Thiết kế

Com-lê và ca-vát là đôi bạn thân 11. 11. 15 - 7:40 am

Đặng Thái

Tiếng Việt hiện đại đang gặp phải một vấn đề rất lớn khi đất nước mở cửa hội nhập, đó là sự thiếu hụt những thuật ngữ chuyên dụng trong mọi ngành nghề. Đặc biệt trong ngành thời trang, cách gọi tên trang phục của chúng ta lộn xộn và không thống nhất do nguồn gốc của hầu hết các kiểu may mặc hiện nay xuất xứ từ nước ngoài. Tên các loại quần áo đã rối như tơ vò, lại đến các loại phụ kiện thì cáng bát nháo giữa tiếng Trung, tiếng Pháp và vài chục năm trở lại đây là tiếng Anh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin trình bày một cách hệ thống tên gọi từng phần và một số phụ kiện đi kèm của bộ trang phục phương Tây cơ bản nhất cho đàn ông trên toàn thế giới: complet-veston (tiếng Pháp: com-plê vét-sờ-tông) hay suit (tiếng Anh: siu-tờ), cũng như một vài loại lễ phục nam giới thường dùng với hi vọng bạn đọc có thêm kiến thức để sử dụng một cách chính xác nhất, bớt bối rối khi cần phải mô tả quần áo.

Các lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pittsburgh 2009. Bộ complet cùng cravate (hay suit và tie) đã trở thành trang phục tiêu chuẩn cho nam giới từ những sự kiện trang trọng cho đến việc đi làm công sở hằng ngày. Trong ảnh chỉ có hai người mặc đồ khác là bà Angela Merkel mặc bộ suit cho nữ giới, áo khoác thường đi cùng váy, nhưng bà Merkel tính hơi khác người nên mặc quần và Thủ tướng Manmohan Singh mặc bộ suit may theo kiểu Ấn Độ (Nehru jacket).

Hiện nay tiếng Anh trở nên thông dụng với giới trẻ Việt Nam nên từ suit hay được dùng để chỉ bộ trang phục này (mặc dù hầu hết là phát âm sai thành “sờ-ui-sui”). Các biển hiệu may hay người trung niên và người già vẫn thường dùng từ “com-lê” hoặc “vét” (gọi tắt của “vét-tông”) để nói đến bộ đồ lịch sự kiểu Âu. Một số cửa hàng sợ quê, không muốn dán chữ “com-lê” nên viết bằng tiếng Tây khiến vô số biển hiệu dùng sai chữ này. Complet tiếng Pháp nghĩa là “hoàn chỉnh”, đồng nghĩa với từ tiếng Anh complete nhưng tiếng Anh không dùng chữ complete để chỉ bộ đồ mà dùng chữ suit.

Trước hết cần phải nói rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ có độ chính xác và phân loại cao, nó từng được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức cho cả châu Âu trong một thời gian dài. Tiếng Anh là ngôn ngữ kém chính xác hơn nhiều (càng không chuẩn do sử dụng bởi người  Mỹ) và vay mượn rất nhiều thuật ngữ của các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Pháp. Tiếng Pháp ngày nay không còn thông dụng ở nước ta nhưng rất cần phải đi từ gốc vì quần áo kiểu Âu được mang vào Việt Nam bởi người Pháp.

Daniel Craig mặc three piece suit (bộ đồ ba mảnh) gồm áo vét, áo gilê và quần. Two piece suit (bộ suit hai mảnh, nhớ là phải có chữ suit nhé) thì không gồm gilê. Suit thường đi cùng ba thứ nữa đó là: sơ mi (chemise – shirt), ca vát (cravate – necktie) và khăn tay bỏ túi ngực (pochette – handkerchief).

Một bộ complet bao gồm: áo vét (veste), quần Âu và áo gilê (gilet). Tiếng Anh gọi là suit cũng có lí do của nó. Suit bắt nguồn từ chữ suite (tiếng Pháp) nghĩa là “đồng bộ”. Ba bộ phận hợp thành bộ suit đều có cùng chất vải, cùng màu và được mặc cùng nhau. Ngày nay áo gilê không còn nằm trong tiêu chuẩn và ít được sử dụng trong trang phục hàng ngày, kể cả các dịp quan trọng vì những khi thời tiết nóng thì nó trở nên không cần thiết nên thường chỉ mặc tùy theo sở thích cá nhân. Không mặc áo gilê thì phần trên chỉ còn lại veste nên gọi là bộ veston.

Phần trên của bộ suit, tiếng Anh gọi là jacket, rất là lôi thôi vì áo gió/áo khoác ngắn lại cũng gọi là jacket. Áo gilê thì người Anh dùng waistcoat, còn mấy anh Mỹ là chúa bừa bãi, lại tiện mồm gọi luôn là vest. Lắm khi đi mua quần áo ở nước ngoài mình cũng phát rồ lên vì mấy cái tên hầm bà làng này. Nếu chỉ có áo mà không đi kèm quần thì cả Anh – Pháp cùng gọi là blazer.

David Beckham mặc blazer nhung trên phố London. Blazer chỉ có kiểu dáng là giống veste còn lại đa dạng về chất liệu, màu sắc, dùng để mặc thường ngày, thoải mái kết hợp cùng các loại quần khác nhau, các loại giày không cần đánh xi. Ở Việt Nam thường gọi là áo đờ-mi (demi) nghĩa là một nửa, chỉ bán áo không bán quần.

Áo sơ mi và quần thì không có gì để bàn cãi nữa, ta tiếp tục sang phần phụ kiện. Ở ta, trong Nam gọi là cà-vạt hay ngoài Bắc gọi ca-vát/ca-ra-vát đều bắt nguồn từ chữ cravate tiếng Pháp. Người Anh lại dùng tie nghĩa là “buộc” chỉ dải vải dài, hẹp dùng để thắt nút quanh cổ cho nam giới gồm hai loại: necktie (gọi tắt là tie) bowtie (là cái nơ). Sở dĩ dùng tie vì tiếng Anh còn từ cravat (không có chữ e ở cuối) để chỉ dải lụa dài, mỏng giống như cái khăn dùng quấn quanh cổ kiểu thế kỷ XVII.

Hình Tổng thống Thomas Jefferson in trên đồng hai đô la Mỹ đang đeo cravat. Xem những tranh chân dung phương Tây khoảng thế kỉ XVII-XVIII sẽ thấy cravat chỉ có màu trắng, là mốt cực kì thịnh hành cho nam giới ở khắp châu Âu lúc bấy giờ, đặc biệt là giới quý tộc và tư sản.

Chữ cravate trong tiếng Pháp là do đọc trại đi từ Croate nghĩa là “người Croatia”. Cách phục sức này bắt nguồn từ những người lính đánh thuê Croatia trong quân đội Pháp. Vì vậy người Croatia tự hào rằng họ phát minh ra một thứ trang phục mà nam giới toàn cầu đều sử dụng nên Quốc hội Croatia quyết định kỉ niệm ngày 18 tháng Mười hàng năm là Ngày Cravat.

Ngày nay chỉ có nghệ sĩ mới quấn cravat. Giám khảo Matt Preston của Masterchef Australia nổi tiếng với phong cách sử dụng cravat nhiều màu sắc.

Từ chữ tie lại nảy sinh ra hai cụm từ nữa là white tie black tie. Đó là tên hai loại lễ phục cho nam giới dùng cho những dịp trang trọng hơn bình thường ở phương Tây. Tie ở đây là bowtie, người Việt dùng chữ “nơ bướm” (tiếng Pháp: Nœud papillon) hay đơn giản là nơ. Nơ màu sáng hay nhiều màu thì đeo lúc nào cũng được, anh hề rạp xiếc càng hay đeo nhưng nơ trắng và nơ đen thì thường dùng cho các nơi lịch sự.

White tie nghĩa là nơ trắng, loại nam phục trịnh trọng nhất, quy định kiểu dáng chặt chẽ, chỉ dùng khi yết kiến vua chúa, hoàng gia, nhận huân huy chương hay dự đại tiệc ở các nhà quyền quý, đặc biệt chỉ sử dụng vào buổi tối, thường quy định là sau sáu giờ. Một bộ white tie cơ bản gồm: áo sơmi trắng với cổ áo được hồ cứng bẻ ra, nơ trắng, gilê trắng, áo đuôi tôm màu đen, quần đen có hai dải vải may dọc theo ống quần.

Diễn viên Dan Stevens mặc white tie trong phim truyền hình cổ trang Downton Abbey của UK (Phim cực kỳ ăn khách, làm cho nhu cầu thuê quản gia, sống theo lối quý tộc Anh ở Trung Quốc tăng vọt). Phim nói về một gia đình bá tước ở nông thôn nước Anh, tuy ở quê nhưng vẫn là gia đình quyền quý nên chuyện ăn mặc cực kỳ khắt khe. Ngày xưa công nghệ may còn thô sơ, muốn cổ áo dựng đứng được người ta phải dùng hồ (tức là tinh bột) để làm vải cứng lại, nên để tiện sử dụng phần cổ và ngực áo được làm tách rời thành hẳn một miếng vải cứng mặc trước ngực.

 

Trong nhiều tập của Tom&Jerry, Tom mặc lễ phục white tie và thường xuyên bị bật phần ngực áo đã hồ cứng ra đằng trước như trong ảnh. Chính vì đeo ngực áo giả nên áo gilê phải thiết kế khoét sâu xuống dưới bụng.


Black tie
nghĩa là nơ đen, ít nghiêm trang hơn nhưng vẫn sang trọng hơn suit thông thường, có thể mặc đi dự đám cưới hoặc tiệc sinh nhật, khiêu vũ tổ chức vào buổi tối. Black tie tiện lợi hơn và ít quy định phức tạp hơn nên được ưa chuộng ở Mỹ rồi dần dần giới thượng lưu châu Âu cũng chấp nhập lối ăn mặc này. Black tie gồm có: Áo sơ mi trắng, nơ đen, áo gilê đen hoặc vải quấn bụng (cummerbund), giày đen và áo khoác đen gọi là dinner jacket (tiếng Anh-Anh) hay tuxedo (tiếng Anh-Mỹ). Vì vậy nhiều khi người ta tiện gọi luôn cả bộ là tuxedo hay kiểu Mỹ là tux.

Tuxedo kiểu Mỹ với dải quấn bụng cummerbund

 

Black tie và các phụ kiện

Trong tất cả các phụ kiện, ta thấy có một thứ thường không xuất hiện trên các ảnh đó là dây đeo quần: braces (Anh-Anh)/suspenders (Anh-Mỹ). Ngày nay nam giới luôn luôn sử dụng thắt lưng/ dây nịt như một thứ đồ không thể thiếu để giữ cho quần không tụt nhưng ngày trước thắt lưng thường chỉ dùng trong quân đội và giới võ biền phải cưỡi ngựa thường xuyên. Còn lại từ quan chí dân ở Tây đều dùng dây đeo, gắn vào hai bên cạp quần rồi vắt qua vai. Khi mặc lễ phục người ta buộc phải dùng dây đeo quần vì nó sẽ biến mất sau lớp áo gilê/ áo vét một cách gọn gàng. Hiện nay nhiều người có dùng thắt lưng với áo gilê nhưng trông rất thô kệch vì nó lộ ra cái mặt khóa thắt lưng ở dưới bụng do áo gilê thường có vạt ngắn (dĩ nhiên là mặc kiểu thời trang thì không sao nhưng mặc đi dự tiệc sẽ bị người ta cười).

Để lộ dây đeo quần là mặc kiểu nông dân, công nhân ngày trước còn bây giờ với đủ kiểu màu sắc, kích cỡ thì dây đeo quần lại trở thành một phong cách hiện đại.

Còn hai thứ nữa cần nói tới trong tấm ảnh black tie ở trên đó là khuy áo (cufflinks and studs) và khăn tay (pocket square/handkerchief). Áo sơmi lễ phục thường không may sẵn cúc mà phải dùng những nút stud này để bấm vạt áo lại, chủ yếu là để trang trí, vì những nút này thường làm bằng kim loại quý (vàng, bạc), nạm ngọc trai, đá quý hoặc mạ vàng, mạ bạc. Cufflinks là nút để bấm cổ tay áo, tiếng Việt gọi là khuy măng sét (tiếng Pháp: manchette là cổ tay áo).

Đàn ông cũng cần phải học cách gấp khăn bỏ túi ngực, đó là một biểu hiện đơn giản nhất của nghi thức ăn mặc lịch sự. Ngoài khăn bỏ túi ngực (pocket square) để trang trí thì mỗi người nhất thiết phải có thêm một khăn tay (handkerchief) để lau khi cần. Ta hay gọi là khăn mùi xoa (tiếng Pháp: mouchoir), khi phụ nữ khóc mà thằng đàn ông không có cái khăn sạch để nàng lau nước mắt thì thật là chán phải không nào?

Ta tạm dừng về Âu phục nam giới tại đây, hi vọng các bạn nam sẽ tự tin hơn khi lựa chọn một bộ trang phục cho mình để mặc vào những dịp trọng đại. Nếu ai có cơ hội được đi ăn cỗ phải mặc white tie thì cũng không cần lo lắng quá vì những buổi như thế sẽ có ghi rõ ràng trong giấy mời là phải mặc như thế nào. Bài sau chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm một số loại áo khoác và mũ mà ngày xưa các cụ hay dùng và ngày nay nếu biết khéo léo sử dụng thì cũng sẽ rất phong cách đấy.

Đừng ai giống Mr. Bean mặc black tie mà phải lấy giấy gấp thành hình cái khăn nhé!

*

Bài sau: Trăm năm mũ áo

Ý kiến - Thảo luận

6:30 Thursday,10.12.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Yêu cầu của bác LC cao quá, chắc em không kham nổi. Bác cứ viết một bài về nước hoa, một bài về kính đi. Biết đâu em thấy có hứng lại nhảy vào nhập hội té nước với bác!
...xem tiếp
6:30 Thursday,10.12.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Yêu cầu của bác LC cao quá, chắc em không kham nổi. Bác cứ viết một bài về nước hoa, một bài về kính đi. Biết đâu em thấy có hứng lại nhảy vào nhập hội té nước với bác! 
19:04 Wednesday,11.11.2015 Đăng bởi:  LC

Hay đó, bác viết thêm cả bộ củ Kính Bút Đồng hồ đi, em té nước theo mưa sẽ làm cuộc khảo cứu nhỏ về nước hoa men. Chính em cũng toàn xài nước hoa của Lacoste và Hermes nam đây. Hớ hớ, hôi rình, chỉ có con mèo nó hít. Và kính nam cũng rất hợp với các nữ nhân đang náu mình rình tân lang !?! Viết đi viết đi...


...xem tiếp
19:04 Wednesday,11.11.2015 Đăng bởi:  LC

Hay đó, bác viết thêm cả bộ củ Kính Bút Đồng hồ đi, em té nước theo mưa sẽ làm cuộc khảo cứu nhỏ về nước hoa men. Chính em cũng toàn xài nước hoa của Lacoste và Hermes nam đây. Hớ hớ, hôi rình, chỉ có con mèo nó hít. Và kính nam cũng rất hợp với các nữ nhân đang náu mình rình tân lang !?! Viết đi viết đi...

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả