Gẫm & Bình

Đi xem “Duyên hội ngộ”: Có lẽ chỉ cần một chữ “duyên” 11. 01. 16 - 1:31 pm

Nguyễn Huy

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT HỘI NGỘ

Giới thiệu 33 sáng tác hội họa, đồ họa và điêu khắc của nhóm tác giả: Nguyễn Quý Kiên, Bùi Đức Tạo, Đặng Hồng Vân, Nguyễn Văn Vũ
Thời gian: Từ ngày 9 đến 14. 1. 2016
Khai mạc: 17h, ngày 9 – 1 – 2016 (thứ Bảy)
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Số 97A – Phó Đức Chính, Q.1, TPHCM

*

Nếu được cho phép đặt lại tên cho cuộc triển lãm mang tên “Duyên Hội Ngộ”, tôi sẽ … đặt một cái tên ngắn hơn và “duyên” hơn. Đơn giản là một cuộc triển lãm giới thiệu tác phẩm của những tâm hồn đồng điệu nhưng không trùng lắp, không câu nệ, không ngại ngần và không cùng khuynh hướng sáng tác, nhưng tất cả cùng đến với nhau trong một cuộc triển lãm chung, một sự gặp gỡ nhau nhẹ nhàng như một buổi cà phê chiều cuối tuần tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ chí Minh để cùng nhau hàn huyên tâm sự.

Đó là Đặng Hồng Vân, đó là Nguyễn Quý Kiên, đó là Nguyễn Văn Vũ và Bùi Đức Tạo. Họ cùng đến với nhau, cùng chia sẻ, cùng chuyện trò, cùng bù khú và cùng nhau nói về mình. Họ nói với nhau bằng những “ngôn ngữ riêng”, ngôn ngữ của họ không phải bằng lời nói mà họ diễn đạt bằng màu sắc, bằng hình ảnh, bằng nhịp điệu, bằng bố cục và hơn hết là bằng ngữ điệu tâm hồn.

Trong cái cuộc miên mang này, khi trên “bầu trời nghệ thuật” đầy rẫy những “ngôi sao” những “cái tôi” vĩ đại, những thị phi, những ồn ào và những “tác phẩm lớn”… tự phong, thì bất chợt trong một góc khuất của tâm hồn, một khóc khuất của thế giới nội tâm, một góc khuất của “sự sáng tạo vĩ đại”… hiện hữu một câu chuyện âm trầm và đầy nhân duyên. Chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng là cánh cửa mở ra muôn vàn câu chuyện sắc màu và nhịp điệu qua cách kể của chính những người trong cuộc.

Họa sỹ Đặng Hồng Vân nói về thế giới của mình qua những âm hưởng khúc đồng dao của tuổi thơ, những cánh đồng lúa rực vàng đợi chờ người gặt, những câu chuyện tình lứa đôi bên điệu vũ Apsara của những nàng tiên nữ chăm-pa phồn thực.

“Quê tôi”, Đặng Hồng Vân. Kích thước: 160cm x 100cm, sơn dầu, 2015.

Nguyễn Quý Kiên, họa sỹ vừa trở về từ Pháp quốc, nơi đã nuôi dưỡng, bảo bọc anh trong hành trình đi tìm cái đẹp nội tại và là nơi khởi nguồn để cảm xúc hóa thân. Một sự hóa thân “ấn tượng” bất kể sự cách biệt về không gian, thời gian. Khi xem tranh của anh, người ta có thể nghĩ ngay đến Claude Monet – một họa sỹ tiên phong cho trường phái ấn tượng – bởi thủ pháp “paint-smog”. Nhưng qua góc nhìn riêng của Nguyễn Quý Kiên, “ấn tượng” của anh mộng mị và đằm thắm.

“Bến cảng Essaouira 1 – Ma Rốc”, Nguyễn Quý Kiên. Kích thước: 104 cm x 100 cm, sơn dầu, 2015.

Mộng mị và đằm thắm, cũng là cách diễn đạt của họa sỹ Bùi Đức Tạo. Tuy nhiên ngôn ngữ của anh lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Những tác phẩm mang phong thái biểu hiện bán trừu tượng tưởng chừng như không mới với các trào lưu hội họa hiện đại nhưng qua góc nhìn của anh, biểu hiện bán trừu tượng như thơ, như nhạc, đa sắc màu và lãng mạng. Một sự lãng mạng… hồn nhiên mà đầy toan tính. Tranh của anh là cả một thế giới nội tâm, một sự tranh đấu giữa thực tại và mộng ảo, một thế giới của sắc màu và huyễn hoặc, và hơn tất cả là một cá tính rõ nét, một cá tính có phần tôn vinh vái tôi viên mãn của bản thân. nhưng… cần thiết.

Tranh Bùi Đức Tạo

Góp mặt cùng ba họa sỹ là nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ, điêu khắc của Nguyễn Văn Vũ là cảm hừng từ những vũ điệu của miền Tây Bắc. Ngôn ngữ điêu khắc của anh là sự pha trộn giữa mảng miếng và hiện thực. Những khối hình chồng, mờ, ẩn hiện nhưng chắc khỏe của điêu khắc tượng đài được anh vận dụng uyển chuyển và khéo léo trong tác phẩm, tránh được cảm giác khô cứng đơn điệu. “thiếu nữ H’mông” của anh làm người xem thấy được vẻ phồn thực, khỏe khoắn nhưng không mất đi nét dịu dàng e ấp của người thiều nữ vùng cao.

“Vũ điệu H’Mông”, Bùi Đức Tạo. Kích thước: 85cm x 60cm x 75cm, đá nhân tạo, 2010-2015.

Xem qua loạt tác phẩm của ba họa sỹ và một nhà điêu khắc, dù là những ngôn ngữ riêng, cách diễn đạt riêng và cá tính riêng, nhưng hơn hết là tất cả đã tìm thấy nhau trong cảm hứng sáng tạo, họ tìm thấy nhau mà không hẹn trước, họ tìm thấy nhau trong cõi nhân sinh rộng lớn, họ tìm thấy nhau như một sự tình cờ, họ tìm thấy nhau đơn giản chỉ là họ… cảm được nhau. Có lẽ “Duyên Hội Ngộ” chỉ cần một chữ “Duyên” là đã trọn vẹn và đủ đầy để khởi nguồn cho một cái tên mà “nhân sinh hữu hạn” vẫn mê mải đi tìm.

Ý kiến - Thảo luận

15:22 Tuesday,12.1.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyen
Nghe paint smog làm liên tưởng đến thủ pháp sfumato, còn ở đây chắc ý nói smog là khói + sương (smoke + fog.) Monet vẽ London sương mù rất chuẩn đến mức xem tranh có thể đoán chính xác thời tiết, ngày tháng trong tranh. Không biết có phải ý người viết là như vậy chăng, nếu sai thì bỏ quá cho.
...xem tiếp
15:22 Tuesday,12.1.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyen
Nghe paint smog làm liên tưởng đến thủ pháp sfumato, còn ở đây chắc ý nói smog là khói + sương (smoke + fog.) Monet vẽ London sương mù rất chuẩn đến mức xem tranh có thể đoán chính xác thời tiết, ngày tháng trong tranh. Không biết có phải ý người viết là như vậy chăng, nếu sai thì bỏ quá cho. 
14:35 Tuesday,12.1.2016 Đăng bởi:  candid
Em không biết paint smog là gì, em cũng có xem ít tranh của Claude Monet (trong sách, trên mạng). Em thích bức con mèo này như còm ở bài giới thiệu nhưng thú thật em đọc xong, cố liên tưởng mãi tới tranh của Monet mà chịu chết không liên tưởng được.

Mong bác giải nghĩa thêm hộ thủ pháp Paint smog để em được học hỏi.
...xem tiếp
14:35 Tuesday,12.1.2016 Đăng bởi:  candid
Em không biết paint smog là gì, em cũng có xem ít tranh của Claude Monet (trong sách, trên mạng). Em thích bức con mèo này như còm ở bài giới thiệu nhưng thú thật em đọc xong, cố liên tưởng mãi tới tranh của Monet mà chịu chết không liên tưởng được.

Mong bác giải nghĩa thêm hộ thủ pháp Paint smog để em được học hỏi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả