Gẫm & Bình

Chuyện cũ (bài 1): Về thiết kế và bày biện 21. 10. 15 - 7:33 am

Trịnh Lữ chép lại

.

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, “Chân dung tự họa”, 1978.

Nhân có họa sỹ Lê Huy Tiếp nhắc đến việc họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc là người đầu tiên giảng dạy trang trí nội thất tại trường Mỹ thuật Công nghiệp, và cũng muốn biết thêm về việc ấy, nên tôi xin lại được tiếp vài đoạn chuyện cũ về bố Ngọc.

Từ 1963 đến 1965, bố Ngọc được giao việc xây dựng và giảng dạy trang trí nội thất tại trường. Trong số giấy tờ còn lại, không có gì cho thấy ai hoặc cơ quan nào đã thu xếp việc ấy. Nhưng các giấy vở bản vẽ của bố Ngọc ghi chép về công việc này thì lại còn khá nhiều – từ những phác thảo ý tưởng và nội dung chương trình, cho đến hồ sơ thư từ qua lại với học sinh. Cẩn thận nhất là tập hồ sơ về học sinh. Mỗi người một tệp riêng, xếp trong một hộp bìa hồ sơ riêng biệt. Xem lại những giấy tờ ấy, mới thấy được bố Ngọc đã suy nghĩ và thực hiện công việc giảng dạy của mình như thế nào, đối với học trò ra làm sao.

Dưới đây là một vài bút tích của ông, tôi đã đánh máy lại:

Tác giả – họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, tại lều vịt Hồ Tây của ông. Ảnh tư liệu của gia đình

VỀ THIẾT KẾ NỘI THẤT

Đừng hạ một cây gỗ năm bảy trăm tuổi – để dùng hàng tấn gỗ làm tủ che bụi cho vài chục cân quần áo, giấy tờ• để dùng hàng tấn gỗ làm bàn ăn bàn viết• để dùng hàng tấn gỗ làm sập để nằm.
Đừng nên dùng nguyên liệu theo tinh thần người làm ô-tô – 2 tấn thép chở 4 người – 200 cân – 10 cân thép chở 1 cân người.

Tiết kiệm nguyên vật liệu – có trải qua quá trình lao động sáng tạo mới biết giá trị của vật liệu – từ hòn đất nặn nên pho tượng, miếng sắt đúc thành lưỡi gươm quý – mỗi thứ mỗi lúc đều làm ta thấm thía sâu sắc giá trị của ý thức tiết kiệm vật liệu. Người có khả năng mặc áo lụa quần là đi lại cử động và vẫn giữ được nếp mới sạch – vì lí do gì mà đòi hỏi bàn ghế tủ giường phải có sức chịu đựng quá mức? Nếu dùng bàn ghế với ý thức dùng quần là áo lụa – thì cái bàn cái ghế sẽ thanh tú nhẹ nhàng biết mấy.

Năm 1940, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc “Dọn về khu đất số 19 Rue Jean Soler (sau này là 19 Rue des Teinturies, bây giờ là số 78 Hàng Bông Nhuộm). Vay tiền ngân hàng dựng xưởng mộc lớn hơn với đầy đủ máy móc nhập từ Pháp sang và gần hai chục người thợ tinh tuyển. Đặt tên xưởng là MEMO Ébénisterie – nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam do một họa sỹ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khởi xướng. “MEMO là ở chữ mémoire, muốn nói rằng ai đã dùng đồ của mình là sẽ nhớ mãi…”

Xóa bỏ óc con buôn, thích phô trương khoác lác, bày hàng khoe của. Nhà ở cũng như người, có một mặt nhưng muôn màu muôn vẻ. Vẻ rộng rãi thoáng mát giản dị bình thường nhìn lên không phải thẹn với ai, nhìn xuống không để ai phải tủi, bao giờ cũng dễ mến dễ nhớ hơn vẻ kiêu xa cầu kỳ.

Thiên kinh vạn quyển – nếu chỉ dùng để nói có sách mách có chứng lòe bịp bà con thì cũng không tạo nên văn vẻ, như muôn nghìn màu sặc sỡ không tạo nên bức tranh, trăm nghìn chữ không tạo nên chất thơ. Âm thanh, cung điệu chưa phải là nhạc. Nhà chứa nhiều đồ quý giá chưa phải là nhà ở tốt.

Mục đích cuối cùng của nghệ thuật là tạo nên vẻ gì. Mục đích cuối cùng của văn hóa là tạo nên con người vẻ nào – con người biết ân sâu nghĩa nặng của nhân dân, đem hết tài lực phục vụ nhân dân, hay con người tài cao học rộng tự coi mình là tinh hoa của vũ trụ.

Cái nhà ở cũng vậy. Bày biện với động cơ phô trương khoe mẽ thì chỉ tạo nên vẻ mậu dịch bách hóa nô lệ hàng hóa. Bày biện theo đúng nhu cầu thực tế, có ý thức tổ chức khoa học, có tinh thần dân tộc, có tình cảm đại chúng…

Đồ gỗ trong một cửa hàng dược do xưởng Memo đóng. Ảnh do TS Ngô Huy Tân gửi cho Trịnh Lữ.

BÀY BIỆN THẾ NÀO?

Ngày xưa điểm chính trong nhà là chỗ bày ban thờ – dù là vàng son lộng lẫy hay tre nứa thô sơ – cái nhà ở của người sống cũng vì cái điểm liên lạc với người chết ấy mà có vẻ một cái nhà mồ – cuộc sống do đó bị trói chặt với quá khứ, không có hướng tiến lên.

Chính là để trả lại cho ban thờ cái nét sống phong phú rộng rãi của nó, tước bỏ cái vẻ chết lặng thần bí cũ đi, mà ta vẫn giữ nó làm điểm chính trong nhà, nhưng biến cái điểm ấy thành trung tâm văn hóa. Ngày Tết Độc lập ta kết cờ cắm hoa, ngày sinh nhật Bác ta treo cái ảnh mới nhất của Người. Ngày kỷ niệm các bậc anh hùng, hay vĩ nhân, văn hào thế giới, ta đều treo ảnh để hoa. Đón anh em nước bạn thì ta treo cờ ảnh của chính phủ bạn. Tiếp bạn bè thân thuộc ta cũng có cách trang hoàng phù hợp với mỗi người. Những ngày giỗ kỵ trong gia đình cũng vậy, ta cứ làm minh bạch rõ ràng ngày nào của ai thì trong nhà ai trẻ con cũng biết. Không để ban thờ ở tình trạng cái quán vắng đón các thứ mà người lớn cũng chẳng biết gì rõ ràng; trẻ con lại càng vừa lạ vừa sợ, tiêm nhiễm thói duy tâm thần bí.

Hàng Đào ngày 10/10/1954, tranh Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997). Ảnh do Trịnh Lữ cung cấp

Bình cũ rượu mới, nếu ta có đủ nhiệt tình với cuộc sống mới, có quan hệ tốt với bạn bè, ta sẽ có đủ khả năng sáng tạo biến cái trung tâm văn hóa trong nhà ấy thành cái vẻ sống sinh động muôn màu muôn vẻ của một gian phòng nhỏ, mỗi ngày mỗi tốt, có một bộ mặt tươi vui mới mẻ.
*
(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả