Phục trang các diễn viên giản dị, đơn sắc, cảnh nền cũng trống toác với rất ít đạo cụ trang trí.
Xu hướng “phản dựng kịch”
Neil Armfield thổ lộ rằng vở kịch này là kết quả của 50 năm ấp ủ, và Vua Lear cần kinh nghiệm của cả một đời người.
Armfield thích thú với ý tưởng làm một dạng “phản dựng kịch”. Trang trí đơn sắc với quần áo hiện đại, bi kịch Shakespeare của Armfield hiện ra thật ít vẻ vương giả. Nhưng Vua Lear không nói về những đỉnh cao mà từ đó một ông vua rớt xuống; nó nói về độ thấp đến đâu ông vua ấy (và nói rộng ra là mỗi chúng ta) có thể bị rơi. Thể hiện cao nhất của xu hướng “phản dựng kịch” của Armfield là chọn một diễn viên hề đóng vua Lear, vai thường được coi là đại bi kịch. Vua Lear của Rush không hiện ra trang trọng, giận dữ, thịnh nộ, hăm doạ hay tê liệt vì tự nghi ngờ như nhiều vua Lear trước mà là một người điên tinh tế, mất trí, mất phong cách và mất cả quần.
Chủ trương ‘phản dựng kịch’ của Armfield còn thể hiện ở hóa trang, âm thanh và số lượng diễn viên tối thiểu. Bá tước Kent khi cải trang chỉ quệt sơn trắng lên mặt. Một người phục vụ đi ra đi vào sân khấu thay cho đám tùy tùng đông đảo thường thấy trong các vở Vua Lear. Không có đạo cụ, hay chuyển cảnh buộc phải thay đổi trang trí. Cái chết chiếm vị trí quan trọng đến vậy trong vở kịch cũng chỉ được biểu hiện bằng một vệt sơn đen sọc trên mặt hay lòng bàn tay. Âm thanh duy nhất là những hồi kèn và hồi trống. Âm thanh tối thiểu này phù hợp với trang trí rút đến cơ bản và xu hướng chống mầu mè, ầm ĩ, “đao to búa lớn” của vở kịch.
Bá tước Kent cải trang bằng cách quệt sơn trắng lên mặt (ảnh trong bài từ trang này)
DIỄN XUẤT ĐẶC SẮC
Geoffrey Rush trong vai vua Lear
Geoffrey Rush xứng đáng được xếp vào bộ sưu tập các vua Lear đặc sắc của Úc. Ông đã đóng vai Hề trong Vua Lear hai lần, đây là lần thứ ba Rush đóng trong vở kịch này và đóng vua Lear. Kinh nghiệm mà Rush rút ra từ những vở trước là không có hình mẫu vua Lear nào cả, mỗi người phải tự tìm lấy Lear của chính mình.
Trong hơn một năm từ khi nhận vai, Rush tìm hiểu cặn kẽ lại lịch sử, bối cảnh của vở Vua Lear, những vở đã dựng trước đó, cả những lời bình luận, định kiến và phong cách biểu diễn đã đóng sơn lên vua Lear trong nhiều thế kỷ. Vai Lear có lẽ không hài hước nhưng Rush cho rằng khi đào sâu Shakespeare thì luôn tìm thấy thâm thúy chất hài. Rush không muốn làm một vua Lear giống một tiếng nổ đầy kịch tính mà làm hiện lên một người điên tinh tế, lặn sâu trong thống khổ với những chấm hài hước bất ngờ.
Rush đến với vai vua Lear theo nhiều hướng khác nhau, từ kinh nghiệm đóng vở Nhật ký của Người điên và Nhà vua chết dần, trong đó Rush đã được thử thách với vai nhà vua sợ chết và bệnh tâm thần. Rush biết rằng cần phải thoát ra khỏi đất diễn quen thuộc của mình nếu không sẽ lún xuống đường mòn. Trong suốt sự nghiệp diễn viên, Rush luôn làm bật ra những chi tiết bất ngờ: nhét chồn vào quần, cởi hết quần áo trên sân khấu, cạo trọc đầu để đóng vai người điên. Rush xử lý tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhặt trên sân khấu như cúc áo quần, tóc giả, móng tay. Cách làm việc này giúp Rush vững vàng trong vai vua Lear, vai diễn được gọi là đỉnh Everest của nghề diễn kịch, khét tiếng là vai “không thể đóng được”.
Một trong những thách thức lớn nhất của vai Lear là sắc thái cảm xúc vô cùng đa dạng từ đầu đến cuối: cơn giận dữ điên cuồng của bạo chúa, lòng tự ái của người cha già, sự cay đắng khi bị tổn thương… Các diễn viên thường không gẩy lên được đúng nốt hay cả hợp âm, như đạo diễn David Hare đã nhận xét, không người diễn viên nào có thể đóng một cách thỏa đáng cả 11 màn có vua Lear. Nhưng thế nào là một Lear lý tưởng? Thực ra ông vua điên của Shakespeare cũng vật vã với chính mình để tìm xem ông ta là ai: “Ai là người có thể nói cho tôi biết tôi là ai?” là tiếng than lớn của vở kịch. Trên tất cả các mảnh đất chông gai của Lear, thì Rush đều tìm thấy kho báu, từ các tầng văn hóa dân gian đến chuyện ngồi lê đôi mách sau cánh gà và di sản cáu lại xung quanh đó như vỏ con hàu. Bỏ đi các chi tiết thường miêu tả một ông vua trên sân khấu như vương miện, ngai vàng, và các nghi thức, Rush phát triển nhân vật theo hướng Lear sẽ trở nên điên. Rush làm hiện lên sự suy sụp của Lear thật sống động với những chi tiết cảm động, bất ngờ, làm hiện ra ảo tưởng của Lear về chính mình và sự tổn thương, đau khổ của một người khi ảo tưởng tan vỡ. Là diễn viên sâu sắc, chịu nghiên cứu và tỉ mỉ, Rush thể hiện tinh tế và sâu xa nhân vật khổng lồ này. Khi Lear run rẩy mang thi thể của CordeLear ra sân khấu thì khán giả không còn thấy một ông vua nữa. Màu trắng đục tuyền, thế giới lạnh lẽo trong đó đang diễn ra màn này càng làm nổi bật hơn người cha già tuyệt vọng với trái tim tan vỡ.
Rush và Eryn Jean Norvill đóng vai Cordelia
Robyn Nevin trong vai Hề
Nevin đóng vai Hề là chìa khóa tiết lộ mối liên lạc giữa Lear và chủ nghĩa phi lý của Beckett. Nevin gần như không nhận ra được trong hình dạng của một gã nhỏ thó quần áo thùng thình, phản chiếu hình ảnh của Vladimir hay Gogo trong Chờ đợi Godot.
Robyn Nevin trong vai Hề và Geoffrey Rush trong vai vua Lear
Nevin diễn một tay hề thông minh, khéo léo, một gà trống ngạo nghễ, diện mạo và cách nói giống như của người nhà quê mê đọc sách, cắt đoạn thoại khi “dạy khôn” vua Lear thành từng câu theo nhịp staccat, mỗi câu kết thúc bởi một tiếng trống: “Cẩn thủ hơn phô phang/Biết nhiều, hơn nói lắm/ Mượn nhiều hơn cho mượn…”
Mối quan hệ giữa Lear và Hề do Robyn Nevin đóng có vẻ như không đặt trên cơ sở hiện thực nào, nhưng lại toát ra sự gắn bó mật thiết, phụ thuộc đến xót xa.
Mark Leonard Winter trong vai Edgard
Mắt sáng như sao, thân thể cường tráng, Mark Leonard Winter cho khán giả một Edgard ngọt ngào và mãnh liệt. Edgard bị đẩy xuống đáy hiện thực bởi âm mưu của người anh, Edmund. Buộc phải giả điên để bảo tồn tính mạng, Edgard lột hết áo quần thành một gã ngớ ngẩn trần như nhộng, nói năng ngây ngô, bôi sơn trắng vào mặt và đeo các dải kim tuyến vàng.
Mark Leonard Winter, Jacek Koman, Geoffrey Rush, Robyn Nevin trong vai Edgard giả điên, bá tước xứ Kent, vua Lear và Hề
Mark diễn Edgard, bằng thân thể trần đã lột tả tận cùng sự mất mát. Anh ở trần hoàn toàn hơn một tiếng đồng hồ dưới mưa gió xối xả, lết hai đầu gối tước máu trên sàn, hét lên những lời tưởng ngẩn ngơ mà sâu sắc xuyên thẳng vào tim Lear. Edgard là hiển hiện nỗi mất mát của chính Lear. Cũng như cặp mắt của Gloucester bị lấy đi chứ không phải của Lear, Edgard trần truồng trong khi Lear vẫn còn một mảnh vải cuối cùng. Gloucester và Edgard là hiện thân thống khổ của Lear. Tuyến nhân vật và truyện xảy ra song song này tăng thêm bi kịch của chính bản thân Lear và nâng bi kịch đó lên thành nỗi đau nhân loại. Max Leonard Winter làm chấn động sâu xa người xem bởi hiện ra như một người thực sự bị điên trong quá trình Edgard giả điên.
Max Cullen, Mark Leonard Winter, Geoffrey Rush trong vai Công tước Gloucester mù, Edgar giả điên, Vua Lear
*
Xem Vua Lear thường được tả lại như một kinh nghiệm làm tan nát lòng hay suy sụp tinh thần, nhất là lần đầu tiên. Ấy vì trong ba tiếng đồng hồ bạn chứng kiến những con người không ngừng tàn ác với nhau và cuộc vật vã bi thảm của chính bản thân Lear. Một vở Vua Lear lớn phải làm tim bạn tan tành. Đó lại không hoàn toàn chính xác là trải nghiệm mà Lear của Neil Armfield mang lại. Hài kịch luôn song hành trong dàn dựng này, từ việc phân vai vua Lear cho Geoffrey Rush, một diễn viên hề được đào tạo chính thống. Lear của Armfield kết hợp sự phi lý với bi thảm, đặc biệt thành công ở những màn đầu, tại đó ông vua kiêu ngạo nhầm tưởng về sự thành kính mà mọi người dành cho mình; và trong những màn cuối, khi ông bị mất hết quyền lực, nhà cửa, người hầu cận và cả áo quần, xuất hiện như một kẻ mất trí lang thang trên sân khấu, người gắn đầy hoa dại. Rush không đẩy bi kịch của nhân vật đến cực điểm hoành tráng như các diễn viên khác từng trong vai vua Lear mà lại biểu hiện một cách tinh tế sự chua chát, thấm thía và cảm động.
Mỗi vở kịch tái xuất hiện là một lần sáng tạo mới. Vua Lear của Armfield không làm tim bạn tan nát mà dạt dào xúc động. Bạn rưng rưng, choáng váng trong cuộc phiêu lưu đến những miền tinh khôi, đầy ngỡ ngàng và kinh ngạc của sáng tạo mà Armfield và các diễn viên tuyệt diệu đã mở ra.
*
Tài liệu tham khảo:
– WilLearm Shakespeare, ‘Vua Lear’, Collins Classics, 2011 – ‘Vua Lear’, ‘Phỏng vấn Neil Armfield và Geoffrey Rush’, Sydney Theatre Company, 2015 – Dee Jefferson, ‘Vua Lear’, Time out Sydney, 24/11/ 2015 – Jason Blake, ‘Bình luận về ‘Vua Lear’: Geoffrey Rush lặn sâu xuống đau đớn và tuyệt vọng’, The Sydney Morning Herald, 29/11/2015 – Rebecca Whitton, ‘Vua Lear’, Nhà hát kịch Sydney’, AustraLearn Stage, 1/12/2015 – Maxim Boon, ‘Vua Lear’, Nhà hát kịch Sydney’, Limelight, AustraLear’s classsical music and arts magazine, 2/12/2015 – Sharon Verghi, ‘Geoffrey Rush đóng vua Lear với Nhà hát kịch Sydney’, The AustraLearn, 14/11/2015
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
18:25Tuesday,15.3.2016Đăng bởi: Jack Jum
Dạ ! Tác giả bài viết ơi ! Làm thế nào để coi vở đó ạ ! ...xem tiếp
Gác sự so sánh nhà mình với nhà Tây nó sang một bên, tất nhiên, phải nói là nhà ta cũng thấy tủi tủi, bao giờ cho đến bao giờ…
“Ai là người có thể nói cho tôi biết tôi là ai?”
Uhm, câu này chẳng mới mà vẫn không cũ. Kịch nghệ đã trở nên đời.
Nội dung vở Vua Lia không phải là ít người biết, phần nhiều là biết lơ mơ, ừ thì nhiều người cũng sẽ xếp ...xem tiếp
9:37Tuesday,2.2.2016Đăng bởi: DTMinh
Gác sự so sánh nhà mình với nhà Tây nó sang một bên, tất nhiên, phải nói là nhà ta cũng thấy tủi tủi, bao giờ cho đến bao giờ…
“Ai là người có thể nói cho tôi biết tôi là ai?”
Uhm, câu này chẳng mới mà vẫn không cũ. Kịch nghệ đã trở nên đời.
Nội dung vở Vua Lia không phải là ít người biết, phần nhiều là biết lơ mơ, ừ thì nhiều người cũng sẽ xếp vào loại đã nghe nói… mà cứ nghe đến Vua Chúa là mặc nhiên thấy sự vương giả, xa hoa… ấy vậy mà không. Định kiến bị đập vỡ tan tành. Choáng váng (!) Ấy vậy mà vẫn là bi kịch Vua Lia, không thể phủ nhận, Rưng rưng (!) Dồn dập, dồn dập chi tiết, cuồn cuồn cảm xúc… đến mức theo dõi đoạn văn để hiểu cũng vất vả. Tuyệt (!) , mặc dù hơi khó đọc
Lâu nay nhà SOI ít có bài viết sâu về sân khấu hay như vậy. Rất mong được đọc về những vở kịch hiện đại kinh điển như Chờ đợi Godot, hay chủ nghĩa phi lý của Beckett mà tác giả bài viết đã hé hé ….
...xem tiếp