Gẫm & Bình

“Người Nơ-Canh”: Hãy thả lỏng các giác quan và tư duy. Đừng đọc statement trước khi đến. 30. 12. 15 - 2:02 pm

Tù Mù - Ảnh do tác giả cung cấp

Vì quá bận với công việc, nên tới ngày hôm nay tôi mới viết xong bài về trình diễn Người Nơ-Canh của Chung Tử Dạ. Buổi trình diễn có rất nhiều chi tiết hay mà tôi không thể kể hết, rất nhiều chi tiết tôi đã quên, chỉ còn lại những hình ảnh mà tôi ấn tượng nhất nên sự sắp xếp trình tự có thể không chuẩn xác. Việc thiếu hình ảnh nghiêm trọng cũng gây khó khăn khi tổng hợp tư liệu, gợi ký ức về trình diễn này. Nếu có gì sai sót, xin anh Chung Tử Dạ thông cảm và vui lòng giúp tôi đính chính lại thông tin.

.

Tôi tới trước thời điểm diễn ra buổi trình diễn của Chung Tử Dạ một tiếng. Phần vì đã từ lâu tôi chưa ghé có dịp ghé thăm không gian Then cà phê của anh Trần Tuấn bởi anh bận cho triển lãm cá nhân và triển lãm “Siêu Màng Lọc” của 5 nghệ sĩ trẻ Huế tại Indonesia vừa qua, phần vì tôi cũng muốn tới sớm để có thể gặp gỡ, giao lưu với người nghệ sĩ đến từ Sài Gòn mà tôi chưa từng quen.

Khi tôi đến nơi, đã có một số anh em bạn bè nghệ sĩ trẻ rải rác bên ngoài không gian Then café.

Đang loay hoay, tôi chợt thấy bên hiên nhà có một bàn thờ nhỏ, nhang khói nghi ngút. Một người đàn ông, đầu nhẵn bóng, với gương mặt hơi chút cổ quái nhưng khá duyên đang khấn vái. Tôi nhận ra ngay đó là Chung Tử Dạ bởi tôi đã có xem bài giới thiệu trên Soi trước khi tới đây. Hỏi ra mới được biết anh đang cúng ông tổ nghề. Có lẽ, với những người làm nghề sân khấu, việc thờ cúng tổ nghề là một điều thể hiện tấm lòng thành kính uống nước nhớ nguồn tới các bậc tiền nhân. Chắc cũng cùng một tấm lòng như vậy, chú nghệ sĩ hài Hoài Linh cũng đã không tiếc công sức, tiền để xây một nhà thờ tổ nghề làm một nơi anh em nghệ sĩ sân khấu có chốn tỏ lòng nhớ ơn.

Trình diễn của Tử Dạ bắt đầu mà không thấy bất kỳ một dấu hiệu nào báo trước. Không diễn văn. Không một lời thông báo hay nhắc nhở. Nếu có thì đó có lẽ là một dạng âm thanh không rõ nét phát ra bên trong không gian biểu diễn tựa như tiếng radio.

Tôi cứ ngỡ là đó là sự chuẩn bị trước giờ biểu diễn nên không có lấy một tinh thần chú ý nào vào bên trong. Lúc bấy giờ rất nhiều khán giả – phần đông là những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật – vẫn thản nhiên chuyện trò (chắc họ có cùng một suy nghĩ như tôi).

Phải vào khoảng gần 10 phút sau, tôi mới để ý thấy có một số người đang tập trung quan sát vào một ô cửa sổ nhỏ duy nhất mở ra bên cạnh những cánh cửa đóng kín khác. Tôi hỏi mới hay trình diễn của Chung Tử Dạ đã bắt đầu.

Toàn bộ cửa nẻo được đóng kín, duy chỉ có một cánh cửa sổ phía bên phải nhà được mở ra cho người xem có thể quan sát bên trong

Phía trước cửa sổ đó có một sắp đặt nhỏ, cũng là một phần của tác phẩm gồm có những bộ phận của con ma-nơ-canh được tháo rời và đặt trên đó là một chiếc áo ngủ phụ nữ và cuốn tiểu thuyết Trinh nữ ma nơ canh của nhà văn Lê Anh Hoài.

Phía trong, Chung Tử Dạ biểu diễn liên tục nhiều hành vi kết hợp với tiết tấu lên xuống của một giọng kể chuyện (âm thanh mà tôi nghe không rõ ràng lúc nãy) mà có lẽ là trích trong cuốn Trinh nữ ma nơ canh?!  Tôi không thể xác định các hành vi của anh cái nào là nghệ thuật trình diễn? cái nào biểu diễn nghệ thuật hay thậm chí là múa đương đại?

Chung Tử Dạ đang trình diễn bên trong không gian của Then café.

Sau một khoảng thời gian trình diễn các hành vi mang nhiều tính trừu tượng, Chung Tử Dạ bắt đầu cởi bỏ quần áo mang trên mình. Rất nhiều bộ quần áo mà anh mang trên mình được cởi ra, vất vung vãi xung quanh. Khi tới chiếc quần cuối cùng, tôi thấy anh biểu hiện dáng vẻ khó khăn. Tôi mong chờ anh sẽ cởi nó và tự hỏi cách đón nhận hành vi ấy sẽ như thế nào với khán giả. Nhưng anh đã không làm thế. Tôi hiểu Tử Dạ có cái ý riêng của anh nhưng thật lòng mà nói, đó cũng là điều tôi tiếc nuối nhất trong tác phẩm. Tôi nghĩ, giá như anh cởi bỏ hoàn toàn trang phục thì có lẽ tầng nghĩa của anh sẽ khiến tôi khó nhận ra và bắt tôi phải suy nghĩ nhiều hơn.

.

Tác phẩm của Chung Tử Dạ có ba chương và mỗi chương diễn ra khá dài (khoảng 20-30 phút theo ước đoán của tôi). Chương một kết thúc sau một hồi anh giằng co vật lộn với đống áo quần (thực tình tôi không thấy có một chỉ dẫn nào để có thể biết quy trình tác phẩm. Mọi giai đoạn của tác phẩm là từ suy đoán chủ quan của tôi sau khi biết số chương Tử Dạ đã chia vào lúc giao lưu với anh). Cũng vì không có một hướng dẫn nào báo trước nên lúc anh vụt chạy vào phía trong nhà, tôi cứ ngỡ buổi trình diễn đã kết thúc, nên tôi vỗ tay khá sớm.

Mọi hiểu lầm của tôi chỉ được nhận ra  sau khi ánh đèn trung tâm vụt sáng, giọng kể chuyện nam trầm được thay thế bằng những âm thanh mơ hồ như tiếng gió rít, cửa chính bật mở và Tử Dạ bắt đầu bằng việc đo cơ thể bằng một đốt ngón tay. Giọng kể truyện kia ngưng hẳn, chỉ còn âm thanh tựa như tiếng gió rít phát ra từ một chiếc laptop được điều chỉnh bới một bạn gái phía bên trong nhà. Và Chung Tử Dạ bắt đầu đọc những câu văn khá mơ hồ mà sau một thời gian, tôi mới nhận ra đó là từ cuốn tiểu thuyết Romeo & Juliet. Phải nói giọng của anh có một sự cuốn hút kỳ lạ. Âm thanh lúc nhanh lúc chậm và nhấn mạnh vào số đo cuối cùng. Kỹ năng này, theo tôi nghĩ, là điều mà anh học được từ thuở còn học trong trường sân khấu.

Bên ngoài không gian, đông đảo các bạn trẻ đang theo dõi biểu diễn. Trần Tuấn – chủ nhân của Then café (đầu húi cua, áo trắng, ngoài cùng bên trái) là người gần đây tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày cho nhiều anh em nghệ sĩ trẻ trong và ngoài nước.

Một lúc, anh tiến ra phía hiên nhà – nơi đặt con ma-nơ-canh bị tháo rời thành từng bộ phận riêng rẽ và mang chúng đặt vào nhà thành một hàng ngay ngắn như đang tôn thờ chúng. Đối với từng bộ phận, anh có những cách tương tác khác nhau, vừa hài hước vừa nhục cảm.

.

 

Rồi anh nhặt cuốn tiểu thuyết của Lê Anh Hoài lên và đọc với một dáng vẻ vừa khép nép, sợ hãi nhưng cũng rất phấn khích, thích thú.

Chương hai được kết thúc cũng bằng việc anh đo cơ thể bằng đốt tay như lúc trước.

Bấy giờ, mọi người được phép tiến vào bên trong để tiếp tục xem trình diễn của anh và đó cũng là lúc chương ba bắt đầu.

Lúc này, anh mặc vào người chiếc áo ngủ phụ nữ (khoác trên ma-nơ-canh lúc còn đặt chúng ngoài hiên, trên người ma-nơ-canh có nhiều vết son môi).

Lúc này, Chung Tử Dạ vừa đóng vai Romeo vừa đóng vai Juliet và đọc những lời thề non hẹn biển của đôi tình nhân bạc mệnh.

Một lúc sau Chung Tử Dạ đặt các bộ phận của con ma-nơ-canh lên từng bậc của chiếc thang giữa căn phòng làm tôi có cảm giác về một sự cúng tế nào đấy. Rồi anh leo lên bậc cao nhất vào treo mình lên đó.

Âm thanh vẫn được phát ra đều đều và nó đóng một vai trò quan trọng trong buổi trình diễn Người-Nơ-Canh.

Tùy vào tiết tấu âm thanh, các hành vi của Chung Tử Dạ phản ứng lại bằng các tiết điệu nhanh chậm. Cũng dựa vào đó, anh lắp ráp các bộ phận của con ma-nơ-canh lại thành một chỉnh thể thống nhất. Đây cũng là lúc trình diễn dần đi vào hồi kết.

Sự áp đặt thể loại trong tư duy khiến cảm xúc tôi bị chi phối khi đón nhận tác phẩm tối hôm ấy. Tôi nhận ra mình đã quá cứng nhắc. Việc thả lỏng tâm hồn và rời bỏ mọi định nghĩa là điều cần thiết trước khi đón nhận một tác phẩm mới. Giá như tôi không đọc bài giới thiệu trước khi đến, giá như mọi sự chuẩn bị, chỉ dẫn của nhà tổ chức được tiến hành tốt hơn để người xem khỏi ngỡ ngàng khi tiếp cận từng chương đoạn tác phẩm thì có lẽ, với riêng tôi, đó sẽ là một buổi tối hoàn hảo cho nhiều cảm xúc tươi mới.

Ý kiến - Thảo luận

8:42 Friday,1.1.2016 Đăng bởi:  Tù Mù
hihi. cảm ơn anh Tử Dạ đã đính chính thông tin giúp em. Vì trình diễn của anh khá lớn nên nhiều chi tiết em không có nhớ kỹ. Em chỉ có ghi lại một số ký ức mà em ấn tượng nhất. Có những chi tiết khá hay trong quá trình theo dõi trình diễn của anh nhưng không thể diễn giải được. Những điều ấy, em chỉ xin phép giữ riêng của mình vì mỗi người mỗi cảm nhận khác n
...xem tiếp
8:42 Friday,1.1.2016 Đăng bởi:  Tù Mù
hihi. cảm ơn anh Tử Dạ đã đính chính thông tin giúp em. Vì trình diễn của anh khá lớn nên nhiều chi tiết em không có nhớ kỹ. Em chỉ có ghi lại một số ký ức mà em ấn tượng nhất. Có những chi tiết khá hay trong quá trình theo dõi trình diễn của anh nhưng không thể diễn giải được. Những điều ấy, em chỉ xin phép giữ riêng của mình vì mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau, mà nói ra thì lại chẳng biết bắt đầu từ đâu :D 
22:11 Thursday,31.12.2015 Đăng bởi:  Chung Tử Dạ
Cảm ơn Soi và bạn Duy rất nhiều! Chắc do lâu quá nên bạn Duy có chút nhầm lẫn ở chỗ đọc sách, vì phần đấy nằm ở gần cuối, cũng là dấu hiệu để kết thúc tác phẩm. Có thể hiểu nôm na rằng lúc ấy là lúc thức tỉnh, giữa nhân vật và ma nơ canh không còn tồn tại trong cùng một thế giới, và phần kết Tử Dạ mặc lại quần áo trong dáng vẻ trịnh trọng của con
...xem tiếp
22:11 Thursday,31.12.2015 Đăng bởi:  Chung Tử Dạ
Cảm ơn Soi và bạn Duy rất nhiều! Chắc do lâu quá nên bạn Duy có chút nhầm lẫn ở chỗ đọc sách, vì phần đấy nằm ở gần cuối, cũng là dấu hiệu để kết thúc tác phẩm. Có thể hiểu nôm na rằng lúc ấy là lúc thức tỉnh, giữa nhân vật và ma nơ canh không còn tồn tại trong cùng một thế giới, và phần kết Tử Dạ mặc lại quần áo trong dáng vẻ trịnh trọng của con-người, cúi chào khán giả.
Bạn Duy tận dụng triệt để hình ở Huế nhỉ :) mấy tấm này Tử Dạ đăng lên làm tư liệu chứ chưa nói chính xác được tinh thần tác phẩm, anh Việt có chụp rất nhiều nhưng chắc anh ấy quên mất rồi, TD lại ngại đòi.
Ở Sài Gòn là đêm diễn đầu tiên với bố cục khác khá nhiều, đêm ấy TD không ưng ý mấy. Còn đêm ở Hà Nội có thể nói là tốt nhất, vì Hà Nội đang là mùa đông, Tử Dạ không hề hấn gì khi mặc 1 lúc 10 bộ quần áo, đủ tỉnh táo để diễn. Còn buổi ở Huế mình cũng cực kì ưng nhưng nói thiệt là sau nửa tiếng đồng hồ nóng quá nóng với đoạn đầu, tinh thần cũng bị tuột đôi chút, nhiều đoạn nói hết ra hơi :P Hihi 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả