở hữu gíá trị sử dụng – và thực sự chúng chính là những đồ vật dành cho các thao tác pha trà, uống trà, hay nghỉ ngơi.” Câu này anh viết vậy là để nói gì, tôi thấy thừa quá.

Việc hoàn toàn không có gì để-xem trong không gian này đã giải hóa toàn bộ tính chất trưng bày, hay biểu tượng của một không gian có tính triển lãm, tức không gian nghệ thuật, để chuyển hóa nó thành một không gian khác – không gian để sử dụng, không gian xã hội.” =>; anh có thể lý giải, việc này có thể thay thế bằng cách, một quán trà nào đó, cho khách uống trà miễn phí một tháng không.

Có lẽ xin phép cho tôi dài dòng một chút.

Ở đây có một điều như sau. Như chúng ta đã biết, khái niệm về nghệ thuật như ta hiểu và đang sử dụng để trao đổi với nhau hiện tại không phải là một khái niệm tự nhiên mà có. Cho tới cuối thế kỷ thứ 19, trong Cuốn từ điển Pettit lexique annamite – francais của Pilon (1908) cũng chưa có “nghệ thuật” và “mĩ thuật”., còn trong văn bản hán Nôm, Xét trong các văn bản Nôm, theo thông tin cung cấp từ nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Cường, (phần lớn là từ trước thế kỉ 20), không hề có từ “nghệ thuật”, “mĩ thuật”, “mĩ nghệ”, “nghệ thuật gia” “nhà nghệ thuật”, “nghệ nhân”, “nghệ sĩ”.
Khái niệm nghệ thuật như chúng ta đang hiểu và sử dụng hiện nay – là một khái niệm hoàn toàn mới được du nhập vào Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.

Lịch sử của khái niệm nghệ thuật có nguồn gốc phương Tây này rất dài dòng – và có lẽ ta phải truy ngược lại tới tận thời Hy Lạp để tìm hiểu về nó. Song ở đây, tôi chỉ xin chọn cái mốc vào thế kỷ 17, khi Immanuel Kant lần đầu tiên lý thuyết hóa về “cái đẹp”, và rồi về chính cái gọi là “mỹ thuật” [fine arts], phân biệt với các loại hình nghệ thuật ứng dụng.
(Xin lưu ý rằng rất có thể bạn đã biết rõ những khái niệm này – ở đây tôi chỉ muốn làm rõ ra một chút để cho các bạn nào chưa nắm sẽ có thể theo dõi được cuộc trao đổi của chúng ta)

Để nói rất vắn tắt – theo quan điểm của Kant, “mỹ thuật là một dạng thực hành khác với tự nhiên ở chỗ nó là một sản phẩm nơi sự tự do của con người. Nó phải tuần theo sự ngẫu hứng dẫu cũng phải có một luật lệ nhất định nào đó chi phối qua trình sản tạo ra nó. Nghệ thuật cũng phải khác với khoa học bởi nó đòi hỏi các kỹ năng chứ không chỉ nhận thức, cuối cùng, nó khác với nghể thủ công bởi việc tạo nên nó đòi hỏi nhiều hơn việc chỉ đi theo các quy luật có sẵn” (Aesthetics, 2 edition, Berys Gaut và Dominic Mclver Lopes biên tập, NXBRoutledge xuất bản năm 2001, tr.66)

Và một vật thể mà có thể dược coi là nghệ thuật/ mỹ thuật thì phải sở hữu điều gì? nó phải sở hữu cái Cái đẹp. Thế Cái đẹp là gì ? Có thể lấy ví dụ sau để minh họa:
Khi tôi tri giác đóa hồng đỏ là đẹp, hoàn toàn không giống việc nhét nó vào một ngăn kéo trí tuệ chứa những món vật được dán nhãn”đẹp” – Và tôi cũng chả quẳng con gián kinh tởm vào một thùng rác trí tuệ của những món vật”xấu”. Mà là những đặc điểm của đối tượng hầu như cưỡng bức tôi (xui khiến tôi) dán nhãn ấy cho nó như tôi đã làm. Đóa hồng có lẽ có mục đích tự thân( tái sản các đóa hồng mới), song đó không phải là lý do làm cho nó đẹp. Điều gì đó về cách bố trí mầu sắc và bố cục buộc các năng lực trí tuệ của tôi cảm thấy rằng đối tượng “đúng lẽ” (right) Tính đúng lẽ (rightness) này chính là những gì Kant hàm ý khi nói rằng đối tượng đẹp đẽ có tính mục đích. Chúng ta gắn nhãn cho một đối tượng là đẹp đẽ bởi nó thúc đẩy một sự hài hòa nội tại hay “sự tương tác tự do” (feee play) cho các năng lực trí tuệ của chúng ta; Chúng ta gọi điều gì đó là” đẹp đẽ” khi nó khêu lên nỗi thỏa mãn này (Thế mà là nghệ thuật ư? Như Huy dịch, NXB Tri Thức 2008)

Kant cảnh báo rằng sự hân hưởng đối với cái đẹp rất khác với những kiểu hân hưởng đối với khoái lạc (pleasure). Nếu như một trái dâu chín trong khu vườn nhà tôi có mầu sắc đỏ mọng, bố cục và hương vị quyến rũ đến độ tôi phải ngắt ngay nó cho vào miệng, thì lúc ấy, chính năng lực phán đoán về cái đẹp đã bị uế tạp. Để chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của người mẫu tình dục, anh ta thực ra không chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của nàng. Và nếu ai đó hân hưởng khi xem một bức tranh của Gauguinvề Tahiti trong khi mơ mộng về chuyến nghỉ mát ở đó, họ cũng không còn một mối liên hệ nào với vẻ đẹp của bức tranh ấy.

Vậy ai có thể tạo ra cái đẹp, và qua đó, làm cho một vật thể có thể được coi là mỹ thuật? câu trả lời ở đây đó là thiên tài, hay tài năng thiên bẩm. “Tài năng thiên bẩm là tài năng (được tự nhiên phú cho) để mang lại quy tắc cho nghệ thuật. Vì bản thân tài năng này như là quan năng sáng tạo bẩm sinh của nhà nghệ sỹ thuộc về Tự nhiên, nên ta cũng có thể diễn đạt như sau: tài năng thiên bẩm là tố chất bẩm sinh của tâm thức (ingenium), qua đó, tự nhiên mang lại quy tắc cho nghệ thuật” (Phê phán năng lực phán đoán, NXB Tri Thức, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải năm 2006)

Như vậy, cho tới đây, ta có thể hiểu, nghệ thuật/ mỹ thuật – là những gì chỉ có tài năng thiên bẩm mới có thể tạo nên, và rồi các sản phẩm được các tài năng thiên bẩm tạo nên ấy chỉ có thể được thưởng lãm trong không gian đặc biệt của nó, trước đây là các đền thờ thuộc các tôn giáo khác nhau, và sau này là trong bảo tàng hay gallery.

Thật ra, quan niệm này sau này đã bị công kích rất nhiều, mà đỉnh cao là của sự công kích đến từ Nietszhe, khi ông này chế giễu quan niệm về tính bất vị lợi nơi cái đẹp của Kant – và cho rằng sở dĩ Kant đánh giá nghệ thuật như vậy là đánh giá từ góc nhìn của công chúng chứ không phải từ góc nhìn của nghệ sỹ – bởi với nghệ sỹ – nghệ thuật luôn là điều gì có tính vị lợi.

“Nếu các nhà mỹ học của chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi nhấn mạnh rằng, dưới cây đũa thần của cái đẹp, người ta có thể thậm chí nhìn một bức tượng phụ nữ khỏa thân mà ‘chả hứng thú gì hết’ , có lẽ ta sẽ cười phá lên một chút ở đây. Kinh nghiệm của nghệ sỹ tại điểm tức cười này thực chất sẽ là ‘còn hơn cả quan tâm’, và vì thế, Pygmalion hẳn không nhất thiết là kẻ không có tí thẩm mỹ nào [trong thần thoại Pygmalion là một điêu khắc gia phải lòng chính bức tượng do mình tạo ra] (Friederich Nietzsche, về ngành bằng phả hệ của luân lý học/ on the genealogy of morals, Walter Kaufmann dịch, New York: Vintage Boks, 1967, tr. 104-5)

Chính quan niệm này đã dẫn tới những sự phát triển khác của nghệ thuật trong các thế kỷ sau, đặc biệt là cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi nó dẫn tới các quan niệm về phản-thẩm mỹ, phản-mỹ học, hay phản-nghệ thuật.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, dù nghệ thuật, hay phản nghệ thuật, dù thẩm mỹ, hay phản thẩm mỹ, hay nói cụ thể hơn – dù đóa hoa hay cái bô, theo tôi, cả hai dạng kiểu nghệ thuật có nguồn gốc từ mô hình quan niệm hóa của Kant, hay của Nietszhe, đều chỉ là hai đầu âm dương của một tiến trình phát triển liên tục của nghệ thuật phương Tây mà ở đó, việc cái này chống cái kia chỉ là một hành vi làm cho tiến trình ấy tiến về phía trước theo mô hình của quan hệ một chiều

Nghệ sỹ  -> tác phẩm -> công chúng

Chính vì thế – trong bài thông cáo, khi chúng tôi viết rằng: “Việc hoàn toàn không có gì để-xem trong không gian này đã giải hóa toàn bộ tính chất trưng bày, hay biểu tượng của một không gian có tính triển lãm, tức không gian nghệ thuật, để chuyển hóa nó thành một không gian khác – không gian để sử dụng, không gian xã hội”, thì phía sau nó, điều chúng tôi muốn nói là, theo cái nhìn của chúng tôi (có thể bản thân Thiên Thu Bình sẽ có một cái nhìn khác, và các bạn nữa- cũng sẽ có những cái nhìn khác- và tất cả những cái nhìn này đều ngang quyền -và nhờ đó chúng ta mới có thể tạo nên một không gian đối thoại không triệt tiêu lẫn nhau mà chỉ làm giàu có nhau lên, có phải không bạn?) –thì ý của chúng tôi chỉ muốn nhấn manh đến việc qua không gian này – Thiên Thu Bình đã đưa ra khả thể cho một mối quan hệ khác giữa công chúng, nghệ sỹ và tác phẩm.

Thay vì là mối quan hệ một chiều như nói ở trên – bây giờ,các thành phần nghệ sỹ, công chúng, hay “tác phẩm”, đã hoàn toàn nhòa lẫn vào nhau trong các mối quan hệ đa chiều, khi các hành vi thưởng lãm, tham dự, đã trộn lẫn vào nhau, khi sự hân hưởng một chiều đối với vật thể- hoặc thẩm mỹ, hoặc phản thẩm mỹ, đã thay bằng tiến trình ứng xử và sản tạo kinh nghiệm xã hội của những người tham dự, khi không gian biểu tượng gián tiếp và có tính riêng tư, biệt lập theo kiểu các gallery, các không gian nghệ thuật, đã bị thay bằng một không gian liên chủ thể.

Và cũng từ đây – tôi tìn rằng bạn sẽ hiểu ngay khổ viết dưới đây:

“Điều mà họ thu được trong dự án này sẽ không phải là một kinh nghiệm thẩm mỹ, hay phản thẩm mỹ được sắp đặt trước cho ‘cái ngã’ nghệ thuật của họ. Trái lại, ở đây, bản thân toàn bộ cơ thể của họ sẽ được tạo điều kiện để chủ động nghỉ ngơi và chìm nhòa vào một không gian xã hội, không gian giao tiếp kiểu đời thường. Nói cách khác, điều họ có được khi tham dự vào dự án này chính là một kinh nghiệm sống có thật trong một không gian giao tiếp xã hội có thật.”

Ở đây, giả dụ như bạn nói – cần gì phải đến ga 0 để uống trà, mà ta có thể ra quán trà chẳng hạn. Thì đúng thế – song bạn lưu ý rằng nếu ra quán trà uống trà thì sẽ không phải là uống trà trong ga 0 – và như vậy, kinh nghiệm có thực của việc uống trà trong Ga 0 sẽ không thể có.

Bạn có thể hỏi tiếp – vậy kinh nghiệm đó sẽ là gì ?

Song, thú thật là bản thân tôi giờ đây cũng không hề biếtJ, phải chờ thôi – và nhiều khi cái kinh nghiệm đó của tôi lại hoàn toàn khác với kinh nghiệm của bạn

Về thắc mắc cuối cùng của bạn:

Để anh đi tới việc dẫn một câu của một triết gia (chữ này anh viết hoa hơi bừa bãi thì phải :D) “một tập hợp các thực hành nghệ thuật coi điểm xuất phát về mặt thực hành của chúng là toàn bộ các mối quan hệ và văn cảnh xã hội của con người chứ không là các không gian cá nhân và độc lập. (Bourriaud 1998, tr. 113).

Ngoài việc chỉ biết xin lỗi bạn do lỗi của ‘ thằng đánh máy” – viết hoa thừa ^^, thì tôi cũng không biết phải trả lời làm sao. May sao, tôi cũng vừa dịch một đoạn trong cuốn Mỹ học vị quan hệ của Bourriaud để đưa lên facebook của ga 0 và website của ZeroStation, tôi sẽ đăng lại ở đây. Liệu bạn có thể đọc kỹ thêm được không? Hay bạn cũng có thể, theo tôi – tự mình tìm hiểu kỹ về dạng mỹ học này – tức dạng mỹ học theo tôi biết chi phối gần như toàn bộ không gian nghệ thuật phương Tây vào thập kỷ 90 – và có lẽ còn cả trong hiện tại

Có lẽ cũng sẽ thật là hay, nếu qua những trao đồi thế này, chúng ta có thể tự mở rộng được thêm không gian cảm thụ của chúng ta, khi coi các trao đổi ấy ( ở đây tôi nói chúng ta – là bao gồm cả tôi và bạn) như cái cớ để tìm hiểu sâu thêm về một điều gì đó chăng?

Được như thế thì rất tốt.
Cuối cùng – nếu bạn ở Sài Gòn, hy vọng được uống trà với bạn ở Ga 0

Thân mến

Như Huy

 TB: Sau khi trả lời bạn xong. có một điều tôi xin mạn phép đề nghị với bạn. Được không ạ? 🙂

Đó là, không hiểu cảm giác tôi có đúng không, song hình như khi đọc thư bạn gửi, tôi có một cảm giác là hình như bạn viết có vẻ hơi bực bội thì phải ( nếu sai thì tôi xin lỗi). Và có lẽ cũng chính vì thế, mà hình như các phát ngôn có hơi… có giọng điệu như thể “tra khảo” 🙂

Thật ra, việc chúng ta, nghệ sỹ và công chúng chưa hiểu nhau là một việc hoàn toàn rõ như ban ngày, nếu bạn xem các chương trình giáo dục nghệ thuật của các trường phổ thông hay đại học Việt Nam, hay để ý tới sự yếu kém của các không gian xã hội hóa nghệ thuật như bảo tàng, bảo tàng tư nhân, gallery, v.v., trong việc giáo dục nghệ thuật.

Tôi cho rằng chính vì việc không có những công cụ đầy đủ để có thể đối thoại, trao đổi, hay thậm chí phản biện nhau- mà rồi dẫn đến tình trạng của việc bản thân nghệ sỹ và công chúng chúng ta dường như luôn coi nhau như những đối tượng để đối đầu – chứ không phải những bạn bè đối thoại

Và có lẽ cũng chính vì thế mà ( xin lỗi bạn lần nữa- nếu tôi cảm nhận sai) hình như trong các câu hỏi của bạn có sẵn một sự bất bình nào đó thì phải?

Thật ra, theo tôi – có lẽ sự bất bình của bạn đến từ việc có một số nghệ sỹ theo bạn không lao động mà chỉ làm… trò linh tinh, hay có một số người viết về nghệ thuật toàn bịa đặt để…đánh hỏa mù công chúng. Tôi nói thế không biết có đúng không?

Nếu đúng như thế – thì thật ra theo thiển ý riêng tôi – mọi nghệ sỹ đều lao động theo một cách nào đó – kể cả người- như người ta thường nói- lao động giả vờ đi chăng nữa – thì họ cũng đang lao động, và bỏ công sức ra cho một điều gì đó- dẫu điều đó có thể là vô nghĩa.

Chính vì thế phải chăng- trong vai trò là các công chúng – chúng ta nên nhìn họ thông cảm hơn một chút ở góc độ ấy? và cũng vì thế – bởi theo tôi – đây là một không gian giao tiếp đối thoại, và mục đích của mọi giao tiếp đối thoại là để hiểu nhau, hiểu mình, và đôi khi hiểu thêm chút kiến thức mà mình chưa có cơ hội biết – liệu chúng ta có thể “nhè nhẹ bớt” giọng điệu một chút được không?

Ý tôi là, liệu chúng ta có thể- như kiểu trong tiếng Anh, không học theo anh L.V.S. mà sử dụng nhiều dạng câu như kiểu… “may I, would you like… hay would you please…”, được không?

Theo thiển ý của riêng tôi – có nhiều khi, cả một không gian đối thoại và các khả thể làm chúng ta có thể giàu có lên lại tới từ những việc nhỏ nhỏ như vậy

 Một lần nữa xin cảm ơn bạn!

*

Bài liên quan:

– Bến Trà Không: Kiểu gì cũng phải đến thôi 
– D.Q thắc mắc với Như Huy 
– Như Huy trả lời D.Q 
– Về mỹ học vị quan hệ (phần 1)
– Mỹ học vị quan hệ (phần 2)
 

Ý kiến - Thảo luận

12:41 Sunday,9.11.2014 Đăng bởi:  Nguyên Hồng Hưng
Trích tuyên của Ga O : “Việc hoàn toàn không có gì để-xem trong không gian này đã giải hóa toàn bộ tính chất trưng bày, hay biểu tượng của một không gian có tính triển lãm, tức không gian nghệ thuật, để chuyển hóa nó thành một không gian khác – không gian để sử dụng, không gian xã hội”.
Đọc lời tuyên trên của Ga O thấy như đọc tuyên ngôn của chàng Han Bing dắt b
...xem tiếp
12:41 Sunday,9.11.2014 Đăng bởi:  Nguyên Hồng Hưng
Trích tuyên của Ga O : “Việc hoàn toàn không có gì để-xem trong không gian này đã giải hóa toàn bộ tính chất trưng bày, hay biểu tượng của một không gian có tính triển lãm, tức không gian nghệ thuật, để chuyển hóa nó thành một không gian khác – không gian để sử dụng, không gian xã hội”.
Đọc lời tuyên trên của Ga O thấy như đọc tuyên ngôn của chàng Han Bing dắt bắt cải đi dạo bao năm qua: " Nghệ thuật là cái diễn ra trong cuộc sống và thuộc về số đông, chứ không phải chỉ ở trong những phòng trưng bày và trước con mắt của giới thượng lưu”.
Nhưng những tuyên ngôn lớn lao của chàng dăt bắp cải đi dạo lại là điều rất xưa và tất nhiên và bình thường của nghệ thuật design, bởi chẳng có một design nào không có công năng cho xã hội.
Hiện bây giờ đây, toàn giới nghệ thuật vẫn còn có nhiều người cầm bút vẽ, sáng tác qua cây bút vẽ. Liệu các nghệ sĩ nghệ thuật thị giác Vietnam trong tương lai có trình bầy tác phẩm như các kiếm sĩ trong truyện kiếm hiệp, đạt tới luyện kiến thành kiếm khí, mà không cần tới thanh kiếm, mà chuyển hóa hành vi vẽ thành không gian sinh hoạt nghệ thuật , không gian xã hội? . Dắt kiếm ( bút vẽ) khi đi dạọ, hay bày công cụ của họa sĩ và từ đó thưởng thức được mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng ?
Tôi cho rằng Ga O muốn hòa nhuyễn những gì được cho là tinh hoa ngoại hiện của nghệ thuật vào xã hội. Điều này có thể xem như xóa bỏ nghệ thuật trưng bầy, dẹp bỏ tác phẩm nghệ thuật với tiêu chí cần một không gian nghệ thuật để hít thở hữu cơ và chính đó là trường sống nghệ thuật xã hội , chứ không phải cụ thể một hình thức tác phẩm nghệ thuật trên giá nào. Tôi ví dụ một tình huống là nếu Ga O thành công và thắng thế tạo ra một trào lưu “ Không Khí nghệ thuật” như không khi khính ngưỡng tôn giáo khi vào chùa , thì tôi tin một lần nữa các nghệ sĩ buộc phải tìm cách trưng bầy khác cho “ngoại hiện nghệ thuật” bằng cách khác sau Ga O, và trở thành Ga O của Ga O để ngưng tụ không gian mà ga O đã chuyển hóa thành không khí ấy vào tác phẩm ngoại hiện cụ thể mà hiện thời chưa thể phán đoán. Đã gọi là dự án thì buộc phải có tiêu chí ,và có tiêu chí là có phép tắc ràng buộc hướng tới tiêu chí, và rõ ràng không tự do. Cái đẹp (mĩ cảm) là khoái cảm tự do. 
11:05 Tuesday,12.7.2011 Đăng bởi:  VUA
Như Huy này, anh là người làm cho mọi người mất thời gian căng mắt lên mà đọc bài của anh quá đấy, viết ngắn gọn rễ hiểu thôi "Huy sách vở" ệ.
...xem tiếp
11:05 Tuesday,12.7.2011 Đăng bởi:  VUA
Như Huy này, anh là người làm cho mọi người mất thời gian căng mắt lên mà đọc bài của anh quá đấy, viết ngắn gọn rễ hiểu thôi "Huy sách vở" ệ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả