Không thích kịch cũng nên đọc: “Vua Lia” dưới tay Niel Armfield (phần 1)
28. 01. 16 - 7:38 am
Hoa Gruber
Ảnh của Sydney Theatre Company, do Heidrun Löhr chụp
Nhà hát Kịch Sydney trình diễn Vua Lear của Shakespeare Từ 24.11.2015 đến 9.1.2016 tại Nhà hát Roslyn Packer. Vở diễn kéo dài 2h45 phút, có bạo lực và khoả thân
Vở Vua Lear do Neil Armfield đạo diễn là sự kiện sân khấu quan trọng gần đây nhất của Nhà hát kịch Sydney, với diễn viên huyền thoại Robyn Nevin đóng vai Hề và Geoffrey Rush đóng vai vua Lear.
Kiệt tác của Shakespeare minh họa chân dung của một người đàn ông trượt xuống dốc suy vong bởi tự mãn đẩy đến quyết định sai lầm.
Vua Lear, nhân lễ mừng sinh nhật lần thứ 80, tuyên bố thoái vị và quyết định chia vương quốc cho ba con gái. Quen được nịnh hót và tuân lệnh, Lear bày đặt một cuộc thi giả giữa các con mình: “Ta muốn xem ai trong số các con là người yêu ta nhất?”
Goneril và Regan tưới đẫm lên vua cha những lời phỉnh nịnh. Công chúa út, Cordelia, được vua yêu nhất lại từ chối trò chơi này. Máu tự ái bốc thẳng lên đầu ông vua già khiến ông truất quyền thừa kế của Cordelia ngay tại chỗ. Vương quốc được chia cho hai công chúa chị.
Không có của hồi môn, Cordelia vẫn được vua nước Pháp cưới làm vợ. Nhưng bi kịch bắt đầu dồn dập ập xuống đầu ông vua ngạo mạn, đẩy ông trượt xuống tận đáy khốn cùng. Khi mất tất cả, ông mới ngộ ra thế nào là trung thành và tình yêu đích thực.
Từ trái sang phải: Colin Moody, Helen Thomson, Eryn Jean Norvill, Geoffrey Rush, Mark Leonard Winter trong vai công tước xứ Cornwall, Regan, Cordelia, Vua Lear, Edgar. (Ảnh của Sydney Theatre Company, do Heidrun Löhr chụp)
Hình ảnh đầu tiên khán giả thấy trước khi màn mở là một cái microphone, ở phía trước, giữa sân khấu. Tín hiệu mở màn của Armfield giống như sắp cho khán giả xem cảnh lâu đài Camelot thế kỷ 12. Nhưng khi màn kéo lên thì một ‘quả bom tóc vàng’, váy óng ánh bó sát sải những bước dài ra sân khấu, nắm lấy microphone cất tiếng hát bài ‘Mừng sinh nhật’. Đó là gã Hề hóa trang thành Marilyn Monroe khai mạc tiệc mừng sinh nhật vua Lear.
Nhà vua cùng ba con gái và triều thần lần lượt xuất hiện trong thời trang đương đại. Vua Lear mặc complet đen tím, đầu đội vương miện mảnh mai, các nhân vật nam khác đều mặc complet, ba công chúa mặc váy như có thể thấy trong các cuộc trao giải Oscar. Bao quanh ba mặt bởi phông đen, bữa tiệc của triều đình được đặt trong không gian đơn sắc. Khung cảnh chẳng có gì giống hoàng gia tráng lệ và không khí lễ hội vào thời điểm đó trong kịch bản. Đến đây khán giả đã được ngầm báo, sân khấu hiện thực không có chỗ trong dàn dựng này và vở kịch sẽ cho họ nhiều bất ngờ.
Vua Lear và con gái út Cordelia (Ảnh của Sydney Theatre Company, do Heidrun Löhr chụp)
Quả thực, Vua Lear của Armfield là cuộc khám phá qui mô hấp dẫn, ở mọi phương diện, từ thiết kế sân khấu tối giản, trang phục hiện đại, âm thanh tối thiểu, diễn xuất cực kỳ sáng tạo của Geoffrey Rush cùng các diễn viễn và trên hết là ý tưởng dẫn dắt vở kịch của đạo diễn. Armfield mở những cánh cửa bất ngờ và mời khán giả nhập cuộc.
“Khoảng trống hoàn hảo”
Bi kịch 5 cảnh và 26 màn của Shakespeare được Amrfield dàn dựng trong 2h45 phút, chia làm hai phần, chỉ với ba thiết kế sân khấu: không gian đen, cảnh mưa bão và không gian trắng.
Từ màn đầu cho đến hết cảnh 1, tiệc mừng diễn ra trong một “hộp đen” không nắp mở về phía khán giả với hai đạo cụ duy nhất là chiếc micro và các dây kim tuyến vàng. Ánh sáng yếu ớt rọi vào các diễn viên để khung cảnh tổng thể chìm trong màu đen đặc. Các dây kim tuyến rơi từ không trung xuống là đạo cụ đa chức năng, vật trang trí duy nhất đem lại chút nào đó không khí tiệc tùng, màu vàng óng tượng trưng cho vương quyền, nhưng khi bị rơi xuống đất, bị dẫm và kéo lê không thương tiếc, chúng tiên tri cho thân phận của Lear. Một vài dây kim tuyến này được gã Hề lượm lên, rắc lên đầu Lear trong màn hai như muốn chế nhạo “uy quyền” chỉ còn là hàng mã của ông vua thoái vị. Chúng lại được Edgard dùng làm thắt lưng trong lúc giả điên trần như nhộng.
Dây kim tuyến mắc đầy lên cả người vua Lear. Ảnh từ trang này
Cảnh 2, lâu đài Gloucester vẫn diễn ra trong không gian đen, ánh sáng trắng tràn ngập sân khấu là chi tiết duy nhất báo hiệu đổi cảnh.
Cảnh 3, màn mưa bão được tạo nên bởi quạt máy lớn và hệ thống tưới nước. Trong một tiếng đồng hồ “mưa” xối xả dội xuống Vua Lear, Hề, Kent, và Edgard. Ánh sáng chói lòa và gió thốc từ chiếc quạt sắt lớn vào những thân thể co quắp, loạng choạng, ướt lướt thướt. Tiếng mưa gió ầm ầm, cuồng nộ, nhấn chìm không chỉ các diễn viên mà cả lời thoại của họ. Diễn viên, bằng trực cảm đã hét to hơn cả tiếng mưa bão. Cái quạt tạo gió và ánh sáng lồ lộ ở bên phải sân khấu. Không còn dấu vết của tấm ri đô thứ tư mà diễn viên của Stanislavsky tưởng tượng ra để khán giả có cảm giác đang chứng kiến một mảnh của thế giới thật diễn ra trước mắt. Mục kích cơ cấu dựng kịch vẫn được giấu trong hậu trường của sân khấu “tự nhiên” và “hiện thực” buộc khán giả phải thay đổi cách cảm nhận và thưởng thức.
Hoàn toàn biết mưa gió nhân tạo và bốn diễn viên đang diễn kịch, nhưng khán giả vẫn bị cuốn vào bi kịch đang được phơi đến tận cùng trên sàn diễn. Xiêu vẹo bởi gió thốc và mưa xối, vua Lear ngộ được sai lầm trầm trọng của mình. Chỉ còn Hề và Kent là hai kẻ trung thành duy nhất bên cạnh vua trong giây phút khốn cùng này. Edgard giả điên nhưng dường như trong bão tố đã trở thành điên thật. Trần truồng, lê lết trên sàn, Edgard hét lên những nỗi oan ức: “Bọn hôi thối tàn ác đang đuổi theo ta! Ai cho Tôm nghèo hèn này chút gì? Bọn khốn độc ác đã đưa ta vào lửa thiêu, dìm ta xuống nước xoáy, nhấn ta xuống bùn lầy…”
Lear trong tột cùng đau khổ chỉ có thể tưởng tượng gã điên trần truồng kia cùng cảnh ngộ với mình: “Các con gái của ngươi đã đẩy ngươi đến tình cảnh này? Ngươi cũng không giữ được chút gì cho bản thân? Ngươi đã cho chúng tất cả ư?” Đồng cảm sâu xa với gã điên, Lear giật tung gần hết quần áo của mình. Cảm xúc mãnh liệt làm khán giả trào nước mắt.
Phần 2 của vở kịch ứng với cảnh 4 và cảnh 5, mở ra cánh cửa bất ngờ khác. Sau nghỉ giải lao, màn kéo lên thì một khoảng không trắng đục lộ ra. Ánh sáng chói lòa trùm lên màn hơi tạo thành mây trắng lên sân khấu. Các nhân vật lơ lửng, lọt thỏm trong khoảng không rộng lớn. Từ sau nghỉ giải lao cho đến hết vở kịch chỉ diễn ra trong không gian trắng này.
Vở kịch đưa người xem đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, từ cung điện sang cảnh mưa xối xả vùn vụt trôi đi trong 1h45 phút, đều diễn ra trước lúc nghỉ giải lao. Đến khi Edgar đưa ông bố mù của anh ta đi thực hiện cú tự tử nực cười ở cảnh 4, thì khán giả tự hỏi: “Còn bất ngờ nào có thể xảy ra nữa đây?” Đúng lúc đó, Lear xuất hiện, hoàn toàn mất trí, người gắn hoa dại, tươi tỉnh như vừa lột xác sau cơn bão. Người xem chưa hoàn hồn sau cảnh mưa thống thiết lại cười rộ lên bởi diện mạo gắn đầy hoa dại và hài hước chua chát của vua Lear.
Thiết kế sân khấu được thực hiện bởi Robert Cousins, người cộng tác của Armfield trong nhiều năm. Thiết kế này lại được ánh sáng của Nick Schlieper phụ trợ. Thiết kế tinh giản của vở kịch như thể đã cân nhắc có thể bỏ những gì ra khỏi sân khấu mà vẫn kể được chuyện. Trong vở này, Robert đã thực hiện điều mà anh đã hướng tới từ lâu: tạo nên khoảng trống hoàn hảo. Bất cứ cái gì để vào khoảng trống đó đều trở nên quan trọng. Và quả thật, phần mở đầu và phần cuối, sân khấu của Vua Lear là khoảng hoàn toàn trống, trong đó những sợi kim tuyến vàng cũng mang đầy biểu tượng. Không gian trống đó thể hiện ý tưởng xuyên suốt của vở kịch: diễn tả những gì xẩy ra khi một người bị mất tất cả. Armfield muốn vở kịch đặt các câu hỏi: “Khi một người bị mất hết thì sẽ khám phá ra điều gì? Thế nào là cuộc sống, xã hội, là tâm trí con người? Thế nào là khái niệm trừu tượng mà chúng ta gọi là tình yêu ?”
“Chỉ trong thiếu vắng tình yêu ta mới nhận biết nó và sức mạnh của nó”, vở kịch chính là diễn đạt suy tư đó của Amrfield.
Một bài viết đã đề cập đến sân khấu đương đại một cách sâu sắc. Tác giả thể hiện tình yêu của mình với nghề, đọc bài của chị mới thấy nhà mình ít ai quan tâm tới viết kịch. Cảm ơn chị nhiều nhé! ...xem tiếp
8:43Friday,29.1.2016Đăng bởi: Trần Thị Thu
Một bài viết đã đề cập đến sân khấu đương đại một cách sâu sắc. Tác giả thể hiện tình yêu của mình với nghề, đọc bài của chị mới thấy nhà mình ít ai quan tâm tới viết kịch. Cảm ơn chị nhiều nhé!
15:46Thursday,28.1.2016Đăng bởi: DTMinh
Ngồn ngộn cảm xúc, ngồn ngồn hình ảnh và âm thanh và ánh sáng, các lớp lang nội dung nén lại trong một khoảng không gian nhỏ - sân khấu kịch…. Và nó lại bị nén lại trong một bài viết ngắn đang chờ (… còn nữa). Dân chuyên nghiệp nhà ta chắc phải tái mặt (!). Kẻ thèm khát nghệ thuật thì ngẩn ngơ, ở đây có mùi vị gì lạ lạ vậy (?) ...xem tiếp
15:46Thursday,28.1.2016Đăng bởi: DTMinh
Ngồn ngộn cảm xúc, ngồn ngồn hình ảnh và âm thanh và ánh sáng, các lớp lang nội dung nén lại trong một khoảng không gian nhỏ - sân khấu kịch…. Và nó lại bị nén lại trong một bài viết ngắn đang chờ (… còn nữa). Dân chuyên nghiệp nhà ta chắc phải tái mặt (!). Kẻ thèm khát nghệ thuật thì ngẩn ngơ, ở đây có mùi vị gì lạ lạ vậy (?)
Cảm ơn chị nhiều nhé!
...xem tiếp