Kiến trúc

Thiên tử ngồi quay mặt hướng Nam vừa tắm nắng vừa xem Google Maps 30. 09. 15 - 10:11 pm

Đặng Thái

Trong phần thảo luận của bài Seoul 2, Candid có hỏi:

“Hướng Nam là hành Ly vì sao lại được dành cho hướng của Thiên Tử hả bác?Ở Việt Nam có câu “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam” không hiểu có liên quan gì đến hướng của thiên tử không?Em hỏi thế vì theo tiên thiên bát quái thì Nam là Càn thì hiểu được là hướng của Thiên Tử, nhưng Hậu thiên bát quái thì Nam lại là Ly. Chọn hướng Nam hiểu theo nghĩa nào đây? Xem trên bản đồ thì thấy thành Thăng Long hình như không phải ở hướng chính Nam mà là Tây Nam.”

Bài viết này để trả lời mấy câu hỏi trên của bác Candid. Cảm ơn bác Sương đã đóng góp ý kiến trong phần thảo luận bài trước. Hình ảnh trong bài đều cùng một quy tắc phương hướng: Bắc trên, Nam dưới, Đông phải, Tây trái.

Nhìn hình dễ nhận thấy trục nối thềm điện Kính Thiên và Đoan Môn hay gọi là trục thần đạo của Hoàng Thành Thăng Long hơi lệch về hướng Tây một chút, tức hướng Nam Tây Nam. Trong toàn bài, các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn một chút nhé.

*

Bác Candid muốn không phải dùng chữ “hình như” trong câu “thành Thăng Long hình như không phải ở hướng chính Nam mà là Tây Nam” thì không cần phải đọc đến đề tài nghiên cứu khảo cổ cấp Nhà nước mà mình xin được giới thiệu một công cụ kiểm tra rất rẻ tiền lại dễ sử dụng, đó là… Google Maps! Còn về phần bác dùng Kinh Dịch thắc mắc thì sẽ trình bày từ từ dưới đây, bởi lẽ phong thủy là môn dựa chủ yếu vào địa lý chứ không phải bói toán nên không phải lúc nào cũng đếm xem mấy quẻ mấy hào.

Lý thuyết về việc chọn hướng Nam cho cung điện và kinh thành ở Đông Á là do dựa trên quan niệm về phương vị của người Trung Quốc thời cổ, trong đó nổi bật nhất là dựa theo lời Khổng Tử. Trong phần Thuyết quái của Kinh Dịch, ông viết: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (thánh nhân hướng mặt về phương Nam để nghe lời thiên hạ, hướng về phía ánh sáng để mà cai trị). Trong Kinh Lễ lại viết “Thiên tử phụ ỷ hướng nam nhi lập” (Vua muốn gây dựng cơ nghiệp thì nên nhìn về hướng Nam).

Tư tưởng này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành cả một hệ tư tưởng “hướng nam” của các triều đình Khổng giáo. Nhưng nó không chỉ đơn thuần là làm theo một cách mù quáng mà còn dựa trên những yếu tố địa lý ngoài thực địa. Trung Quốc, cũng như Việt Nam nằm ở phía Bắc Bán Cầu, ai cũng biết rằng mỗi ngày mặt trời mọc ở đằng Đông, lặn ở đằng Tây nhưng thường bỏ qua mất chi tiết sau khi mọc, trước khi lặn thì nguồn ánh sáng khổng lồ ấy ở đâu? Đó là hướng Nam (nhiều người nghĩ đơn giản rằng lộ trình Đông-Nam-Tây là chuyện đương nhiên. nhưng nếu bạn sống ở Nam Bán Cầu, như Úc chẳng hạn, mặt trời sẽ đi theo đường Đông-Bắc-Tây). Vì vậy mà giữa trưa, khoảng thời gian nhận nhiều ánh sáng và nhiệt nhất, mặt trời ở hướng chính Nam, hay còn gọi là chính Ngọ (ngày xưa hay chém đầu tử tù vào giờ này). Nói cách khác hướng về phương Nam là hướng về nguồn sáng, nơi nhiều năng lượng nhất. Phần lý luận về mặt trời này không biết Đức Khổng Tử có rõ không vì theo như truyện dưới đây thì dường như trình độ thiên văn thời bấy giờ chưa đủ để lý giải sự quay của trái đất quanh mặt trời và sự quay quanh trục của chính nó:

Khổng Tử đi chơi ra phía đông, thấy hai đứa bé cãi nhau,hỏi tại làm sao, thì một đứa nói rằng: “Tôi thì tôi cho mặt trời, lúc mới mọc, ở gần ta hơn, về buổi trưa, ở xa ta hơn.”

Còn một đứa nói: “Tôi thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, về buổi trưa, ở gần ta hơn,”

Ðứa trước cãi: “Mặt trời lúc mới mọc to như cái bánh xe, đến giữa trưa, nhỏ như cái bát ăn, thế chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?”

Ðứa sau cãi: “Lúc mặt trời mới mọc, thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng nực, thế chẳng phải tại gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì?”

Khổng Tử nghe nói, không giải quyết được ra làm sao.Hai đứa bé cười bảo: ” Thế thì cho ông là người học rộng hiểu nhiều thế nào được!”

(Tác giả: Liệt Tử)

Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa vuông thành sắc cạnh, đúng kiểu “nhìn sông tựa núi” nhưng rất bí, thế âm trạch, hợp xây lăng mộ, chỉ để phòng thủ mà cũng thủ được có 10 năm. Mặt chính quay hướng Đông Nam nhưng cổng phía trước vẫn gọi là cổng Nam.

Mặt khác, Trung Quốc và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của các khối áp cao phía Bắc trong đó có áp cao Siberia nên gió lạnh mùa đông thổi từ phía Bắc xuống mà ở miền Bắc nước ta hay gọi là gió mùa Đông Bắc, mùa hè gió nóng đem theo hơi ẩm lại thổi từ biển vào theo hướng Đông Nam. Nói một cách đơn giản hơn, phương Bắc thì lạnh mà phương Nam thì nóng. Vì thế mà đại diện cho phương Nam là thần Chu Tước – con phượng hoàng màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa. Phương Bắc lạnh tượng trưng cho âm, phương Nam nóng tượng trưng cho dương, mà gia chủ muốn vượng thì đương nhiên phải hướng dương rồi. Cho nên xây nhà lưng chắn hướng Bắc để ngăn gió lạnh mùa đông, cửa mở hướng Nam đón hơi mát mùa hè là hợp lý. Câu Candid trích dẫn phải là: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” mới đúng. Có người lý sự rằng “đàn bà” là chỉ tính cách tốt của người phụ nữ nhưng dù sao đi nữa hai từ điền vào chỗ “lấy vợ…., làm nhà hướng Nam” vẫn phải là tính từ, nên “hiền hòa” mới chuẩn.Vợ ai chẳng là đàn bà, nhưng phải hiền hòa thì mới giống như ngôi nhà hướng Nam đông ấm hè mát vậy. Còn nhà đương nhiên không thể lúc nào cũng hướng Nam như vợ đàn bà được, nên mới sinh ra câu: “Lấy vợ già, làm nhà hướng Tây” chứ.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì không thể nhà nào, chỗ nào cũng cứ xây trên trục Bắc- Nam thẳng tưng được, còn phải phụ thuộc vào địa hình sông núi. Vì vậy hướng Nam cho Thiên Tử ở đây được định nghĩa mở rộng là từ Đông Nam đến Tây Nam. Chưa kể đến sự sai lệch khi định vị do công cụ thô sơ và hạn chế kĩ thuật ngày trước. Ngay Cố Cung Bắc Kinh và Cảnh Phúc Cung Seoul cũng đều lệch nhỏ hơn 5° so với trục Bắc Nam.Khi dịch ra tiếng Anh thì họ đều sử dụng “north-south axis” (trục Bắc-Nam) nhưng trên thực tế đều lệch. Quy hoạch các thành phố hiện đại ở Trung Quốc và Hàn Quốc đều sử dụng những trục Bắc-Nam hơi lệch một tí (sẽ nói thêm về trục này ở bài Seoul số 3) nhưng không bao giờ vượt quá Đông Nam và Tây Nam, thường chỉ là Nam Tây Nam hoặc Nam Đông Nam mà thôi.

Cảnh Phúc Cung lại lệch về Tây một tí so với trục Bắc Nam.

 

Cố Cung Bắc Kinh, trục thần đạo lệch sang Đông nhỏ hơn 2° không rõ vì sao. Một số sử gia cho rằng lệch như vậy để nối thẳng đến thành Thượng Đô ở Nội Mông, kinh đô cũ của đế chế Mông Cổ trước khi dời đô đến Bắc Kinh. nhưng có lẽ trình độ lúc bấy giờ chưa đến mức ấy.

 

Kinh Thành Huế quay trục Tây Bắc-Đông Nam là linh hoạt dựa theo hướng chính của các dãy núi ở Bắc Trung Bộ nước ta. Thành cũng nhìn sông nhưng lại tựa vai vào núi chứ không dựa hẳn, từng công trình của Huế đều tuân theophong thủy nghiêm ngặt nhưng tổng thể thì lại chưa tốt, cộng thêm một hệ thống lăng tẩm âm phần chi chít.

Tái bút: Có hai đứa bạn mình cá cược với nhau là trước Lăng Bác có bao nhiêu ô vuông cỏ, lên mạng tra mà chỗ này nói một, chỗ kia nói hai, không tin được mới định rủ nhau đội mưa phóng xe ra Lăng để đếm. Mình mới bảo: “Hai thẳng dở hơi, vào đây tao bật cho tha hồ mà đếm”. Tiện đây ca ngợi Google Maps một tí vì mình có thú vui là thỉnh thoảng ngồi xem bản đồ khắp các nơi, ngồi nhà mà vẫn ngắm được nhiều chỗ. Nếu ai đi chơi bên Tây, sử dụng chế độ street view (xem phố) của nó thì mới thấy thật là vĩ đại.

 

Ý kiến - Thảo luận

21:02 Saturday,7.11.2015 Đăng bởi:  Ớ ớ
Thế tức là những cái nào nhìn trên bản đồ đúng chính Nam thực chất lại là hơi Đông Nam hả bạn Đạt, nếu nói như bạn?
...xem tiếp
21:02 Saturday,7.11.2015 Đăng bởi:  Ớ ớ
Thế tức là những cái nào nhìn trên bản đồ đúng chính Nam thực chất lại là hơi Đông Nam hả bạn Đạt, nếu nói như bạn? 
20:52 Saturday,7.11.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Quang Đạt

Đọc thấy buồn cười quá. Chắc tác giả không có kiến thức về từ trường trái đất và trục quay của trái đất nên mới viết như vậy. Trái đất tự quay quanh 1 cái trục nghiêng 23°27'. Cái điểm trên mặt đất mà trục quay đi xuyên qua ở Bán cầu bắc là cực bắc địa lý, ở Bán cầu nam là cực nam địa lý. Đó chính là 2 điểm cực bắc và cực nam vẫn được thể
...xem tiếp

20:52 Saturday,7.11.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Quang Đạt

Đọc thấy buồn cười quá. Chắc tác giả không có kiến thức về từ trường trái đất và trục quay của trái đất nên mới viết như vậy. Trái đất tự quay quanh 1 cái trục nghiêng 23°27'. Cái điểm trên mặt đất mà trục quay đi xuyên qua ở Bán cầu bắc là cực bắc địa lý, ở Bán cầu nam là cực nam địa lý. Đó chính là 2 điểm cực bắc và cực nam vẫn được thể hiện trên bản đồ, các đường nối 2 điển này với nhau gọi là kinh độ. Trái đất được các nhà khoa học coi là 1 nam châm khổng lồ có từ tính với 2 cực Bắc và Nam. 2 Cực từ tính này không trùng với 2 cực từ địa lý. Mà Trung Quốc là nước đầu tiên phát minh và sử dụng la bàn. Trong xây dựng họ cũng dùng la bàn để xác định phương hướng, cực Bắc của Nam châm sẽ chỉ về cực Bắc từ trường chứ không phải cực bắc địa lý trên bản đồ bây giờ, Cực nam cũng vậy. Từ đó dẫn đến sự hơi lệch 1 chút khi xem trên bản đồ nhưng ra thực địa dùng la bàn thì cổng thành nó vẫn ở hướng chính nam thôi. Nói tóm lại là vì cục từ và cực địa lý không trùng nhau. Người Trung Quốc từ xưa đã dùng nam châm để xác định phương hướng theo cực từ, còn bản đồ bây giờ thể hiện theo cực địa lý nên sinh ra cái gọi là lệch 1 chút theo hướng nam tây nam.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả