Tạp hóa - Xã hội

Thời sự cho nghệ sĩ: Burkina Faso ở đâu? Đang có chuyện gì? 17. 09. 15 - 10:24 pm

Phờ Pheo tổng hợp và dịch

(Đọc bản tin kỳ trước tại đây)

*

Đầu tiên các bạn đọc KỸ bài thơ này của Đoàn Lê nhé:

Bật ti vi ngó nghiêng thời sự
Toàn sắp theo thứ tự ưu tiên
Đảng và Nhà nước xếp liền
Tin tức quốc tế mấy miền loanh quanh

Nga Mỹ Pháp Đức Anh Tàu Nhật
Hết EU lại quẩn Đông Dương
Báo chí cứ vậy mà tương
Tung hoành chém gió mấy phường thân quen

Đùng một phát nghe tên lạ hoắc
Một quốc gia xa lắc Tây Phi
Burkina Faso. Hì!
(Chắc người đang đọc chưa đi bao giờ)

Liếc qua thấy quốc kỳ quen thật
Giống như cờ mặt trận của ta
Vừa có đảo chính xảy ra
Mình cùng khám phá xem là thế nao

Năm 87 anh hào lập quốc
Rồi đặt tên đất nước như giờ
Cái chết đến thật bất ngờ
Bởi kẻ thân tín cướp cờ làm vua

3 thập kỷ làm mưa làm gió
Khiến Faso nghèo khó khôn cùng
Đang từ vị trí người hùng
Buộc rời khỏi ghế lưu vong nước ngoài

Các thế lực bầu hai lãnh đạo
Cấm vệ quân bèn tạo phản liền
Chỉ huy sứ lên nắm quyền
Theo lối võ biền nhốt mẹ sếp luôn

Quốc gia ấy có nguồn có gốc
Bao đời nay lăn lóc lầm than
Rộng 8 phần nước Việt Nam
Dân 17 triệu giang san hiện thời

Vốn chuyên nghiệp sống đời thuộc địa
Năm 60 biết nghĩa tự do
Tiếng Pháp vẫn nói líu lo
2 năm phim ảnh giở trò liên hoan

Nhà đất nện nhưng làm hay vãi
Nhiều nước to chẳng lại được đâu
Đồ hóa trang đẹp quên sầu
Truyền thống như rứa từ lâu giữ gìn

Nhân có biến ta nhìn tham khảo
Có thời gian tán láo sau này
Nghệ thuật còn khối chuyện hay
Hẹn cùng quý vị một ngày không xa

Trông người lại ngẫm đến ta…

 Sau đó đọc tới bản tin này:

Burkina Faso là một quốc gia châu Phi, có cờ hơi giống… cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam của ta hồi trước, khác chăng là nửa dưới màu xanh lá cây thay vì xanh nước biển.

 

Quốc gia này hôm thứ Năm (17. 9), vừa có đảo chính lật đổ chính phủ lâm thời, khiến tổng thống Pháp Hollande phải kêu gọi thả ngay tổng thống lâm thời Michel Kafando (phải) và thủ tướng lâm thời Isaac Zida (trái) ra. Hai ông này bị giữ tại một phòng họp trong dinh tổng thống suốt từ hôm thứ Tư.

Vì sao cứ nhấn đi nhấn lại chữ “lâm thời”?
 

Ấy là vì hơi dài dòng một chút, tại quốc gia Tây Phi này, vào năm 1987, một tổng thống của họ có tên là Thomas Sankara, biệt danh “Che Guevara châu Phi”, người đã đổi tên quốc gia này từ Upper Volta thành Burkina Faso, đã bị ám sát.

 

Người ám sát tổng thống Sankara chính là người bên phải trong hình đang bắt tay ông, cũng là người từng góp phần đưa ông lên nắm quyền: Blaise Compaoré, khi ấy 36 tuổi.

 

Lên nắm quyền, Blaise Compaoré thay đổi toàn bộ chính sách của Sankara, và tại vị ròng rã 27 năm, đưa Burkina Faso trở thành một trong những nước nghèo đói nhất châu Phi (nên cũng là nhất thế giới luôn!). Và rồi đến lúc quần chúng không chịu nổi, buộc ông phải từ chức hồi 2014. Compaoré phải ra nước ngoài sống lưu vong cho an toàn, đợi bầu cử vào tháng 11. 2015.

 

Trong lúc chờ đợi, lãnh đạo các phe thống nhất bầu ra một ông tổng thống lâm thời là Michel Kafando và một ông thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng lâm thời là Zida (chính là hai ông đang bị nhốt trong phòng họp).

 

Ai đảo chính?
 

Không ai xa lạ: chính đội cận vệ thuộc lực lương an ninh (RSP) của tổng thống. Tướng Gilbert Diendéré, vốn phụ trách đội cận vệ của cựu tổng thống Compaoré, lên nắm quyền. Gilbert Diendéré là “người trong bóng tối”, kẻ “trung thành trong số những kẻ trung thành”, sát cánh Compaoré từ cái ngày lèn vào ám sát Sankara cướp chính quyền. Nhưng ông khẳng định: trước và sau đảo chínhlần này  ông không hề liên lạc với Compaoré; ông này không gọi và ông kia cũng không gọi. Hiện giờ, cả quốc gia đã đóng cửa biên giới và không phận.

 

Theo bình luận của BBC, đội cận vệ thuộc RSP này từng được đào tạo một phần tại Hoa Kỳ. Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất ở Burkina Faso và thường xuyên cản trở các hoạt động của chính phủ lâm thời do chính phủ này định tước bớt những đặc quyền mà đội này vẫn được hưởng dưới thời ông Compaore. Trong ảnh là lễ tốt nghiệp khóa huấn luyện của lực lượng an ninh tổng thống (RSP) về kỹ thuật biệt kích, tại vùng Nahouri, năm 2012, với sự có mặt của tổng thống và tướng Gilbert Diendéré.


Vì sao có đảo chính?

Theo các chuyên gia, chính phủ lâm thời của hai ông đang bị nhốt kia có thể đã phạm phải hai sai lầm:

–    Ngăn không cho những chính trị gia trung thành với cựu tổng thống lưu vong Compaoré ra ứng cử tháng tới

–    Cho phép tổ chức Reconciliation Commission phát ra một thông báo kêu gọi giải tán đội cận vệ tổng thống.

Nhưng Burkina Faso là nước nào?

Đó là một quốc gia Tây Phi, có diện tích khoảng 274.000km2 (tức khoảng 80% diện tích nước ta), nhưng lại chỉ có hơn 17 triệu dân (nước ta khoảng 90 triệu). Trong ảnh là trang phục hóa trang trong lễ hội cầu cúng của người dân. Ảnh do Jean-Claude Moschetti chụp.

 

Quốc gia này trước là thuộc địa của… nhiều nước khác, và “chủ” cuối cùng là Pháp. Giành độc lập vào 1960, dân của Burkina Faso vẫn nói tiếng Pháp lưu loát, tuy đây là một trong những nước nghèo nhất.

 

Burkina Faso có nghĩa là “Đất của những con người chân thành”. Cái tên này, như đã nói ở trên, do cố tổng thống Sankara đặt cho.

 

Thủ đô của họ là Ouagadougou, cứ hai năm một lần lại có một liên hoan phim là Fespaco. Trong ảnh là đạo diễn Alain Gomis nhận tượng vàng Etalon từ chính (cựu) tổng thống. Ảnh từ trang này

 

Nhà cửa của nhiều làng Burkina Faso bằng đất…

 

và có những vùng nhà rất đặc biệt: trang trí như một tác phẩm .

*

Đây là nhân ở Burkina Faso có chính biến mà tranh thủ tìm hiều và giới thiệu đến với các bạn về đất nước này; chứ chúng ta ngày ngày chỉ đọc tin của các nước “trung tâm”, còn những nước nho nhỏ như chính ta thì lại không biết, không để ý, thì cũng hơi… bất công.

Về nhà cửa và tranh tượng, nghệ thuật của Burkina Faso, Soi sẽ (cố gắng) có thêm một số bài ngắn sau nhé.

 *

(Đọc bản tin tuần sau tại đây)

 

Ý kiến - Thảo luận

3:21 Monday,28.9.2015 Đăng bởi:  SA
Mọi chuyện giờ đã ổn thỏa tại đây. Các nước bên cạnh trong tổ chức Cedeao (Cộng đồng Tây Phi) nói vào, anh hai Pháp đằng hắng khiến tướng đảo chánh (hụt) Diendere chắp tay xin lỗi, hối hận đã ra quân. Chép lại cho thày 100 lần câu "Em không được dùng lực lượng an ninh tổng thống để đảo chính".

Bầu cử tháng 11 đến sẽ diễn ra như dự định nhưng 10 người
...xem tiếp
3:21 Monday,28.9.2015 Đăng bởi:  SA
Mọi chuyện giờ đã ổn thỏa tại đây. Các nước bên cạnh trong tổ chức Cedeao (Cộng đồng Tây Phi) nói vào, anh hai Pháp đằng hắng khiến tướng đảo chánh (hụt) Diendere chắp tay xin lỗi, hối hận đã ra quân. Chép lại cho thày 100 lần câu "Em không được dùng lực lượng an ninh tổng thống để đảo chính".

Bầu cử tháng 11 đến sẽ diễn ra như dự định nhưng 10 người dân xuống đường phản đối đảo chính và bị bắn chết thì không thấy sống lại.

Một giai thoại về cố tổng thống Sankara cách mạng bị sát hại 28 năm về trước vào lúc mới 38 tuổi:

Bộ trưởng giáo dục của ông là 1 người cao niên 1 hôm bảo, sao chú việc gì cũng muốn làm ngay, việc gì cũng thúc và cũng vội, như là có lửa ở đít vậy!

Sankara: Anh thì còn có thời gian, nhưng tôi thì không có nhiều đâu. 
19:21 Wednesday,23.9.2015 Đăng bởi:  SA

Sao thì ngày nay đảo chính cũng khó coi ngay tại châu Phi.
Năm ngoái Compaore phải ra đi nhưng ông để lại trong nước không những tay chân thân tín (như tướng Diendere, lãnh đạo tình báo, hay lực lượng bảo vệ phủ tổng thống) mà cả 1 giai cấp đặc quyền.
Giai cấp này bị gạt ra ngoài lề xã hội và không được tham gia bầu cử tháng 11 tới nên đảo chánh.

...xem tiếp

19:21 Wednesday,23.9.2015 Đăng bởi:  SA

Sao thì ngày nay đảo chính cũng khó coi ngay tại châu Phi.
Năm ngoái Compaore phải ra đi nhưng ông để lại trong nước không những tay chân thân tín (như tướng Diendere, lãnh đạo tình báo, hay lực lượng bảo vệ phủ tổng thống) mà cả 1 giai cấp đặc quyền.
Giai cấp này bị gạt ra ngoài lề xã hội và không được tham gia bầu cử tháng 11 tới nên đảo chánh.
Đường lối gỉai quyết ổn thỏa việc này là họ sẽ tham gia bầu cử tới.
Khi Hoa Kỳ xâm lăng Iraq đã cấm đoán xa gần chế độ Saddam và giải tán toàn thể quân đội cũ nên mới rắc rối, sau này phải nhân nhượng và thành lập vệ binh trở lại với thành phần này mới tạm yên và rút quân đi được!

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả