Nghệ sĩ thế giới

Grayson Perry (phần 3): Những chiếc bình đầy kỹ thuật đựng những câu chuyện đầy ẩn ý 29. 02. 16 - 6:46 am

Hoa Gruber

(Tiếp theo phần 1 phần 2)

Nếu những ngày đầu của sự nghiệp, Grayson Perry khẳng định mình là một nghệ sĩ ý niệm tình cờ làm gốm chỉ vì vật liệu làm gốm rẻ (lúc đó ông không một xu dính túi), thì giờ đây ông nhận rằng trong tác phẩm của mình có bao nhiêu kỹ nghệ thì có bấy nhiêu nghệ thuật. Quá trình 30 năm gắn bó và thử nghiệm lâu dài với gốm làm ông nhận ra mối liên hệ mật thiết tình cảm, thể xác của người thợ với chất liệu. Và tình yêu với nghề thủ công nảy nở. Ông không muốn dùng những người phụ việc mà tự tay làm các bình gốm, để “các vân tay của mình in trên tác phẩm” và cá nhân mình thấm đẫm trong chất lượng thủ công. Điều đó thể hiện niềm vui làm ra sản phẩm bằng chính bàn tay mình, cũng là thái độ không ưa các “tác phẩm” được sản xuất nhanh chóng trong các workshop của nghệ thuật đương đại.

Kỹ thuật làm gốm của Perry đã đạt đến độ tinh tế, những chiếc bình như Jane Austein in E17 ( 2009), an illusion of depth (2003 -Ảo tượng về chiều sâu)cho thấy Perry sử dụng một loạt các kỹ thuật đáng kinh ngạc để làm hiện ra các lớp hình ảnh phức tạp và phong phú cùng chiều sâu.

”Jane Austein in E17” (2009)

 

“An illusion of depth” (2003 -Ảo tượng về chiều sâu)

Perry làm bình theo lối cuộn. Lăn đất sét thành những cuộn hình rắn, rồi chồng dần lên nhau để tạo thành bề mặt vững chắc. Những kỹ thuật trang trí ông thường áp dụng là sgraffito(cạo một số mảng màu để làm lộ ra màu đất sét bên dưới), scarving (chạm lên mặt đất sét của bình gốm)inlaid (vẽ và tô màu), transfers (dán ảnh hay các mẩu báo rồi nung để ảnh màu hay hình vẽ trên giấy có thể chuyển lên mặt bình gốm), metallic enamel (tráng men kim loại hay mạ vàng làm cho những chiếc bình có vẻ ngoài bóng loáng, lộng lẫy).

Coiling (phương pháp cuộn)

 

Sgraffito: kỹ thuật trang trí gốm thực hiện bằng cách quết các lớp mầu lên bình gốm chưa phủ men

 

… sau đó cạo một số phần của các lớp này để làm lộ ra màu đất sét bên dưới, tạo thành các hình và mảng đối lập.

 

Transfers: kỹ thuật chuyển ảnh: hình sơn men in trên giấy đặc biệt có thể dán vào trên lớp men, rồi nung.

 

Inlaid Decoration: tô mầu vào các nét khắc.

 

Metallic Enamel: kỹ thuật láng bóng bằng men kim loại

“Tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm động sâu xa bởi những gì tôi từng bắt đầu trong phòng ngủ vào tuổi thiếu nhi lại dẫn đến cuộc triển lãm vinh dự này, ở một đầu kia của thế giới”, Grayson Perry phát biểu về cuộc triển lãm của mình tại MCA. 

Nhiều tài liệu từng nói về tuổi thơ của Perry ở Essex, về sự bất hòa giữa Perry với mẹ và bố dượng. Bố dượng của ông một người bán sữa, sau đó mở tiệm bán báo, là một người thô lỗ, dữ đòn, thay thế đột ngột bố đẻ của Perry khi ông mới 4 tuổi. Mối quan hệ của Perry với bố đẻ bị gián đoạn từ đó, rồi được nối lại khi Perry vào tuổi thiếu niên, cho đến khi mẹ ghẻ phát hiện ra mầm mống “đóng giả nữ”của ông. Các bình gốm: Mẹ và bố (1994), Chiếc bình vẽ tường phòng ngủ của đứa trẻ điên ( 1996), Kẻ tị nạn khỏi tuổi thơ (2001) phản ánh tâm trạng hoang mang, lo sợ hồi nhỏ của Perry cũng như tình trạng gia đình đổ vỡ, áp lực mà trẻ em phải chịu đựng khi lớn lên.

Mum and Dad” (1994 – Mẹ và bố)

 

“Mad Kid’s Bedroom Wall Pot”, (1996 – Chiếc bình vẽ tường phòng ngủ của đứa trẻ điên). 9 nhân vật được vẽ như trong truyện tranh, buồn đau, căng thẳng, giận dữ, đen tối, một không khí ma quái bao trùm.

 

“Refugees from Childhood”, (2001 – Kẻ tị nạn khỏi tuổi thơ). Chiếc bình này có hình dáng và màu sắc như phần lớn các bình majolica của Ý từ thế kỷ 18, nhưng lại miêu tả cảnh chiến tranh với máy bay, xe tăng, các tòa nhà đổ nát, ẩn dụ thời thơ ấu hoang tàn của nghệ sĩ. Tất cả kẻ tị nạn đều là đồ chơi mà nghệ sĩ tìm hiểu trong các sách lịch sử. Lũ đồ chơi luôn ở bên chúng ta, và theo cách nào đó thì chúng thoát được cảnh tàn phá kia.

 

“Head of Neurotic,” (2004 – Cái đầu của một kẻ tâm thần) là hình ảnh của đứa trẻ đau khổ trở thành người lớn lưu manh, vô sản, tuyệt vọng.

Theo dòng đen tối này, hai bình khác với chủ đề đặc biệt thảm khốc: Các vết bầm tím và vết bỏng thuốc lá (2004), được đặt tên như thế một phần do mặt men hồng bị mài loang lổ, gồ ghề, nói về những vết thương thể xác và tinh thần của những đứa trẻ, và Bố- Đức Chúa (2003), một tác phẩm kể lại câu chuyện người cha giết con.

“A pattern of Bruises and Cigarette Burns”, (2004 – Vết bầm tím và bỏng thuốc lá)

 

“God The Father”, (2003, Bố-Đức Chúa)

Alan Meseals và Claire

Trong cuốn tiểu sử ngắn xuất bản ba năm sau giải thưởng Turner, Perry viết về việc bố ra đi: “Đó là sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tình cảm của tôi chết cứng, tôi đóng sập lòng mình, và đó là lúc mà tôi trút hết lên đầu Alan Measles”.

Cho đến giữa tuổi thiếu niên của Perry, chú gấu bông Alan Measles vẫn là “người lãnh đạo, một độc tài tử tế, một nhân vật chỉ huy, thần hộ mệnh tự phong”, một vị thần và người cha thay thế trong thế giới tưởng tượng của Perry. Chú gấu bông thần tượng được hóa thân thành nhiều nhân vật khác trong thế giới nghệ thuật của Perry những năm sau đó với những phẩm chất thần thánh, được hiện lên như Chúa hài đồng trong bình gốm Huyền thoại của cá nhân về Sáng thế (2007), vị thần phồn thực theo phong cách Nhật bản trong Alan Dogu công cộng bằng vàng thời tiền sử (2007)… Alan Measles gần như có mặt trong khắp các sáng tác của Perry.

“Personal Creation Myth,” (2007 – Huyền thoại của cá nhân về Sáng thế)

 

“Prehistoric Gold Pubic Alan Dogu,” (2007 – Alan Dogu công cộng bằng vàng thời tiền sử)

Năm 1998, Perry bắt đầu 6 năm trị liệu tâm lý theo lời khuyên của vợ, Philippa, một bác sĩ tâm lý, để hiểu thấu quá khứ và những cơn trầm cảm đã để lại cho ông nhiều hậu quả. Điều trị này không chỉ có tác dụng đối với cá nhân mà cả sáng tác, giúp ông đi theo hướng tự tin, chín chắn hơn.

Perry tâm sự: “ Khi còn trẻ thì khiêu khích là động lực sáng tác của tôi. Với thời gian tôi nhắm nhiều mục tiêu hơn.” Đến năm 2000, năm thứ 2 của trị liệu tâm lý, Perry nhận định: “Tôi bắt đầu hiểu các thành phần làm nên ‘món súp’ sáng tác của tôi, trước đó nó là món thịt hầm. Tuổi thơ vàtuổi thiếu niên của tôi là một cái nồi hầm âm ỉ bức xúc, thù hận, đau buồn, sợ hãi. Chúng nhức nhối nhưng tôi chưa có ngôn ngữ riêng để thể hiện.”

.

Trong một thời gian dài, những chiếc bình của Perry đầy tình dục kì dị, khiêu khích, phản ánh trạng thái tâm thần bất ổn của ông. Chỉ đến năm 30 tuổi, Perry nhớ lại, ông mới thấy tự tin là một người mặc quần áo nữ. Trước đó, ông “lúc nào cũng nơm nớp lo sợ và hồi hộp bị phát hiện ra hoặc bị sỉ nhục trên phố’.

Grayson Perry – cô Claire – với chiếc rương Louis Vuitton mà ông thiết kế, và bản sao chú gấu bông hồi nhỏ của ông. Hình từ trang này

Trong buổi lễ chào mừng Claire (tên của Grayson Perry khi ông hóa thân mỗi khi mặc đồ nữ) năm 2000, Perry phát biểu: “Tôi không muốn là một người đàn bà. Tôi là một người mặc áo váy đàn bà. Tôi thấy bị bắt buộc phải mặc váy như thế bởi một phần trong tôi muốn vỡ tung ra để tìm cách biểu hiện: đó là phần dễ bị tổn thương, nhẹ nhàng, kì lạ, và thậm chí ngọt ngào. Phần mà khi còn nhỏ tôi đã cố gắng chôn vùi như chiến lược sinh tồn trong một môi trường khắc nghiệt”. Trị liệu tâm lý giúp Perry giải quyết những vấn đề cá nhân, Claire bước ra khỏi bóng tối của quá khứ đau thương, mở ra thời kỳ mới cho sáng tác của Perry.

Grayson Perry, trong hình hài của Claire, bên ngoài Bảo tàng Anh ở London, trước triển lãm của ông có tên “Nấm mồ của một nghệ nhân vô danh”. Ảnh: Pal Hansen cho tờ The Observer

Các tác phẩm gốm làm trong và sau thời gian trị liệu tâm lý rời xa những khiêu khích tình dục công khai, chĩa mũi nhọn vào các vấn đề xã hội nóng bỏng như:xã hội tiêu thụ, phân chia giai cấp, thói kiêu ngạo của giới nghệ thuật, với các tít mang tính đả kích như Người hay ho buồn tẻ, Chúng ta là chính thứ ta mua, Chiếc bình này sẽ giảm 29% tỉ lệ phạm tội, Có gì không thích?

“Boring Cool People,”(1999- 63 x 27 x 27 cm – Người hay ho buồn tẻ)

 

“We Are What We Buy,” (2000 – Chúng ta là chính thứ ta mua)

 

“This pot will reduce crime by 29 %”, (2007 – Chiếc bình này sẽ giảm 29% tội phạm) – Một tác phẩm châm biếm về mục đích lợi ích xã hội của nghệ thuật.

 

“What’s Not to Like?”, (2006 -Có gì không thích). Alan Meseals trong biểu tượng của chủ nghĩa tiêu thụ hung hăng đứng trên nắp chiếc bình trang trí công phu Có gì không thích? (2006) với túi đi mua sắm, chai bia và bóng đá.

*
(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

14:09 Monday,29.2.2016 Đăng bởi:  Trần Thị Thu
Rất cảm ơn tác giả của bài viết đã tìm hiểu kĩ về đời sống sáng tác của nghệ sĩ, nó đã giúp người đọc hiểu kĩ hơn khi xem các tác phẩm được giới thiệu. Một cuộc đấu tranh sinh tồn giữa bản ngã của một cá nhân có một đời sống dị biệt khi còn thơ ấu, đó là sự dũng cảm để đối diện mình trước gia đình và xã hội. Cái cá nhân của tác giả đượ
...xem tiếp
14:09 Monday,29.2.2016 Đăng bởi:  Trần Thị Thu
Rất cảm ơn tác giả của bài viết đã tìm hiểu kĩ về đời sống sáng tác của nghệ sĩ, nó đã giúp người đọc hiểu kĩ hơn khi xem các tác phẩm được giới thiệu. Một cuộc đấu tranh sinh tồn giữa bản ngã của một cá nhân có một đời sống dị biệt khi còn thơ ấu, đó là sự dũng cảm để đối diện mình trước gia đình và xã hội. Cái cá nhân của tác giả được hình thành trên mỗi tác phẩm gốm rất thật và xúc động như chính tác giả của bài viết tìm hiểu về Grayson Perry!
Cảm ơn Soi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả