Gẫm & Bình

Người Việt bình tranh Việt: Về bức tranh vẽ long bào của Hà Mạnh Thắng 18. 10. 15 - 11:35 pm

Yết Kiêu & Dã Tượng

Một lần tôi đọc ở trên Soi có bài về các vua thời Nguyễn, trong có bức ảnh một chiếc long bào. Bị cuốn hút bởi sự mất cân xứng giữa cái đầu rồng giữa ngực, chiếc cổ be bé và đôi cánh tay rộng phùng phình, tôi lên mạng tìm xem lại tranh ảnh mô tả trang phục vua Việt, thế nào vô tình nhặt ngay được một bức tranh của Hà Mạnh Thắng.

Áo Long bào Đại triều của hoàng đế (hiện vật gốc – Bảo tàng Lịch sử TPHCM)

Bức tranh có tên tiếng Anh là “Imperial Vietnamese Robe – Figure No.6” (sau đó lại thấy có chỗ ghi là No.7), mô tả một chiếc áo (tôi không gọi là long bào) trên nền vàng, kích thước 43 x 32.5, bằng acrylic và chất liệu tổng hợp trên giấy, vẽ năm 2014, được gallery Thavibu kêu giá 2.500USD, tính ra là khoảng 55 triệu đồng mình. Đọc xong các thông số này, bất giác nhìn xuống sàn gạch hoa ước lượng, nhỉnh hơn ô gạch này một ít mà những 55 triệu, tranh hẳn cũng có dát vàng.

“Imperial Vietnamese Robe – Figure No.6” của Hà Mạnh Thắng. Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn.

Tôi được truyền một kinh nghiệm rất cá nhân khi xem tranh như sau: một trong những đặc điểm của tranh vẽ kém là nhìn trên ảnh tưởng bé tí, ra ngoài to rình ràng luễnh loãng. Còn tranh vẽ giỏi nhìn trên ảnh ngỡ to lắm, ra ngoài lại bé thôi nhưng cô đọng, súc tích.

Cái hay của bức tranh này đầu tiên là ở phần gây ảo giác. Nhìn trên ảnh cứ ngỡ đây phải là một bức rất to, treo dễ cả một mảng tường lớn. Thế mà thật ra nó chỉ be bé thôi, 43 x 33cm tức chỉ bằng như màn hình cái máy tính.

Hà Mạnh Thắng trước những bức trong triển lãm “Mộng tàn phai sắc”. Nhìn thì sẽ thấy được các bức tranh vẽ áo to nhỏ ra sao. Ảnh từ trang này

Xem bức tranh, sau khi nghĩ nó to, lại cao hứng tưởng tượng tiếp nó hẳn sẽ được treo trong một căn phòng thênh thang, yên tĩnh, có cái quạt trần lờ lững quay, đâu đó phảng phất mùi cà phê, mùi trà ướp hương liệu của quế của hồi…, tức là rất kiểu Tây thuộc địa. Vì sao lại không khí tây đầm thế trong khi tranh vẽ rõ ràng là chuyện Á Đông? Có lẽ vì trên bức tranh này, các yếu tố của Đông và Tây, cổ và kim đan nhau nhuần nhuyễn quá.

Vẽ một cái áo giống kiểu long bào, có màu vàng, thì chí có người ngoài hành tinh mới không nghĩ đến Á Đông. Vàng là màu của vua chúa (Tàu với ta).

Nhưng những đường gạch quả trám khắp bức tranh, rất mảnh, thẳng, đều đặn, như một sản phẩm tiêu biểu của một nền văn minh và văn hóa thiên về chính xác, tỉ lệ, đo đạc… ở trời Tây. Những đường kẻ ấy là một thứ chia bức tranh làm hai đầu của cây thước thời gian: một đầu là chiếc áo của một thời, đầu kia là con mắt nhìn đầy tính kỹ thuật của người đời sau; người đó là nhà thiết kế? là một nhà khảo cổ học? Ta không biết, chỉ thấy đè lên trên một hiện vật đời trước là những đo đạc của thời hiện đại, rất phương Tây.

Tiếp đến là màu vàng và màu xám trong tranh. Trong bài trước tôi có nói rằng nếu bạn nào đã xem tranh này bên ngoài và thấy tôi bình sai, xin cứ cho ý kiến, bởi vì do ở vùng vừa sâu vừa xa, tôi chỉ được xem tranh qua mạng. Trên bức tranh này, hai màu chủ đạo là vàng và xám, và đều là loại vàng và xám làm gợi đến bảng màu của danh họa Hà Lan Vermeer (1632 – 1675), pha ánh xanh chứ không ngả đỏ như vàng châu Á. Cái màu vàng của tranh Thắng nhìn (trên ảnh thôi) lại như màu vàng chì thiếc (lead tin yellow) mà Vermeer dùng để vẽ áo xống của một quý cô đang viết thư hay cô gái đeo chuỗi ngọc trai, tuy không lóng lánh bằng.

Chi tiết mảng vàng trong tranh của Hà Mạnh Thắng

 

“Quý cô viết thư”, tranh của Vermeer. Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn.

 

Chi tiêt tay áo

Hãy chú ý, Hà Mạnh Thắng không vẽ một chiếc áo màu vàng trên một cái nền màu khác. Anh vẽ hẳn một tổng thể vàng trong đó chiếc áo nổi lên, được dựng thành hình nhờ những nét đen mảnh mai, run rẩy, nhờ những đường viền dày nhấp nhô mềm mại. Tất cả nâng chiếc áo hơi óng ánh lẫn cái nền như vàng ròng lên trên một lớp xám bập bềnh dưới chân tranh tựa một lớp tro tàn.

“Imperial Vietnamese Robe – Figure No.6” của Hà Mạnh Thắng.

“Thời hoàng kim” – phải rồi, Hà Mạnh Thắng đã không vẽ một cái áo đơn lẻ. Anh vẽ về một thời hoàng kim. Tôi nói “thời hoàng kim” không hàm ý tiếc rẻ, chỉ như một thứ mỹ miều nhiều nghi thức trang trọng và đẹp… đã mất. Hãy phóng to cái ảnh bạn đang thấy trước mắt đây, để thấy ống tay áo phải đã mục, rách và rời ra vài mảnh. Đây đó rải rác trên áo, trên nền vàng là những đốm xám như thủng, như mục. Thu bé bức ảnh chụp tranh lại nữa, ta như thấy chiếc áo đang bốc cháy từ phần thân áo, với những cuộn lửa lan ra hai ống tay. Một quá khứ đã xa, đang tàn lụi.

.

*

Bức tranh vừa nói nằm trong triển lãm “Fading Dreams” (Mộng tàn phai sắc) của Hà Mạnh Thắng. Trong triển lãm này còn nhiều bức khác, cũng vẽ với motif tương tự, tuy nhiên không bức nào khiến tôi xúc động như với bức tranh này.

Thí dụ như bức sau đây:

.

… thì tôi không có cảm giác gì hết. Chỉ đơn giản là anh ấy vẽ một cái áo trên nền xanh với những đường kẻ trang trí.

Thì, thời hoàng kim ai cũng chỉ một thời mà thôi; tranh diễn tả thời hoàng kim cũng chỉ nên như một hồn ma, thoáng qua một cái rợn da gà, rồi không nên lặp đi lặp lại…

Ý kiến - Thảo luận

10:12 Wednesday,15.2.2017 Đăng bởi:  linh nguyen

Nhìn tổng thể bức tranh, ta thấy như có một rào cản bảo trùm lên vật phát họa. Màu vàng tượng trưng cho vương triều- hoàng gia, những đường nét chéo kia đúng như nó là một thế giới không tự do, thế giới bị giam cầm. Vả lại nét vẽ hình ảnh mờ nhạt, không rẻ nét, dường như mờ mờ ảo ảo hãy phải mờ gì đó. Phải chăng Vương triều kết thúc trong sự nuối
...xem tiếp

10:12 Wednesday,15.2.2017 Đăng bởi:  linh nguyen

Nhìn tổng thể bức tranh, ta thấy như có một rào cản bảo trùm lên vật phát họa. Màu vàng tượng trưng cho vương triều- hoàng gia, những đường nét chéo kia đúng như nó là một thế giới không tự do, thế giới bị giam cầm. Vả lại nét vẽ hình ảnh mờ nhạt, không rẻ nét, dường như mờ mờ ảo ảo hãy phải mờ gì đó. Phải chăng Vương triều kết thúc trong sự nuối tiếc và gắng gượng. Chỉ còn một chút thoáng qua trong tâm trí hay chỉ phớt ngang trong một giây chợt nghĩ nào đó. Vương triều Nguyễn có những lúc huy hoàng nhưng lại là vương triều có nhiều vị hoàng đế bị lưu đày và giam cầm nhất, Phải chăng tác giả không muốn chấp nhận nói thật về lịch sử đau buồn của một Vương triều? hay Tác giả muốn gửi đến người xem về một nét đẹp đang ẩn chứa trong chiếc áo dài? Nhìn Chiếc áo dài, rồi nhắm mắt lại, ta thấy một nội lực, lắm lúc nhìn thấy nó phẫn uất căm hờn, lúc cảm thấy nó thanh tao nhẹ nhàng. Nhìn vào nó như nhìn vào chiều sâu lịch sử, nhìn vào giá trị thực của một tác phẩm.

 
16:36 Monday,19.10.2015 Đăng bởi:  PHAM QUOC TRUNG
bạn LC nói chí lý. Hiểu người và hiểu đời nghệ thuật của/ở ta hiện nay.
...xem tiếp
16:36 Monday,19.10.2015 Đăng bởi:  PHAM QUOC TRUNG
bạn LC nói chí lý. Hiểu người và hiểu đời nghệ thuật của/ở ta hiện nay. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

E hèm, sau đây tôi xin trả lời...

Germaine Greer – Hồ Như Mai st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả