|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiTừ học viện, ra thị trường (phần 2) 11. 11. 10 - 7:50 pmNguyễn Thế Sơn(tiếp theo phần 1) Hành trình sau năm 2000 1. Sự trở về và xuất hiện của một số nghệ sỹ nổi tiếng như Từ Băng (Xu Bing) – Phó viện trưởng CAFA, Diệu Hiểu Xuân (Miao Xiao Chun) – giáo sư khoa Nhiếp ảnh và Đa phương tiện, Lã Thắng Trung (Lu Sheng Zhong ) – Phó chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật thực nghiệm, Tùy Kiến Quốc (Sui Jian Guo) – Viện trưởng Học viện Điêu khắc, Mã Cương (Ma Gang) – Viện trưởng Học viện Thiết kế… là những yếu tố quan trọng về nhân lực góp phần hình thành nên những khoa mới, chuyên ngành mới như Nhiếp ảnh, đa phương tiện, nghệ thuật thử nghiệm giai đoạn này. 2. Sự ra đời của những khoa mới, chuyên ngành mới kéo theo sự xuất hiện những hình thức như Video art, sắp đặt, trình diễn, hoạt hình, nghệ thuật phương án… những thứ mà chỉ hơn 10 năm trước là điều không tưởng, giờ đã được chính thức công nhận là những hình thức chất liệu chuyên ngành chính thống trong học viện. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc hình thành các khoa mới mà quan trọng hơn là tất cả các khoa khác, chuyên ngành khác từ sơn dầu, bích họa, đồ họa, điêu khắc, thiết kế… đều được tháo bỏ những rào cản về ngôn ngữ biểu đạt trong sáng tạo, đưa lịch sử phát triển của đào tạo nghệ thuật trong học viện bước sang một trang mới – một trang của sự hội nhập với những xu hướng nghệ thuật quốc tế một cách sâu rộng hơn. Số lượng lưu học sinh nước ngoài học tập và trao đổi tại trường ngày một gia tăng, làm kích thích thêm sự đa dạng hóa trong học thuật và sáng tác. Liên tục xuất hiện các tác phẩm, triển lãm, workshop, thực hành các dạng nghệ thuật thử nghiệm đa phương tiện trong môi trường học viện. Các bài tốt nghiệp xuất hiện vào các cuộc triển lãm “Ánh sáng học viện ” hàng năm trở nên hết sức đa dạng, mới mẻ và sáng tạo từ ý tưởng đến hình thức thể hiện chứ không còn giới hạn với vài chất liệu và hình thức truyền thống như trước kia nữa. Sự giao thoa giữa các khoa chính là nguyên nhân tạo ra sự thay đổi ấy. Các sáng tác của sinh viên cho thấy rõ sự trưởng thành về nhận thức và tư duy sáng tạo bắt kịp với những xu hướng mới, có cái nhìn bám sát sự đổi thay của xã hội. Nhiều tác phẩm của sinh viên đã có mặt trong các cuộc triển lãm và các bộ sưu tập của các bảo tàng nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước. Có được kết quả bước đầu này là do sự đổi mới về tư duy đào tạo nghệ thuật của học viện cộng với sự ảnh hưởng khích lệ từ những tấm gương lớn – những giáo sư nghệ sỹ đầy tài năng và tâm huyết. Hơn nữa một thị trường nghệ thuật đương đại với các gallery, bảo tàng nghệ thuật đang nảy nở từng ngày ở Trung quốc càng thúc đẩy sức làm việc và năng lực sáng tác của sinh viên. 3. Sự hình thành khu nghệ thuật 798: Từ sân sau của học viện, cụ thể là của khoa điêu khắc trong thời kỳ quá độ xây dựng trường, khu xưởng công nghiệp cũ 798 đã trở thành điểm đến của các nghệ sỹ và dần trở thành một khu công viên nghệ thuật được nhà nước qui hoạch, chỉ đạo phát triển. Nhà nước đã chính thức hóa ủng hộ sự phát triển của mỹ thuật đương đai Trung quốc. Trước năm 2000, các làng nghệ thuật gần như hình thành tự phát thì từ sau năm 2000 chính quyền đã xuất đầu lộ diện ủng hộ sự hình thành chuỗi các khu nghệ thuật như 798, Cao Chang Di, Song Zhuang, Yi Hao Di… để trở thành những địa chỉ văn hóa của Bắc Kinh. Các bảo tàng nghệ thuật đương đại cũng liên tục mọc lên như Bảo tàng Mỹ thuật ngày nay, bảo tàng nghệ thuật đương đại Bắc kinh… Sự hoạt động qui mô và có tổ chức một cách chuyên nghiệp, có tầm cỡ quốc tế đó đã tạo ra một sân chơi lớn, thu hút, khích lệ động viên sự sáng tạo và dấn thân của các nghệ sỹ trẻ Trung quốc, đặc biệt là đối với sinh viên nghệ thuật trong Học viện – nơi mà họ được chính thức đào tạo và có cơ hội thực hành nghệ thuật mới, nghệ thuật thử nghiệm ngay từ trong ghế nhà trường.
Như vậy có thể thấy rõ nếu coi nghệ thuật đương đại Trung Quốc là một “nồi cơm”, thì “nồi cơm” đó đã được đặt trên một cái kiềng ba chân hết sức chắc chắn. Cái chân kiềng thứ nhất có tên gọi là Học viện nghệ thuật, cái chân kiềng thứ hai có tên gọi là nghệ sĩ “giang hồ”, và chân kiềng thứ ba có tên là gallery, bảo tàng nghệ thuật. Ba cái chân kiềng này trước đây có thể không cùng một hướng, nhưng giờ đây sau những thay đổi của lịch sử, chúng đã hội tụ lại với nhau, phát triển về cùng một hướng, cùng nhau thổi một nồi cơm chung, và đương nhiên ai cũng có phần. Nó phù hợp với xu thế phát triển nghệ thuật chung trên thế giới. Nhìn lại một chút thì thấy điều này dường như chưa có dấu hiện xuất hiện ở Việt nam, ba cái chân kiềng kia vẫn như mỗi người một hướng, dường như tồn tại và phát triển mà chẳng cần liên quan gì đến nhau. Đến bao giờ thì ba cái chân kiềng đó mới hội tụ lại với nhau? Chỉ khi nào gallery đúng là gallery nghệ thuật – nơi triển lãm, sưu tập các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật độc đáo bất kể hình thức gì, khi nào các Học viện Mỹ thuật đúng là nơi tập trung thu hút nhân tài – nơi có đầy đủ điều kiện nhất để nghiên cứu, thử nghiệm sáng tạo ra những cái mới, khi nào các nghệ sỹ “giang hồ” thôi không còn phải tranh cãi là chính thống hay không chính thống, lúc đó ắt hẳn cái thế kiềng ba chân cho nghệ thuật đương đại Việt nam sẽ dần hình thành và phát triển. Vấn đề lại phải quay trở về câu chuyện “chiếc chìa khóa vàng” cơ chế chính sách và làm sao thu hút được nhân tài để mở khóa…
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|