|
|
|
|||||||||||||
Thiết kếTrăm năm mũ áo 10. 12. 15 - 5:04 amĐặng Thái(Tiếp theo bài trước: Com-lê và ca-vát là đôi bạn thân) * Học giả Trần Quang Đức có tác phẩm nghiên cứu “Ngàn năm áo mũ” nổi tiếng, qua đó có thể thấy suốt một thời gian rất dài ở nước ta, không chỉ “áo” mà cả “mũ” còn đóng một vai trò rất quan trọng trong cách thức ăn mặc và thể hiện địa vị xã hội của mỗi người. Mỗi kiểu mũ không dừng lại ở xu hướng thời trang của thời kì ấy mà còn là biểu tượng của cả một giai đoạn lịch sử. Ngày nay đa phần người Việt không còn đội mũ với tính chất trang sức nữa mà với mục đích thực dụng nhiều hơn. Chiếc mũ mà ai ai cũng đội ở Việt Nam lúc này chỉ có mũ bảo hiểm xe máy. Vài chục năm về trước thì mũ cối cũng đã từng là một hình tượng rất phổ biến. Thế còn xa hơn nữa thì sao? Sự biến chuyển như vũ bão của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 thể hiện rõ ràng qua cách ăn mặc, nhân vật Typn của Vũ Trọng Phụng là một ví dụ. Khi người Pháp đến, mang theo phong cách phục sức châu Âu, những kiểu mũ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam đã nhanh chóng được ưa chuộng. Cùng với mũ là áo khoác kiểu Tây cũng trở thành mốt của giới thượng lưu. Vào mùa đông lạnh ngoài Bắc thì mũ dạ và áo ba-đờ-xuy (tiếng Pháp: Pardessus) là thứ trang phục nam giới sang trọng và đắt tiền. Trong bài này ta sẽ cùng tìm hiểu giai đoạn “kêu gọi cắt tóc ngắn, cắt móng tay, vận Âu phục” ở Việt Nam, vốn dễ nghiên cứu hơn ngàn năm về trước rất nhiều, mà ngay ngày mai lại có thể ứng dụng mặc ra đường được. Đầu tiên là mũ Loại mũ mà ta thấy đa số giới viên chức trung lưu đội thời kì này, cùng với bộ suit chính là mũ fedora. Người Việt thường gọi là mũ phớt, chất liệu bằng dạ thì gọi mũ dạ. Vành mũ không quá rộng, chỉ vừa đủ để che nắng che mưa. Hơi cụp xuống, che bớt khuôn mặt thì rất quyến rũ mà hơi vểnh lên thì lại rất ngông nghênh. Chính vì thế mà chiếc mũ tượng trưng cho nam tính này được đàn ông trên toàn thế giới yêu thích suốt cẩ mấy chục năm. Người Việt mình nôm na, mũ cao bồi nhiều khi cũng gọi luôn là mũ phớt. Giới công nhân, nông dân, người lao động phổ thông có địa vị xã hội thấp hơn thì lại đội kiểu mũ khác. Ở Việt Nam hay gọi chung chung tất cả là mũ bê-rê (tiếng Pháp: béret) nhưng thực tế không phải như thế. Loại mũ bê-rê mà các họa sĩ ở ta, các cụ già hay đội chính là mũ bê-rê kiểu Pháp mà tiếng Việt gọi là mũ nồi.
Quân đội nhiều nước và cả nước ta cũng có một bộ phận đội mũ nồi nhưng đã bị loại bỏ cái chóp và làm lệch về một bên mặt. Còn loại mũ của tầng lớp bình dân ở Anh, Mỹ không phải là mũ bê-rê mà gồm hai loại rất hay bị nhầm lẫn với nhau: flat cap và newsboy cap. Flat cap dài chứ không tròn như beret, lại có một lưỡi trai nhỏ phía trước, còn gọi là golf cap (mũ chơi gôn), driver cap (mũ lái xe) là loại rất phổ biến, ngày nay nam giới có thể đội khi đi dã ngoại, kết hợp với quần áo lịch sự nửa bình dân. Newsboy cap tên khác là eight piece cap (mũ tám múi do mũ may từ tám mảnh vải, khâu lại trên đỉnh), Gatsby cap (mũ của nhân vật chính trong tiểu thuyết The Great Gatsby) thì dân dã hơn, giờ ít người đội, cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ hai mươi được trẻ con và dân nghèo đội là chính, kết hợp với các chất vải quần áo thô ráp. Rồi dần dà giới trung lưu cũng đội đi chơi thể thao.
Riêng ở Việt Nam giai đoạn này có một loại mũ cứng đặc biệt, tiếng Anh kêu là pith helmet, tiếng Pháp là casque colonial. Đây là loại mũ người da trắng đội ở các vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên nó đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa Thực dân châu Âu. Mũ này thường màu trắng, lúc mình còn nhỏ chỉ thấy có duy nhất bác bán tàu phớ là hay đội, giờ thì không thấy ai dùng luôn. Các cụ nhà ta sau này đã chế lại, nắn cho tròn và trở thành chiếc mũ cối huyền thoại, gắn liền với bộ đội miền Bắc. Tiếng Pháp có casque là mũ bảo hiểm cứng, casquette là mũ lưỡi trai nói chung. Từ điển tiếng Việt 2013 giải thích “cát két” là mũ mềm, chóp bằng hơi bẹt, thường bằng dạ hoặc vải, đằng trước có lưỡi trai nhỏ tức là đang nói đến flat cap còn “mũ cát” mới là mũ cứng, cốt làm bằng bần hoặc hải đồng, có vành, mặt ngoài bọc vải tức là casque (colonial). Mũ cát bọc vải trắng nên rất dễ bẩn, mà giặt thì nhanh hỏng nên thường chỉ bôi cái gì màu trắng lên che đi như dùng phấn chẳng hạn.
Một loại mũ khác cũng bị gọi tên không chính xác ở Việt Nam là mũ kêpi. Mũ kêpi ở ta để chỉ loại mũ cho lực lượng vũ trang, bán vũ trang như quân đội, công an, hải quan, kiểm lâm, thậm chí bảo vệ trông xe. Nhưng từ képi tiếng Pháp (và tiếng Anh) chỉ loại mũ hình trụ tròn, có lưỡi trai nhỏ đặc trưng trong quân đội Pháp còn loại mũ công an của mình tiếng Anh gọi là peaked cap. Quân đội Pháp chỉ đội mũ kêpi nên không có tên gọi chuẩn cho mũ này. Quân đội Canada gọi là casquette de service cho nam, chapeau de service cho nữ. Định thêm mấy loại nữa như kiểu mũ ca-lô (tiếng Pháp: calot) nhưng sợ bạn đọc tẩu hỏa nhập ma đi cạo đầu đội mũ ni nên đành dừng ở đây để chuyển sang áo khoác. Áo khoác Hai loại áo khoác Tây thường thấy thời Pháp mà ngày nay ở Việt Nam hiếm thấy, thường chỉ khi đại hàn, hoặc đi Tây mùa đông mới lôi ra mặc là măng-tô (tiếng Pháp: manteau) và bành-tô (tiếng Pháp: paletot). Từ điển tiếng Việt cho hai loại áo này là một nhưng thực ra áo bành-tô đúng kiểu Pháp luôn có hai hàng cúc, không có dải thắt lưng, may bằng vải dày như vải tuýt (tiếng Anh: tweed). Hai loại áo này tiếng Anh gọi là overcoat nghĩa là khoác ngoài tất cả, kể cả bộ suit. Nam giới mặc áo măng tô không cẩn thận sẽ rất già, trông như các bác lãnh đạo đi thăm chính thức Liên Bang Nga ngay. Cần chú ý mấy quy tắc cơ bản: áo măng tô có vạt hơi ngắn sẽ làm tôn dáng, trông cao hơn. Loại có hai hàng cúc thì phải hơi bó, để khi không đóng cúc trông không bị thùng thình. Áo màu xám luôn luôn hợp thời trang, tránh màu đen. Màu xanh hải quân đi được với mọi màu suit, còn bác nào dân chơi thì hẵng mặc màu nâu sáng. Một loại áo khoác dài nữa, may bằng vải mỏng, bền, chống thấm như áo mưa, màu khaki, hay có dải thắt lưng, thường được gắn liền với hình ảnh thanh tra, thám tử là trench coat.
Áo khoác ngắn, áo gió mà ngày nay ai ai cũng mặc thì mình nhớ lúc bé mẹ vẫn gọi là blu-dông (tiếng Pháp: blouson) có phéc-mơ-tuya (fermeture) thế rồi dần dần giờ mẹ cũng quen gọi như mọi người là áo khoác có khóa kéo. (Chớ nhầm với blouse là áo blu trắng của bác sĩ, nhà khoa học nhé). Nhà của người Tây thường có tiền sảnh nhỏ, chỗ này luôn có móc để treo mũ và áo khoác, các hiệu cắt tóc hay chỗ dạ tiệc luôn có người đứng đón mũ và áo khoác của khách rồi treo lên. Xin kết thúc bằng một bài đố vui (không có thưởng) xem bác nào có thể giải thích được tên gọi những phụ kiện mà một dân chơi nước ta đầu thế kỷ trước dùng để ăn diện, được miêu tả trong đoạn sau của nhà văn Nguyễn Tuân: “Hồi ấy, anh nhà chú đẹp trai kia chứ đâu lại có như bây giờ ấy. Giày “dôn” củ nghệ, áo sa tây hoa mép đỏ, can bít bạc, bít tất lụa tím, mũ ca-dô-chê. Cu cậu cứ thế mà chúi xuống bếp thổi bếp gio, bụi cứ mù cả lên. Nghĩ tình, mình đâm ra cảm. Rồi là lấy nhau.”
Ý kiến - Thảo luận
13:43
Monday,14.12.2015
Đăng bởi:
candid
13:43
Monday,14.12.2015
Đăng bởi:
candid
Nói em mới nhớ ngày xưa trẻ con đứa nào cũng biết làm cái dải băng giấy màu trang trí bằng cách cắt giấy màu rồi dán lại móc vào nhau gọi là xúc xích. Hồi trước em cứ nghĩ là gọi thế do nó giống xúc xích của Tây. Thế nhưng giờ có khả năng như bác dẫn cụ Ngô Tất Tố, ngày xưa có tính từ "xúc xích" mà giờ không dùng nữa.
12:10
Monday,14.12.2015
Đăng bởi:
Đặng Thái
Bác Sương, bác Candid
Em thì nghiêng về phía "bít tất" là chữ Nôm, giống như bác Sương nói nghĩa là bịt/bọc kín hết cả bàn chân lại. Trong Lều chõng, cụ Ngô Tất Tố có viết câu sau:"Rồi cả bốn người cùng đội nón, khoác áo tơi, hai chân xỏ bít tất, sàm sạp bước xuống đất, với những đồ đạc đeo xúc xích ở vai và cổ". Ngoài chữ bít tất ta thấy ở đây c ...xem tiếp
12:10
Monday,14.12.2015
Đăng bởi:
Đặng Thái
Bác Sương, bác Candid
Em thì nghiêng về phía "bít tất" là chữ Nôm, giống như bác Sương nói nghĩa là bịt/bọc kín hết cả bàn chân lại. Trong Lều chõng, cụ Ngô Tất Tố có viết câu sau:"Rồi cả bốn người cùng đội nón, khoác áo tơi, hai chân xỏ bít tất, sàm sạp bước xuống đất, với những đồ đạc đeo xúc xích ở vai và cổ". Ngoài chữ bít tất ta thấy ở đây còn chữ "xúc xích", lúc này thì "xúc xích" là một tính từ cổ, chỉ một chuỗi vật dụng nối với nhau, ngày nay nó đã chuyển nghĩa thành danh từ do món dồi của Tây thường treo thành dải "xúc xích". Bít tất cũng có thể như thế lắm. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp