Nghệ sĩ thế giới

Giải Prudential Eye 2016: ba nhân vật của hạng mục Sắp đặt 25. 03. 16 - 12:58 pm

Hữu Khoa dịch

Giải Prudential Eye như trong bài trước đã giới thiệu, được chia ra làm nhiều hạng mục. Mỗi hạng mục sẽ có ba nghệ sĩ tiêu biểu được chọn ra. Rồi chấm thêm lần nữa, ra người thắng chung cuộc, nhận danh hiệu “Nghệ sĩ mới nổi của năm”. Năm nay, 2016, nghệ sĩ Campuchia Svay Sareth là người thắng chung cuộc.

Tuy nhiên, nghệ sĩ của các hạng mục khác cũng rất lý thú. Xin điểm qua từng hạng mục với những người được chọn. Đầu tiên là hạng mục Sắp đặt, với:

1. Huang Po-Chih

Sinh năm 1980, Đài Loan

Huang Po-Chih thực hành nghệ thuật dưới đa dạng hình thức, nhưng chủ đề là tập trung vào… sản xuất, nông nghiệp, sản phẩm, tiêu thụ; từ đây nghệ sĩ đưa ra cái nhìn có tính phê phán về kinh tế-xã hội.

“Production line made in China & made in Taiwan”, 2014-2015. Chất liệu hỗn hợp. áo sơ mi, gỗ, chữ. Ảnh: Huang Po-Chih

Những tác phẩm của Huang Po-Chih là như một bức phông nền vĩ mô, trên đó diễn ra giao dịch và thương mại. Tác phẩm của Huang khảo sát sự giao thoa của những cấu trúc công kỹ nghệ phức tạp, lan xuống tận những cá thể tham gia vào cấu trúc này.

“Lemon trees pop up bar at the whitworth”, 2015. Chất liệu hỗn hợp, cây chanh, chữ, gỗ, rượu chanh. Ảnh: Huang Po-Chih

Phức tạp vậy nên Huang Po-Chih đóng nhiều vai trong mỗi dự án nghệ thuật của anh. Trong vai trò người làm tư liệu, anh nghiên cứu và ghi lại những di sản của gia đình, những câu chuyện của tổ tiên họ ngoại và các thành viên trong đại gia đình. Trong vai trò người sản xuất, anh khai phá đất cằn để trồng chanh. Trong vài trò doanh nhân, anh thảo và xử lý các đề xuất. Trong vai trò nghệ sĩ, anh vận dụng hệ thống cũng như nguồn lực của thế giới nghệ thuật. Các sự án của Huang Po-Chih không đơn giản là những vật thể cho chúng ta quan sát, mà bản thân chúng đã mang một ý nghĩa xã hội nghiêm túc, bền vững.

“Lemon tree – Manila research”, 2014. Chanh, cây chanh, rượu chanh, gỗ, các chất liệu khác. Ảnh: Huang Po-Chih

 

“Lemon tree – Manila research”, 2014. Chanh, cây chanh, rượu chanh, gỗ, các chất liệu khác. Ảnh: Huang Po-Chih

2. Aditya Novali

Sinh năm 1978, Indonesia

Aditya Novali sinh năm 1978 ở Solo, Trung Java. Từ 1997 đến 2002, anh học kiến trúc tại Đại học Parahyangan ở Bandung. Rõ ràng kiến trúc đã ảnh hưởng đến tác phẩm của anh, khiến chúng có cấu trúc hơn, chú ý về hình thức hơn. Về sau, Aditya Novali học thêm về thiết kế ý niệm (conceptual design) tại Viện Thiết kế Eindhoven, Hà Lan. Trong những năm gần đây, anh làm tác phẩm xoay quanh nhiều khái niệm khác nhau, về biên giới, bản sắc, và dân tộc. Gần đây hơn, Aditya Novali quay về với đam mê ban đầu của anh là vẽ ký họa và toán. Anh kết hợp cảm xúc với tính toán, lưu trữ với tưởng tượng trong nhiều tác phẩm và bối cảnh khác nhau.

“Painting sense” 2014. Vải, gỗ, cọ, thép, đá, chì, nam châm. Ảnh: Aditya Novali

 

“Conversation unknown” 2015. Mực trên pexiglass, gỗ, thanh kẽm. Ảnh: Aditya Novali

 

“The Wall: Asian (Un)real estate project” 2011-2013. Gỗ, nhựa, kẽm, vải, đèn led, những ống tam giác rỗng xoay được. 350 x 180 x 30cm. Ảnh: Aditya Novali

3. indieguerillas

Gồm hai vợ chồng Dyatmiko Lancur Bawono (sinh năm 1975) và Santi Ariestyowanti , sinh năm 1977, Indonesia

indieguerillas thành lập năm 1999, thoạt đầu là một công ty thiết kế đồ họa. Triết lý của họ là “luôn luôn như phiến quân để tìm những lối mới”. Triết lý này đã đưa họ trở thành những “nghệ sĩ toàn phần” vào 2007. Tuy nhiên, việc thiết kế vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với họ. Nền tảng thiết kế cho phép họ khai thác những chất liệu và kỹ thuật lạ, không giống ai trong thực hành nghệ thuật.

“Taman Budaya: Galeri Nginjen” 2015. Sắt, vải, cao su, đèn, gỗ. 265 x 230 x 280cm. Ảnh: Artjog

Những sân khấu rối, đặc biệt là những hình nhân trong rối bóng của đảo Java, đi kèm với những thương hiệu hàng hóa phổ thông, là những yếu tố chính của indieguerillas, phản ánh một nội tâm phức tạp của người Indonesian, trong đó có cả hai vợ chồng nghệ sĩ. Họ là những người tuyên bố mình tự hào và sung sướng bị chủ nghĩa tiêu thụ toàn cầu thuộc địa hóa, bị cắt đứt khỏi gốc rễ văn hóa và truyền thống, indieguerillas thường gọi mình là “những nạn nhân hạnh phúc”.

“Taman Budaya: No bed rest for the wicked”. 2015. Sắt, vải, cao su, đèn, gỗ. kính, điện. 250 x 100 x 250cm. Ảnh: Artjog

 

“Taman Budaya: Goyang Cukur”. Sắt, vải, cao su, đèn, gỗ. kính, điện, bóng huỳnh quang, in kỹ thuật số trên thép không gỉ. 215. 233 x 85 x 264cm. Ảnh: Artjog

 

“Taman Budaya: Face off face dinner”

*

Nguồn: Từ Prudential Eye Awards 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả