|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhTranh giấy Dó của Nguyễn Xuân Tiệp (bài 2): “Tên của khí giời” 24. 12. 15 - 6:23 amVũ Lâm(Tiếp theo bài trước) Dó của Nguyễn Xuân Tiệp Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp vẽ có phần nào tương tự với cách vẽ của họa sĩ Lý Trực Sơn (là các họa sĩ được đào tạo từ nghệ thuật vẽ sơn dầu, hình họa cổ điển. Cách vẽ mầu luôn kín giấy vẽ chứ ít khi để khoảng hở. Cần nói thêm, tranh giấy Dó, sơn mài, sơn khắc để lại khoảng trống của vóc, của bề mặt Dó thì không sao. Còn với tranh sơn dầu, để lại khoảng trống của toan, nhất là loại toan quá trắng, thớ mịn, thì trông không ổn). Nhưng vẽ tranh giấy thì người Việt ta có sẵn từ trong máu mà ra, nên việc dùng các lớp mầu nước thấm từ từ là một kỹ năng căn bản. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp chỉ dùng mầu nước Lê-nin-gờ-rát, một chất liệu mầu nổi tiếng được nhiều họa sĩ khắp thế giới ưa thích, với sắc độ nếu muốn có thể làm đậm gần bằng sơn dầu. Năm 1991, họa sĩ bày triển lãm cá nhân đầu tiên của mình. Hãy xem nhà bình luận nghệ thuật nổi tiếng đã quá cố Thái Bá Vân đã thưởng luận như thế nào: “Không phải đề tài, không phải chất liệu, cũng không phải cái gọi là bút pháp làm nên một bức tranh. Nó phải là một ý tưởng hội họa. Nghiêm trang hay phiêu phất cũng là. Nghệ thuật không thể không đặt cược trên một ý tưởng người. Có nghệ thuật, người đẹp lên nhiều lắm. Nó chối bỏ được bao nhiêu hoảng sợ, thù hằn vô ích. Tôi thích mấy phong cảnh giấy Dó của Nguyễn Xuân Tiệp. Ở đó, cây không là hình thù của cây, đất không còn là màu nâu của đất. Một lớp thở sương mù, gió nội đâu trong lòng anh đã che ngang…” “Tên của khí giời” Dẫn lời bình của cụ Thái Bá Vân, để minh chứng với người đọc rằng, tôi chẳng thể thêm gì mới vào việc bình tranh của Nguyễn Xuân Tiệp thời kỳ đó. Có chăng chỉ là thêm ít thông tin và nhận định bút pháp. Mà tôi gạch đầu dòng cho tiện: – Họa sĩ dùng bút kỹ lưỡng để thấm đi thấm lại các lớp mầu trên tờ giấy mỏng, vẽ ướt giấy đến mức lông bút xô mặt giấy thành những lớp gợn sóng nhỏ li ti, no mực mầu, phải khéo léo tinh vi, chứ còn nếu quá nữa sẽ hỏng giấy, rách, “quá độ là thành ra… quá đáng” (chữ dùng của họa sĩ Thành Chương). Phải đợi se khô mới thấm tiếp, nhưng cũng phải “một hơi là xong” chứ không thể dầm dề ngày tháng được (giấy Dó không thể rửa được như lụa). Kiểu vẽ này khi ban đầu tập dượt e rằng hỏng không ít giấy. Tôi chưa từng được xem họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp vẽ, nhưng đã từng thấy họa sĩ Lý Trực Sơn quét hàng đống giấy ông vẽ hỏng vò vứt đi. Trên bề mặt tranh giấy Lý Trực Sơn thi thoảng cũng thấy những đợt sóng gợn giấy như vậy. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp cho biết mỗi bức tranh giấy ông vẽ chỉ trong một ngày, trung bình là 4-5 tiếng, bức lâu nhất là 18 tiếng. Bù lại cho sự kiên nhẫn này, là khi vẽ xong, giấy đẫm đượi đan thanh, mầu thắm, xem thực là đã mắt. – Dù vẽ cái gì, phong cảnh bên ngoài hay phong cảnh nội tâm, cây gì hay con gì, thực hay phi thực, thì thấy trạng thái của họa sĩ luôn duy trì một tâm hồn cô độc, hướng khởi nguyên, lặng nghe mầm sống, vừa chuyên chú vừa lơ đãng lắng tai nghe, lắng mũi ngửi, cảm điều gì đó như là “tên của khí giời”. Họa sĩ đặt tâm đến những gì tinh và lặng. Tinh thì cũng không đến mức thành quái và âm u, lặng thì cũng không đến mức thành suông tịch mịch. Mà như một câu chuyện dưới đêm trăng ở bất kỳ đâu, dù là trăng mờ phố núi hay trăng thanh nơi phố thị , ở nơi nào đó thì đều cũng dậy lên sự khao khát rì rầm mơ hồ không thể cất thành lời. Họa sĩ tự bạch: “Tôi có duyên khi tìm được thế giới riêng của mình trong nghệ thuật. Vậy, cứ thế mà đi!!!” – Họa sĩ kiêm thầy pháp Hoàng Bạch Diệp có một lần sửng cồ lên với tôi khi bàn về tranh của Nguyễn Xuân Tiệp. Dưới con mắt (chủ quan của riêng) ông, sĩ phu Bắc Hà nay chỉ còn lại có hai người; một người là Nguyễn Xuân Tiệp (người kia không dám nêu lên ở đây). Tôi hỏi: anh chứng minh điều đó đi. Thầy pháp kiêm họa sĩ nói: “Mày đếch biết gì cả. Tao từng chứng kiến tận mắt giữa những năm 90 ấy, tranh giấy ông Tiệp vừa vẽ xong chưa khô, người mua đến giả luôn vài nghìn (mấy nghìn đô đó tôi không nhớ rõ) mà ông ấy không thèm bán. Biết chưa?” Nghe chuyện này tôi cũng phải nghĩ lại. Hồi năm 95, tiền nghìn USD là những khoản lớn lắm, chuyển hóa thành ra được nhiều thứ. So ra với một số họa sĩ cùng thời và cả sau này, những người yếu đuối hơn “sĩ khí rụt rè gà phải cáo”, tranh pháo cực liều (nhiều) đấm ăn xôi… thì bản lĩnh của họa sĩ phố cổ Nguyễn Xuân Tiệp quả là ghê gớm thực! Hỏi họa sĩ chuyện này, thì được lý giải đơn giản là ông chỉ muốn giữ lại tranh để sau này có thể làm một bảo tàng cá nhân. Than ôi, những ý nguyện của một sự tự ý thức cá nhân cao như vậy, không biết rồi có thành không. Nhưng đó lại là một câu chuyện văn hóa đáng buồn khác cho thủ đô nước nhà, không chỉ cho thế hệ của ông mà ngược cho cả vài thế hệ họa sĩ trước nữa… – Vô tình thế nào tôi lại được xem loạt tranh giấy “Độc thoại” của Nguyễn Xuân Tiệp cạnh một số bức sơn dầu khác cũng của ông. Không có ý gì, nhưng tự nhiên tôi cảm thấy tranh giấy Dó đặt cạnh tranh sơn dầu, thì tự nhiên sơn dầu trơ khấc ra thế nào ấy. Chúng ta là người Việt, muốn làm cho giấy Dó của ta lộng lẫy, cũng như họ là Tây, họ muốn sơn dầu của họ mượt mà. Điều đó tự nhiên như là ai cũng yêu tiếng mẹ đẻ của mình vậy. Họa sĩ là người yêu dân tộc, tiếng Việt và giấy Dó, nén lại thành tình yêu của người Hà Nội đối với những gì là tinh hoa của một thủ đô xưa cũ cách đây chẳng mấy đâu xa… – Cùng thời điểm với bộ tranh năm 1995 được trưng bày lần đầu của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, tôi cũng về quê họp lớp nhân 20 năm tốt nghiệp trung học. Gặp lại các bạn gái cùng lớp thuở mười tám đôi mươi sau ngần ấy năm (trong đó tất nhiên có người mình đã thầm tơ tưởng) rồi xem bộ tranh Dó của họa sĩ, tôi thoáng có cái ý nghĩ so sánh tức cười, không mới lắm, là: Gặp lại một người đẹp sau hai mươi năm (mới bốn mươi thôi, cũng chưa đến nỗi nào) thì ngoài miệng ta vẫn khen rằng: em vẫn như ngày xưa; ta và người ấy đều cười vui thôi, tuy nhiên, cả ta và người ấy đều hiểu, đều thật là cám cảnh khó nói trước sự thật không thể chối cãi của cái tay thời gian. Còn tranh pháo là một chuyện ngược lại, càng có mặt tay thời gian, tranh pháo lại càng nhân lên giá trị nhé. Chợt nghĩ, dưng mà, nếu cứ cái quy trình 20 năm thế này, thì 20 năm nữa, nếu lúc đó tôi còn (và họa sĩ còn) thì liệu tôi có thể may mắn sẽ được xem tiếp tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp vẽ năm 2015 chăng? Còn hai mươi năm tiếp theo sau đó nữa, thì tôi chẳng dám mường tượng thêm chi, cho nó bạc đầu sớm! * “Tên của khí trời” là tiểu thuyết của nhà văn Mexico Alberto Ruy Sanchez, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Hội Nhà văn 2009) Ý kiến - Thảo luận
8:25
Friday,25.12.2015
Đăng bởi:
candid
8:25
Friday,25.12.2015
Đăng bởi:
candid
@Dương Trần: Cảm ơn bác đã cho biết thông tin. Em thì không biết tí gì về bác Đỗ Đức cả chi thi thoảng nhìn thấy tranh và đọc mấy tản văn bác ý viết trên báo. Thấy thích cách vẽ cũng như kể chuyện rất dung dị. Tranh giấy dó của bác ý mặc dù mới chỉ nhìn qua ảnh chụp nhưng em thấy chắc hẳn rất phải yêu miền núi mới vẽ được tưởng đơn giản mà rất công phu như thế.
7:20
Friday,25.12.2015
Đăng bởi:
Dương Trần
@candid: tôi cũng chưa được xem tranh của bác Đỗ Đức ở ngoài gallery bao giờ, nhưng mấy lần đi cùng bác lên miền núi, thấy ông ký họa nhanh mà có hồn kinh khủng. Nghe bảo trên gallery của ông còn có cả mấy cái sắp đặt hay ho phết mà chưa đi xem được.
...xem tiếp
7:20
Friday,25.12.2015
Đăng bởi:
Dương Trần
@candid: tôi cũng chưa được xem tranh của bác Đỗ Đức ở ngoài gallery bao giờ, nhưng mấy lần đi cùng bác lên miền núi, thấy ông ký họa nhanh mà có hồn kinh khủng. Nghe bảo trên gallery của ông còn có cả mấy cái sắp đặt hay ho phết mà chưa đi xem được.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp