Bàn luận

Về mỹ học vị quan hệ (phần 1) 06. 11. 10 - 3:16 pm

Như Huy dịch

(Soi xin nói ngay từ đầu, bài thế này là rất cao so với trình độ của Soi :-). Bài viết này có liên hệ chặt chẽ với dự án sắp tới của Thiên Thu Bình, tại Ga 0, do Như Huy – giám đốc Ga 0 dịch và giới thiệu). 

Lời người dịch: Trong bản thông cáo báo chí của Ga 0 về dự án bến-trà-không của Thiên Thu Bình, chúng tôi có nhắc tới dạng mỹ học vị quan hệ (relational aesthetics) và coi nó như một trong những điểm tựa lý thuyết cho dự án của Thiên Thu Bình. Dưới đây, chúng tôi xin dịch một vài đoạn trích trong cuốn sách Mỹ học vị quan hệ (relational aesthetics) của Nicolas Bourriaud, xuất bản năm 1998. Các đoạn trích này được tuyển lựa và đưa vào một tuyển tập có tên là Sự tham dự, tư liệu về nghệ thuật đương đại (participation, documents of contemporary art), do Clare Bishop biên tập, và gallery whitechapel, London cùng ban tu thư viện công nghệ Massachuset ( MIT press) đồng xuất bản năm 2006.
 
Chọn dịch bài viết này, chúng tôi không hề tìm cách muốn đóng khung dự án của Thiên Thu Bình vào bất kỳ một khung xương nào, bởi như chúng ta đều biết, mọi dự án và hành vi văn hóa-nghệ thuật, trước hết đều luôn bắt nguồn từ chính như cầu ban đầu của chủ thể thực hiện- tức nhu cầu kể chuyện, nhu cầu chia sẻ, phản biện hay bình chú về các thực tại mà chỉ có chủ thể ấy mới là người hiểu và ý thức rõ nhất. Việc chọn dịch một trích đoạn trong cuốn sách mỹ học vị quan hệ của triết gia Bourriaud dưới đây chỉ nhằm mục đích duy nhất – đó là tạo thêm một cơ sở tham chiếu, nói cách khác, tạo thêm một tiền đề đối thoại, diễn giải, một cú hích khởi động cho cuộc thảo luận hy vọng sẽ xảy ra giữa công chúng và dự án, giữa nghệ sỹ và công chúng, cũng như giữa nghệ sỹ và dự án của mình
 
Bởi lẽ, trên hết, quyền và trách nhiệm đầu tiên cho mọi dự án hay hành vi nghệ thuật – luôn phải là quyền của người sáng lập và thực hiện dự án hay hành vi đó
 
N.H
 
—————–
 
Mỹ học vị quan hệ ( relational aesthetics) đã được coi là một văn bản có tính định nghĩa về một thế hệ nghệ sỹ nổi đình đám tại châu Âu vào khoảng giữa thập kỷ 90. Đoạn trích sau đây là một loạt các phần viết rút ra từ tuyển tập 7 bài tiểu luận khác nhau của Nicolas Bourriaud, mà ông từng in trong các tạp chí và các catalogue triển lãm
 
Nghệ phẩm như thể khe nứt xã hội
 
Dạng nghệ thuật vị quan hệ (tức dạng nghệ thuật mà ở đó – chân trời lý thuyết của nó là toàn bộ lãnh địa tương tác của con người và văn cảnh xã hội của lãnh địa ấy chứ không phải là sự khẳng quyết về một không gian biểu tượng riêng tư và biệt lập) xuất hiện như một sự chứng thực cho cái thay đổi triệt để diễn ra trong các mục tiêu chính trị, văn hóa, và mỹ học từng được nghệ thuật hiện đại đưa ra.

Tính xã hội học của dạng nghệ thuật vị quan hệ, khi mô tả vắn tắt sẽ là như sau: Sự phát triển này có nguồn cơn quan trọng từ sự ra đời của một nền văn hóa đô thị toàn cầu và từ sự xâm lấn của mô hình đô thị này vào mọi hiện tượng văn hóa. Sự loang rộng của tiến trình đô thị hóa bắt đầu xuất hiện từ cuối thế chiến II chính là nguyên do cho sự tăng trưởng vô tiền khoáng hậu của các trao đổi xã hội, cũng như cho khả năng di động khắp nơi của các cá nhân (nhờ vào sự phát triển của tàu lửa và các mạng lưới đường sắt, nhờ vào các tiến bộ trong ngành viễn thông, và vào sự giải hóa của các không gian đóng, tức những gì xảy ra song song với sự cởi mở của đầu óc con người).
 
Bởi các nơi chốn có thể cư trú trong thế giới đô thị này  ngày càng thu hẹp, chúng ta cũng lại được chứng kiến một sự thu giảm về kích thước của đồ nội thất và các vật thể trong căn hộ, tức những gì giờ đây đã có thể dễ dàng mang chuyển: đã từng có một thời gian dài, các nghệ phẩm luôn mang dáng vẻ các đồ vật sang trọng quý tộc trong văn cảnh đô thị (kích thước của cả nghệ phẩm và không gian trưng bày nó đều nhằm mục đích biểu thị sự phân biệt giữa kẻ sở hữu nghệ phẩm và hoi polloi (tiếng Hy Lạp: số đông tầm thường) song chức năng hoạt động và mẫu hình tái hiện của chúng giờ đây đã biến chuyển và mở ra một tiến trình đô thị hóa tăng dần cho các trải nghiệm thẩm mỹ. Giờ đây, những gì đang sụp đổ trước mắt chúng ta chính là cái quan niệm theo kiểu quý tộc về việc trưng bày tác phẩm- tức cái quan niệm gắn chặt với cảm xúc của việc đòi hỏi một lãnh địa riêng biệt cho tác phẩm.

 

Nói cách khác, giờ đây chúng ta đã có thể không còn quan niệm về các tác phẩm đương đại như một không gian dành cho hành vi đi lại ngắm nghía. (Chúng ta thường được dẫn đi xem các bộ sưu tập theo kiểu dẫn đi xem một căn nhà đẹp). Giờ đây, việc thưởng lãm nghệ thuật đương đại giống với sự trải nghiệm trực tiếp trong thời gian, hay sự mở ra một cuộc đối thoại không có hồi kết.

Đô thị cho phép và sản sinh ra kinh nghiệm về tính lân cận (proximity): chính kinh nghiệm này là khung xương biểu tượng và lịch sử của mọi đô thị, hay nói cách khác, chính nó tạo ra kinh nghiệm về sự “đối mặt lẫn nhau” mà đô thị áp đặt lên mọi con người sống trong đó, như Althusser từng nhận định – và trạng thái này là đối lập với trạng thái của khu rừng rậm rạp và vô ưu theo cách quan niệm của Jean-Jaques Rousseau về giới tự nhiên. Ở nơi khu rừng của Rousseau, kinh nghiệm của sự đối mặt lẫn nhau không thể tồn tại.
 
Một khi được đưa lên tới một trạng thái của một luật lệ có tính văn minh tuyệt đối, tình trạng đối mặt lẫn nhau có tính căng thẳng này rốt cuộc sẽ tạo ra các thực hành nghệ thuật song hành với nó. Nó tạo ra một hình thức nghệ thuật đặt cơ sở trên tính liên chủ thể (intersubjectivity). Các chủ đề trọng yếu của nó sẽ là sự chung sống cạnh nhau (being-together), sự song thoại giữa người xem và nghệ thuật, cùng sự đồng tạo chế nghĩa (cho nghệ phẩm) giữa người xem và nghệ sỹ.
 
Chúng ta có thể trả lời dễ dàng câu  hỏi đề về nguồn gốc của hiện tượng này bởi nghệ thuật chẳng đã luôn có tính quan hệ ở một tầm mức nào đó sao? Nói cách khác, nó đã chẳng luôn là một thành tố của khả tính xã hội (sociability) và luôn là cơ sở cho đối thoại đó sao? Một trong những khả năng tiềm tàng của hình ảnh chính là năng lực nối kết của nó-để sử dụng thuật ngữ của Michael Maffesoli: các lá cờ, biểu tượng, hình mẫu và ký hiệu đều sản tạo ra cảm thức đồng cảm và chia sẻ, và do đó, sinh ra “các đường dẫn”. Nghệ thuật (các thực hành sinh ra từ tranh vẽ hay điêu khắc và được trưng bày trong hình thức của một triển lãm) đã chứng minh là một hành vi biểu lộ thích hợp nhất nơi nền văn mình của tính lân cận. Nó mang lại cho chúng ta không gian của các mối quan hệ trong khi truyền hình và sách luôn ném chúng ta vào các không gian thưởng lãm riêng tư; còn nhà hát hay phim ảnh thì luôn chỉ là nơi tập trung các nhóm nhỏ lại bên nhau để xem các hình ảnh dễ hiểu, và rõ ràng là vào lúc đang xem thì không thể có một bình chú nào có thể xuất hiện (sự bình chú luôn phải xảy ra sau khi màn diễn hay bộ phim chấm dứt).
 
Một triển lãm nghệ thuật, trái lại, luôn tạo ra một khả thể cho thảo luận trực thời – thậm chí ngay cả khi đó là một triển lãm buồn chán nhất ; ta xem, bình chú, và đi lại trong cùng một không-thời gian với người khác. Nghệ thuật là một địa bàn sản tạo ra khả tính xã hội cụ thể: ở đó, mọi trạng thái mà không gian này tạo ra theo kiểu các “cuộc đối mặt“ do polis (tiếng Hy lạp: đô thị)  tạo ra, luôn ở trạng thái hiển thị. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào mà một dạng nghệ thuật đặt trọng tâm vào sự sản xuất ra các mẫu tụ họp vui chơi như vậy có thể thành công được trong việc tái khởi động dự án giải phóng con người có tính hiện đại? Làm thế nào nó có thể cho phép chúng ta chỉ ra được các mục tiêu chính trị và văn hóa kiểu mới?

 

Trước khi đi vào các ví dụ cụ thể, sẽ rất quan trọng cho việc đưa ra một cái nhìn mới vào địa chỉ của nghệ thuật- cả ở tính biểu tượng lẫn tính vật chất của nó- trong phạm vi hệ thống tổng thể của nền kinh tế, tức hệ thống đang điều khiến xã hội đương đại của chúng ta.
 
Không kể tới bản chất có tính tiêu thụ hay giá trị ngữ nghĩa của nó, theo quan điểm của tôi, nghệ phẩm luôn tái hiện một khe nứt xã hội. Thuật ngữ khe nứt do Marx đưa ra  nhằm miêu tả các cộng đồng giao thương thoát khỏi khung xương của nền kinh tế tư bản; Ví dụ như sự đổi chác, sự bán hạ giá, các hình thức sản xuất tự tự cung cầu, v.v, và v.v. Một khe nứt là một không gian  nằm trong các mối quan hệ xã hội mà dẫu có đang  ít nhiều hòa điệu hay mở ra cho hệ thống kinh tế chung, vẫn đề nghị các khả thể cho sự trao đổi khác với các hình thức trao đổi bán chác thuộc hệ thống chung. Nhìn một cách nào đó, các triển lãm nghệ thuật đương đại cũng là chính là các địa điểm nơi diễn ra sự trao đổi – mà ở đây là sự trao đổi biểu tượng. Chúng tạo ra các không gian và các khoảng thời gian tự do với nhịp điệu khác hoàn toàn với nhịp điệu của đời sống thường nhật, và chúng khuyến khích một sự giao tiếp có tính kết nối con người với nhau khác hẳn với “các khu vực truyền thông được quy định sẵn” mà cuộc sống đời thường áp đặt lên chúng ta.
 
Văn cảnh xã hội đương đại đã hạn chế cơ hội cho các mối quan hệ liên kết con người ở chỗ nó tạo ra các không gian được thiết kế có chủ định cho từng mục tiêu cụ thể. Nhà vệ sinh công cộng được thiết kế ra với mục đích giữ gìn sự sạch sẽ của phố xá. Cũng kiểu tư duy như vậy đã định hướng cho sự phát triển các công cụ truyền thông và làm cho các giao tiếp tự nhiên bị triệt tiêu. Kết quả là các mối quan hệ theo kiểu xóm giềng thân cận đã bị thải trừ hoàn toàn. Sự cơ giới hóa nói chung nơi các chức năng xã hội đang chầm chậm giải trừ không gian quan hệ của chúng ta. Mới chỉ vài năm trước thôi, các cuộc gọi đánh thức vào buổi sáng vẫn còn sử dụng giọng người thật; tuy nhiên, đến nay, chúng ta buộc phải làm quen với giọng điện tử… các máy rút tiền-mô hình quá độ cho các chức năng xã hội cơ bản nhất, cũng đang dần bị thay thế bởi  các hành vi chuyên nghiệp đang được lập trình  theo tính hiệu quả  bởi các máy móc kiểu mới hơn. Cũng những máy móc như thế giờ đây đang đảm đương các tác vụ từng tạo ra vô số cơ hội cho sự trao đổi, sự thỏa mãn, hay sự xung đột. Nghệ thuật đương đại thực sự đang săn đuổi một dự án có tính chính trị khi nó nỗ lực đi vào lãnh địa có tính quan hệ  bằng ngay hành vi đặt câu hỏi về lãnh địa ấy.
 

 (Còn tiếp, phần 2: Các ví dụ cụ thể)

*

Bài liên quan:

– Bến Trà Không: Kiểu gì cũng phải đến thôi 
– D.Q thắc mắc với Như Huy 
– Như Huy trả lời D.Q 
– Về mỹ học vị quan hệ (phần 1)
– Mỹ học vị quan hệ (phần 2)
 

Ý kiến - Thảo luận

11:48 Thursday,3.10.2013 Đăng bởi:  phó đức tùng

sieunoob

để giải thích rõ hơn, mình chỉ nói relational art không có không gian đặc thù, tức là không gian chuyên dụng để trưng bày như gallery, bảo tàng. Còn tất nhiên khi đã trưng bày nghệ thuật trong một quán cà fê, hay một góc phố hay là một vườn nhà thì không gian vốn bình thường đó có thể trở thành không gian nghệ thuật. Có nghĩa là tác phẩm nghệ thuật
...xem tiếp

11:48 Thursday,3.10.2013 Đăng bởi:  phó đức tùng

sieunoob

để giải thích rõ hơn, mình chỉ nói relational art không có không gian đặc thù, tức là không gian chuyên dụng để trưng bày như gallery, bảo tàng. Còn tất nhiên khi đã trưng bày nghệ thuật trong một quán cà fê, hay một góc phố hay là một vườn nhà thì không gian vốn bình thường đó có thể trở thành không gian nghệ thuật. Có nghĩa là tác phẩm nghệ thuật định nghĩa không gian chứ không phải ngược lại.

như vậy thì nếu coi đồ của ông Chứng là nghệ thuật thì tự khu vườn biến thành không gian trưng bày. Ngược lại, nếu ai đó không coi những hoạt động của Ga 0 là nghệ thuật thì việc gọi quán trà đó là không gian trưng bày nghệ thuật cũng vô nghĩa, và nó chỉ là quán trà.

 
11:28 Thursday,3.10.2013 Đăng bởi:  phó đức tùng
sieunoob
mình không khẳng định gì về relational art. theo mình đó chỉ là một dòng quan điểm, không đại diện cho tất cả các loại art. ý mình nói là trong bài dịch, quan điểm của tác giả như vậy. Sieunoob có thể đọc lại. còn điều đó là đúng hay sai thì tùy nhận đị
...xem tiếp
11:28 Thursday,3.10.2013 Đăng bởi:  phó đức tùng
sieunoob
mình không khẳng định gì về relational art. theo mình đó chỉ là một dòng quan điểm, không đại diện cho tất cả các loại art. ý mình nói là trong bài dịch, quan điểm của tác giả như vậy. Sieunoob có thể đọc lại. còn điều đó là đúng hay sai thì tùy nhận định của mỗi người. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bàn về gái đẹp

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả