Bàn luận

Cụ Ban học Sử 18. 11. 15 - 5:34 pm

Ban Cờ

 

Minh họa từ Internet

Đêm qua cụ Ban thao thức đọc 46 trang dự thảo có tên nguyên văn “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong chương trình giáo dục phổ thông mới)“. Uống 4 ly nước to, ăn hết 3 cái bánh gạo và nghỉ giữa chừng có 15 phút để nghe tí nhạc. Nói thế để thấy cụ thực sự nghiêm túc trong mục tiêu đọc cho bằng hết 22.970 chữ của dự thảo. Một người bạn thân của cụ mới bảo “giả sử ta có quy định ai chưa đọc hết 46 trang dự thảo xin đừng phát ngôn, thì chắc cũng bớt được khá nhiều tiếng kêu đấy ạ”. Cụ Ban muốn có tí phát ngôn, nên phải nghiêm túc đọc thôi. Chuyện hiểu thì tính sau vậy, sức người có hạn, đầu óc cụ lại vốn chả sáng láng gì, không nên tham vọng.

Hồi 5h sáng, người già khó ngủ nên cụ dậy ra ban công hít thở tí khí giời. Ngang qua phòng ông cấp II, cụ giật mình vì thấy phòng ông sáng đèn. Cụ rón rén ngó vào. Ông cấp II đang ngồi ngay ngắn bên bàn học, tay cầm một quyển sách, mặt chảy xuống, trán cau lại, mồm lẩm bẩm, lẩm bẩm. Cụ lập cập hỏi:

– Này, ông kia, ông làm gì mà đọc sách lúc 5h sáng?”

Ông cấp II buông sách xuống, thở dài một tiếng đến đá cũng phải buồn (cái này cụ thuổng trong Tam Quốc tả cho lẹ):

– Hôm nay con kiểm tra Sử!

Cụ gật gù:

– Kiểm tra Sử hở? Tốt, học cho nghiêm túc vào. Sử là quan trọng lắm. Thế sao không học tối qua?

Ông cấp II lại thở dài hai tiếng, đến sắt thép cũng phải buồn:

– Tối qua con học rồi, nhưng mãi không thuộc mấy cái rìu.

Cụ lấy làm quái lạ, hỏi:

– Sử chứ búa rìu gì ở đây?

Ông cấp II thở dài ba tiếng, lần này tất cả các thứ khác cũng phải buồn:

– Lắm rìu lắm!

Cụ ngạc nhiên quá, cầm lấy quyển sách Sử, mắng phủ đầu:

– Xem bao nhiêu cái rìu mà anh bảo lắm.

Rồi cụ ngồi vào bàn, quyết chứng minh cho ông cấp II rằng búa rìu gì, dù nhiều đến bao nhiêu, cũng không phải là không thể đếm hết được. Đếm xong khắc nhớ. Chuyện dễ như chẻ củi.

Minh họa của kar2nist

Chuyện sau đó là hồi 6h30, ông cấp II lên đường đi học, rìu cái ông để ở trong đầu, cái vẫn còn trong mồm ông lẩm bẩm, cái vẩn vơ đâu đó lưng chừng giữa sách và đầu, bỏ lại cụ Ban lúc ấy cũng bắt đầu lẩm bẩm: “Rìu bằng hòn cuội, được đẽo ghè thô sơ, hình thù rõ ràng tìm được ở mái đá Ngườm Thái Nguyên, rìu ngắn, rìu có vai tìm được ở Bắc Sơn, Quỳnh Văn, bôn là cái rìu đá được mài vát một bên có lỗ tra chuôi…“. Công nhận các cụ mình sống trong hang mà sáng tạo nhiều kiểu rìu gớm.

Tới 8h, cụ Ban quyết định không mài rìu chẻ củi nữa mà ra Starbuck uống một ly expresso hòng chỉnh đốn đầu óc. Cụ vớ ngay được bà cụ bạn chuyên nghề khảo cổ, lúc ấy cũng đang ngồi cau mày trầm tư một mình bên cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học lịch sử giáo dục gì đó rất dày. Vốn thuộc bài sử rồi nên cụ đắc thắng hỏi cụ Khảo cổ:

– Cụ làm khảo cổ bao năm, vang danh thiên hạ cả trong và ngoài nước, cụ giả nhời ngay cho tôi xem có phải cái rìu đá cuội của người tối cổ tìm được ở mái đá Ngườm (Thái Nguyên) không?

Cụ Khảo cổ nổi đóa lên:

– Bố thằng nào nhớ được! Sáng ra đã hỏi ngang ngược.

Búa với rìu, tai hại quá, tí chặt đứt tình bạn của cụ với cụ Khảo cổ. Thôi từ nay chả dại, kệ đám rìu cho ông cấp II lo, cụ nên tập trung cho việc hiểu được cái dự thảo nói trên. Cái dự thảo thì chắc chắn không nói về rìu.

Ý kiến - Thảo luận

21:46 Wednesday,18.11.2015 Đăng bởi:  candid
có 2 từ Việt, 1 từ nghĩa là vượt và 1 từ nghĩa là rìu.

Binh khí xưa có 2 thứ là phủ và việt là búa và rìu.
...xem tiếp
21:46 Wednesday,18.11.2015 Đăng bởi:  candid
có 2 từ Việt, 1 từ nghĩa là vượt và 1 từ nghĩa là rìu.

Binh khí xưa có 2 thứ là phủ và việt là búa và rìu. 
20:56 Wednesday,18.11.2015 Đăng bởi:  Múa rừu qua nách vợ
Nhân thể hỏi các huynh hành cái thứ chữ vuông như hòm (nhưng nay không còn ngoáy cám, húp tương, mà tối rượu sâm banh, [đêm đào non], sáng sữa bò rùi). Chữ Việt cũng có nghĩa là rìu, right?
...xem tiếp
20:56 Wednesday,18.11.2015 Đăng bởi:  Múa rừu qua nách vợ
Nhân thể hỏi các huynh hành cái thứ chữ vuông như hòm (nhưng nay không còn ngoáy cám, húp tương, mà tối rượu sâm banh, [đêm đào non], sáng sữa bò rùi). Chữ Việt cũng có nghĩa là rìu, right? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả