Thị trường

Vì sao đại gia Việt ít mua tranh mà người thường cũng ít mua luôn? 06. 01. 16 - 2:36 pm

Cốt Thép

Hôm nọ tôi đọc thấy trong phần bình luận của bàiĐể đại gia Việt mua tranh Việt” có anh Candid nói:

“…
– Tranh cần không gian để treo. Không phải đại gia thì khó có chỗ để treo tử tế. Treo 1,2 cái muốn treo thêm cũng khó.
– Tranh cần bảo quản tốt, ở Việt Nam nếu không bảo quản rất dễ hỏng. Ngừoi ít tiền bỏ tiền ra mua sẽ ngại.”

Tôi thấy anh Candid nói rất chí lí. Tôi cũng nhớ lại ngày trước Kit & Kat đã từng bàn về đề tài vẽ gì khi người mua hết tiền, đọc rất vui. Nay tôi xin phân tích thêm luận điểm 1 của Candid: thiếu không gian để treo tranh.

Tại một triển lãm chuyên về tranh bé. Hình từ trang này

Thực trạng

“Một bộ phận không nhỏ”, nếu không nói rằng đa số, người Việt mình hiện nay là sống trong nhà ống. Ngay cả giới trung lưu cũng ở nhà ống nhiều. Kích thước lý tưởng của ống là 4×25 hay 5x20m. Tuy nhiên “tỉ lệ vàng” này giờ cũng ít gặp lắm, rút xuống còn 4×15 hay 4×10 là phổ biến. Trong cái diện tích như thế là đủ cả phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng của mẹ, phòng của bố, phòng của con… chồng chất lên nhau. Mỗi không gian đó được chia phần lút nha lút nhút, vừa đủ diện tích để làm chức năng được giao. May ra phòng khách là không gian rộng nhất trong cả nhà, nhưng buổi tối thường đã phải kiêm phòng để xe máy. Tường của phòng khách thường phải kiêm thêm chức năng treo lịch, theo truyền thống của người Việt Nam trung bình.

Nhiều người chỉ thích treo ảnh bản thân trong nhà. Hình từ trang này

Còn phòng ngủ của vợ, của chồng thì sao? Thường là đã treo ảnh cưới (cưới càng lâu càng thích treo, để nhắc nhở, để răn đe?). Phòng của con thì treo những thần tượng của nó, một trai Hàn hay gái Hàn mà tất nhiên là bố mẹ không thể phát âm đúng tên. Cả nhà thường không có phòng sinh hoạt chung, ăn cơm xong ai rúc về phòng nấy. Sinh hoạt chung thì sinh hoạt cái gì? Xem truyền hình với nhau à?

Tóm lại là nhìn quanh, tường nhà người Việt gần như không còn chỗ nào để treo tranh cho ra treo, tức là có khoảng trống trên-dưới, phải-trái của tranh, và có độ lùi để ngắm.

Ngoài ra, tranh treo trong nhà còn vướng phải khoản phong thủy. Nhiều nhà khắc màu này, hợp màu nọ. Chồng hợp vàng, vợ hợp xanh, con lại khắc hồng, thế là chọn tranh cũng khó. Bức tranh vào được nhà người Việt đã khó về mặt tài chính (bị coi là xa xỉ), mà khó luôn cả về chỗ trú ngụ.

Có người thích treo tranh phong thủy kiểu như bức “Cửu ngư đồ” này, cho hên. Hình từ trang này

Và giải pháp

Nhưng không phải vì thế mà họa sĩ loại người Việt ra khỏi danh sách khách hàng tiềm năng. Người Việt Nam vẫn thích tranh, như bản chất một dân tộc thích thơ và văn chương ngọt ngào.

Nhưng vì cá tính nho nhỏ, diện tích ở xinh xinh, có lẽ tranh be bé cỡ quyển sổ tay, hay quyển vở là thích hợp nhất với người Việt. Mua những tranh như thế vừa không cao tiền, làm thêm miếng bo màu thích hợp vào, tường bé thì làm bo bé, tường rộng thì làm bo to, rồi không cần kính, cứ thế treo lên, dưới có chậu cây con, thế là xinh.

Người Việt chỉ thích cái gì xinh xinh, nên dễ mua để dành nếu thấy tốt, để làm quà tặng. Tặng thủ trưởng, tặng bạn gái, tặng mẹ bạn trai, tặng tân gia, tặng đối tác (“Đây phong cảnh nước tôi!”). Thị trường ấy đến giờ đa số vẫn chỉ toàn tranh mỹ nghệ, hàng loạt. Các họa sĩ “nhớn” nước mình mải vẽ tranh to, đến mức chính nhà anh ấy chị ấy còn không có chỗ mà treo!

Một thí dụ về tranh bé. Ảnh tại triển lãm “Small Paintings” của ba họa sĩ vốn hay vẽ tranh to.

Tôi tin rằng nếu không sợ bị chê là “nhỏ bé”, thì với niềm yêu thích vẽ, cộng với tài năng thiên bẩm, cộng với đầu óc kinh doanh, họa sĩ Việt chắc chắn sẽ lấy được tiền của người mua Việt. Nhưng mà lấy cũng phải vừa vừa thôi, đừng có một bức bé bằng quyển sổ con con mà hét những nghìn đô. Nghìn đô, để tháng tới con bé đi Thái Lan bảo nó vào hiệu sách mua mớ poster về treo cho đẹp!

*

(A, nhưng mà nãy giờ nói chuyện người thường ít mua tranh, còn vì sao đại gia cũng ít mua tranh luôn? Dạ, vì đại gia ta mới cách đây mấy năm cũng là người thường thôi ạ. Phải đợi.)

Ý kiến - Thảo luận

13:15 Monday,11.1.2016 Đăng bởi:  Le
Lê chỉ thấy buồn cười cách nghĩ đại gia không mua tranh Việt là vì "mới cách đây mấy năm họ còn là người thường", mà người thường thì "phông văn hóa" thấp (dùng chữ này vì đang là mốt hiện giờ).

Dĩ nhiên nước ngoài (các nước tạm gọi là giàu, hoặc ít ra đang giàu như Trung Quốc), có giai cấp quý tộc lâu đời, có truyền thống và văn hóa nghệ thuật đặc sắc
...xem tiếp
13:15 Monday,11.1.2016 Đăng bởi:  Le
Lê chỉ thấy buồn cười cách nghĩ đại gia không mua tranh Việt là vì "mới cách đây mấy năm họ còn là người thường", mà người thường thì "phông văn hóa" thấp (dùng chữ này vì đang là mốt hiện giờ).

Dĩ nhiên nước ngoài (các nước tạm gọi là giàu, hoặc ít ra đang giàu như Trung Quốc), có giai cấp quý tộc lâu đời, có truyền thống và văn hóa nghệ thuật đặc sắc (mình cũng có 4 nghìn năm nhưng mà...) có thị trường nghệ thuật phát triển, thì họ khác.

Nhưng khác cũng không đến nỗi nhân dân hay đại gia nước họ đổ xô mua bất kỳ tranh nào, của bất kỳ họa sỹ nào... Mà cũng không phải nhân dân Đức phải chuộng tranh ông họa sỹ đương đại Đức hay nhân dân Hoa kỳ chuông tranh ông họa sỹ Mỹ hơn các họa sỹ nước khác

Vậy việc trước hết việc của người nghệ sỹ là cống hiến cho nghệ thuật thì cứ vẽ hết mình và vẽ cho đẹp đi ạ. Người nước mình không đủ thẩm mỹ để thưởng thức, thì người nước ngoài. Nghệ thuật là một trong số rất ít những thứ không biên giới thậm chí còn không có cả thời gian hihi...

Viết đến đây lại ngẫm về 30 năm trước dòng phim chưởng tàu, phim hành động Mỹ mới vào Việt Nam. Các nhà làm phim, diễn viên và phê bình điện ảnh đạo mạo nước nhà bảo dòng phim rẻ tiền, ít tính nghệ thuật, không đáng để xem. Thậm chí có vị mạnh mồm bảo làm được phim hay gấp 10 như thế, nhưng không làm vì không muốn phục vụ thị hiếu rẻ tiền đám đông.

Khổ nỗi, 30 năm sau vẫn không có cái phim nào sánh được thứ rẻ tiền của người ta. Còn mấy cái phim ngân sách bơm cho cả trăm tỷ thì xếp kho vì cao cấp quá, cả đại gia lẫn tiểu gia vẫn chưa đủ tầm để xem.

Một cách bi quan, cần phải có chương trình đào tạo cách thưởng tranh, xem phim mới có thể bán được những sản phẩm như thế này. Quả bóng lại đổ sang cho giáo dục, cho nhà nước, cho ai đó... nhưng dứt khoát không phải cho họa sỹ hihi 
16:57 Thursday,7.1.2016 Đăng bởi:  cứ từ từ

Mình lăn tăn không hiểu tại sao chúng ta hay nhắc đến các " ĐẠI GIA", ở Việt nam giàu cỡ nào thì được gọi là đại gia? Truy nguồn gốc của từ này thì đương nhiên nó là từ Hán Việt. Không chỉ Việt Nam bây giờ mới đua nhau dùng mà ở Trung quốc từ xưa vốn để chỉ những gia tộc lớn, những dòng dõi trâm anh thế phiệt, công thần nhiều đời, nói chung là có tông c
...xem tiếp

16:57 Thursday,7.1.2016 Đăng bởi:  cứ từ từ

Mình lăn tăn không hiểu tại sao chúng ta hay nhắc đến các " ĐẠI GIA", ở Việt nam giàu cỡ nào thì được gọi là đại gia? Truy nguồn gốc của từ này thì đương nhiên nó là từ Hán Việt. Không chỉ Việt Nam bây giờ mới đua nhau dùng mà ở Trung quốc từ xưa vốn để chỉ những gia tộc lớn, những dòng dõi trâm anh thế phiệt, công thần nhiều đời, nói chung là có tông có giống, không chỉ giàu về của cải mà quan trọng còn giàu về học vấn. Mà người xưa đề cao học vấn hơn của cải, nên thậm trí những con em nhà trâm anh mà gia cảnh có sa sút đến độ bần hàn thì cũng vẫn nhận được sự kính nể nhất định của người đời.
Xét sang Đại Gia xứ ta sau thời mở cửa, tức cũng chỉ ngót nghét 20 năm đổ lại thì xem ra khoản dòng dõi là zero rồi. Còn khoản học vấn thì ai cũng biết, xứ ta chưa phải nơi phù hợp để học vấn có thể tỷ lệ thuận với thu nhập, thế nên đa phần các đại gia xứ ta cũng chỉ học vấn trung bình thôi, nếu không nói nhiều bác mà mình biết đích danh hẳn hoi cũng chỉ học xong lớp 3, lớp 4. Thế nên, mổ xẻ mà nói thì đa phần ĐẠI GIA Việt Nam ngoài việc của cải dư dật ra thì cái gì cũng thiếu.
Nên thôi, mong các anh em nghệ sĩ cũng đừng bắc ghế lên mà ngóng trông các đại gia làm chi nữa. Ngay cả người trung lưu cũng đủ sức để mua tranh kia mà, chỉ cần các bạn chớ quá hoang tưởng về giá trị bản thân thôi.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả