Tin tức

Những bích họa Mật Tông tại điện Lukhang: không nên “mật” nữa 29. 11. 15 - 11:00 pm

Carey Dunne, Thúy Vy dịch

.

Chi tiết từ bích họa tại thiền thất riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, được vẽ khoảng năm 1700, mô tả các hành giả yogi trong 23 tư thế yoga, có tên “Bí kíp các Kinh Mạch và Khí” (tất cả ảnh của Thomas Laird và Wellcome Collection)

Tọa lạc trên một hòn đảo giữa hồ nước phía sau Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng, đền Lukhang, hay “Ngôi đền của thần rắn”, là một không gian thiền bí mật do Đức Đạt Lai Lạt Ma tạo nên vào thế kỉ 17. Trong hàng trăm năm, không ai ngoài bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma được đặt chân đến ngôi đền này.

Đền Lukhang, với nền phía sau là điện Potala

Các bức bích họa sống động bao phủ những vách đền miêu tả các hành giả yogi trong những tư thế rất phi lý, các đạo sư và các vị vua, cầu vồng bao quanh các khối pha lê và sinh thực khí khai sinh thế giới. Các bích họa này vốn để khai tâm cho Đạt Lai Lạt Ma thực hành yoga và Mật tông theo giáo lý Dzogchen (Đại Viên Mãn) của Phật giáo Tây Tạng, nên rất ít ai được xem chúng.

Một bức thangka. Các bạn bấm vào để xem bản to hơn.

Tuy nhiên, giờ đây thế giới đã có thể tiếp cận những hình ảnh của các bức bích họa cổ xưa trên, nhờ công của nhiếp ảnh gia Thomas Laird, người đầu tiên được chụp ảnh bên trong thiền thất thiêng liêng này vào mùa xuân năm 1986. Collection Wellcome vừa tổ chức một triển lãm mới tại London có tên Tibet’s Secret Temple: Body, Mind and Meditation in Tantric Buddhism (Ngôi đền bí mật ở Tây Tạng: Thân thể, Trí óc và Thiền định trong Phật giáo Mật Tông). Triển lãm trưng bày các bức ảnh kĩ thuật số cỡ thực của các bích họa đền Lukhang và những lời giáo huấn bí truyền của chúng. Bản thân ngôi đền được xây dựng như một mandala ba chiều, một bố cục hình học thiêng liêng thể hiện thế giới vũ trụ Phật giáo, với ba tầng lớp đại diện cho ba cấp độ giác ngộ – thực tại bên ngoài, trải nghiệm nội tâm, và một chiều kích siêu việt vượt ra khỏi không gian và thời gian.

Điện Potala. Đền Lukhang bên tay trái, lùi ra sau

“Mặc dù là một kho tự liệu hình ảnh về những giáo pháp bí truyền nhất của Tây Tạng, đền Lukhang lại không nổi tiếng ngay cả với cả những ai thường xuyên lui tới Tây Tạng hay những người nghiên cứu Phật giáo Mật Tông”, Ian Baker, đồng giám tuyển triển lảm và một học giả về Phật giáo Tây Tạng, đã phát biểu với Hyperallergic. Thậm chí nhóm người ít ỏi biết về đền Lukhang biệt lập, không cửa sổ này và từng thấy các bích họa ngay tại ngôi đền này cũng sẽ không chiêm ngưỡng được một cách chi tiết bằng bản sao kĩ thuật số ảnh của Laird trưng bày tại triển lãm.

Các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn

“Những lớp véc ni được phủ tiếp nối đợt này đến đợt khác lên bề mặt các bích họa gốc đã làm chúng ngày một tổn hại, và giờ đây người ta đã lồng khung kính lên chúng”, Baker giải thích. “Bên trong thiền thất rất âm u, và rất khó nhìn thấy chi tiết phức tạp, trừ phi đem đèn pin vào rọi”.

Laird đã chụp hàng ngàn khung ảnh riêng cho mỗi bức bích họa, sau đó tạo ra những bản sao kĩ thuật số cỡ thực đặt trước các hộp đèn, một số bức to đến 3m×9.1m. Triển lãm của Wellcome cũng bao gồm 120 món vật liên quan đến Phật giáo Tây Tang, gồm tranh cuộn, tượng, và bản thảo.

Một Thangka Y học Tây Tạng, hay tranh cuộn, mô tả hệ thống y học Tây Tạng truyền thống và cách nó phản ánh các quá trình sinh lý tinh tế thiết yếu cho sức khỏe toàn diện.

Các bích họa hé lộ một phương diện khác của thực hành Phật giáo Tây Tạng, trực tiếp đối lập với truyền thống tu hành mà hầu hết mọi người gắn với Tây Tạng. Những bức bích họa này tôn vinh việc thực hành giáo lý Mật Tông và yoga của Tây Tạng, một bí mật ẩn giấu lâu đời. “Nhưng như Đức ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói với tôi khi dư luận về việc công bố các hình ảnh này của Lukhang mới rộ lên: ‘Thời kì giấu diếm đã qua và không còn phù hợp trong xã hội phương Tây nữa. Trừ phi những thực hành này trở nên được nhiều người biết tới hơn, còn không chúng sẽ hoàn toàn mất đi. Đó mới là một đại bi kịch”, Baker phát biểu. “Nhìn chung, những tu sĩ trông giữ Lukhang đều rất ủng hộ nỗ lực của chúng tôi ghi lại các bích họa và chia sẻ những hình ảnh này với thế giới bên ngoài”.

Các Lạt Ma tại Talung, vùng Sikkim, Đông Ấn Độ.

Ý tưởng đứng sau việc kiến tạo những bức bích họa này là của một người Tây Tạng, ngài Desi Sangye Gyamtso, lúc đó là đại diện chính trị cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 và là người phát hiện ra Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6. Ông nổi tiếng trong việc bảo tồn các thành tựu cao nhất của nền văn minh Tây Tạng, dù đó là nghệ thuật, y học hay giáo pháp.

Một Thangka Y học khác phác thảo các kênh năng lượng và các điểm hội tụ của chúng (hay còn gọi là chakras) bên trong cơ thể.

“Tôi nghĩ ông ấy sẽ hài lòng khi điều kiện thế giới đã tiến bộ đến mức những giáo huấn như thế giờ đây có thể công khai thể hiện mà không sợ kiểm duyệt”, Baker nói. “Đáng tiếc rằng Tây Tạng vào thời của ông ấy không như vậy, vì ông đã nhanh chóng bị chặt đầu theo lệnh một lãnh đạo chính trị đối lập. Đối với các bích họa đang trưng bày tại một bảo tàng hiện giờ, tôi nghĩ ông ấy sẽ nhận ra tinh thần hiện thân của bảo tàng ngay trong gốc từ museum, vốn có nghĩa là ‘places of the muses’ (nơi của những nàng thơ) – vì chính đền Lukhang cũng đóng một vai trò tương tự như một nơi truyền cảm hứng”.

Triển lãm Tibet’s Secret Temple sẽ diễn ra tại Wellcome Collection, London từ 19. 11 đến 28. 2. 2016

*

Xem thêm bài: “Xem và đoán: thêm một số bích họa Mật Tông tại đền Lukhang

Ý kiến - Thảo luận

3:21 Tuesday,5.1.2016 Đăng bởi:  Willow Tran
Một chút thông tin ngoài lề về vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 mà ngài Desi (đại diện) Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 - người ủng hộ cho việc kiến tạo các bức bích hoạ - khám phá ra. Vị Lạt Ma thứ 6 - Thương Ương Gia Thố (Tsangyang Gyatso) cũng gây nên rất nhiều tranh cãi vì ông hay uống rượu, tụ tập, yêu thích hưởng thụ, sáng tác nhiều bài thơ tình và ca khúc và cũng c
...xem tiếp
3:21 Tuesday,5.1.2016 Đăng bởi:  Willow Tran
Một chút thông tin ngoài lề về vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 mà ngài Desi (đại diện) Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 - người ủng hộ cho việc kiến tạo các bức bích hoạ - khám phá ra. Vị Lạt Ma thứ 6 - Thương Ương Gia Thố (Tsangyang Gyatso) cũng gây nên rất nhiều tranh cãi vì ông hay uống rượu, tụ tập, yêu thích hưởng thụ, sáng tác nhiều bài thơ tình và ca khúc và cũng có qua lại quan hệ nam nữ. Vì nhiều lý do bao gồm chính trị mà nhiều người không công nhận Tsangyang Gyatso là Lạt Ma. Ông cũng mất tích bí ẩn năm 25 tuổi (có giả thuyết bắt cóc, tai nạn, hoàn tục, bỏ trốn, lánh đời, v.v... đủ cả).

Hiện vị Lạt Ma thứ 6 được khá nhiều người trẻ ở Việt Nam biết đến nhờ cuốn tiểu thuyết (ngôn tình) Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất (xin tạm không nêu nhận xét về nội dung, chất lượng dịch). Có khá nhiều tạo hình và bài viết miêu tả ông như một soái ca đẹp trai phong lưu. Không biết thế này có bị cấm ở Tây Tạng không?

Cuộc đời các Đức Lạt Ma mỗi người một kết cục, một câu chuyện riêng, vậy mới biết không phải chốn tu thân dễ chịu êm đềm như nhiều người hay tưởng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả