Điện ảnh

The Orphanage: đáng sợ hơn cả con ma 26. 10. 15 - 8:16 am

Pha Lê

Tôi nhớ lúc đi du học bên Singapore, cả bọn chẳng có bố mẹ gì nên hay tụ tập ngoài phòng khách. Đến lúc tối ai nấy cũng dắt díu nhau đi ngủ, có tôi bị mất ngủ kinh niên nên thường xuyên nán lại xem ti-vi. Mà tối rồi thì ti-vi toàn chiếu… phim ma, kinh dị. Bỗng một hôm, đứa bạn – chắc cũng mất ngủ – mò xuống nhà. Nó ngồi với tôi một hồi rồi hét, “Phim thế mà mày ngồi coi một mình trong tối được à?”

Tôi chẳng nhớ tên phim mà hai đứa xem lúc ấy là gì. Cốt truyện đại loại kể về một cặp vợ chồng hiếm muộn đi xin con nuôi, ai dè cô bé mà họ nhận về vẫn còn bố mẹ. Bố mẹ ruột của cô bé là xã hội đen, chính quyền tưởng đã ngoẻo nhưng thực ra còn sống nhăn. Thế là bố mẹ ruột âm mưu đi giết bố mẹ nuôi để bắt con về, cảnh cuối phim là màn cô bé con cầm dao đâm chết bố ruột. Bạn tôi hãi hùng, còn tôi chỉ thấy phim dở, chả có gì để mà sợ như đa số các phim kinh dị, giết người, ma mẽo khác. Xem một mình rồi vô tư đi ngủ một mình, đời không thấy gì thay đổi.

Nhưng có những phim không bao giờ nên xem một mình (kể cả vào dịp Halloween) và nên đi ngủ hai mình, và một trong số đó là The Orphanage (Cô nhi viện) của Tây Ban Nha.

Poster phim “The Orphanage”

Không ai xem phim sẽ ngờ được rằng đây là tác phầm dài đầu tay của đạo diễn J. A. Bayona. Đối với người có thể gọi là “chân ướt chân ráo” bước vào làng điện ảnh, Bayona chưa gì đã dũng cảm đòi hỏi một điều ngày càng trở nên hiếm hoi trong hành động xem phim của khán giả hiện đại: sự kiên nhẫn.

Tại Tây Ban Nha, năm 1975, cặp vợ chồng hiếm muộn nọ đến một cô nhi viện tìm con nuôi. Họ chọn cô bé Laura, thế là bé lớn lên trong ngôi nhà ấm áp đầy tình thương cha mẹ. Biết rằng mình may mắn hơn các bạn, nên lúc lớn và lấy anh chồng Carlos, Laura quyết định xin con nuôi chứ không sinh con ruột. Cặp vợ chồng nhận bé trai Simon về, yêu thương Simon như chính bố mẹ Laura đã yêu thương cô.

Laura và Carlos

 

Bé Simon

Lúc hay tin cô nhi viện hồi xưa từng nuôi nấng mình đã đóng cửa, Laura quyết định mua lại nó, và biến chỗ này thành nhà kiêm cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật. Laura nhớ loáng thoáng rằng mình từng khá hạnh phúc khi sống ở cô nhi viện, ờ thì trong đầu cô bỗng hiện lên vài hình ảnh khó hiểu – một chú bé con mặt mày lúc nào cũng bịt kín bằng vải bao bố chẳng hạn.

Nhưng ký ức tuổi thơ luôn không chính xác và luôn kỳ cục, Laura cho rằng căn phòng cũ này, hành lang xưa kia, cái bồn tắm nọ… khiến mình nhớ lại nhiều thứ, chẳng phải thứ nào cũng đúng nên cô bỏ nó ra khỏi đầu, tiếp tục bận bịu dọn dẹp cô nhi viện cũ để đón trẻ em về.

Cô nhi viện trong phim

Bé Simon thấy mẹ lu bu nên tự chơi một bình. Một hôm, bé bảo mình làm quen với cậu bạn tên Tomas, bé còn lấy giấy ra vẽ chân dung Tomas: một cậu con trai nhỏ thó, mặt mày trùm vải bố.

Cậu bạn Tomas mà Simon làm quen

Và không bao lâu sau, bé Simon bỗng dưng biến mất tích.

Tại sao đa số phim ma, phim kinh dị chẳng có gì để sợ và chẳng có gì hay ho? Bởi đạo diễn toàn đâm đầu vào việc đi hù khán giả. Nhạc éo chỗ này một chút, con dao lóe lên chỗ kia, bàn tay bỗng chìa ra, con ma tóc dài bò bò. Nhưng hù cỡ nào thì cùng lắm chỉ giật mình lúc ấy. Nỗi sợ phải gắn liền với thứ gì đó ít ra là thực tế thì ta mới sợ dai dẳng được. Tôi có thể sợ lúc xem phim ma, hoặc sợ lây sang vài ngày sau đó, nhưng rồi mọi thứ lại bình thường, và thấy phí thời gian do nỗi sợ ấy chẳng khiến mình rút ra được gì cho cuộc sống.

Vì vậy, cái hay của The Orphanage là phim lồng nỗi sợ ma vào nỗi sợ kinh điển: mất con. Đến nỗi xem xong cả mấy năm rồi mà lúc nghĩ lại vẫn thấy nỗi sợ còn dai dẳng trong đầu. Không thót tim sao được khi chứng kiến cảnh bà mẹ Laura xông vào nhà kho, chui xuống hầm tối để tìm bé Simon trong tuyệt vọng. Phim ma hầu hết toàn những cảnh sợ “do đạo diễn ép”, kiểu nghe thấy tiếng động lạ không lo trốn mà lại lanh chanh “dấn thân vào chỗ tối thăm dò” làm gì trong khi 5 phút trước vừa bị ma nhát. Nhưng với tư cách của một bà mẹ, Laura phải dùng hết can đảm để tìm con mình, cho dù cô phải đối diện với ma đi nữa. Người xem hiểu rõ vì sao cô cứ thế liều mạng, từng hành động của cô đều có lý chứ không phải do ông đạo diễn ép. Và chính sự có lý này khiến chúng ta sợ hơn – chứ cư xử theo kiểu ngốc thì ai quan tâm nữa. Người xem tha hồ giằng xé giữa việc muốn Laura tìm thấy bé Simon với việc cản Laura lại, do cô càng cố tìm con thì càng có cơ hội chạm trán các bóng ma đang lởn vởn ở cô nhi viện cũ. Chúng ta không muốn bị nhát ma, càng không muốn Laura bị ma nhát.

Hai mẹ con trước khi bé Simon mất tích

 

Laura lật tung hết các ngóc ngách tăm tối của cô nhi viện để tìm con

The Orphanage có phần đầu chậm rãi, phần giữa chậm rãi, đến cái kết cũng chậm rãi. Nhưng lúc hết phim là tim người xem cứ đập thình thịch đến vã mồ hôi. Vì đạo diễn đã bắt chúng ta phải kiên nhẫn theo dõi tình tiết phim chứ không hù ta ngay từ đầu, nên chúng ta dần nhận thấy rằng chờ đợi kết cục, hoặc chờ con ma tới nó đáng sợ hơn là… gặp con ma. Hù tôi đi để tôi còn làm việc khác, đằng này nếu chưa cần thì đạo diễn vẫn không hù, khiến người xem cứ hồi hộp chờ, nhấp nhổm theo dõi, nghe ngóng. Nếu bảo đạo diễn thật liều mạng khi làm bộ phim ma với nhịp điệu từ tốn như thế thì cũng không phải không có cơ sở, tuy nhiên tôi lại thấy rằng nhịp điệu của phim có mục đích hẳn hoi chứ không phải chỉ là thành quả của cái sự liều. J. A. Bayona hiểu rõ rằng lắm lúc những thứ đáng sợ nhất lại nằm ở… trong đầu, vì thế anh làm phim có tiết tấu từ từ để khán giả có thể ngồi đấy chịu trận với những suy nghĩ kinh khủng nhất của bản thân – bé Simon có làm sao không? Còn sống hay bị ma giết? Ma ở cô nhi viện là ai? Tomas có thật không? Sao Tomas lại lấy vải bao bố bị mặt? Mẹ Laura có tìm được con kịp thời không?

Và đến lúc đạo diễn ra tay hù khán giả một vố vào đoạn cuối, thì ôi thôi nó đau đớn. The Orphanage là một trong những phim có cái kết gọn ghẽ, không màu mè, nhưng kinh hãi đến thấu xương nhất trong các phim ma tôi từng xem. Và tôi nghĩ rằng ai xem phim này cũng sẽ thấy thế, bởi vì cho đến phút chót, The Orphanage hiện nguyên hình là một tác phẩm tràn ngập tình yêu. Tuy nghe có vẻ khập khiễng, nhưng không có yêu thương thì làm sao có lo lắng, có đau khổ, có sợ hãi? Mấy phim ma khác chỉ biết dọa khán giả bằng cách hành xác nhân vật của mình, The Orphanage khiến ta sợ vì nó cho phép ta yêu những nhân vật trong phim.

*

Ai muốn tải phim thì có thể tải torrent ở đây (có sẵn phụ đề tiếng Anh), còn xem online có phụ đề tiếng Việt thì thấy trang này hoặc trang này có (nhưng chất lượng hình ảnh cũng chỉ tàm tạm thôi)

Ý kiến - Thảo luận

11:48 Sunday,11.2.2018 Đăng bởi:  Hoa Thu

Cái chết của Simon do sự vô ý của người mẹ. Nhưng người mẹ đã tìm thấy con mình ở thế giới bên kia và sống mãi với kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Phim hay

...xem tiếp
11:48 Sunday,11.2.2018 Đăng bởi:  Hoa Thu

Cái chết của Simon do sự vô ý của người mẹ. Nhưng người mẹ đã tìm thấy con mình ở thế giới bên kia và sống mãi với kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Phim hay
 
8:43 Monday,26.10.2015 Đăng bởi:  Anh Nguyen
Khi chưa có con thì xem phim này không sợ lắm. Nhưng một khi đã có con rồi nhớ lại tình cảnh tuyệt vọng của bà mẹ lao ra biển tìm con, để rồi nhận ra sự thật ở cuối phim...mà bé trai trong phim còn bị bệnh HIV nữa, nhưng khi xem không thấy ghê mà chỉ thấy tội nghiệp vô cùng...
Một phim kinh dị chủ đề cũng về trẻ mồ côi là phim The Orphan, phim này làm cũng khá chắc t
...xem tiếp
8:43 Monday,26.10.2015 Đăng bởi:  Anh Nguyen
Khi chưa có con thì xem phim này không sợ lắm. Nhưng một khi đã có con rồi nhớ lại tình cảnh tuyệt vọng của bà mẹ lao ra biển tìm con, để rồi nhận ra sự thật ở cuối phim...mà bé trai trong phim còn bị bệnh HIV nữa, nhưng khi xem không thấy ghê mà chỉ thấy tội nghiệp vô cùng...
Một phim kinh dị chủ đề cũng về trẻ mồ côi là phim The Orphan, phim này làm cũng khá chắc tay và kết cục bất ngờ.
Nữ diễn viên chính đóng vai Laura còn đóng một phim cực hay khác là El Cuerpo (The Body) - phim hình sự rùng rợn, và phim Julia's eyes. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả