Chính trị

Myanmar: dân chủ về nơi đồng vắng 25. 11. 15 - 11:22 am

Bài và ảnh: Candid

 

.

“Cơm và Tom yum kum, thịt gà, mấy chai bia Myanmar, ngay nhé!”

Tôi yêu cầu cô phục vụ Myanmar ở nhà hàng Thái. May mà cái xe cà khổ sau 7 tiếng khổ ải trên đường đã đưa chúng tôi đến kịp trung tâm thương mại Junction ở thủ đô Nay Pi Taw của Myanmar trước khi đóng cửa, nếu không chỉ có cách ôm bụng đói đi ngủ. Nay Pi Taw là thủ đô mới nhất của Myanmar. Tôi cũng không am hiểu lịch sử Myanmar lắm để biết lý do tại sao mà trong chưa đến nghìn năm lịch sử, đất nước này có một danh sách dài đến mấy chục cái cố đô. Nghĩ mà tội nghiệp cho trẻ con Myanmar phải học thuộc lòng các danh sách cố đô chắc cũng hết thời gian, chắc là họ cũng nên học Việt Nam tiến tới đưa môn lịch sử ra khỏi danh sách các môn học bắt buộc.

Cô phục vụ mặc đồng phục kiểu Tây phương, mặt vẫn bôi một thứ nhựa cây theo phong cách truyền thống, mang bia Myanmar và mấy cái cốc lạnh ra. Tôi vội khui chai và bật nắp để thư giãn sau một ngày trời hành xác trên đường. Cũng chỉ vì ham vui, muốn xem đất nước Myanmar thế nào sau phiên bầu cử lịch sử, phần vì khấp khởi hy vọng làm một bộ ảnh dân Myanmar ăn mừng mà tôi nhận lời đi với anh bạn đến đây. Anh bạn tôi vì có việc của công ty mà ngại thân giai dặm đường rủ tôi đi cùng. Từ Yangon (cố đô gần đây nhất) đến thủ đô mới dài khoảng 400 km, quãng đường đủ để làm ngại ngần bất cứ ai phải đi.

Trên đường tới Nay Pi Taw. Đường cao tốc chạy qua các vùng rất thưa thớt và hoang vắng.

Nay Pi Taw trở thành thủ đô mới của Myanmar vào năm 2005, sau khi chính phủ quân sự đã chán chường và mệt mỏi với các cuộc biểu tình phản đối của giới trí thức, sinh viên và các nhà sư, một hôm đẹp giời quyết định bắt toàn bộ nhân viên các bộ ngành chuyển nhà lên Thủ đô mới đã được xây dựng bí mật từ lúc nào không rõ. Lệnh trên ban ra, đồ tế nhuyễn của riêng tây để lại cho vợ con, chỉ đủ thời gian vặn chặt longi (một loại xà rông truyền thống cho đàn ông), các quan chức “mình đi ta ở lại nhà” ngay tắp lự. Thủ đô mới cũng không lấy gì làm xa, chỉ cách độ 320 km đường cao tốc độc đạo, cũng không có gì đặc sắc, chỉ tiện mỗi có biến gì chỉ cần 2 cái xe tăng chặn đường là “cạn dòng lá thắm, đứt đường chim bay”, đừng hòng mà phản đối, đừng hòng mà đảo chính.

Đường cao tốc được xây lúc cấm vận hiếm nhựa đường, chỉ trải bê tông nhưng chất lượng khá tốt. Tốc độ xe tối đa 100km/h. Chỉ tội xe ở Myanmar nhiều xe cũ, giá ô tô ở đây đắt còn hơn Việt Nam. Đi vài chuyến Thủ đô là phải thay lốp. Khá nhiều tai nạn đã xảy ra vì nổ lốp nên nếu không phải vì công việc, anh bạn tôi đã không đi. Tôi từng thắc mắc, tại sao chỉ là đường bê tông nhưng chất lượng không bị xuống cấp nhanh như ở Việt Nam. Anh bạn tôi bảo, khi xây dựng, mặc dù quan chức vẫn nhận phong bì như thường nhưng nếu nhà thầu làm không đạt chất lượng, mời anh bóc lên làm lại.

Xe ô tô bị nạn trên cao tốc

Nhìn quanh trung tâm thương mại Junction vẫn thấy chả có gì mới so với trước kia tôi đến, dăm cái nhà hàng ăn nhanh đồ Thái, siêu thị, đồ hàng hiệu… không có tí gì không khí ăn mừng sau một sự kiện lịch sử. Chạm cốc bia với gã Myanmar nhân viên của anh bạn, một gã bí hiểm có cái tên đặc Tây Robert, mặc dù ngoại hình giống Tầu hơn Tây, quả thật gã cũng có nửa máu Tầu trong người, tôi hỏi gã lý do tại sao dân Myanmar không đốt pháo, đua xe, quấn cờ ăn mừng… chí ít khi sang đây tôi cũng mong chứng kiến cảnh huyên náo như khi đội U23 Việt Nam vào chung kết Sea Games. Robert nói Lady cấm tất cả không được ăn mừng, không được hò reo, cờ quạt gì thậm chí mặc cái áo màu đỏ như áo tôi đang mặc cũng bị cấm. Sau khi bị một vố năm nào, mặc dù thắng bầu cử nhưng sau đó bị quản thúc tại nhà thì thận trọng cũng không thừa. Thế là đi tong hy vọng làm một bộ ảnh để đời, biết thế ở nhà đợi U23 Việt Nam thắng U23 Lào còn hơn. Lady có ở đây Nay Pi Taw không? Tôi vớt vát hỏi để hy vọng nhỡ có dịp nhìn thấy người phụ nữ huyền thoại. Không, Lady chỉ ở Yangon, để an toàn. Không, Lady chỉ ở Yangon, để an toàn. Nghe nói bà không dám lên Nay Pi Taw. Nhà bà ở bên một cái hồ, phía bên kia là Đại sứ quán Mỹ, có lẽ thế mới đảm bảo mạng sống trong suốt mười mấy năm giam cầm.

Biết làm cái gì đây, ở cái thủ đô khỉ gió này. Khi chính phủ chuyển đến thủ đô mới, các quan chức bắt buộc phải chuyển đi nhưng vợ con gia đình họ đều ở tại Yangon. Nay Pi Taw trở thành một thủ đô không dân, toàn quan chức chính quyền, quân đội và cảnh sát. Thành phố được quy hoạch dành cho di chuyển bằng phương tiện ô tô với những đại lộ dài thẳng tắp mấy làn xe. Không dân chúng nên chỉ có cơ quan của các bộ và chính phủ và những resort, khách sạn hiện đại và vắng khách. Không có khách du lịch nào đến đây nên khách sạn chỉ dành cho những người có việc với cơ quan chính quyền. Đến các Đại sứ quán cũng vẫn đóng tại Yangon, lúc nào cần ngài Đại sứ hoặc cưỡi máy bay ATR–72 lạy trời đừng rụng cánh hoặc chạy ô tô lên rồi lại về. Nơi náo nhiệt nhất của thành phố là trung tâm thương mại Junction tôi đang ngồi cứ 9h tối lại đóng cửa.

Một resort ở thủ đô

Các nhân viên quan chức Myanmar, từ nhỏ như chú văn thư đến lớn như ngài Bộ trưởng đều phải chịu cảnh ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân. Quan chức cấp cao thì được ở biệt thự, xe riêng. Viên chức, nhân viên thì hàng ngày, xe ô tô bus đưa đón. Nhìn hàng đàn viên chức, người vận longi, tay xách cặp lồng cơm trưa đi vào nơi làm việc tôi chợt nhớ đến Việt Nam thời bao cấp cơm niêu nước lọ ngày xưa.

Xách cặp lồng đi làm

Robert hí húi vuốt màn hình chiếc smartphone đời mới nhất để khoe ảnh về cuộc bầu cử vừa qua. Gã có sở thích đặc biệt với smart phone và tablet. Có lẽ vì điện thoại di động cũng mới được phổ biến ở Myanmar, lần đầu tiên khi tôi đến Myanmar, 1 chiếc sim di động có giá 2000 USD (vâng 2000 USD), 3G thì là một thứ gì đó rất trừu tượng. Chỉ sau một thời gian ngắn, với công nghệ của Bắc Âu và tiền từ Ả Rập, tôi thấy quảng cáo điện thoại di động đã phổ biến khắp nơi. Viettel dù đã nếm mật, nằm gai nhưng đành chào thua trước tiền Ả Rập. Cùng với smartphone, internet là sự phổ biến của mạng xã hội, Facebook. Trên tờ báo tôi vừa đọc đưa tin trước cuộc bầu cử, 2 nhà hoạt động xã hội đã bị tóm vì đưa tin trên Facebook.

Tay vuốt, miệng nói, Robert thuyết minh về diễn biến cuộc bầu cử cho tôi nghe, gã tí nữa mất quyền bỏ phiếu vì gã có nửa máu Tầu trong người và lại là thường trú nhân của Singapore. Lịch sử gần đây của Myanmar đã tạo ra một lượng người đông đảo thường trú tại Sing. Có lần sang Sing tôi lọt vào một trung tâm thương mại toàn dân Myanmar miệng nhai trầu bỏm bẻm, tay đeo nhẫn vàng khảm đá to tướng, đếm tiền như chớp. Chỉ riêng tại Singapore đã có khoảng 20000 tham gia bỏ phiếu lần này, chưa kể số lượng người bay về nước để tham dự.

Một trụ sở kêu gọi bỏ phiếu

Chưa kịp hết câu chuyện thì đã đến giờ trung tâm đóng cửa. Không có night life ở Nay Pi Taw. Sự lựa chọn duy nhất chỉ là một vài nhà hàng Trung Quốc và trung tâm thương mại này. Trước đây, có lần tôi được tham dự một bữa tiệc chiêu đãi một số viên chức Myanmar, để cảm ơn sự giúp đỡ của họ. Do trong thời kỳ chính phủ quyết định bàn tay sắt, trong sạch quan chức, để tránh gặp mặt nhau nơi ngõ nhỏ, các phòng ăn phải được buông rèm để đảm bảo riêng tư. Có lẽ xa gia đình, hiếm khi có dịp giải trí nên không có viên chức được mời nào thiếu mặt. Du khách đến đây ăn tối xong chỉ có nước về phòng đi ngủ sớm.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để chạy bộ, đường phố Nay Pi Taw vắng tanh không một bóng người. Thành phố không có phương tiện giao thông công cộng, taxi hiếm có, dân không có nên như một thành phố bỏ hoang. Thi thoảng có một vài người dân đi xe đạp ngang qua, có lẽ họ là những người phục vụ hoặc công nhân đi làm sớm. Đường phố rộng rãi và sạch đẹp lý tưởng để tổ chức giải chạy Marathon.

.

Đến giờ hẹn, tôi tháp tùng bạn tôi đến trụ sở của cơ quan. Do xây dựng trong thời kỳ Myanmar bị cấm vận nên các trụ sở chính quyền khá khiêm tốn, phong cách kiến trúc nặng nề khá ảnh hưởng phong cách của các nước thuộc khối XHCN. Dân Myanmar đi làm không mặc âu phục mà vận quốc phục longi. Longi là một loại váy cho đàn ông, được mặc bằng cách vặn túm một túm trước bụng. Người Myanmar từ xe ôm đến tổng thống đều vận Longi. Đi trên đường, thỉnh thoảng thấy một người đang đi mở phắt longi ra rũ rũ rồi vặn túm lại tiếp tục đi. Thú thực lúc đầu vào cơ quan công sở tôi cũng không phân biệt được ông bảo vệ với sếp vì ai cũng vận longi như nhau.

Đường ở thủ đô rộng rãi và ít xe cộ

Trong công sở các phòng ban vẫn để tài liệu để ngổn ngang hòm sắt nhưng có điểm mới thấy trang trí, bàn ghế, biển hiệu đã được làm lại. Có vẻ như công cuộc mở cửa cũng đã tác động đến chính quyền. Tôi và bạn vơ vẩn ngồi chờ gã Robert đi liên hệ. Hà Nội không vội thì Nay Pi Taw cũng không vội được đâu. Dân Myanmar theo đạo Phật, vốn quen phong cách làm việc tà tà, như chợ đá quý ở Yangon 11h mở cửa nhưng 3h đã đóng. Thế nhưng lần này tôi quan sát thấy có vẻ như những viên chức nơi tôi đến bận rộn hơn mọi lần. Đã qua trưa người chúng tôi cần gặp vẫn chưa thấy đâu.

Rất may, buổi sáng ở khách sạn, tôi đã dự phòng tình huống nên cố ăn gấp đôi mọi hôm.

Robert tất tả đi ngược xuôi, chào người nọ, bắt tay người kia, truyện trò rôm rả. Gã Robert bí hiểm này, có vẻ như quen một nửa nước Myanmar. Từ khi biết hắn tôi chưa thấy hắn nói người nào hắn không quen, nếu không là bà cô bên họ đằng nội thì cũng là cháu anh bạn đồng hao ông hàng xóm. Tưởng chừng hắn ba hoa nhưng quả thực rất nhiều phen hắn chứng tỏ lời hắn là sự thực.

.

Đi một vòng, hắn về thông báo có lẽ chúng tôi vẫn phải chờ đợi vì họ rất bận. Robert bảo đây là thời điểm nhạy cảm, tất cả đang chờ đợi đến ngày 19/11 này, khi Tổng tư lệnh quân đội chính thức cam kết chuyển giao quyền lực cho Đảng thắng cử. Robert thì thào chính quyền đang bận rộn thống kê để chuẩn bị chuyển giao, quan chức thì đang tìm cách chuyển bớt tài sản sang Singapore nên không có thời gian tiếp mình. Không biết sự tình đến đâu nhưng gần đây chính quyền Myanmar đã có lệnh cấm sử dụng tiền USD trong các giao dịch từ nhà hàng, khách sạn đến vũ trường. Lý do Chính phủ đưa ra là chống đô la hoá nền kinh tế. Kết quả là từ lúc tôi xuống sân bay đến nay thấy tỉ giá nhảy múa mỗi nơi mỗi khác.

Đến trưa, cán bộ viên chức lục tục dở cặp lồng ra ăn trưa. Chúng tôi đành nhịn uống nước lọc vì không kiếm đâu ra chỗ bán hàng ăn ở đây mà chạy về trung tâm thương mại thì lại sợ nhỡ dịp hẹn. Thấy đói bụng tôi ước gì sáng nay bỏ túi mấy cái bánh ngọt đi, không thì có nắm cơm nắm cũng được.

Đường xá vắng tanh không hàng quán

Đi loanh quanh kiếm được tờ báo tiếng Anh mở ra đọc giết thời gian, báo đưa tin trước cuộc bầu cử 8 trong 15 phe chống chính phủ đã đạt được thoả thuận ngừng bắn để cho có một cuộc bầu cử yên bình. Tôi đã từng trải qua cảnh lo sợ vì bom khi lần trước, đến Yangon đúng lúc phe Hồi giáo cho đặt bom để phản đối chính quyền. Người Hồi giáo ở đất nước gần 90% theo đạo Phật này vẫn đấu tranh để giành quyền cho họ.

Loanh quanh mãi, cuối cùng chúng tôi cũng nhận được tin, cuộc hẹn của chúng tôi đã bị huỷ và không biết đến khi nào mới tổ chức lại được. Cả hội tiu nghỉu thất thểu quay lại quán Thái, vị tom yum kum sao mà cay lạ. Quá ngán ngẩm trước viễn cảnh nhịn đói thêm một lần ở Nay Pi Taw, chúng tôi quyết định về ngay Yangon trong đêm.

Lần sau nếu đến Nay Pi Taw nhất định tôi sẽ mang cơm nắm.

Giao thông tại Yangon

 

Đường phố Yangon. Yangon có Lady sống, dĩ nhiên vui hơn nhiều.

 

Ý kiến - Thảo luận

11:54 Thursday,26.11.2015 Đăng bởi:  candid
Chắc để dành cho bài sau bác A Tủm ạ :D
...xem tiếp
11:54 Thursday,26.11.2015 Đăng bởi:  candid
Chắc để dành cho bài sau bác A Tủm ạ :D 
11:22 Thursday,26.11.2015 Đăng bởi:  a tủm

Bác làm tôi đọc hết cả bài, hí hửng tưởng được biết món karaoke Miên có gì khác biệt :)


...xem tiếp
11:22 Thursday,26.11.2015 Đăng bởi:  a tủm

Bác làm tôi đọc hết cả bài, hí hửng tưởng được biết món karaoke Miên có gì khác biệt :)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả