|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữNgôn ngữ: Trưng tắc mà không sợ tắc, vì đã có quất bên trong 22. 02. 16 - 10:22 amGiáo NghèoĐọc bài giải nghĩa từ Nguyên Tiêu của Cùng Học Tiếng Việt, tôi lại nhớ vào Nguyên Tiêu cộng đồng người Hoa tại Việt Nam lại hay đi chùa Bà Bình Dương (còn nhớ hồi nhỏ còn nhỏ tôi có lần từng đi cùng, thuê xe đi vào buổi tối, quay về nhà là đã nửa đêm, chỉ nhớ đông nghịt toàn người và nhang khói, chẳng thú vị mấy). Ngoài ra có nghe người bà con gốc Hoa kể rằng người Hoa tại Sài gòn còn có tục đi chùa “mượn tiền” để lấy hên. Đông nhất là đến “mượn tiền” tại một ngôi chùa ở quận 5 (không nhớ tên nhưng nhớ là chùa tọa lạc trong khuôn viên trường tiểu học Chính Nghĩa). Hàng năm đến dịp Nguyên Tiêu thì chùa sẽ chuẩn bị sẵn phong bì lì xì trong để một số tiền nhỏ (nghe nói là chỉ vài ngàn cho có lệ thôi), người đến chùa sẽ xin “mượn” số tiền này, rồi qua dịp rằm năm sau sẽ quay lại chùa để “trả tiền”, trả lại bao nhiêu thì tùy tâm thôi nhưng chẳng ai trả ít hơn số đã “mượn” cả, một phần tôi nghĩ là để đóng góp cho chùa, phần khác vì họ cũng mong lấy may, ki bo quá thì không linh chăng? Hình như lúc trước có vụ người ta không lấy tiền mà lấy quýt từ chùa, sau đó lại đem cúng quýt trả, nhưng chắc trả kiểu đó nhiều quýt quá chùa không biết làm gì, đổi thành tiền giấy. Nói đến cái việc “mượn trả” này bằng quýt, tôi còn nhớ ra một phong tục cũ kĩ của người Hoa nữa là việc biếu và nhận quýt khi chúc Tết. Nghe bảo rằng đây là tiền thân của lì xì Tết. Số là trong tiếng Hoa, đặc biệt là tiếng Quảng, thì hai chữ trái quýt – quất (橘) và chữ cát (吉) trong cát tường có âm đọc giống nhau, thế nên trái quýt mang ý nghĩa rất tốt với người Hoa. (Việc mua cây tắc về trưng Tết chắc cũng từ đây, vì tắc trong tiếng Hoa là tứ quý quất – 四季橘). Vì vậy mà sinh ra tục tặng quýt cho nhau vào dịp năm mới. Cứ mỗi khi đi chúc Tết là sẽ cầm theo vài trái quýt để tặng (thường là 2 trái quýt vì người Hoa thích có đôi có cặp chứ không thích một trái đơn lẻ), rồi người nhận quýt, được nhận sự may mắn cát tường cũng tặng ngược lại người cho vài quả quýt lấy hên. Kiểu này mà đi chúc Tết nhiều nhà một lần chắc phải xách theo cả rổ quýt ☺. Rồi chắc cũng tại thấy vướng víu phiền hà nên sau này phong tục này mất dần, người ta chuyển sang trao nhau lì xì cho nó tiện lợi và thiết thực. Cũng từ đây mà trong tiếng Quảng có từ “vận quất” (運橘) dịch nôm na là vận chuyển quýt, nhưng người ta dùng từ này với nghĩa là làm chuyện ruồi bu, nhọc công mà chẳng đem lại kết quả gì, như việc tặng quýt rồi lại nhận quýt, thật huề tiền. Người Hong Kong còn đôi lúc viết từ này thành 混橘 (hỗn quất), do hai từ có âm đọc giống nhau, hỗn ở đây là hỗn loạn, dùng chuyện tặng quýt qua lại làm lẫn loạn quýt cả lên để chỉ ý nghĩa làm rối rắm, rách việc. Vụ chúc Tết bằng quýt hồi còn nhỏ tôi từng chứng kiến, thấy một người bà con làm thật, Họ đến nhà cô tôi và tặng hai trái quýt. Cô tôi hiểu phong tục đó nhưng lâu rồi không ai làm nên không chuẩn bị. Cô loay hoay đi lấy hai trái quýt đang trưng cúng trả lại và sau đó giải thích cho tôi về tục này. * SOI: Bài này thoạt tiên là cmt cho bài “Nguyên là gì, tiêu là gì, và Nguyên Tiêu là gì?”. Soi đề nghị Giáo Nghèo viết thêm và đưa lên thành bài. Ý kiến - Thảo luận
22:08
Monday,22.2.2016
Đăng bởi:
Cùng học Tiếng Việt
22:08
Monday,22.2.2016
Đăng bởi:
Cùng học Tiếng Việt
Thú vị là tục tặng quýt năm mới của người Tàu được người Nhật học. Và vì người Nhật bỏ Tết âm lịch, ăn Tết theo lịch Tây nên họ tặng quýt cho nhau vào tết Tây. Sau khi quýt Satsuma của Nhật xuất khẩu sang Âu Mỹ và thành hàng hot, người Mỹ và Canada cũng học theo Nhật và chuyển sang tặng nhau quýt vào dịp Giáng Sinh.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp