Soi học

Hercules (phần 4): Giết thầy một cách vô duyên, thông minh đột xuất khi bắt heo 19. 01. 14 - 7:08 am

Pha Lê

Sau khi nướng chả rắn Hydra nhưng không được vua Eurystheus lẫn bà già ghen Hera ghi vào sổ thành tích, vị anh hùng Hercules ngậm ngùi nuốt cơn bực để dỏng tai lên nghe khổ nạn tiếp theo.

Tượng Hercules, có niên đại thế kỷ thứ 2 Công Nguyên, hiện nằm ở Bảo tàng Vatican. Biểu tượng của Hercules là chùy, anh chàng cũng hay ôm bộ da của con sư tử Nemean bên mình. Tác phẩm này tạc Hercules theo kiểu khá trẻ trung, chứ đa số tượng sẽ miêu tả một Hercules có râu ria xồm xoàm.

Ý kiến về cái nào là khổ nạn thứ 3 của Hercules (nhưng thực chất là thứ 2 vì cái Hydra hổng tính) khá trái chiều, có bản nói cái thứ 3 là lúc Hercules đi bắt con hươu vàng của Artemis , nhưng có bản nói cái thứ 3 là gian ải “Đi bắt con heo rừng Erymanthian”. Bài này tạm tin rằng con heo xếp trước con nai, lý do vì bài về heo có liên quan đến bài về rắn Hydra, nên để gần kề cho mọi người học nhanh thuộc.

Lưu ý rằng, khổ nạn này nói “bắt” chứ không “giết”, vì ông vua Eurystheus ma lanh; sau hai vụ sư tử và rắn, ông hiểu rằng khỏe như Hercules thì giết là quá dễ, chứ muốn bắt sống thì chàng ta phải vận dụng đầu óc một chút.

Heo rừng Erymanthian sống trên ngọn núi Erymanthus; muốn tới đó, vị thần phải đi ngang qua xứ Arcadia, mà Arcadia lại là quê hương của nhân mã Centaur nửa người nửa ngựa – giống loài chàng Hercules rất thân thiết vì ông nhân mã Chiron chính là thầy của anh.  Bắt gặp nhóm nhân mã do Pholus cầm đầu, Hercules đang làm nhiệm vụ nhưng Pholus là chỗ bạn bè lâu năm, Hercules chặc lưỡi nghĩ, “Thôi, nghỉ chân chơi bời tí cũng chẳng chết ai”.

Hình vẽ trên chiếc vò hai quai, niên đại 510 năm trước Công Nguyên, tả lại cảnh Hercules bắt tay nhân mã Pholus. Tuy chẳng thông thái như Chiron nhưng Pholus cũng là người tốt, hiếu khách. Nhưng hiếu khách nhiều thì coi chừng tai họa chuốc vào cũng nhiều…

Pholus “dọn phòng” mời vị thần sức mạnh nghỉ chân, sau đó mở tiệc đãi ông bạn chí cốt. Pholus cũng tử tế, biết rằng loài nhân mã chỉ ăn thịt sống, còn Hercules ăn đồ chín, Pholus đem thịt đi nướng rồi dọn riêng ra mời bạn xơi. Vị thần sảng khoái quá, đâm đòi hỏi lấn lướt; thấy yến tiệc chu đáo, Hercules nổi hứng muốn nhậu cho trọn vẹn nên khều ông bạn, “Rượu đâu mày?”

Pholus chần chừ, rồi khai rằng thần bợm Dionysus có tặng đám nhân mã của Arcadia một thùng, nhưng đó là của chung, toàn bộ nhân mã sẽ chia nhau vào dịp đặc biệt, chứ không ai được lén “hớp miếng” để sướng riêng.

Pholus rõ thật thà, biết vậy thì giấu nhẹm đi, khai một mạch hết trơn nên Hercules cứ ngúng nguẩy càm ràm, “Không có rượu sao ngon, cho chút đi mà, đang phải chiến thắng lắm khổ nạn để làm vừa lòng bà Hera nè”. Riết rồi Pholus hiếu khách cũng xiêu lòng, đưa bạn đến chỗ giấu rượu.

Hình vẽ trên chiếc bình cổ, niên đại 510 năm trước Công Nguyên. Bên trái là Hercules đang nhăm nhe múc rượu, còn bên trái là nhân mã Pholus.

Của đáng tội, khi mở nắp thùng rượu (xịn), hương thơm của nó lan tỏa khắp nơi, đánh động các chàng nhân mã khác. Biết có kẻ đang uống trộm rượu quý, các nhân mã vùng Arcadia tức giận phóng đến chỗ giấu, khi thấy Hercules đang uống say sưa, họ lập tức tấn công mà chẳng thèm tra cứu hỏi han. Vị thần sức mạnh hoảng hồn, lôi cung tên ra bắn để tự vệ.

Tên bắn của Hercules giết vô số nhân mã,  rồi từ từ đẩy những kẻ sống sót rút quân đến hang của Chiron; trong lúc mọi thứ loạn hết cả lên, vị thần sức mạnh quờ quạng bắn trúng ông thầy của mình. Dĩ nhiên, Chiron rất khỏe nên chích một cú như thế có thấm vào đâu! Nhưng nếu bạn thuộc bài, hẳn bạn sẽ nhớ rằng sau khi thịt con rắn Hydra, Hercules đã nhúng tên vào nọc độc rắn để tăng độ nguy hiểm cho chúng. Chiron xui xẻo trúng tên ngâm nọc, lăn ra chết vừa đau đớn vừa lãng xẹt. Pholus cũng vô tình bị trúng tên, quy tiên ngay tắp lự.

Tác phẩm “Hercules” giết nhân mã, Charles Le Brun. Theo tích thì Hercules phải là người đang bắn cung, đứng bên trái; nhưng cái anh cơ bắp bên phải lại quấn bộ da sư tử – thứ Hercules kiếm được hồi khổ nạn thứ nhất và cũng là biểu tượng của anh. Vậy cuối cùng tôi chẳng biết ai là Hercules nữa!

 

Hình vẽ Hercules (giữa) đang vô tình giết Pholus và thầy Chiron, niên đại 580 năm trước Công Nguyên, hiện nằm tại bảo tàng Lourve.

Đau khổ vì thói hám rượu của mình gây ra cái chết của thầy và bạn thân, Hercules chuộc lỗi bằng cách… tiếp tục đến núi Erymanthus để bắt heo, không la cà tiệc tùng giữa chừng nữa.

Heo rừng Erymanthian rất khỏe, muốn bắt sống chẳng phải dễ, nhưng chắc do Hercules ưu tư, phải suy nhĩ nhiều vì buồn nên chàng ta thông minh hơn hẳn. Heo Erymanthian sống trên đỉnh núi cao, thế là vị thần sức mạnh nảy sáng kiến… rượt chú heo mọi chạy cho đến khi chú ngã lăn ra vì kiệt sức, rồi Hercules ung dung trói chân cẳng chú đem về.

Tác phẩm “Hercules đuổi bắt heo rừng”, Jun Pierre Shiozawa. Trông Hercules như một con gấu cầm chày, tuy nhiên tuyết nhiều thế kia thì ai nom cũng giống gấu cả.

 

“Hercules và con heo rừng Erymanthian”, Antoine Louis Barye, 1820. Cảnh Hercules vác chú heo trông rất phong độ. Mấy tượng tạc thần sức mạnh bắt heo thường không có chuỳ hay áo da sư tử đi kèm, chắc tại khó chêm vô mấy món này quá, để Hercules “truổng cời” luôn cho tiện.

Vị thần đem con heo về lâu đài dâng vua Eurystheus, nhưng vừa thấy con vật to tướng là ông vua nổi máu thỏ đế, chui vô một cái vạc bự để trốn.

Hình vẽ trên bình, 525 trước Công Nguyên. Hercules đang vác con heo rừng, còn vua Eurystheus thì đang trốn trong vạc, có mỗi cái đầu thò ra.

 

Tranh do các học viên của trường hội hoạ Ý vẽ năm 1685, có tên “Hercules làm vua Eurystheus hoảng hốt với con heo rừng Erymanthian”. Heo rừng trong tranh trông giống cún mực hơn, còn ông vua đang đứng ở nơi sơn thủy thế này thì vạc đâu mà chui nhỉ?

Xong con heo, Hercules sẽ tiếp tục lên đường bắt con khác, mọi người đợi kỳ sau nhé.

*
(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả