Gẫm & Bình

Chuyện cũ (bài 3): Về nét dân tộc, về nếp giản dị 27. 10. 15 - 9:47 am

Trịnh Lữ ghi chép lại

(Tiếp theo bài 1bài 2)

Hôm nay, xin phép đưa lên đây vài đoạn ghi chép của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc về vấn đề đi tìm tính dân tộc trong thiết kế nội thất.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, xã hội chúng ta đã thay đổi rất nhiều. Nhu cầu ăn ở cũng vậy. Dù sao, mỗi lần đọc lại những suy nghĩ của cha, tôi vẫn thấy một niềm tin và ước vọng thật đẹp và thật quý, cho dù có Utopia đến thế nào đi nữa. Con người không thể vượt qua được chính mình – nhưng sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu như chúng ta không bao giờ ngừng mơ ước và tin tưởng vào một cuộc sống lý tưởng và tử tế. Ước mơ chưa thành, không có nghĩa là nó không đáng mơ ước nữa.

Dưới đây là vài đoạn ghi chép ấy:

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đi dạo trên cánh đồng.

TÌM NÉT DÂN TỘC

Qua các thời đại, mỗi lúc đồ dùng được cải tiến, thì lề lối chế biến cũng tiến bộ hơn, hình dáng đồ đạc cũng thay đổi theo.

Chõng tre hòm gian, sập gụ tủ chè, chỉ là nét của từng thời đại. Nét chính của dân tộc là lối sống giản đơn, tiện ngồi tiện nằm, sẵn tay dễ lấy. Ta nhận thấy qua các hình vẽ, dù hình dáng bên ngoài có thay đổi thế nào cũng không vượt ra ngoài cái nội dung của nét dân tộc. Nếp sống đơn giản, có ý thức ngăn nắp gọn sạch này rất phù hợp với nếp sống mới và tình hình nhà cửa của chúng ta hiện nay.

Cái nếp sống trên sạp của nhân dân ta rất giản đơn và thực tế. Chỉ cần chúng ta có ý thức giữ gì bỏ gì, khéo thu xếp, có nhiệt tình với cuộc sống mới, thì bình cũ rượu mới càng ngon.

Giữ gì, bỏ gì, vì sao?

1. Bỏ hình dáng to nặng

2. Bỏ kiểu cách cầu kỳ

3. Bỏ nếp sống bị trói chặt vào với người chết

Rượu mới ở đây là: Đồ đạc gọn nhẹ, hợp lý, dễ sản xuất hàng loạt.

5 cái gối vải màu, 1 cái bàn nước nhỏ là đủ biến được cái sạp thành chỗ tiếp khách lịch sự, giữ được vẻ dân tộc.

3 cái tủ nhỏ – một cái để chăn màn, môt cái để quần áo, một cái để chén bát – nhẹ nhàng kín đáo, không có tính cách bày hàng phô trương.

2 cái bàn xếp gọn dưới 2 giá sách chỉ để dùng khi cần đến, không làm chật nhà. [Đây là tất cả ý thức hợp lý hóa tiêu dùng để hợp lý hóa sản xuất, quan điểm lao động cao, quan điểm sống đặc biệt xã hội chủ nghĩa]

Hai giá sách cũng là 2 chỗ để người chủ nhà tỏ ý tỏ tài văn nghệ của mình đối với bạn văn học. Khi tiếp bạn khác thì buông 2 bức mành nhỏ xuống che đi là giữ được khiêm tốn ngay. [tiếp mỗi người bày thứ sách tùy theo sở trường của bạn]

Bản vẽ của Trịnh Lư cho căn nhà 24 mét vuông của họa sĩ Hữu Ngọc 

Cái nhà ở là chỗ phản ánh đúng nhất trình độ ý thức của con người. Anh có nhiệt tình với những ngày xuân của nhân loại – anh biết quý trọng cái quan hệ mới giữa con người với nhau, cái tình đồng chí khuyến khích nhau thi đua xây dựng cuộc đời mới – tự nhiên anh sẽ biết đón rước ghi nhớ những thứ đó một cách trọng thể. Cũng như người ta sắm sửa trang hoàng đón Tết với thái độ trịnh trọng nghiêm trang như thế nào.

Trái lại nếu anh chưa thấy mỗi ngày mới của chúng ta là một ngày Tết lớn hơn tất cả các Tết, nếu anh chưa thân thiết quý người đồng chí đến với anh, thì tự nhiên anh sẽ coi thường mọi thứ, ngày trôi, người qua, chẳng có gì đáng quan tâm, kéo dài cuộc sống của lề thói cũ, không cố gắng đấu tranh thể hiện cái mới, viện cớ rằng phong tục tập quán phải được tôn trọng và nên ngồi yên mà chờ ngày có điều kiện chín muồi sẽ hay.

Một đóa hoa nở không làm nên mùa xuân. Nhưng nếu nó báo hiệu cho vạn triệu đóa hoa khác nở thì ấy là cả mùa xuân tưng bừng. Cho nên chúng ta không nên coi thường sự trang hoàng nhà cửa. Hãy tưởng tượng nếu cả 5 triệu nhà chúng ta ở miền Bắc nhất tề thay đổi theo hướng mới thì cuộc sống sẽ chuyển biến tưng bừng thế nào!

Trịnh Hữu Ngọc, “Cây chuối nhà tôi”. Vẽ tại Lều Vịt

Khẩu hiệu Đẹp-Khoa học-Dân tộc-Đại chúng có thể là kim chỉ nam cho chúng ta sắm sửa bày biện nhà cửa.

Nét dân tộc không phải ở sập gụ tủ chè đường cong nét chạm – đấy chỉ là nét của từng thời đại. Nét dân tộc chính là nếp sống giản dị, đã chịu nhiều thử thách của thời gian, tồn tại trong cuộc sống của đa số nhân dân.

Nó cũng không phải ở cái chõng tre, cái hòm gian, cái ban thờ, hay cái giường giải quạt, cái ghế ba nan – đấy cũng chỉ là dấu vết của thời đại. Nếp sống giản dị không có buồng ăn buồng ngủ riêng biệt, kéo theo u già thằng nhỏ; không có tủ to giường nặng, nệm cao chăn dầy khổ vợ khổ con phải lau chùi giặt giũ.

Nếp sống giản dị có cái đẹp vạn năng – tỏ rõ tính giản đơn cao độ không biết phô trương khoe mẽ, không nô lệ hàng hóa để tự bó buộc đời mình. Nó như cơ thể con người – tất cả các bộ phận đều xếp được gọn gàng trên hai chân, đi đâu ở đâu cũng được đầy đủ – hai bàn tay 10 ngón làm đủ mọi việc.

Cái giường tây có đầu có chân không thể nào có khả năng thay hình đổi dạng như cái sạp được. Khi sắm giường tây là dù muốn dù không cũng đã biến gian nhà thành cái buồng ngủ. Thế rồi chẳng nhẽ ăn cơm tiếp khách trên giường ngủ nên lại đành phải mua thêm bàn ghế lấy chỗ ngồi, theo sau đó lại phải sắm thêm tủ to treo áo, vân vân. Lối sắm sửa ấy đẩy hàng triệu căn nhà của chúng ta vào tình trạng phải sống trong khung cảnh lai căng chật chội và xấu xí.

Lều vịt Hồ Tây

*

Trong một đoạn thư cho học sinh, bố Ngọc có viết thế này:

“… Chính ra thì em còn cần phải học rất nhiều về ý thức thẩm mỹ của bà con công nông.

“Trên thế giới mỗi dân tộc quan niệm cái đẹp một khác. Có nơi ưa màu sắc huy hoàng. Có nơi chuộng sự nguy nga lộng lẫy. Có nơi thấy đẹp ở sự cầu kỳ. Có nơi cho mới lạ làm đẹp. Nhưng đến mức độ biết quan niệm cái đẹp trong đơn giản gần như khắc khổ thì chưa có dân tộc nào sánh kịp dân ta.

“Bà mẹ nông dân nào cũng biết cái váy màu nâu hay màu đen khắc khổ ấy mặc dài hơn một phân thì ướt, chảy, ngắn hơn một phân thì hẫng, cộc. Giọng Quan Họ láy lắt thế nào thì tỏ rõ ý muốn gì. Thậm chí đến câu rủa lời nguyền cũng cần có vần có điệu thế nào thì mới dễ nghe dễ nhớ. Biết chúc nhau “Mẹ tròn Con vuông” tức là am hiểu đến cao độ cái văn vẻ của hình khối. Em có học hết đời cũng chưa khai thác được hết ý thức thẩm mỹ ấy, nói chi đến cao vọng ‘giáo dục thẩm mỹ’ cho nhân dân bằng một ít vốn mới vay mượn về…”

*

(Còn tiếp)

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả