Ở Đâu - Làm Gì

A City in Art: Chúc mừng giám tuyển Natasha 29. 11. 10 - 8:18 am

AZIZ

Triển lãm tranh Hà Nội – Một thành phố trong Nghệ thuật, Phần 1

Từ 25. 11 đến 3. 12. 2010
Viện Goethe Hà Nội – 56 Nguyễn Thái Học

Như đã đưa tin, đây là phần 1 trong một dự án kéo dài đến tận ngày cuối cùng của năm 2010, có thể xem như món quà sinh nhật sau cùng của Viện Goethe dành cho Hà Nội nghìn năm tuổi. Dự án gồm 3 phần, mà theo chị Natasha, curator của triển lãm (cùng một người nữa là Lisa Drummond nhưng hôm triển lãm không có mặt vì đang ở Canada), thì đây là những “câu chuyện tình khác nhau”, những góc nhìn hoàn toàn khác nhau về Hà Nội.

Triển lãm đã khai mạc trong một buổi tối gió mùa về. Nghe thì quả có hơi sến, nhưng mà thời tiết cũng khéo chiều lòng người, một triển lãm về một (hay những) Hà Nội “hoài cổ, không tưởng, lãng mạn, lí tưởng hóa” diễn ra trong thời tiết “đặc sản” của Hà Nội, trong một không gian ấm cúng, chẳng phải là quá đẹp sao?

Triển lãm lần này đúng như tên gọi của nó, là những câu chuyện tình lãng mạn, nên thơ của người nghệ sĩ với Hà Nội. Một Hà Nội không khói, không bụi, lãng đãng sương sớm, đôi lúc vắng hẳn bóng người. Chị Natasha quả là một người đã gắn bó với Hà Nội và nền nghệ thuật Việt Nam, là một giám tuyển kinh nghiệm và biết rất rõ việc mình làm. Ngoài triển lãm, chị còn kì công chuẩn bị một cuốn catalog với rất nhiều lời giới thiệu, những bài phỏng vấn chi tiết xoay quanh những tác phẩm trong triển lãm. Các bạn có thể đăng kí nhận catalog (một sách ảnh/tranh rất có giá vị về Hà Nội và những cảm hứng thành phố tạo ra cho lớp lớp thế hệ nghệ sĩ) tại Viện Goethe Hà Nội.

Sau đây mời các bạn xem một số hình ảnh về buổi khai mạc triển lãm tối 25. 11. 2010, hơi muộn nhưng vẫn còn tha thứ được, đúng không ạ?

Viện trưởng Viện Goethe, TS. Almuth Meyer-Zollitsch, phát biểu khai mạc. Quả là một người phụ nữ thanh lịch. Đặc biệt từ hồi Viện Goethe có nữ viện trưởng, khắp nơi tràn ngập hoa!

 

Họa sĩ Bảo Toàn. Trông ông quá chừng là hầm hố!

 

Các tác phẩm nhiếp ảnh của Trần Mạnh Đạt, những góc Hà Nội nên thơ không bóng người, vẫn còn có thể bắt gặp đây đó. Trong ảnh là… các cháu ngoại của nghệ sĩ.

 

Chị Natasha đang phát biểu giới thiệu về triển lãm và dự án. Một bài nói chuyện ngắn và hàm súc, trong đó chị kể hai câu chuyện về Hà Nội và đưa ra kết luận là mỗi người có một cách nhìn, cách yêu Hà Nội thật khác nhau và nhiệm vụ của dự án Một thành phố trong nghệ thuật lần này đơn thuần là cho họ một chỗ để kể những chuyện tình khác nhau đó với Hà Nội. Trong tay viện trưởng là cuốn catalog vừa hoàn thành của triển lãm. Bên cạnh là các nghệ sĩ có tác phẩm tham gia triển lãm lần này, chị Natasha gọi họ lên đứng cạnh “để có thêm cảm hứng phát biểu”.

 

Khách xem triển lãm. Trẻ có, già có, nghệ sĩ có, phó thường dân cũng có.

 

Các bạn trẻ thì chăm chú đọc tờ rơi giới thiệu về triển lãm.

 

Đọc phần giới thiệu về các nghệ sĩ và phong cách của họ. Thông tin thế này rất bổ ích, chứ nhiều triển lãm vào đến nơi chẳng biết tác giả này là ai, anh ta vẽ cái gì… Thật là phí, đằng nào cũng mất công đến triển lãm rồi mà, phải thu được nhiều thông tin chứ!

 

Chưa bao giờ tôi bắt gặp nhiều hơn những cảnh xem tranh/ảnh chăm chú đến thế. Các bạn trẻ còn dí tận mặt vào xem từng đường nét trong tranh.

 

Có bạn dí điện thoại vào chụp lại, người bạn đi cùng còn nói “mấy tác phẩm này nằm ngoài tầm cái điện thoại của em rồi, em cứ chụp thoải mái” (!)

 

Một tác phẩm của họa sĩ Đỗ Phấn.

 

Một tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Hiếu

 

Một trong năm tác phẩm được trưng bày của danh họa Bùi Xuân Phái. Toàn bộ nằm trong bộ sưu tập riêng của chính chị Natasha.

Ngoài tranh và ảnh ra, triển lãm còn trưng bày một tác phẩm hết sức thú vị của Vương Văn Thạo, một “hóa thạch” những ô cửa sổ cũ xưa của Hà Nội. Hóa thạch không phải là hóa thạch thật, những ô cửa chưa phải đã “tuyệt chủng”, nhưng trong lòng người yêu Hà Nội và những vẻ đẹp cổ kính của thành phố phải chăng có nỗi sợ hãi “đi trước thời đại” rằng rồi chúng sẽ biến mất trong một ngày không xa mà phải đóng khung ghi ngay lại?

Triển lãm còn chiếu lại tác phẩm video art Phật trong thành phố (Buddha in the city) của nghệ sĩ người Canada Brian Ring và cuốn phim về dự án Hà Nội 5000 Hồ Gươm của nhóm P-art.

Triển lãm này còn mở cửa đến ngày 3. 12. 2010. Không thể không xem.

*

Bài liên quan:

– Hoài cổ, không tưởng, lãng mạn, lí tưởng hóa = ôi sao mà nhiều quá!
– A City in Art: Chúc mừng giám tuyển Natasha

Ý kiến - Thảo luận

13:41 Tuesday,30.11.2010 Đăng bởi:  Mạnh Hà
"Các tác phẩm nhiếp ảnh của Bảo Toàn, những góc Hà Nội nên thơ không bóng người, vẫn còn có thể bắt gặp đây đó. Trong ảnh là... các cháu ngoại của nghệ sĩ."
Đây là ảnh của Trần Mạnh Đạt chứ. Tranh Phó HN mới của Bảo Toàn. Là những bức nằm sau bức ảnh chân dung họa sỹ. Soi lại chịu khó sửa lại chút đi.
...xem tiếp
13:41 Tuesday,30.11.2010 Đăng bởi:  Mạnh Hà
"Các tác phẩm nhiếp ảnh của Bảo Toàn, những góc Hà Nội nên thơ không bóng người, vẫn còn có thể bắt gặp đây đó. Trong ảnh là... các cháu ngoại của nghệ sĩ."
Đây là ảnh của Trần Mạnh Đạt chứ. Tranh Phó HN mới của Bảo Toàn. Là những bức nằm sau bức ảnh chân dung họa sỹ. Soi lại chịu khó sửa lại chút đi. 
22:33 Monday,29.11.2010 Đăng bởi:  Natalia Kraevskaia
Thank you for your attention for the project. I just want to add that I had been working on this exhibition together with Lisa Drummond, a Canadian specialist on urban studies. Unfortunately Lisa stays in Canada and can't join us for the show.
Natasha
...xem tiếp
22:33 Monday,29.11.2010 Đăng bởi:  Natalia Kraevskaia
Thank you for your attention for the project. I just want to add that I had been working on this exhibition together with Lisa Drummond, a Canadian specialist on urban studies. Unfortunately Lisa stays in Canada and can't join us for the show.
Natasha 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Đi xam xám giữa copy và biến cải

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả