|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữVị (phần 2) 14. 09. 15 - 2:41 pmRoald Dahl – Hồ Như Mai dịch(Tiếp theo phần 1) * Ngay lập tức, Mike cầm chai rượu lên, đổ chừng một lóng tay ra ly của mình, rồi hớn hở chạy quanh bàn rót cho người khác. Giờ đây tất cả đang nhìn Richard Pratt – nhìn mặt hắn khi hắn chậm rãi với tay phải cầm ly rượu, đưa lên mũi. Hắn chừng năm mươi tuổi, mặt mày không hề ưa nhìn. Cả khuôn mặt dường như chỉ bật lên cái miệng – miệng và cặp môi – cặp môi đầy đặn, ướt át của một tay sành sỏi chuyên nghiệp, môi dưới trề xuống ở điểm giữa, một làn môi của kẻ nếm, luôn mở ra, đung đưa, như sẵn sàng đón lấy mép ly hay một mẩu thức ăn. Trông như lỗ khóa, tôi nghĩ thầm khi nhìn nó; đúng rồi miệng hắn giống hệt một cái lỗ khóa lớn ướt át. Chầm chậm hắn nâng ly lên mũi. Đỉnh mũi chấm vào ly và lượn lờ trên mặt rượu, đánh hơi một cách tinh tế. Hắn nhẹ tay lắc quanh rượu trong ly để ngửi cho hết mùi. Vẻ tập trung ở hắn thật dữ dội. Hắn đã nhắm mắt, giờ đây phần nửa trên cơ thể hắn, đầu, cổ và ngực dường như đã trở thành một thứ máy ngửi nhạy bén khổng lồ, đang tiếp nhận, thanh lọc, phân tích thông điệp từ cái mũi đang đánh hơi. Tôi để ý thấy Mike đang thả lỏng trên ghế, ra vẻ không quan tâm, nhưng gã không bỏ sót một cử động nào. Bà Schofield, vợ gã, ngồi thẳng thớm nghiêm túc ở cuối bàn bên kia, nhìn thẳng đằng trước, mặt mày cau lại, bất mãn. Cô con gái, Louise đã kéo ghế ra xa một chút, ngồi ngang lại, đối mặt với tay sành điệu, và cũng như người cha, cô chăm chú quan sát. Trong vòng ít nhất một phút, quá trình ngửi vẫn tiếp tục; rồi, không mở mắt hay cựa quậy đầu, Pratt nghiêng ly vào miệng, đổ vào gần như nửa lượng rượu. Hắn dừng lại, miệng hắn đầy rượu, đón nhận vị đầu tiên, rồi, hắn để cho một ít rượu chảy xuống cổ họng và tôi thấy trái cổ hắn động đậy khi rượu qua đó. Nhưng phần lớn chỗ rượu hắn giữ nguyên trong miệng. Và rồi, không nuốt nữa, hắn kéo vào qua giữa môi một làn không khí mỏng manh, trộn với hơi rượu bốc lên trong miệng rồi đẩy xuống buồng phổi. Hắn giữ hơi lại, thổi qua mũi, rồi cuối cùng đẩy rượu qua lại dưới lưỡi, rồi nhai, thực sự nhai rượu bằng răng như người ta nhai bánh mì. Một màn trình diễn ấn tượng, nghiêm trang, tôi phải công nhận hắn đã làm tốt. “Ừm,” hắn lên tiếng, đặt cái ly xuống, le lưỡi hồng liếm quanh môi. “Ừm… vâng. Một thứ rượu rất thú vị, dịu dàng và duyên dáng, gần như có dư vị nữ tính.” Trong miệng hắn đầy nước bọt, hắn vừa nói vừa thi thoảng lại nhổ ra một vệt chói trên bàn. “Bây giờ ta có thể bắt đầu loại suy,” hắn nói. “Vô phép anh, tôi phải thật cẩn thận, vì lần này rủi ro cao. Thông thường có lẽ tôi sẽ liều một chút, nhảy một phát, đậu ngay xuống giữa cái vườn mà tôi chọn. Nhưng lần này… tôi phải di chuyển thật cẩn thận, phải thế không?” Hắn ngước nhìn Mike và mỉm cười, một cái cười với cặp môi đầy đặn, ướt át. Mike không cười đáp lại. “Đầu tiên, rượu này từ quận nào ở Bordeaux? Cũng không khó đoán lắm. Kết cấu quá nhẹ, không thể là St Emilion hay Graves được. Dĩ nhiên là Médoc rồi. Chuyện đấy thì chẳng nghi ngờ gì nữa… “Rồi, vậy nó đến từ xã nào ở Médoc? Chỗ này, cũng bằng phương pháp loại suy, cũng không đến nỗi khó gì. Margaux? Không. Không thể là Margaux được. Nó không có hương vị bạo lực của một chai Margaux. Pauillac? Cũng không thể là Pauillac được. Nó quá mềm mỏng, quá dịu dàng, quá ưu tư, không thể là Pauillac. Rượu từ Pauillac có một thứ cá tính, gần như là hống hách trong vị. Và với tôi, vang Pauillac thường có một chút gì xôm xốp, một thứ vị xôm xốp bụi bặm lạ lùng mà quả nho lấy được từ đất của vùng đó. Không, không. Đây… đây là một thứ vang rất dịu dàng, đoan trang và e lệ trong vị đầu tiên, rồi ngượng ngùng nhưng duyên dáng lộ diện trong vị thứ hai. Có lẽ là hơi hóm, trong vị thứ hai, và cũng hơi nghịch ngợm, trêu đùa lưỡi với một tí, tí ti thôi, tannin. Rồi, đến dư vị, thật thú vị – vỗ về và nữ tính, với một tính cách rộng rãi, vui vẻ khiến ta nghĩ đến những loại vang của xã St Julien. Không nhầm lẫn vào đâu được, đây là vang St Julien.” Hắn ngả người ra sau ghế, đưa hai tay lên bằng ngực rồi cẩn thân chạm đầu ngón tay vào nhau. Trông hắn thật hợm quá lố, nhưng tôi nghĩ phần nào đó là cố ý, chỉ để trêu gan ông chủ nhà. Tôi thấy mình bị hút vào, cứ đợi hắn tiếp tục. Cô gái tên Louise đang châm một điếu thuốc. Pratt nghe tiếng đánh diêm và hắn quay lại nhìn cô, đột nhiên trừng lên giận dữ thật sự. “Làm ơn!” hắn nói. “Xin đừng làm thế! Thật là một thói quen gớm ghiếc, ai lại hút thuốc ở bàn ăn!” Cô ngước nhìn hắn, một tay vẫn cầm que diêm đang cháy, hai mắt to chầm chậm đậu lên gương mặt hắn, dừng lại đó một lúc, rồi đi ra xa trở lại, chậm rãi và khinh miệt. Cô cúi đầu, thổi tắt que diêm, nhưng vẫn tiếp tục giữ điếu thuốc chưa châm giữa ngón tay. “Xin lỗi cưng,” Pratt nói, “nhưng tôi không cho phép người ta hút thuốc ở bàn ăn được.” Cô không nhìn lại hắn nữa. “Bây giờ, để xem nào… ta đang nói đến đâu nhỉ?” hắn tiếp. “À, vâng. Đây là vang Bordeaux, từ xã St Julien, quận Médoc. Được đấy chứ nhỉ. Nhưng giờ ta đã đến phần khó hơn – tên của chính vườn nho. Bởi ở xã St Julien có nhiều vườn nho, và như gia chủ khi nãy đã nói chính xác, thường vang của các vườn chẳng khác nhau là bao. Nhưng để xem sao.” Hắn lại dừng lần nữa, nhắm mắt lại. “Tôi đang cố xác định xem ‘hạng’ gì,” hắn nói. “Nếu tôi làm được việc đó, xem như đã qua được nửa trận. Để xem nào. Thứ vang này rõ không phải là từ vườn nho hạng nhất – mà hạng nhì cũng không. Nó không phải là một thứ vang quá hay. Cái chất ấy, gọi là… là… là gì nhỉ? Độ tỏa sáng, cường độ, vẫn không đủ. Nhưng hạng ba – có thể lắm chứ. Vậy mà tôi lại thấy khó tin. Ta biết vang này năm tốt – gia chủ đã nói vậy – và có lẽ nói thế để tâng bốc nó một tí. Tôi phải cẩn thận mới được.” Hắn cầm ly lên và nhấp thêm một ngụm nhỏ. “Đúng vậy,” hắn nói, rút cặp môi vào, “tôi đã đúng. Hạng tư. Bây giờ thì tôi chắc chắn. Một thứ vang hạng tư từ một năm rất tốt – năm tuyệt là đằng khác. Và đấy là lý do tại sao ban đầu vị nó như hạng ba – hay thậm chí là hạng nhì. Tốt! Được hơn đấy! Giờ ta đã gần xong! Ở St Julien có các vườn nho hạng tư nào?” Lần nữa hắn dừng lại, cầm ly lên rồi giữ vành ly áp vào cái môi dưới trề xuống, xề xệ, đong đưa. Rồi tôi thấy lưỡi hắn bắn ra, hồng và mảnh, đầu lưỡi chấm vào rượu, nhanh chóng rút vào lại – thật là một cảnh tượng gớm ghiếc. Khi hắn hạ cái ly xuống, mắt vẫn nhắm, gương mặt tập trung, chỉ có cặp môi là chuyển động, trượt lên nhau như hai mẩu cao su xôm xốp, đẫm ướt. “Đấy, lại lần nữa!” hắn thốt lên. “Tannin trong vị giữa và một cái thắt lưỡi se sắt mau lẹ. Đúng rồi, đúng thế, đương nhiên rồi! Giờ tôi đã biết! Vang này từ một trong những vườn nhỏ quanh Beychevelle. Tôi nhớ rồi. Quận Beychevelle, con sông và cảng nhỏ đã bị nghẽn bùn khiến tàu chở rượu không còn qua lại được nữa. Beychevelle… liệu có thể chính là Beychevelle đó chăng? Không, tôi không nghĩ thế. Không hẳn. Nhưng ở đâu đó rất gần. Château Talbot? Talbot chăng? Cũng có thể lắm. Đợi một lát nào.” Hắn lại nhấp rượu, và tôi loáng thoáng thấy Mike Schofield đang chồm càng lúc càng xa hơn trên bàn, miệng he hé, cặp mắt ti hí dán chặt vào Richard Pratt, “Không. Tôi sai rồi. Không phải là Talbot. Vang Talbot đến với ta mau mắn hơn một chút so với vang này; vị quả gần với bề mặt hơn. Nếu là vang năm ’34, mà tôi tin là vậy, thì không thể là Talbot. Vậy thì. Để tôi nghĩ xem. Không phải là Beychevelle và không phải là Talbot, dưng mà… mà thật gần hai chỗ đó, gần lắm, đến nỗi vườn gần như nằm giữa. Thế thì, là vườn nào mới được chứ?” Hắn do dự, và chúng tôi chờ đợi, quan sát gương mặt hắn. Từng người, đến cả vợ của Mike, lúc này đều đang nhìn hắn. Tôi nghe tiếng bà giúp việc nhẹ nhàng đặt đĩa rau củ lên tủ đằng sau lưng tôi, cố không quấy rầy sự yên lặng. “À!” hắn la lên. “Tôi biết rồi! Đúng thế, tôi nghĩ tôi biết rồi!” Lần cuối cùng, hắn lại nhấp rượu. Rồi, vẫn còn cầm ly gần miệng, hắn quay sang Mike và mỉm cười, một cái cười chậm rãi, lụa là, và nói, “Anh biết vang nào đây không? Đây chính là Château Branaire-Ducru nho nhỏ.” Mike ngồi im, không động đậy. “Và năm, là 1934.” Tất cả chúng tôi nhìn Mike, đợi gã quay cái chai trong giỏ, chìa nhãn rượu ra. “Câu trả lời cuối cùng của anh đó sao?” Mike hỏi. “Vâng, tôi nghĩ thế.” “Dứt khoát đi, đúng hay không?” “Đúng vậy.” “Một lần nữa, vườn gì?” “Château Branaire-Ducru. Vườn be bé xinh xinh. Lâu đài cổ kính đáng yêu. Tôi biết khá rõ vườn này. Không hiểu tại sao tôi không nhận ra ngay.” “Thôi nào, cha,” cô con gái nói. “Quay chai lại xem nào. Hai cái nhà của con.” “Đợi một phút,” Mike nói. “Đợi một phút thôi.” Gã ngồi im, trông ngơ ngác, gương mặt phì phị và tai tái, như thể đang dần cạn kiệt sức sống. “Michael!” vợ gã gằn giọng gọi từ đầu bàn bên kia. “Có chuyện gì thế?” “Đừng xen vào, Margaret, bà làm ơn cho.” Richard Pratt đang nhìn Mike, mỉm cười với cái miệng ấy, mắt hắn nhỏ và sáng. Mike không nhìn ai cả. “Cha!” cô con gái la lên, đau khổ. “Nhưng cha ơi, cha đừng nói ông ta đoán đúng rồi chứ!” “Đừng lo con yêu,” Mike nói. “Chẳng có việc gì để lo cả.” Tôi nghĩ Mike làm thế chỉ để tránh gia đình mình, gã xoay sang Richard Pratt và nói. “Thế này nhé, Richard. Tôi nghĩ anh và tôi cần qua phòng bên nói chuyện một lát.” “Tôi không muốn nói chuyện một lát,” Pratt nói. “Tôi chỉ muốn xem nhãn trên cái chai ấy thôi.” Hắn biết hắn đã thắng, hắn có cái vẻ đó, sự kiêu kỳ im ỉm của kẻ thắng cuộc và tôi thấy hắn sẵn sàng chơi chiêu ghê gớm nếu chuyện không thông. “Anh đợi gì thế?” hắn nói với Mike. “Quay chai lại nào.” Thế rồi: bà giúp việc, cái bóng dáng thẳng người, bé xíu mặc đồng phục trắng đen đang đứng cạnh Richard Pratt ấy, bèn chìa tay đưa ra một vật gì đó. “Tôi nghĩ thứ này là của ông, thưa ông,” bà nói. Pratt liếc ngang, thấy cặp kính gọng sừng mỏng, rồi trong một khoảnh khắc hắn ngập ngừng. “Phải thế không? Có lẽ thế, tôi không chắc.” “Đúng vậy, thưa ông, là của ông đấy.” bà giúp việc đã có tuổi – gần bảy mươi hơn là sáu mươi – một người trung thành với gia đình qua nhiều năm. Bà đặt cặp kính xuống bàn cạnh hắn. Không thèm cảm ơn, Pratt cầm lên và thả vào túi áo trên, đằng sau chiếc mùi xoa trắng. Nhưng bà giúp việc không rút đi. Bà đứng đó, gần bên cạnh, chếch sau lưng Richard Pratt; trong cung cách của bà có gì đó khác thường, trong cái cách bà đứng đó, nhỏ bé, bất động,thẳng người; tự dưng tôi nhìn bà mà thấy sờ sợ kính nể. Gương mặt già nua xám xịt có một cái nhìn băng giá, kiên quyết, cặp môi mím chặt, cằm đưa ra, và đôi tay nắm lại chặt trước thân. Chiếc mũ kỳ khôi đội đầu và thoáng ánh trắng ở mặt trước bộ đồng phục khiến bà trông như một loài chim ức trắng bé xíu đang xù lông. “Ông để quên kính trong thư phòng của ông Schofield,” bà nói. Giọng nói lịch sự một cách cố ý, không tự nhiên. “Bên trên tủ đựng hồ sơ màu xanh, thưa ông, khi ông đích thân ghé vào đó trước bữa tối.” Phải mất mấy giây ý nghĩa đầy đủ của những lời đó mới được thấm hết, và trong sự im lặng nối theo, tôi cảm thấy Mike, cái cách gã chầm chậm đứng lên khỏi ghế, sắc diện đã tươi trở lại, mắt mở to, miệng bĩu lên, chỗ trăng trắng nhỏ nhỏ bắt đầu lan quanh khắp hốc mũi. “Nào Michael,” vợ gã lên tiếng. “Bình tĩnh nào, Michael! Bình tĩnh nào!”
Ý kiến - Thảo luận
10:08
Saturday,19.11.2016
Đăng bởi:
Hạnh Nhân. P
10:08
Saturday,19.11.2016
Đăng bởi:
Hạnh Nhân. P
khôn khéo tuyệt vời
18:06
Tuesday,15.9.2015
Đăng bởi:
Raumuong Noigian
Truyện hay quá (vì mình cũng khoái vang đỏ :)). Cảm ơn người dịch nhé!
Nhớ hồi một ông anh nhiếp ảnh, sành chơi, từng mở quán, nói với mình là bao giờ thằng Tây nào uống chè sành như người Á thì sẽ có thằng Á thẩm rượu vang được như Tây Nghe kể về huyền thoại thử rượu nhiều nhưng mình cũng ko tin quá mức. Vì vị nó cũng như tình cảm, là một thứ thiên biế ...xem tiếp
18:06
Tuesday,15.9.2015
Đăng bởi:
Raumuong Noigian
Truyện hay quá (vì mình cũng khoái vang đỏ :)). Cảm ơn người dịch nhé!
Nhớ hồi một ông anh nhiếp ảnh, sành chơi, từng mở quán, nói với mình là bao giờ thằng Tây nào uống chè sành như người Á thì sẽ có thằng Á thẩm rượu vang được như Tây Nghe kể về huyền thoại thử rượu nhiều nhưng mình cũng ko tin quá mức. Vì vị nó cũng như tình cảm, là một thứ thiên biến vạn hóa vô cùng, chẳng bao giờ hết. Thế nên, thử rượu vang, bọn chúng hay dùng tính hay trạng từ dành cho tình cảm. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp