Trường phái

Grayson Perry (phần 2): Bình gốm – “những quả bom trá hình” 26. 02. 16 - 6:46 am

Hoa Gruber

(Tiếp theo phần 1)

Các bình gốm của Perry đều có hình dáng như bình cổ và mang tính lịch sử. Mô phỏng dáng bình cổ, nhiều khi lấy cả mầu sắc, kiểu hoa, chim chóc, cây cỏ và mô típ trang trí những chiếc bình đó, Perry chủ ý làm các bình của mình hiện lên vẻ “cổ điển và truyền thống’.

Tuy vậy, hình dáng của bình chỉ đóng vai trò cái khung cho những bức tranh lấp đầy bề mặt chúng. Những bức tranh trên bình có bố cục dày đặc, chồng chất hình ảnh và tư tưởng. Nếu như hình dáng những chiếc bình trông có vẻ như quen thuộc với nét hấp dẫn chuẩn mực, thì những hình ảnh trên đó lại trần trụi, gai góc đến khó chấp chấp nhận. Perry có lý khi gọi bình của mình là “những quả bom trá hình”. Thoạt đầu chúng hiện ra chỉ như đồ trang trí nội thất đẹp đẽ, nhưng khi đến gần thì bắn tung ra những mảnh khiếm nhã đầy thách thức. Perry chủ tâm làm hỏng cảm giác đầu tiên mà ta có về những chiếc bình của ông, để vẻ trau truốt, bóng loáng của chúng hút ta đến gần rồi làm ta sốc nảy lên như bị điện giật. Cuộc xung đột ông tạo nên giữa hình thức biểu hiện và thông điệp làm nên chính sức mạnh độc đáo của các bình gốm này.

“Two Children Born on the Same Day” (1996 – Hai đứa trẻ sinh cùng ngày)

Trong tác phẩm Tôi thấy cái bình này, cho rằng nó đẹp, thế là ngắm nó (1995), Perry đã khai thác sự khác biệt giữa cái quyến rũ của bề ngoài và cái thô thiển của nội dung. Chiếc bình có hình dáng thon với lớp men xanh lơ chìm lẫn trong họa tiết xám nhạt, có khung ảnh mạ vàng của hoàng hậu Victoria. Thế nhưng bên trong khung lại là chân dung nghệ sĩ và khắp bình loằng ngoằng những graffiti không mấy đoan trang: “Thủ dâm”, “ Phóng đãng”, “Đồng tính”. Về chiếc bình này, Perry thổ lộ: “Nó có họa tiết bằng giấy màu ghi xám và graffiti nghuệch ngoạc khắc ô xít đồng. Tôi nghĩ đến những nét mực bạn hay thấy trên gốm phương Đông, như hình vẽ chim chỉ bằng ba hay bốn nét. Đây là phiên bản tôi thể hiện phong cách đó, nhưng thay cho các nét tuôn chảy của các Thiền sư, tôi viết những graffiti nhằng nhịt đáng ghét’. [1]

“i saw this vase and thought it beautiful, then i looked at it” (1995 – Tôi thấy cái bình này, cho rằng nó đẹp, thế là ngắm nó”

Tương tự như vậy, Tình dục, thuốc phiện và gốm ( 1995) là một cuộc xung đột văn hóa. Các ngôi sao nhạc rốc, rượu brandy và cảnh khiêu dâm được đặt trong khuôn khổ tao nhã của chiếc bình kiểu Trung Hoa.

“Sex and Drugs and Earthenware”,(1995 – Tình dục, ma túy và gốm), một mặt bình

Một mặt của chiếc bình này có hình chạm chân dung của Kurt Cobain, người vừa chết vì dùng ma túy quá liều và Michael Jackson, nhân vật nhiều tai tiếng. Bức ảnh Perry mặc váy ở mặt kia của bình, cùng với cột chữ bên dưới quảng cáo về mình như người mặc quần áo nữ “tuyệt vời nết na” đang tìm chân giúp việc cho một “lệnh bà khe khắt’. Tiếp theo là một danh sách tình dục kì dị.

“Sex and Drugs and Earthenware”,(1995 – Tình dục, ma túy và gốm), một mặt bình

Perry kể về việc làm chiếc bình thế này: “Đây là một chiếc bình Trung hoa với tinh thần punk. Tôi chọn một hình dáng thanh nhã và cố ý phủ lên đó các hình ảnh của rock’n roll, tình dục và thuốc phiện. Các hình vẽ không được đứng đắn cho lắm (loại X). Chiếc bình có bề mặt cắt dán, trông giống như một tạp chí nghiệp dư tình cờ vớ được hình ảnh của các clip art, quả là ngược lại với thiết kế thông thường chỉn chu của một cái bình có dáng hình lịch sự như thế.”

Với Những cậu trai quý, dáng của chiếc bình được copy từ cuốn ‘Gốm Satsuma’, thể loại gốm trang trí cầu kì của Nhật thế kỷ 19. Đó là một bình gốm kiểu Art Nouveau, quanh cổ bình, lá hoa súng được vẽ với hoạ tiết khác nhau, bên dưới, cá chép bơi giữa những cái rễ mỏng rủ xuống như tấm mành. Perry lấy bố cục đó nhưng thay vào các lá hoa súng là bọn đàn ông mặc quần áo nữ; ở vị trí cá chép là máy bay phản lực, tất cả tạo nên một dạng nam tính khổ sở với thái độ khiêu khích chua cay.

Precious Boys, (2004. Những cậu trai quý)

 

“Butterflies on Wheels”, (2001 – Bươm bướm trượt ván). Chiếc bình dựa trên hình thức bình Edo của Nhật từ thế kỷ 17. Perry giữ nguyên cách phối màu và hình cây hoa anh đào, nhưng các chủ thể lại là bọn trượt ván, đối lập với không khí tĩnh lặng mà chiếc bình Edo tỏa ra. Bọn trượt ván gợi lên cảm giác ầm ĩ, khiêu khích và phá hủy. Ở chỗ hoa anh đào nở là chữ “bùm” kiểu truyện tranh, ám chỉ bạo lực của trượt ván.

 

“In Praise of Shadows”, (2005 – Ngợi ca những cái bóng). Chiếc bình với những mảng vàng óng ánh trên lớp men tráng ngọc trai này lại kể một câu chuyện buồn, “ Cái bóng’ của An-dec-xen. Perry thể hiện câu chuyện buồn, đầy ảo giác với những hình ảnh ma quái của tâm trí.

 

“Barbaric Splendour”, (2003 – Sự huy hoàng mọi rợ). Hình dáng của bình trật khấc với nội dung nó chuyên chở. Chiếc bình kiểu Hy lạp lộng lẫy này lại mang hình ảnh các mảnh xe tô tô vỡ, điện thoại di động, siêu người mẫu và những cảnh tượng liên quan đến đời tư của nghệ sĩ.

 

“i love beauty 2005”( Tôi yêu cái đẹp, 35×25 cm). Một chiếc bình mang tuyên bố rõ ràng mà lại không có sự châm biếm thường gặp của Perry: ‘Tôi yêu cái đẹp”. Một mặt của chiếc bình là dòng “Tôi yêu Cái đẹp”.

 

Mặt kia vẽ Claire tay cầm cây gậy, tay cầm con chim cắt săn mồi, thêm một số động vật có tính lịch sử và cờ Anh

Lập trường kiên trì bám theo cái đẹp của Perry được thể hiện trong phát biểu của ông về chiếc bình này: “Trang trí và cái đẹp vẫn thường bị coi là những lời chửi thề trong nghệ thuật đương đại, nhưng khi lớn tuổi hơn, tôi nhận ra ý nghĩa sâu xa trong trang trí. Nghệ thuật đương đại đề cao tư tưởng đến mức hạ thấp vẻ đẹp thị giác. Nhưng nghệ thuật có cần phải có ý tưởng sâu xa đỡ bên dưới để làm cho nó trở nên nghiêm trọng không? Trong tác phẩm này, tiêu đề chiếm một mặt của chiếc bình: ‘Tôi yêu Cái đẹp’. Hình vẽ trên đó rất đơn giản: Claire một tay cầm cây gậy, một tay cầm con chim cắt săn mồi, một số động vật có tính lịch sử và cờ Anh, nhưng chúng chả ở đó để thể hiện điều gì to tát. Tôi vẫn phân vân về vị trí của mình trong cuộc tranh cãi giữa nghệ thuật và thủ công. Hễ tôi xuất phát tiến về phía nghệ thuật thì lại lùi dần về lãnh địa của nghề thủ công. Khi tự tin hơn, tôi rón rén đi về phía nghệ thuật trang trí thủ công, kéo lê theo khái niệm nghệ thuật đương đại”.

*

[1] Tất cả những giải thích của Perry về tác phẩm đều được trích từ cuốn ‘Grayson Perry’ của Jacky Klein.*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả