Bàn luận

Thiên tử biết nhìn về đâu? Nam là Ly hay Nam là Càn? 01. 10. 15 - 10:19 am

Rieng&Chung

Trong phần cmt của bài Seoul 2, bác Candid có hỏi: “… Tiên thiên Bát quái thì Nam là Càn thì hiểu được là hướng của Thiên Tử, nhưng Hậu thiên Bát quái thì Nam lại là Ly. Chọn hướng Nam hiểu theo nghĩa nào đây? Trên cờ Hàn Quốc có quẻ Ly cũng ở phương Nam.”

Hậu hiên bát quái

Thưa bác Candid,

Thiển ý của em về mối quan hệ “Thiên tử – hướng Nam – cung Ly hay cung Càn” như sau:

Thứ nhất, theo như đa phần người ngày nay công nhận, thì ông Văn Vương là tác giả lập ra Hậu thiên Bát quái, đặt cung Ly ở phương Nam. Thứ hai, cách gọi “Thiên tử” cũng được coi là xuất phát từ thời nhà Chu của Trung Quốc, tức là triều đại do con trai ông Văn Vương (là Vũ/Võ Vương) lập ra. Vì vậy tất tần tật các ông thiên tử, hay về sau đời Tần Thủy Hoàng trở đi còn xưng là hoàng đế, hễ ngồi quay mặt hướng Nam thì cũng đều sung sướng khi gọi đó là hướng Ly trong Hậu thiên Bát quái, vì hướng Ly được gọi tên sớm hơn khái niệm thiên tử, và bản thân hướng Ly là do bố đẻ của thiên tử lập ra (đố thằng cháu chắt nào dám chê cãi).

Còn nhỡ có ông thiên tử nào đó cần xài đến Tiên thiên Bát quái để giải quyết việc cụ thể nào đó, thì hướng Nam lại biến thành hướng Càn. Hay nói cách khác, quan trọng ở chỗ đó là hướng Nam, dù nó là Ly hay Càn.

Hình từ Internet

Chắc bác Candid có ý cho rằng đã là Thiên tử thì phải gắn với Trời (trời đất), tức là Càn trong càn-khôn. Tuy nhiên quan điểm này chắc còn phải bàn thêm, vì “Thiên tử” với “Càn-Khôn” theo em thuộc hai “hệ thống” khác nhau, tuy có tí dính dáng.

Càn Khôn là hệ biện chứng quy luật dịch chuyển (đạo) về vũ trụ và vạn vật. Còn Thiên tử là một “khái niệm chính trị”, và cũng chịu quy luật dịch chuyển của vũ trụ chứ không vượt ra ngoài nổi. Thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, cái con người được gọi là Thiên tử đó cũng không thoát khỏi sinh diệt, trong khi Càn Khôn chỉ dịch chuyển (trong đó có tiêu trưởng) chứ không sinh diệt.

Thứ hai, thiên tử không phải do Trời đẻ ra, mà chỉ được chỉ định để “hành đạo”. Nói cách khác, thiên tử (được cho là) vận hành một số quy luật cụ thể (nội dung đạo cụ thể) nào đó trong một ĐẠO Càn Khôn rộng lớn hơn rất nhiều. Thế nên nếu “lỗi đạo” hoặc “nghịch thiên hành đạo” thì sẽ có Thiên tử khác xuất hiện để thay thế.

Tóm lại, Thiên tử không thể hoàn toàn đại diện được cho Càn nói riêng, cũng như hệ thống Càn Khôn nói chung, và điều này không liên quan lắm đến, cũng như không ảnh hưởng đến việc ông ta ngồi nhìn về phía Nam.

Thôn Gia Cát ở Trung Quốc nhìn từ trên cao có hình bát quái. Hình từ Internet

Xin bàn tiếp là. Một khi đã là một phần của, và thuộc về đạo Càn Khôn, thì Thiên tử cần “toát lên” cái thuộc tính nào nhất trong bát quái? Điều này bác Đặng Thái cũng đã dẫn câu trong bộ Thuyết Quái (tương truyền của Khổng tử) về quẻ Ly rồi.

Quẻ Ly thuộc phương Nam trong Hậu thiên Bát quái. Ly hiểu đơn giản là Lửa, nhưng được nhấn mạnh tới tính chất “quang minh”. Thiên tử cần quang minh (và chính đại). Chỗ này nếu “chẻ hoe” ra để “chém gió”, thì Ly-Khảm là lửa và nước, nếu đi cặp với nhau ắt tạo ra cả quang lẫn minh, tức là có cả “ánh sáng” lẫn sự “rõ ràng”. Lửa là quang (sáng), còn nước có lửa thì minh (rõ). Đây có lẽ cũng là lý do vì sao trong Tử vi đẩu số cho rằng mạng Thiên thượng hỏa rất hợp Đại hải thủy, vì tạo ra “quang minh” là một cục diện lý tưởng.

Bác để ý thêm hai chữ Chính và Đại, đối chiếu với quẻ thuần Càn và thuần Khôn, sẽ thấy đặc tính Chính và Đại là hai đặc tính quan trọng của Càn và Khôn. Vậy nói tóm lại, Quang Minh Chính Đại chứa đầy đủ 4 đặc tính quan trọng của Càn-Khôn-Ly-Khảm (trời đất lửa nước). Do đó, thiên tử tuy quay mặt hướng Nam, nhưng không quên treo một cái biển to vật vã trên đầu, đề bốn chữ này (quang minh chính đại), vậy là hội đủ 4 yếu tố của trục Bắc Nam, bác luận theo Tiên thiên Bát quái hay Hậu thiên Bát quái cũng không chệch được nữa : ))

Ruộng bát quái ở Trung Quốc. Hình từ Internet

Chém gió thêm chút nữa (đang đà, bác thông cảm): theo Nho giáo, thì Thiên tử trước hết phải là quân tử, đã là quân tử thì phải giữ trong mình cái đức của Càn-Khôn, thể hiện ở hai câu “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” và “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật” (Đại tượng truyện về 2 quẻ thuần Càn và thuần Khôn). Cho nên ai ai cũng vậy, không cần phải là vua và phải nhìn về hướng Nam, cũng đã có Càn Khôn trong mình rồi. Và thế là đám nho sĩ trí thức bỗng có cái cớ rất bự để cười vào mặt thiên tử khi thiên tử không còn “thuận thiên hành đạo” nữa, ra điều chỉ có trí thức ta vẫn xứng đáng với càn khôn trời đất, vì ta tự cường bất tức và hậu đức tải vật, còn thiên tử kia quay mặt hướng Nam để trưng ra cái mặt sáng, nhưng sau lưng ông ta là mặt tối chả ai biết đâu mà lần, cứ sáng tối úp mở thế thôi, sánh làm sao được với trời đất như ta.

*

(Đây là cmt cho bài “Đặc biệt thị Seoul (bài 2)”. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi và thảo luận nhé. Cảm ơn Rieng&Chung rất nhiều.)

Ý kiến - Thảo luận

16:16 Thursday,1.10.2015 Đăng bởi:  rieng&chung
Bác Candid, lý do chọn 4 quẻ trên quốc kì Hàn Quốc thì em cũng không rành, tra trên wiki thấy có nói về ý nghĩa của nó là "Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đông Tây Nam Bắc; Nhân Nghĩa Lễ Trí". Có vẻ như không thấy nói về Quang Minh Chính Đại.
Cái link đó là tiếng Trung, em cứ dẫn vào đây nhé
https://zh.wikipedia.org/wiki/%E5%A4%A7%E9%9F%93%E6%B0%91%E5%9C%8B%E5%9C%8B%E6%97%97
...xem tiếp
16:16 Thursday,1.10.2015 Đăng bởi:  rieng&chung
Bác Candid, lý do chọn 4 quẻ trên quốc kì Hàn Quốc thì em cũng không rành, tra trên wiki thấy có nói về ý nghĩa của nó là "Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đông Tây Nam Bắc; Nhân Nghĩa Lễ Trí". Có vẻ như không thấy nói về Quang Minh Chính Đại.
Cái link đó là tiếng Trung, em cứ dẫn vào đây nhé
https://zh.wikipedia.org/wiki/%E5%A4%A7%E9%9F%93%E6%B0%91%E5%9C%8B%E5%9C%8B%E6%97%97 
12:59 Thursday,1.10.2015 Đăng bởi:  candid
Nhân tiện hỏi thêm bác Riêng chung và bác Đặng Thái, có phải vì Quang Minh Chính Đại mà Nam Triều Tiên chọn 4 quẻ Càn Khôn Ly Khảm trên cờ của họ?
...xem tiếp
12:59 Thursday,1.10.2015 Đăng bởi:  candid
Nhân tiện hỏi thêm bác Riêng chung và bác Đặng Thái, có phải vì Quang Minh Chính Đại mà Nam Triều Tiên chọn 4 quẻ Càn Khôn Ly Khảm trên cờ của họ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả