Thị trường

10 câu hỏi các gallery cần tự vấn (phần 1): Tôi nên tham gia bao nhiêu hội chợ? 13. 03. 16 - 8:07 pm

Marc Spiegler - Mở Ngoặc dịch

 

Tại Art Basel 2015. Hình từ trang này

Nghĩ về các gallery nghệ thuật – như các đơn vị đơn lẻ hay như một phân khu của thế giới nghệ thuật – là một việc hằng định của Art Basel. Tổ chức này được thành lập bởi một nhóm các nhà buôn nghệ thuật gốc Basel và vẫn còn rất hứng thú với những người làm gallery. Những người ngồi trong hội đồng tuyển chọn của chúng tôi đóng một vai trò rất quan trọng đối với các hội chợ. Chúng tôi cũng cố gắng giữ các mối quan hệ mật thiết với hơn 500 gallery trên toàn thế giới đã từng tham gia các hội chợ của chúng tôi, và hy vọng sẽ giúp họ đo lường các thách thức hiện tại cũng như định hướng công việc tương lai.

Tôi có một bài nói chuyện tại hội thảo Talking Galleries ở Barcelona vào cuối năm ngoái – một thời điểm chuyển giao hoàn toàn trong thế giới nghệ thuật. Tôi có đặt 10 câu hỏi mà mỗi chủ nhân gallery nên cân nhắc thấu đáo, bởi vì câu trả lời của họ sẽ định nghĩa tương lai họ.

1. Các nhà sưu tập sành sỏi phải chăng đã chết hết?

Các chủ gallery thường xuyên than rằng ngày nay những người tới thăm các gian hàng và gallery biết ít về nghệ thuật hơn so với ngày xưa. Điều gì đã xảy ra? Một mặt, đó có thể chỉ là một dấu hiệu cho thấy thế giới nghệ thuật đã phát triển nhanh đến thế nào, và điều này có nghĩa là xuất hiện rất nhiều các nhà sưu tập mới, hầu hết không từ các gia đình có truyền thống sưu tập nghệ thuật. Thêm nữa, ngay các nhà sưu tập có kinh nghiệm nhất ngày nay dường như cũng có ít thời gian cho nghệ thuật hơn những người đi trước. Như tác giả Chrystia Freeland có viết trong bài The Rise of the New Global Elite năm 2011 trên tờ Atlantic: “Năm 1916, giới siêu giàu 1% của Mỹ chỉ có 1/5 trong số thu nhập của họ đến từ công việc được trả lương; năm 2014, con số này tăng gần gấp ba: 60%”.

Ảnh từ trang này 

Giới siêu giàu không còn đại diện cho giới giải trí nữa, ít nhất không như nhà kinh tế xã hội học Mỹ Thorstein Veblen từng định nghĩa. Những người mua nghệ thuật mới tại các hội chợ của chúng tôi thường là chủ các quĩ đầu tư hoặc là những tay mới khởi nghiệp, họ có thể siêu giàu nhưng cũng siêu bận. Dù rất quan tâm đến nghệ thuật, họ cũng hiếm khi dành các ngày thứ Bảy để tới các phòng tranh. Thay vào đó, nhiều nguời trong số họ sử dụng các nhà môi giới để tìm kiếm. Chính vì vậy, đội ngũ các nhà tư vấn nghệ thuật đang nở phồng nhanh chóng. Nhiều người trong số họ cũng mua kha khá tại các phiên đấu giá, qui trình tại đây nhanh hơn và cho họ cảm giác minh bạch hơn, kể có tình trạng “tay trong” đi chăng nữa. Sự phát triển sâu sắc về “dân số” trong giới giàu có giải thích vì sao các hội chợ nghệ thuật lại lớn mạnh lên đến như thế: bởi vì nó mang lại cho các nhà sưu tập eo hẹp thời gian một cái nhìn bao quát về một thị trường toàn cầu hơn bao giờ hết.

Julio Le Parc, Continuel Mobile — Sphère rouge, 2001-2013, một tác phẩm chỉ có 2 bản, bày tại hội chợ. Ảnh của Bugada & Cargnel 

Tất cả những điều này có nghĩa là các chủ gallery cần nghĩ lại điều gì đang diễn ra khi một nhà sưu tập tiềm năng đặt chân đến phòng tranh của họ. Để là một chủ gallery thành công trong 20 năm tới, bạn nên vứt cái cách cũ đi – cái cách chơi dựa trên phân tầng xã hội. Để họ đứng ở bàn tiếp tân mà không mỉm được nụ cười với họ là không xong rồi; cũng thế nếu nói với họ rằng bộ sưu tập của họ không xứng với các nghệ sĩ của bạn. Họ sẽ tìm chỗ khác, và nghệ sĩ của bạn sẽ phải lãnh đủ.

2. Tôi nên tham gia bao nhiêu hội chợ?

Một trong những thời điểm vui thú trong nghề của tôi là đi thăm những gallery mới toanh, những gallery chưa từng tham gia hội chợ của chúng tôi (hoặc thậm chí sợ cả việc đăng ký), xong nói với họ rằng họ đã sẵn sàng rồi đấy chứ và quan sát họ bước vào cuộc. Làm việc một cách đúng đắn với những gallery mới này rất quan trọng, bởi vì tất cả bọn họ đều thường xuyên trong tình trạng “nguy hiểm”. Một trong những khó khăn nhất của họ là liên quan tới chiến lược hội chợ. Ngay khi họ có được một chút uy tín, các giám đốc hội chợ bắt đầu tuyển chọn họ, đó là điều rất khó cưỡng lại, nhưng nó làm đảo lộn ghê gớm về kế hoạch thời gian lẫn tiền bạc của họ.

Các gian triển lãm tại Art Basel. Ảnh từ trang này

Trong thâm tâm, nhiều gallery mới biết rằng họ đang tham gia quá nhiều hội chợ. Nhưng họ sợ (mà đúng thế) rằng nếu không tham gia đủ các hội chợ, các nghệ sĩ hay nhất của họ sẽ nhảy sang các gallery lớn hơn, những nơi cho các nghệ sĩ ấy cơ hội vươn ra toàn cầu. Hiện tượng này buộc chúng tôi phải nghĩ lại hoàn toàn việc Art Basel sẽ phải thu xếp thế nào với những họa sĩ đang nổi, tại các hội chợ của mình. Trước kia chúng tôi vẫn xem các nghệ sĩ đã từng triển lãm ở các hội chợ khác là không còn “tươi” nữa. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng các gallery mới đã hết nguồn các nghệ sĩ tốt để mà đăng ký, nên họ không tham gia nữa, và rồi họ mất thêm nghệ sĩ. Do vậy chúng tôi xé bỏ một số qui tắc và bắt đầu lại. Giờ, chúng tôi tập trung vào việc các tác phẩm có “tươi mới” không hơn là cái tên của nghệ sĩ.

Sự gia tăng các hội chợ mới tạo nên các khó xử sau. Nếu đã có một gallery lớn, anh thường có một đội ngũ ngon lành và không ngừng tham gia hội chợ. Nhưng nếu chỉ là một gallery trung bình, anh sẽ phải lựa chọn thế nào? Nói chuỵện với các chủ gallery, bạn mới thấy họ tiến hành một cách có chiến lược hơn: thí dụ như làm các gian trưng bày solo, bởi như thế chỉ cần một nghệ sĩ tham gia thôi, và các gian triển lãm như thế mang lại hiệu quả lớn hơn cho cả nghệ sĩ và gallery. Một số gallery khác thử tham gia tất cả các hội chợ quốc tế lớn như Frieze, Fiac và Art Basel, nhưng khi tham gia các hội chợ vùng thì mọi thứ trở nên khắc nghiệt hơn. Xưa thì thường bảo, cứ nên tham gia một hội chợ liên tục 3 năm để xem thế nào; ngày nay, nếu đi một hội chợ mà không có kết quả ngay, các gallery sẽ dừng lại không do dự.

 

Tại hội chợ Art Basel 2015. Ảnh từ trang này

3. Sự tiến nhanh của thế giới nghệ thuật phải chăng là một thứ nghiện tai hại?

Chúng ta không biết phải trả lời thế nào, bởi thế giới, và thế giới nghệ thuật chưa bao giờ tiến nhanh như thế. Rõ ràng là ngày trước, thường mục tiêu của hầu hết những nghệ sĩ thành công là được làm một triển lãm tổng kết ở MoMA vào tuổi 50, nhưng ngày nay, nhiều nghệ sĩ lại tập trung vào một kiểu cách tạo dựng sự nghiệp như kiểu một cầu thủ hay siêu mẫu. Nhiều tay súng trẻ tuy kiếm bộn tiền trong thị trường của riêng mình, nhưng chẳng tin gì thế giới nghệ thuật sẽ ủng hộ mình tiến đến cái triển lãm ở MoMA ấy. Hãy nhìn vào lịch sử thị trường nghệ thuật thăng tiến nhanh chóng rồi biến mất vội vã, ta khó có thể hiếu sai logic của nó. Bằng thứ chủ nghĩa cơ hội đó, các nghệ sĩ này thường phá hủy thị trường riêng của họ.

Mới 20 năm trước, việc bạn có thể đấu giá một tác phẩm dưới 10 năm đuợc xem như rất cách mạng. Ngày nay, theo ngiên cứu của mạng Artnet, có 3100 các tác phẩm được bán tại các nhà đấu giá năm 2012, tức cách đây có 3 năm thôi. Hai năm sau , năm 2104, con số này tăng tới 9800, tức gấp chừng 3 lần; các tác phẩm “còn tươi sơn”!

Xem tranh tại Art Basel. Hình từ trang này

Một trong những hậu quả nguy hiểm (cả chán nản) của sự tăng vọt này đã đuợc Jerry Saltz chỉ ra khá rõ trong bài Zombies trên tường: Sao mà nhiều tranh trừu tượng mới trông giống nhau thế không biết? (Zombies on the Walls: Why Does So Much New Abstraction Look the Same?) . Jerry nhằm tới một số nghệ sĩ trẻ nghĩ ra đủ cách để làm ra một cái gì đó hình chữ nhật , rồi treo lên tuờng, trông cũng giống tranh. Cái vật ấy có thể đã được đốt, được phơi nắng, được kéo lê trên phố hoặc được xử lý hóa chất, nhưng vấn đề là, cuối cùng, nó thành một bức trừu tuợng vuông vuông bán với giá khá cao. Cảm giác đây không phải một trường phái, mà có tính hàng hóa thì đúng hơn. Một năm sau bài báo của Jerry, nhiều họa sĩ mà ông nêu tên đã thấy thị trường của họ bốc hơi.

Kueng Caputo, “Never Too Much Bench 9”, 2013, Một tác phẩm có mặt tại Art Basel 2014. Ảnh từ trang này

Nhiều người đã mua tranh của các họa sĩ này theo lối đầu tư. Nhưng nghệ thuật mới nổi không phải là một sự đầu tư tốt xét trên quan điểm tài chính, bởi vì khi phải thanh khoản thì tính thanh khoản của nó rất thấp. Có những họa sĩ mà tác phẩm của họ đơn giản là bạn không thể bán được vào lúc này. Nhưng thực sự nhé, trong lúc đầu tư một cách hoài nghi như thế, bạn có được bao nhiêu cảm mến với những người hiện bán đắt như tôm tươi? Trong đám nghệ sĩ bán rất tốt hôm nay, thì khoảng 80% sau 20 năm nữa về cơ bản là không bán nổi. Bởi vì sưu tập nghệ thuật đuơng đại là gắn bó với một lối tư duy. Nguời ta chỉ nên mua thứ nghệ thuật mà họ tin đó là nghệ thuật.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả