Nghệ sĩ thế giới

8 lý do để đi Thượng Hải Biennale 08. 11. 10 - 9:54 pm

Theo CNNGo - Ngọc Trà dịch

Mặc dù gặp phải một vài trở ngại trước giờ mở cửa, trong đó có một tuyên bố nặc danh là Thượng Hải không cần hoặc không xứng đáng có một chương trình cỡ thế này, Thượng Hải Biennale lần thứ 8 đã mở cửa (cuối tháng 10. 2010) và hé lộ một vài tác phẩm chỉ có thể gọi là cực ngông.

Chủ đề Rehearsal (tập dượt) tỏa sáng trong một số tác phẩm hoặc là vẫn còn đang hình thành, hoặc được “đính kèm” tư liệu mô tả chúng đã được làm ra như thế nào.

Sau đây là tám tác phẩm nổi trội.

1. “Bệ quan sát những hiện tượng thiên văn” của Wang Mai

Wang Mai xây dựng một vòng quay ngựa gỗ là một phần của series “Quái Vật Dầu”.

Ngay trước khi biennale mở cửa, họa sĩ đóng đô tại Thượng Hải Chris Gill đã nói, “Thường thì đây là một show rất chặt chẽ, nhưng lần này nghe chừng hơi giống Biennale ở Guangzhou. Guangzhou biennale đúng là một đám hỗn loạn khổng lồ, nhưng nó hay cũng là vì thế.”
Một trong những tác phẩm hỗn loạn nhất của Thượng Hải – đặt bên trong cổng Bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải – là vòng quay ngựa gỗ quái gở của Wang Mai, một phần trong series “Quái Vật Dầu” của anh.
Cột trung tâm của vòng quay làm từ những tên tướng cướp một tay phát sáng và kêu lanh canh, hứa hẹn chi bộn tiền thưởng cho ai dám ngồi lên. Những hình người dữ tợn nhưng mặt non choẹt mặc bộ đồ đại bàng, tay cầm vồ, cưỡi những con thú chính là những ống dẫn dầu bóng loáng đang phun ra thứ “trà Texas”, tức dầu thô. Đây là một phiên bản tuyệt cú mèo mô tả dầu như một tên cướp hoạt hình râu xoắn ác độc.


2.
Thuần túy là Nhầm lẫn 2″ của Liu Wei

Nhìn kĩ những tấm gỗ chưa qua xử lí, bạn sẽ thấy có những chỗ mà chốt cửa sổ và cửa chính đã bị tháo đi. Tác phẩm “Merely a Mistake II”

Tác phẩm điêu khắc gỗ khổng lồ của Liu Wei được làm từ gỗ thu hồi từ các công trình đã bị tháo dỡ
Nghệ sĩ không hề vẽ, đánh bóng hay xử lí gỗ, và ở một số chỗ ta vẫn có thể thấy vết cửa sổ hay cửa lớn đã bị tháo dỡ.
Do tác phẩm phần lớn làm từ những tấm ván ép, những khung cửa sổ và cửa ra vào, bạn có cảm giác đám gỗ đang khẳng định vị trí nghệ thuật của chúng không chỉ bằng cách từ bỏ chức năng cũ, mà bằng cách tự đóng khung bản thân chúng.
“Trong studio, mọi thứ đều được kết nối,” Liu nói. “Rất khó để phân biệt tấm này với tấm khác; chúng đều nối với nhau.”

3.Những nếp nhăn của Thành phố” – JR

Hãy tìm kiếm tác phẩm của JR ở những không gian bên ngoài bảo tàng.

“Những người trên 80 tuổi thực sự đã phải chứng kiến thành phố đổi thay,” JR giải thích về những nhân vật trong tác phẩm của mình. “Họ đã trở thành những UFO trong chính thành phố của mình, vì nó đã thay đổi quá nhiều.”
Tác phẩm của JR hiện đang được trưng bày ở Gallery 18, nơi Magda Danysz là giám đốc.
“Một thứ rất khó nắm bắt trong tác phẩm của JR là nó không chỉ là thành quả, là những bức ảnh bạn nhìn thấy được, mà còn là cả một quá trình; gặp gỡ, chụp chân dung, phỏng vấn nhân vật – bởi mỗi cuộc đời đó là cả một pho sách,” Danysz nói. “Vì thế tất cả là một phần của chủ đề “rehearsal”, để cho thấy nhiều khi tác phẩm đang dang dở cũng quan trọng như tác phẩm đã hoàn tất vậy.”

4.Starving Dog – Con chó chết đói” của Mou Buoyan

Được điều khiển bởi một cái máy nén khí, con chó Doberman này trông như đang trút những hơi thở cuối cùng.

Trong tất cả các bảng mô tả nghệ sĩ treo trên tường của Biennale, bảng của Mou Buoyan là vui nhất.
Bảng ghi, “Mou lúc nào cũng bận bịu làm ra những xô mỡ động vật.”
Tác phẩm điêu khắc rất sống động và biểu cảm, hình một người đàn ông Trung Hoa béo phì ngã vào một thứ chất lỏng màu trắng. Tuy nhiên tác phẩm con chó đói còn gây “rúng động’ hơn.
Được điều khiển bởi một máy nén khí, con chó Doberman này trông như đang trút những hơi thở cuối cùng. Vào ngày mở cửa, vài người đã phải thốt lên, “Ôi có con chó thật kìa!”

5. Studio của Ma Liang

Ma Liang di dời studio của mình từ số 696 Weihai Lu vào Shanghai Biennale.

Studio của Ma Liang lúc nào cũng là điểm nhấn trong những ngày mở cửa thường niên tại Số 696 Weihai Lu. Bởi vì bản thân địa điểm này đã là một tác phẩm nghệ thuật.
Những giám tuyển của Biennale có vẻ cũng đồng ý như vậy, khi họ dời cái rạp hát lạ đời của Ma vào gallery như một phần của triển lãm.
Biennale lần này cũng có thể là cơ hội cuối cùng để chiêm ngưỡng những vật dụng siêu tưởng của nghệ sĩ này tại Thượng Hải. Anh đang định dời hoạt động sang Xiamen, nơi anh đã thuê một studio nhìn ra biển.
Ma vẫn có chỗ của mình ở số 696 Weihai Lu, nhưng anh nói, “Tôi muốn để nó thật là trống trải và chỉ dùng để vẽ thôi.”

6.Và tất cả những dấu chấm hỏi bắt đầu nhảy múa”

Những buổi biểu diễn của Verdenstreatret tạo thành một trải nghiệm ồn ào, nhưng cũng cực kì mê hoặc.

Ngay cạnh cái studio được dựng lại của Ma là một sắp đặt âm nhạc điện tử-cơ khí phức tạp và rối rắm.
Tác phẩm có nhiều phần, trong đó có các nhạc sĩ chơi nhạc sống trên những bánh xe đạp phủ đầy hoa; những chiếc loa ầm ĩ quay tròn trên mặt đất; và những nghệ sĩ điều khiển hình chiếu và rối bong trên tường. Sáu máy vi tính được dùng cho mỗi buổi biểu diễn.
“Tác phẩm nghệ thuật này đến từ một triết lí rất phương Tây. Các nghệ sĩ Trung Hoa chắc chắn sẽ không nghĩ ra cái này, pha trộn nghệ thuật và khoa học,” Ma nói về “hàng xóm” của mình. “Ở Trung Quốc, chúng tôi học những cách thức khác hẳn nhau. Tôi đã thử tìm vài kỹ sư để làm việc trên một số máy móc, nhưng kỹ sư ở đây chẳng có chút hứng thú gì với nghệ thuật.”
Thường thì Verdenstreatret chơi những tác phẩm này cho khán giản ngồi trong sảnh nhà hát. Một thành viên của nhóm nghệ thuật Na-uy, Lisbeth J.Bodd, nói rằng sự thay đổi hoàn cảnh “là một trải nghiệm mới, và tôi nghĩ là tôi còn thích thế này hơn là một buổi biểu diễn thuần túy.”

7. Vào Thái Hồ” của Liu Xiaodong

Liu Xiaodong cho phép khách tham gia xem quá trình sáng tác nghệ thuật của mình qua những ghi chép và phác thảo đi kèm tác phẩm đã hoàn tất của anh.

Liu Xiaodong làm việc như một nhà làm phim tài liệu, chu du đến nơi này nơi kia để vẽ những đề tài mà anh tìm thấy.
Anh có hai bức tranh lớn treo ở triển lãm, cả hai đều được trưng bày cùng với những trang nhật kí, các phác thảo và ảnh chụp tác phẩm lúc đang hoàn thành.
Không rõ những tư liệu thêm vào này có đạt được mục tiêu của các giám tuyển hay không, đó là giúp khán giả trở nên “cao” hơn, chứ không chỉ là những người “tiêu thụ” thuần túy, nhưng chúng là một cơ hội tuyệt vời để hiểu được nghệ sĩ đã làm việc ra sao…

8. Những ghi chép của Qiu về “Đèn lồng màu sắc vào Tết Thượng Nguyên”

Khách tham quan được khuyến khích thử nghiệm căn phòng đồ chơi của Qiu Zhijie.

Tác phẩm mang tính tương tác cao nhất Biennale lần này là căn phòng đầy đồ chơi và dụng cụ của Qiu Zhijie ở tầng hai.
Kéo một vài quả tạ làm chim vỗ cánh; một bánh xe đá khổng lồ được dùng để tạo ra hình ảnh những chòm sao trên cát trắng; và một cái xe cút kít gỗ nặng nề biến những chuyển động về phía trước thành những bức vẽ xoay tròn.
Trong những ngày cuối tuần đầu tiên của triển lãm, một số “diễn viên” sẽ minh họa cách sử dụng các vật dụng nêu trên và một số vật dụng khác.
Wu Jingying, một trong các học trò của Qiu Zhijie, mô tả công việc vận hành tác phẩm là “hoàn hảo”.
“Nó giống như một sân khấu nhỏ của riêng chúng tôi và tự chúng tôi làm lấy mọi việc,” cô nói.
Những diễn viên này đã hoàn thành công việc của họ ở biennale, giờ khán giả cũng được khuyến khích tự mình thử nghiệm lấy những công cụ này.

Biennale còn mở cửa đến 23. 1. 2011

*

Bài liên quan:

– Biennale Thượng Hải: chóng cả mặt!
– 8 lý do để đi Thượng Hải Biennale

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả