Trong mối quan hệ giữa kiến trúc với con người, kích thước lớn nhỏ cho con người cảm giác rõ rệt nhất. Kiến trúc sư không ngừng sử dụng mối quan hệ này nhằm chủ động tạo nên phản ứng của mọi người đối với công trình của họ. Với một cái cổng có tính chất khuất mờ hay dễ chịu, hoặc oai nghiêm, hoặc kiêu hãnh, kích thước to nhỏ là nhân tố chủ yếu quyết định hiệu quả này, bởi chính cơ thể chúng ta sẽ đi qua cái cổng đó.
Phối cảnh chiếc cổng rộng 25m ở đang xây ở Abu Dhabi với tham vọng là chiếc cổng lớn nhất thế giới. Hình từ trang này
Nếu không nắm vững vấn đề này, đương nhiên có thể sẽ gây ra hậu quả ngoài dự kiến. F. L. Wright là một người lão luyện về khống chế kích thước. Để người ta càng cảm thấy quí giá một không gian rộng, ông rất thích bắt mọi người trước tiên phải đi qua một không gian nhỏ hẹp hơn rồi mới vào đến không gian lớn. Ông đã nói rằng:
“Nếu nói về một công trình kiến trúc khổng lồ, nhà thờ lớn Thánh Peter thực sự làm người ta thất vọng, cho đến khi mắt quan sát được một bóng người hoặc một công trình kiến trúc khác để (làm mốc) so sánh, mới phát hiện ra nó quả là rất lớn. Lỗi của Michelangelo là đã phóng to tất cả các chi tiết kiến trúc của công trình, khiến tính chất cao quí, hùng vĩ đáng ra phải có của công trình vì thế đã mất đi. Đáng lẽ ra, một khối tích khổng lồ cần phải có những chi tiết mang kích thước phù hợp với cơ thể con người (như một thủ pháp để làm nổi bật sự khổng lồ của công trình)…”
Đại giáo đường thánh Peter ở Vatican. Hình từ trang này
Thế rồi, một khi chúng ta đã hiểu ra kích thước của Đại giáo đường Thánh Peter, nó liền ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta, có thể đó chính là điều Michelangelo mong muốn. Dưới đây, lại dẫn thêm lời của Ruskin, một người không thích gì lắm công trình này:
“Ban đầu,bạn có thể sẽ, hoặc sẽ phải thấy thất vọng, sau đó mới cảm nhận được sự to lớn và huy hoàng của nó. Cái bạn thấy được là nó bất quá bằng Đại Sảnh suối khoáng của Learmington được phóng to. Nhưng cái sự ‘to’ đấy rốt cục đã lên tiếng. Đó là đầu cột kiểu Corinth cao đến 10 feet, trang sức lá đuôi chồn phía trên cũng đã cao 3,5 feet, làm cho bạn tin tưởng Giáo hoàng luôn luôn đúng. Những người Corinth đáng thương ngày ấy mới dễ mắc sai lầm làm sao, họ sáng tạo ra thức cột này, nhưng lại chỉ cho đầu cột đa phần chẳng lớn hơn cái giỏ xách tay.”
Bên trong Đại giáo đường St. Peter’s Basilica ở Vatican City. Hình từ trang này
Nhưng đối với phần lớn mọi người, nhà thờ lớn Thánh Peter không chỉ ám chỉ rằng Giáo hoàng luôn luôn đúng, nó còn gợi đến tiềm lực vĩ đại của con người. F.L. Wright đã mô tả hiện tượng mà con người rất có thể sẽ gặp phải, đó là khi quan sát công trình kiến trúc từ xa, chẳng hạn như ngang qua sông Tiber hoặc từ đỉnh núi Janiculum ngắm nhìn thành phố, và thiếu đối tượng hỗ trợ để phán đoán về kích thước của công trình; nhưng khi chúng ta lại gần nhà thờ lớn Thánh Peter, xung quanh thể nào cũng có những vật quen thuộc để so sánh, nên hiện tượng này sẽ mất đi. Trừ phi xem ảnh, còn một khi lại gần công trình kiến trúc, chúng ta ý thức được rất rõ kích thước của bản thân mình.
Con người rất kì lạ, luôn nghĩ rằng một nhân tố kiến trúc hay một công trình kiến trúc lí tưởng phải có một kích thước “mang tính người”. Nhưng nhà thờ lớn Thánh Peter và rất nhiều các công trình cực lớn khác với sự vĩ đại, đẹp đẽ có được từ tầm vóc của chúng, đã đập tan ý nghĩ lạ lùng này. Kiến trúc được đìều chỉnh theo sự To-Nhỏ của con người cố nhiên là tốt, nhưng việc giới hạn kích thước – chẳng hạn như một cái cổng thì chỉ cần đủ để đi ra đi vào là được – có thể coi là một sự làm tổn thương đến ngôn ngữ biểu đạt của kiến trúc sư. Thực ra, trong thế giới kiến trúc, điều thực sự làm cho con người cảm thấy vui vẻ là những thứ khá cực đoan nếu so với (tiêu chuẩn) con người. Hiệp sĩ Herbert Read trong cuốn “Icon and Idea” nói rằng:
“Nghệ thuật Gothic vĩ đại ở chỗ nó mang tính siêu nhân tính (superhumanity), vận dụng một cách tự do các nhân tố trừu tượng… Mục đích duy nhất: ‘kết hợp cá nhân với vũ trụ’… Mục đích này, không hề thiếu tính nhân bản, ngược lại, nó giải phóng tiềm lực của con người vốn bị ức chế bởi tầm nhìn hẹp, mang tính cá nhân.”
Westminster Abbey, London – một công trình theo kiến trúc Gothic. Hình từ trang này
Giữa kích thước to nhỏ của kiến trúc và kích thước con người còn có một mối quan hệ khác: bất kể công trình kiến trúc được xây dựng như thế nào, sắp xếp ra sao, đối với cơ thể yếu ớt của con người mà nói, toàn bộ lượng công trình tiềm ẩn một mối đe dọa. Một công trình tốt có lợi cho ta về mặt sức khỏe là chốn an toàn, là nơi che chở bảo vệ chúng ta. Nếu không như vậy, nó có thể lấy đi mạng sống của chủ nhà. Kiến trúc là một nghệ thuật mà ta gửi gắm sinh mạng của bản thân; hành động này làm sản sinh một loại cảm giác đặc biệt: sự run rẩy đến từ nỗi sợ hãi, đi cùng với sự tôn kính tự nguyện phục tùng.
Lý do thứ ba khiến kích thước của kiến trúc mang lại cho con người ấn tượng sâu sắc là: một mặt là trọng lực, một mặt là sức mạnh của con người – công trình kiến trúc vĩ đại cần đến một sức mạnh vĩ đại. Cho dù không hiểu rõ kề kĩ thuật xây dựng thời xưa, chúng ta cũng biết rằng, hoàn toàn không dễ dàng gì để có thể chất xếp các khối đá xây nên đài quan trắc giữa rừng Yucatán, hay đỉnh tròn của nhà thờ Thánh trí tuệ, hay vận chuyển được tấm bia nhọn khổng lồ từ Heliopolis về Roma rồi lại dựng nó lên. Con người xưa và nay luôn dành cho các công trình vĩ đại một sự tôn kính, trong đó có sự tôn kính đối với lòng quyết tâm và sự cố gắng của những người tạo ra công trình đó. Niềm tôn kính ấy không vì công cụ lao động phát triển chín muồi mà giảm bớt. Cho dù ngày nay xây dựng không cần quá nhiều nhân lực trực tiếp như xưa, nhưng việc tạo ra các thiết bị hay công cụ khéo léo và mạnh mẽ thay thế sức con người cũng hàm chứa sức mạnh trí tuệ lớn lao trong đó, hơn nữa thiết bị luôn cần tới năng lượng – cũng là một thứ mà con người ý thức được sự quý giá của nó, và việc tiêu hao năng lượng để xây dựng công trình cũng nói lên lòng quyết tâm và sự cố gắng.
Kim tự tháp của người Maya trên đảo Yucatán cũng chính là những đài quan trắc Ảnh của sonriseuy
Lượng trong một công trình kiến trúc không chỉ đơn giản nằm ở kích thước chiều cao hay mức độ to lớn của hệ kết cấu công trình, mà cũng có thể là một quần thể rộng lớn các nhân tố nhỏ hơn. Một căn phòng lớn với hàng nghìn cột trụ có thể khiến người ta phải kính sợ bằng cùng một lí do và phương thức của một ngọn tháp khổng lồ. Nhưng sự lặp đi lặp lại (mặc dù con người không được công bằng cho lắm khi gọi nó là vô vị) càng là công cụ quan trọng của kiến trúc sư: ngay cả những hình thức giản đơn nhất, nếu tần số xuất hiện đủ mức, cũng có thể gây ra hiệu quả mạnh mẽ.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải nhìn rõ một điều, mặc dù bản thân To và Nhỏ có thể có sức mạnh cực lớn, nhưng nếu chỉ có To và Nhỏ là chưa đủ để dành được sự tán thưởng của con người đối với công trình kiến trúc. Một công trình kiến trúc nhỏ bé cũng có thể là rất lí tưởng, chẳng hạn công trình thời phục hưng Pazzi Chapel của Brunelleschi và một công trình khác còn nhỏ hơn là Tempietto của Bramante.
Ngược lại, hai tòa nhà chọc trời của Trung tâm thương mại quốc tế ở New York (World Trade Center của Minoru Yamasaki) mặc dù rất to lớn, nhưng khó có thể nói đó là công trình để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người. Một phần nguyên nhân có lẽ là vì những chi tiết kiến trúc đẹp đẽ khéo léo một cách tầm thường đã được sử dụng không đúng chỗ đã áp đảo sức mạnh vốn có của một khối tích khổng lồ. Kiến trúc sư muốn che đậy sự khổng lồ của hai tòa nhà, kết quả chúng là sự vĩ đại của con voi bị kết hợp với sự khéo léo của những chiếc váy ballet. Đúng như Ada Louise Huxtable đã viết trên tờ New York Time, chúng tạo thành (đáp án của) một câu đố: công trình kiến trúc khổng lồ tinh xảo nhất thế giới là gì.
World Trade Center của Minoru Yamasaki. Hình từ trang này
Ngược lại, một công trình vốn không lớn lại muốn làm ra vẻ rất lớn, tương tự cũng làm cho con người phát hiện ra sai sót về mặt mỹ học. Sự giả tạo này, nhiều lúc rất nực cười, có lúc lại rất thảm hại. Năm 1946, bị hạn chế về điều kiện kinh tế, đặc biệt là khi thiết kế nhà ở, các qui tắc kiến trúc vốn có bị thu nhỏ. Tác giả cuốn “If You Want to Build a House”, Elizabeth B. Mock, đã cảnh cáo mọi người tránh đừng mô phỏng cứng nhắc các tòa nhà lớn. Bà nói: Sự hùng vĩ bị thu nhỏ bèn trở thành hoang đường. Một vị tiểu hoàng đế chẳng bao giờ có khí phách của một bậc đế vương.
Một tòa nhà thương mại cho giới nhà giàu mới đến mua sắm tại đường Apgujung, quận Gangnam, Seoul, Hàn Quốc
Giả sử một công trình kiến trúc có kích thước vừa đủ để con người nắm bắt chính xác, lại vừa có đủ khả năng biểu đạt, đồng thời cũng giả sử rằng Ruskin nhận định chỉ lợi dụng trọng lượng để tạo ra ấn tượng là một cách làm “ngu ngốc”, thì sự thật vẫn tồn tại rằng, kích thước to nhỏ của công trình có thể mang lại ấn tượng sâu sắc. Khi liên hệ giữa kích thước của trái đất với kích thước công trình, giữa con người với sức lực phải bỏ ra để xây dựng nên công trình, có thể phát hiện ra rằng chỉ cần To và Nhỏ cũng có thể mang đến cho chúng ta những niềm vui kiến trúc. Trong một sự To hay Nhỏ bất kì, số lượng hình dạng có thể sử dụng là vô hạn. Nhưng thiết kế những hình dạng này, xét từ phản ứng của chúng ta với kiến trúc, lại càng tỉ mỉ hơn, phức tạp hơn.