Bàn luận

Diễn nôm “Điều ước” của
Đỗ Tuấn Anh 30. 11. 10 - 7:47 pm

CANVAS - Ảnh: B&G

 

Bởi vì đã là ngày cuối nên cả phòng không một bóng người. Tôi làm mấy vòng trong một không gian tràn ngập màu sắc, với những bức tranh khá lớn và đồng cỡ. Đâu đó, góc phòng vẫn còn những lẵng hoa và những bông hoa bắt đầu héo còn sót lại sau ngày khai mạc. Lật vội vài trang ghi cảm tưởng đặt trên cái bàn bên ngoài hành lang dài của phòng triển lãm Tôi ước của Đỗ Tuấn Anh, lướt qua một loạt những dòng ca ngợi chung chung và quen thuộc như phần lớn các dòng trong các quyển sổ lưu niệm ở mọi triển lãm, tôi bắt gặp một dòng chữ khá nắn nót (chân tình) đại loại rằng: rất cảm ơn họa sỹ, bởi sau khi được nghe họa sỹ giải thích về tranh thì cảm thấy thích thú vô cùng và thấy rằng tranh rất đẹp.

Tất nhiên, chả có gì sai hay lố ở câu cảm tưởng ấy cả. Nhưng người xem này lại tự nhiên bật cười và nhận thấy một tình trạng khá phổ biến khi đi xem tranh trong thời “đương đại” này, đó là khá nhiều người đã mất tự tin vào cảm nhận thẩm mỹ của chính mình. Khi đi xem, họ thường nhờ giải thích ý nghĩa này ý nghĩa nọ: cái này tượng trưng cho cái gì, nghĩa là sao… đẹp ở đâu… Cách làm họ vừa lòng nhất là dịch một bức tranh thành một kịch bản văn học. Và thường là khi bình xong thì bức tranh cũng biến mất. Thôi, nhưng biết làm thế nào, thời thế nó vậy – thời của tranh không đủ đẹp, đủ áp đảo tâm trí người xem, thì dĩ nhiên phải cần đến nghĩa.
 
Rồi về nhà, đọc trên Soi, tôi thấy có tới hai bản “dịch” tranh, “dịch” tác giả khá đầy đủ của triển lãm Tôi ước. Bản “dịch” tranh là của chính tác giả Đỗ Tuấn Anh, nói về ý nghĩa từng bức tranh mình vẽ. Và bản “dịch” tác giả là của Hà Mạnh Thắng, nói về họa sỹ Đỗ Tuấn Anh. Quả thực, tôi đã phải dùng đến sự kiên nhẫn để đọc cho hết được những lời diễn dịch cho từng biểu tượng trong từng chi tiết ở bài của Đỗ Tuấn Anh. Nào thì “biểu tượng thế hệ mới”, rồi thế hệ này hi sinh để nâng thế hệ sau “lên tầm cao mới”. Nào thì “Hình ảnh chú chó nằm gối đầu biểu tượng cho lớp người cũ tận tụy với con cháu mong muốn sau những cố gắng hy sinh họ mong muốn được nghỉ ngơi” . Rồi cô gái biểu tượng cho cái gì, rồi cây tùng, con rùa, máy bay tăng tốc, cái ô, cần câu, khế, mướp đắng, lạc, dứa, hoa hồng, óc, chèo thuyền, nhà cao tầng, nón lá… tượng trưng cho cái gì. Bạn nào từng vào mục bói Dịch trên Vietshare.com thảy đều quen thuộc với lối diễn dịch này: “Con hươu con đi theo mẹ, chỉ sự thăng tiến trên quan trường… Con dê quay đầu lại, chỉ sự hợp với ngày, giờ Mùi…

Nhưng ở Tuấn Anh, có lẽ để diễn giải cho một hội đồng duyệt tranh như anh đã trả lời bạn đọc (ô là la, nước ta lại còn món hội đồng nôm na thế sao) thì tất cả những diễn dịch này là nhắm mục đích minh họa cho loạt đề tài rất nóng: từ khoảng cách thế hệ, đến thế nào là hạnh phúc, số phận người nông dân trong thời kì mở cửa, đô thị hóa nông thôn, giàu và nghèo… tóm lại là một mớ hỗn độn những ý nghĩa to lớn mà ta có thể nhặt trên bất cứ trang báo nào. Để làm gì, ngoài công dụng trấn an “hội đồng chuột” kia rằng các tranh này an toàn? Để an ủi, hay là làm cho họa sỹ yên tâm về tính đương đại, hay tính “Pop art” trong tranh mình? Nhưng dù sao, đọc bài của Tuấn Anh, tôi vẫn có một cảm giác dễ chịu cuối cùng. Cái sự trách nhiệm tuy nôm na ấy thể nào cũng có ích cho một số người đọc, người xem, cần phải neo vào điều gì đó để xem tranh. Hơn nữa, khi các họa sĩ diễn giải chi li ra tôi vẽ cái này là để nói cái này, điều đó xét cho cùng chẳng đáng trọng, đáng quý hơn là những họa sĩ nói càn, “tao cóc biết tao vẽ gì” hay “tao vẽ lúc tao say, chúng mày gọi là tranh thì tùy!” sao?

Nếu nói là mất kiên nhẫn nhất lại chính là khi đọc bài viết của Hà Mạnh Thắng về tranh trong Tôi ước và về Đỗ Tuấn Anh. Một bài viết với tổ hợp từ bóng bẩy và to lớn, đầy những mệnh đề văn vẻ mỹ miều, nhưng tóm lại người đọc không thể liên kết chúng lại với nhau để mà biết được Hà Mạnh Thắng khen Đỗ Tuấn Anh hay là không; đành phải kết luận là bó tay không hiểu gì cả ngoài một tình bạn hình như là khó xử lý.

Lối viết bài cho bạn vui như thế làm mất thì giờ người đọc, nó thích hợp với thời của các cụ hơn, tôi nghĩ thế. Ngày nay họa sĩ tự sống được bằng tranh, nói năng cũng thẳng tưng hơn, chính kiến phóng khoáng, kiến thức bao la, nói đâu kiểm chứng được đó, sao còn những bài viết loanh quanh đến thế.

Quay lại với phòng triển lãm, chợt bật cười nhận ra một điều: rằng sau bao nhiêu năm, sau bao nhiêu thay đổi, sau bao nhiêu những bài nghiên cứu, phê bình này nọ của các học giả, trong nước có, ngoài nước nói về sự “cởi trói”, “đổi mới” trong nghệ thuật của vài thế hệ tác giả, về sự khởi sắc của mỹ thuật Việt Nam từ cái thời các họa sỹ, nhà văn, nhà thơ… phải sáng tác theo đề tài, gợi ý, mệnh lệnh của trên giao mà hậu quả là mang lại những sự sáo rỗng, buồn chán… Thế mà đến ngày hôm nay hình như cách tư duy ấy cũng không thay đổi được bao nhiêu ở một số người, kể cả là họ còn trẻ. Cho dù họ có được một hình thức diễn đạt có vẻ “đương đại” hơn, đề tài có vẻ “toàn cầu” hơn, thế nhưng vẫn là một cách tư duy cũ; cái thứ tư duy “Trời xanh, mây trắng, nắng vàng. Công, nông, binh xếp thẳng hàng tiến lên”. Lượng có vẻ đổi, nhưng chất không đổi. Có khác hay không, có lẽ chỉ khác về cách gọi.

Đỗ Tuấn Anh trong khai mạc triển lãm “Tôi Ước”

Với những bức tranh của Đỗ Tuấn Anh trong triển lãm này, chúng chỉ là những bức áp-phích minh họa cho một trào lưu và đang được diễn dịch có vẻ đương đại, thế nhưng chúng cũng không được là áp-phích, bởi lẽ thông điệp chuyển tải bằng ngôn ngữ hình ảnh đã được lọc lại chỉ còn mù mờ. Chúng là gì vậy? Là Pop art: Việt Pop art!! Chúng còn rất sượng. Chỉ là sự tiêu hóa một cách vội vàng mọi vấn đề với cách tư duy khá nôm na. Tiếc một điều là Đỗ Tuấn Anh đã vội đánh mất cái “nôm na” đáng quý của một chàng xuất thân từ nông dân, vốn dĩ thực sự có thể mang lại hương vị thật hay cho những bức tranh với sự tự nhiên của nó, để rồi cố kiễng chân một cách vội vàng vào cái trào lưu đương đại một cách giả tạo.

Những bức tranh lần này quả thực là một bước thụt lùi so với sự ngỡ ngàng, trong sáng đã có được trong triển lãm Oh! City ở gallery Thọ năm 2009. Cái cách sử dụng liên tục, và được nhắc đi nhắc lại mô típ cậu bé màu đỏ đầu trọc (gần đâyhình như nó trở thành trào lưu mà chả cần tinh ý lắm cũng nhận thấy nơi bắt nguồn). Rồi cách dùng lại những mô típ tranh dân gian (ở đây là thủ pháp của tranh Hàng Trống) như là một cách tìm kiếm giấy chứng nhận về xuất xứ Việt hơn là một đòi hỏi tự thân phải “Việt”. Mọi chi tiết được Đỗ Tuấn Anh vô tư “tương” lên mặt tranh như là để lấp chỗ trống hơn là tìm sự qua lại đa nghĩa giữa các “biểu tượng” mà anh đã cố gắng giải thích. Có lẽ sức ép phải làm cái gì đó để cho ra đời một số lượng tranh lớn như vậy (và khổ tranh cũng lớn) cũng là một vấn đề làm cho bút pháp trở nên khô cứng và nhiều chỗ trở nên vô cảm bởi sự lặp đi lặp trong cách diễn tả. Chưa kể chất sơn mà anh dùng cho tranh, xem tận mắt, chúng nông và không dụng công, màu sắc pha vô hồn; nói chẳng quá lời thì làm tôi liên tưởng đến sơn guốc. Rồi tạo hình tròn trịa một cách “đáng ngờ”, lồ lộ ra sự thỏa mãn của một “nghệ nhân” khi đã hoàn tất hết chừng đó chi tiết và ý nghĩa cho một “sản phẩm”.

Buồn thật, trong cái xã hội đang hàng ngày cổ xúy cho tốc độ, cho tăng trưởng bằng mọi giá, hình như mọi người cứ muốn có ngay mọi thứ thật nhanh, thật hoành tráng. Rồi có lẽ người ta cũng nhận thấy điều đó sẽ mang lại đau đớn nhiều hơn là hạnh phúc. Mà nghệ sỹ lại là những người cảm nhận điều đó rõ hơn cả, chỉ trừ những người vô tư nói rằng mình thực hành thôi còn không có khái niệm nghệ thuật là gì!

 

Ý kiến - Thảo luận

11:30 Wednesday,27.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
vẫn là tranh minh họa thôi
chưa thấy mùi nghệ thuật
...xem tiếp
11:30 Wednesday,27.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
vẫn là tranh minh họa thôi
chưa thấy mùi nghệ thuật 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả