Kiến trúc

Một công trình đoạt giải của Arch Daily tiêu tan sau 7 tháng khai trương 16. 10. 15 - 7:23 am

Phát Tường tổng hợp và dịch

.

Trên đảo Fogo, ở một trong những vùng nghèo nhất của nước Cape Verde, tại độ cao 1800m, ngay giữa lòng chảo của một ngọn núi lửa, có ngôi làng Chã das Caldeiras với 1200 cư dân sống kiểu liều mạng, dùng đất của nhà nước để trồng trọt, chăn nuôi.

 

Đây là một vùng đất thuốc dạng bảo tồn của quốc gia, không được xây cất nhiều, với những điều luật chặt chẽ để không có chuyện chiếm dụng đất linh tinh, nên thường xuyên có va chạm lợi ích giữa nhà nước với nhân dân trong vùng.

 

Một công viên văn hóa vì thế được ra đời (ngay chỗ có cái chấm vàng vàng trên hình) để củng cố, nhắc lại tính chất của khu vực đất công này, đồng thời như một thứ xoa dịu người dân. Các kiến trúc sư đã trộn lẫn các không gian cho văn hóa và giải trí lại với nhau, vừa dành cho người dân vùng Chã das Caldeiras, vừa có cái cho khách nào (rủi có đến) tham quan.

 

Khung cảnh thiên nhiên này đặc biệt kỳ thú với núi lửa và miệng núi lửa, mang một vẻ đẹp “độc và lạ”, dễ để trở thành một kỳ quan thế giới. Ý tường đưa ra là làm sao có được một giải pháp kiến trúc cân bằng: kiến trúc không át cảnh quan, cảnh quan như ôm lấy kiến trúc, hai bên bổ trợ cho nhau cùng đẹp. (Ảnh từ đây của Fernando Guerra).

 

Vì thế khối nhà đã được xây dựng như một dải da liền mạch bằng đá đen lấy trong vùng, là thứ đá được làm bằng xi măng và tro núi lửa. Tro cũng được dùng để phủ mái của khu vực bên ngoài, để hòa thiên nhiên với cấu trúc trong một thể thống nhất tự nhiên.

 

Ban ngày, những bức tường dài bao quanh tòa nhà như lẫn vào con đường, nhìn bóng đổ mới thấp thoáng biết là dưới kia có những không gian.

 

Ban đêm, đèn không được bật sáng choang để bảo vệ lũ chim trong vùng khỏi chói mắt.

 

Mọi nguồn cung điện, nước đều do tòa nhà tự lo liệu, không mất công lằng nhằng ống dẫn với đường dây làm xấu cảnh quan. Điện thì từ năng lượng mặt trời lấy từ mái (hình), trữ trong những khối pin.

 

Trung tâm tính toán sao cho không cần dùng máy lạnh, hoàn toàn thông gió bị động, như thế tiết kiệm năng lượng.

 

Cấu trúc của tòa nhà giúp kiểm soát và tận dụng được khả năng ổn định nhiệt bên trong tòa nhà. Như thế ban ngày không bị nóng mà ban đêm dùng được cái ấm của ban ngày nên không bị lạnh.

 

Nước mới là một việc khó khăn. Nước mưa hứng thẳng từ mái vào một bể chứa, dùng để tưới tiêu, rửa ráy. Nước đã dùng được thu lại, lọc và xử lý rồi bơm lại vào hệ thống.

 

Tòa nhà được chia làm hai khu chính: khu văn hóa gồm một phòng nghe nhìn, một nhà hát ngoài trời, thư viện (hình), và khu terrace-caffè.

 

Phòng đọc sách

 

Khu hành chính thì gồm vài phòng hội họp, các phòng ban, các khu vực cho phòng thí nghiệm và kỹ thuật.

 

Khu vực ngoài trời là một chuỗi những hàng hiên dông dốc, kéo xuống từ mái nhà xuống đến hiên chính của tòa nhà.

 

Một đường dốc có thể dùng làm nơi tổ chức event, hòa nhạc.

 

Một góc của khu vực ngoài trời

 

Ở khu vực ngoài trời là một vườn cây, trồng những cây cỏ đại diện của vùng đất này (nghĩa là không có bao nhiêu), giúp tòa nhà càng thêm hòa lẫn với bối cảnh bao quanh.

 

Tòa nhà Công viên Tự nhiên này khi đưa vào hoạt động đã làm cho hoạt động trên đảo phong phú hơn về mặt xã hội, văn hóa, và cả kinh tế, vừa hòa nhập (được với dân) mà lại vẫn hòa tan (được với không gian).

 

Trung tâm nằm lọt trong lòng chảo của núi lửa.

 

Công trình dùng toàn vật liệu và kỹ thuật địa phương. Nhân công cũng là địa phương.

 

Tác giả là văn phòng kiến trúc Oto Arquitectos đóng tại Lisbon. Trung tâm khai trương tháng Tư 2014 (hình) và được trang Archdaily trao giải công trình văn hóa của năm (2015).

 

Nhìn từ trên cao xuống sẽ chỉ như thế này.

*

Nhưng than ôi, giờ mới biết, khai trương được 7 tháng thì công trình đã bị phá hủy hoàn toàn, do ngọn Pico do Fogo chết tiệt phun lại vào tháng Mười Một 2014.

André Castro Santos, một trong bốn trụ cột của văn phòng kiến trúc, đã mô tả việc này là “thảm họa”.

“Ba ngày đầu tòa nhà còn kháng cự lại được, chặn đứng dòng nham thạch, chỉ có bức tường phía nam bị phá,” ông nói với Dezeen. “Nhưng vào ngày thứ tư núi lửa phun mạnh hơn, tòa nhà hoàn toàn bị nham thạch nuốt chửng.”

Xem núi lửa Pico phun và nham thạch cuốn nhà trôi, từ 2 phút 40 trên link này

“Mất 7 năm để chúng tôi hoàn thành và nó chỉ sống được có 7 tháng,” kiến trúc sư nói thêm. “Chúng tôi cứ nghĩ các tòa nhà sẽ là vĩnh cửu nhưng (hóa ra) thiên nhiên vẫn mạnh hơn.”

Ngọn Pico do Fogo đứng ngay giữa đảo, đã từng phun hai lần vào 1951 và 1995. Lần phun thứ ba là 2014, hàng trăm người sống ngay đó đã phải bỏ nhà chạy và sân bay địa phương đã phải đóng cửa. 

Làng Chã das Caldeiras bị vây trong nham thạch của ngọn Pico vào đợt phun 2014

Nhưng Castro Santos nói địa điểm văn hóa mới – gồm thư việc, các khu nghe nhìn trong nhà và ngoài trời, quán cà phê – sẽ được xây dựng lại ở một địa điểm mới, nhưng chưa rõ khi nào và tiền nong ra sao.

“Tôi nghĩ sẽ phải xây gần chỗ mà người dân dựng lại nhà và trồng cấy lại. Nếu không thì có thể đâu đó bên ngoài lòng cái núi lửa kia sẽ làm gì nữa,” ông nói.

Trung tâm tan hoang, hỏng hoàn toàn

Trung tâm cũng đã bị hỏng hoàn toàn, chỉ còn ít thiết bị và hệ thống cấp năng lượng là gỡ lại được và có thể lắp lại một khi có xây mới. 

Ý kiến - Thảo luận

Comment closed !

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả