Chính trị

Israel giúp Al Nusra thành công,
Hoa Kỳ chống ISIL thất bại 13. 12. 15 - 12:26 pm

Sáng Ánh

(Tiếp theo bài trước)

Văn phong của mình thường vẫn thiếu nghiêm túc và ở bài viết trước, có chỗ văn phong này gây tổn hại cho tính xác thực của các sự kiện. Xin đập đầu vào bàn phím để tạ lỗi. Tuy nhiên văn phong là văn phong nhưng sự kiện là sự kiện và xác thực là xác thực.

Ở đây xin bổ túc (một cách lạnh lùng) về hai việc ít được nói đến, và có trong bài trước, mà văn phong đùa cợt của người viết có thể khiến người đọc cho là chuyện bịa ở bàn bia. Đó là chuyện về quan hệ lạ lùng giữa Israel và Al Nursa, và chuyện về đội quân chỉ còn 4, 5 mống mà Mỹ đã cất công xây dựng ở Syria

Người Druze bên lằn ranh tím

Israel và Syria giáp ranh tại khu vực Golan. Sau chiến tranh 1967, lằn ranh ngưng bắn giữa hai nước được gọi là “Lằn ranh Tím”.

Bản đồ của CIA về cao điểm Golan cho thấy các khu định cư của Israel và các làng của Syria hồi 1989. Hình từ trang này

Chiến tranh 1973, quân Syria tràn qua, sau đó Israel phản công và tràn lại, cuối cùng hai bên thỏa thuận ngưng bắn vẫn ở lằn ranh cũ là Lằn ranh Tím. Lằn ranh này có lực lượng Liên Hiệp Quốc (UNDOF, United Nations Disengagement Observer Force) trú phòng và quan sát, theo nghị quyết 350 để thực thi nghị quyết 338 của tổ chức. Lực lượng này vẫn còn đến ngày nay.

Khu vực lằn ranh tím (Purple Line), nơi có lực lượng UNDOF đóng quân. Hình từ trang này

Khi Syria biến loạn thì khu vực biên giới ra khỏi kiểm soát của chính quyền Trung ương (Assad) và rơi vào tay phiến loạn địa phương và sau này vào tay lực lượng Al Nusra tức là chi nhánh của Al Qaeda tại Syria. Al Qaeda là tổ chức khủng bố ai cũng biết, có nhiều chi nhánh tại nhiều nơi trên thế giới, riêng tại Syria đang hỗn loạn thì Al Nusra có nhiều quân và kiểm soát, quản lý một lãnh thổ lớn, là lực lượng mạnh trong số 300 đến 1.000 lực lượng phiến quân tại quốc gia này (Chi tiết về các đội ngũ phiến quân ở đây, do Institute for the Study of War nghiên cứu. ISW là 1 tổ chức thuộc thành phần tân tự do chủ nghĩa- neo liberal- cực hữu tại Hoa Kỳ)

Cờ của Al Nusra. Cũng như cờ Saudi, ISIL và nhiều tổ chưc Hồi giáo khác, câu trên là câu kinh nhập đạo (shahada) của đạo Hồi “Chỉ có một đấng tối cao là Thượng đế và Mohammad là Thiên sứ của Người”. Câu dưới là tên tổ chức “Jabhat Al Nusra” (Mặt trận Chiến thắng)

Khu vực biên giới với Israel là do người Druze cư ngụ ở hai bên chiếm lĩnh. Người Druze không phải là một sắc tộc (họ là người Ả Rập) mà là một giáo phái ly khai đạo Hồi vào thế kỷ thứ 11, tức là gốc Hồi giáo độc thần dòng Abraham (như Do Thái, Ki Tô và Hồi giáo) nhưng pha sắc triết lý Hy Lạp và Ấn Độ, đại khái kiểu Cao Đài, và “thờ” cả Socrate, Aristotle. Họ sống trên 4 nước trong khu vực, Syria (800.000?) Lebanon (250.000) Israel (150.000) Jordan (30.000). Giáo phái này do một vương Ai Cập thành lập, đang ở trên ngôi một hôm ông cỡi lừa bỏ ngôi đi mất để truyền đạo. Đạo có lúc lan rộng trong khu vực nhưng vì bị đàn áp nên giờ chỉ còn nhóm Druze. Đây là một giáo phái kín, rất đoàn kết chặt chẽ như mọi giáo phái bị đàn áp và khác người.

Người Druze Israel và người Druze vùng cao điểm Golan dự một cuộc họp với các lãnh đạo của người Druze Lebanon là Walid Jumblatt và Talal Arsalan tại Damascus hôm 17. 9. 2010. Ảnh Khaled al-Hariri

Tại Syria, đây là một thiểu số tôn giáo được chế độ Assad (cũng là một thiểu số tôn giáo, thiểu số Alawite) bảo vệ và ưu đãi. Tại Israel, đây là một thiểu số được nhà nước tin cậy và được gia nhập quân lực (là điều mà các công dân Israel gốc Ả Rập thuộc các tôn giáo khác không được phép). Người Druze có rất nhiều trong binh chủng ưu tú Nhảy dù và Lữ đoàn lừng lẫy Golani của quân lực Israel (IDF). Một đại biểu quốc hội Druze từng làm Chủ tịch nước lâm thời của Israel trong một ngày khi chủ tịch Katzav bị kết tội hiếp dâm (vâng) và chủ tịch lâm thời Itzik đang ở nước ngoài. Tuy chỉ có trong 24 tiếng nhưng đây là chủ tịch nước duy nhất của Israel không theo Do thái giáo.

Người Druze Israel. Hình từ trang này

Quân Al Nusra “ôn hòa” yêu màu tím của lằn ranh

Được cả hai bên thù nghịch với nhau là Syria và Israel tin cậy và sống vắt vẻo ở hai bên biên giới thì người Druze trước hết vẫn là người Druze. Về đoàn kết của người Druze, năm 1982 khi Israel xâm lăng Lebanon, dinh của Jumblatt là lãnh tụ Lebanon (chống Israel) đầy chiến xa và Nhảy dù Israel ập đến. Họ không đến bắt ông này mà là quân nhân Druze của IDF đến chào lãnh tụ tôn giáo của họ!

Khi Syria có loạn thì thành phần chống đối chính quyền Assad, đây là Al Nusra, chiếm được chốt biên giới. Thay vì bị Israel dè chừng thì ngược lại, Al Nusra được các bạn bên kia lằn ranh đối xử hết sức là tử tế.

Bức ảnh này của Press TV cho thấy lính Israel đang đứng vẻ thân thiện cùng chiến binh của Al-Nusra ở Golan.

Sự việc này được phát hiện bởi vì tại chốt cửa khẩu Al Kuneitra (Syria-Israel) có quan sát viên của Liên hiệp quốc đồn trú (UNDOF). Việc của họ là… quan sát, và thí dụ ngày 10. 6. 2014 tại cứ điểm 85, họ quan sát thấy “Thành viên vũ trang của đối lập chuyển 89 người bị thương từ phía Bravo qua lằn ranh ngưng bắn (1974) cho IDF (quân lực Israel) và IDF từ phía Alpha trao trả 19 người bị thương và 2 người chết cho thành viên vũ trang của đối lập”.

Ngoài việc nhận bệnh nhân, IDF trao quà (có phải là vũ khí hay không thì UNDOF nghi ngờ nhưng không xác nhận được) và tiến qua lằn ranh 300m để lập một trại cho khoảng 60-70 hộ chẳng hạn và bầu không khí rất là hữu nghị, kiểu nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau có một lằn thôi trời chiều và xe tải thương tấp nập qua lại.

Trung tá Peter Lerner, phát ngôn nhân IDF đã xác nhận là chữa trị cho trên 1.000 người Syria sang trong 14 tháng (trước tháng 3. 2015). “Chúng tôi không kiểm tra, rà soát là họ từ đâu đến, là họ chiến đấu cho phe nào và là họ có phải là thường dân hay không”.

Bộ Y tế Israel xác nhận đã chữa trị cho “khoảng 1.000”.

Thủ tướng Netanyahu của Israel thăm thương binh phiến loạn Ai Nusra đang điều trị tại Israel

Một chuyên gia của Israel tại Mỹ (WINEP, thuộc AIPAC tức là cỗ máy vận động của người Do Thái tại Mỹ) trước đó nhận là 900 người chiến đấu được chữa trị. Ông này còn vui hơn mình, ông giải thích là đúng ra Israel cũng điều trị cho cả thường dân nữa nhưng vì tình hình chiến sự đã đuổi thường dân đi hết nên chỉ còn rất ít thường dân ở khu vực biên giới để mà Israel chữa trị.

Vui hơn một mức là Thiếu tướng Michael Herzog, cựu chánh văn phòng của bộ quốc phòng. Ông cho biết “Al Nusra là một phiên bản độc đáo của Al Qaeda, cộng tác được cả với thành phần không Hồi giáo và không thánh chiến trong cùng một liên minh”. Nói cách khác, theo ông này thì Al Nusra là một thứ “Al Qaeda ôn hòa”, sở thích là ưa du lịch (biên giới) và yêu màu tím (lằn ranh).

Israel ve vuốt khủng bố. Hí họa từ trang này

Bông phèng là bộ trưởng quốc phòng Yaalon. Ông giải thích sở dĩ Israel điều trị chiến binh Al Nusra là để họ đừng khó dễ người Druze Syria phía bên kia biên giới. Thế nhưng ngay trước đó một nhóm người Druze Israel bất mãn với Al Nusra mới tấn công một xe tải thương của IDF đang chở thương binh Al Nusra và giết một thương binh để trả thù việc Al Nusra hạ sát 20 thường dân Druze phía Syria. Được hỏi về việc này, bộ trưởng Yaalon đã phê bình đám Druze này là “vô trách nhiệm”. Đã vô trách nhiệm rồi thì biết nói gì đây.

Ngoài tước phong “Binh chủng Quân y của Al Nusra”, Israel còn là binh chủng Phòng không của phong trào này. Khu vực hành lang biên giới được Israel tuyên bố là “No Fly”, cấm máy bay qua lại để bảo vệ cho Al Nusra đồn trú hay chuyển quân mà không sợ phi pháo của chính quyền Assad.

Các thành viên của cộng đồng người Druze mang cờ (biểu tình) chạy tới hàng rào ngăn giữa Syria và cao điểm Golan do Israel đóng, gần làng Majdal Shams của người Druze. Ảnh chụp hồi tháng Sáu, 2015 của Baz Ratner

Về lực lượng “còn 4, 5 người” mà Mỹ tạo dựng tại Syria

Khi mình viết ở bài trước “5 người” thì không phải là “dăm ba người”, mà chính xác “là 4 hay 5 người”, theo lời khai của trung tướng Lloyd Austin III, tư lịnh Chỉ huy Trung phần (khu vực Trung Đông) của Hoa Kỳ trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc Hội Mỹ.

Tướng Lloyd Austin III từng là tướng cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ rời Iraq, được Tổng thống Mỹ Barack Obama đứng đón ở cửa máy bay khi ông vể tới căn cứ Andrews, Md., hồi 20. 12. 2011. Hình từ trang này

Lực lượng này là “Sư 30”, sau khi thụ huấn tại Turkey trở về Syria là 54 người.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng ấp úng là xui sao lại vào ngay dịp Tết (Hồi giáo Eid al Fitr) nên một số về quê ăn Tết và vì tình hình chiến sự nên không trở về được đơn vị. Trở về đơn vị thì ai trông nồi bánh chưng cho vợ đây?

Số còn lại đụng độ với Al Nusra và mặc dù có không quân Mỹ yểm trợ, đã thiệt hại nặng nề và một số quy hàng.

Một số khác, gặp nút chặn, bèn mở đường máu bằng cách trao quân trang quân dụng cho địch để bảo toàn đơn vị, tức là trao súng chuộc lấy người. Để gỡ danh dự, Bộ Quốc phòng cho biết, tuy nhóm này thuộc “Sư 30” nói trên nhưng chỉ huy nhóm lại là một người không phải do Hoa Kỳ huấn luyện, chưa từng được sang Hoa Kỳ thụ huấn nên mới nên nỗi chứ!

Tướng Lloyd Austin trên chiến trường Trung Đông. Hình từ trang này

Tóm lại, trung thành với Mỹ và còn cầm súng tại Syria chỉ còn “4 hay 5” nhưng chưa liên lạc được vì không biết họ ở đâu. Ở Syria mà, khó liên lạc lắm. Nhưng, theo Thứ trưởng trên, còn đến những 120 người đang thụ huấn tại Turkey, tứ là “Sư 31” và “Sư 32”? Kế hoạch của Mỹ là mỗi năm huấn luyện và trang bị cho 5.400 người, mỗi năm như vậy là thành lập được… 100 “sư đoàn”. Đừng có cười, xem phim “300” ai cũng biết, chỉ cần 300 người thành Sparta có bụng 6 múi là chận được 100.000 quân Ba Tư.

Còn câu “sau khi bỏ tiền tỉ để gây dựng phong trào này” của mình trong bài trước là đại ngôn (xin đập đầu vào bàn phím một lần nữa). Quỹ 2015 cho chương trình này là 500 triệu USD thôi, đã tiêu mất 384. Nhưng biết đâu tướng Austin cũng đại ngôn như mình, và thực tế, số người Mỹ đào tạo đang chiến đấu tại Syria không được 4 hay 5 mạng như ông khoe khoang mà chỉ có 1 hay 2?

Từ “khoe khoang” ở đây không hẳn là có nghĩa mỉa mai, chí ít là đối với đài NBC News khi chạy tít về việc này (cho những người đọc lướt) là:

“Một số nhỏ phiến quân Syria được đào tạo bởi Hoa Kỳ vẫn còn đang chiến đấu”, nghe anh dũng gì đâu!

 

*

Về khu vực Trung Đông:

- Chuyện Syria: chỉ vì ở cạnh “cậu ấm”

- Chuyện Syria: anh Hai, anh Ba, anh Tư, và anh rể

- Chuyện Syria: Lắm mối tối nằm không

- Huyền thoại Do Thái trở về nhà: Đố ai dám cãi nào

- Ai mới là người Do Thái chính hiệu?

- Huyền thoại thứ nhì: 2000 năm nếu quay lại, đất nào cũng phải là đất hoang

- Tiền đề thứ ba: huyền thoại (khổng lồ) tự vệ trước hiểm họa (của tí hon)

- Ái phi Israel: nặc nô thừa thông minh nhưng thiếu công bằng

- Kỷ lục Ai Cập: Mùa xuân sang có 720 án tử hình

- ISIS giặc cờ đen (phần 1): Trên cái nền rối tinh của Hồi giáo

- ISIS giặc cờ đen (phần 2): Bởi thế giới cần có hung thần

- Người Kurd: dân tộc chỉ có núi là bạn

- Bưu thiếp Trung Đông: Ra ngõ gặp Clooney

- Bưu thiếp Trung Đông: Cô gái Chiclets

- Bưu thiếp Trung Đông: Vô địch thế giới

- Bưu thiếp Trung Đông: Hàng cơm tùy hỉ

- Bưu thiếp Trung Đông: Có sao nói vậy

- Bưu thiếp Trung Đông: Vô mao bất nghì

- Bưu thiếp Trung Đông: Bữa Pork Adobo – cơm thịt heo kho

- Bưu thiếp Trung Đông: Người ở Lebanon

- Bưu thiếp Trung Đông: Giấc trưa đất thánh

- Người tỵ nạn Syria: gánh nặng đè ngay trong xóm

- Vô lý! Tại sao Hoa Kỳ lại để cho ISIS bán dầu cho Israel qua trung gian Turkey?

- Israel giúp Al Nusra thành công,
Hoa Kỳ chống ISIL thất bại

- Tamara Chalabi, tá điền không dùng trà

- (I)Rắc Bình Vương Ahmed Chalabi, người lừa cả Mỹ

- Ginane thăm Baghdad

- Mặc burqini + đọc Syria Speaks + một quả dưa chuột = đi gặp công an

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 1): từ gợi tình xem thành đe dọa

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 2): khi không ưa nữa thì thành hà khắc và bạo chúa

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 3): cười cũng chết mà ngu ngơ cũng chết

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- Chuyện ăn mặc của phụ nữ Hồi giáo: đừng căn cứ vào trùm khăn và che mặt…

- Đời không đơn giản, thế mới phải đi tỵ nạn

- Chuyện ông Bernadotte chết ở Jerusalem

- Từ chuyện Yemen nghĩ đến phận nước bé

- Bác tài Bashar và cuốc xe Ghouta

- Vụ nhà báo bị phanh thây:
Chuyện trong nhà chơi dao với nhau

- Cao nguyên Golan (phần 1): Golan ở đâu? Golan của ai?

- Cao nguyên Golan (phần 2): Ba món quà ngon của Mỹ

- Có Do hay không có Do? Trả lời bạn hung898

- Cấm thịt heo trong đạo Do Thái

- Israel với Hamas: tiếc đã muộn rồi

Ý kiến - Thảo luận

18:10 Thursday,14.6.2018 Đăng bởi:  Minh
Mấy anh Trung Đông lắm dầu quá cũng khổ, thế kỷ nay chưa lúc nào yên,  ngay như ông Iraq bé tí mà giá trị tài nguyên top ten thế giới
...xem tiếp
18:10 Thursday,14.6.2018 Đăng bởi:  Minh
Mấy anh Trung Đông lắm dầu quá cũng khổ, thế kỷ nay chưa lúc nào yên,  ngay như ông Iraq bé tí mà giá trị tài nguyên top ten thế giới 
11:03 Tuesday,15.12.2015 Đăng bởi:  Ích xì rai ngan
Đoạn đầu phản hồi vừa rồi của bác Ánh trùng với còm ngay trước của Văn Ngan này: mùa xuân của nhân loại (CNCS) phải dừng bước trước véc tơ hướng dầu khí của LX (đặc biệt từ 1970 trở đi).
Nhưng vẫn thấy phảng phất trong bác AS nguyện vọng thế giới nhiều hơn một cực? Có nhất thiết như thế? Nếu ở LX kinh tế tập thể độc quyền, độc tôn mà vẫn cơm no
...xem tiếp
11:03 Tuesday,15.12.2015 Đăng bởi:  Ích xì rai ngan
Đoạn đầu phản hồi vừa rồi của bác Ánh trùng với còm ngay trước của Văn Ngan này: mùa xuân của nhân loại (CNCS) phải dừng bước trước véc tơ hướng dầu khí của LX (đặc biệt từ 1970 trở đi).
Nhưng vẫn thấy phảng phất trong bác AS nguyện vọng thế giới nhiều hơn một cực? Có nhất thiết như thế? Nếu ở LX kinh tế tập thể độc quyền, độc tôn mà vẫn cơm no áo ấm (nhờ giá dầu cao) thì chắc sẽ không có cú tan đàn sẻ nghé vì hết cơm hết rượu. Sẽ chấp nhận bị đàn áp tư tưởng, nhồi sọ, độc tài tay sắt... khiến một LX già khú đế, hom hem sẽ vẫn cùng ta. Lại còn nỗi sợ mùa xuân Praha.
"khác là bất ổn tràn lan từ khi không có cái thế dựa của LX nữa và Tây phương trở lại với chiêu bài tự do dân chủ" - vẫn không thoải mái lắm với ý "thế dựa LX", cũng vì ý PKK tiếp quản Baghdat cũng mẽo của bác. Và vẫn (trộm?) thích Tunisie "phẩm giá trước bánh mì sau", Dù rằng nếu đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng (như Syria, và cả Hồ Thiên Nga?) thì bánh mì có tí bơ là xịn lắm rồi.
Tuy bẻ hành bẻ tỏi thế, nhưng vẫn thích văn phong tháu cáy kiểu Văn đình Pu trong bài của bác, hơn là những lời còm theo phong cách Obamacare của bác (SA). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả