Đi & Ở

Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc 09. 04. 16 - 8:37 am

Đặng Thái

(Tiếp theo cái hôm rong ruổi lên Móng Cái)

Cổng nhà người ta.

Ăn sáng

Người Việt mình đi nước ngoài thường thương nhớ quê nhà nhất ở cái khâu ăn sáng. Thôi thì trăm nghìn thức quà khác nhau cho buổi sớm mà món gì cũng ngon, mua đâu cũng tiện. Mỗi vùng miền lại có những món sáng khác nhau hoặc cùng một món, nhưng cách chế biến thì đa dạng khôn lường. Khi đi du lịch dài ngày thì mỗi bữa ăn sáng đều góp phần quyết định rất lớn đến cả hành trình trong ngày. Thế nên sáng hôm ấy, mình quyết phải đi ăn cháo thập cẩm đặc sản Móng Cái.

Nghe đâu ở Móng Cái giờ chỉ còn hai nhà nấu cháo nhưng nhà nổi tiếng nhất vẫn là nhà ở sau chợ Trung tâm, chỗ góc đường. Ông bà chủ quán này là Hoa kiều nên nấu đúng kiểu cháo Hoa, nghĩa là rất loãng. Ngon nhất là nước cháo có sá sùng, tôm nhỏ (nguyên vỏ nguyên râu), và nghêu ngọt lừ. Trong cháo lại có ít lòng non, gan với rau cải nên rất dễ ăn. Ông nào tối hôm trước say rượu thì sáng hôm sau cứ gọi là húp lấy húp để. Nhưng lâu rồi không đi nên không nhớ đường, mà từ đợt chuẩn bị lên thành phố, chính quyền đã cho làm lại vỉa hè, đặt tên hết các đường phố ở khu trung tâm, mà hình như chẳng ai dùng nên cứ đi loanh quanh mãi để hỏi và tìm. Cuối cùng đến nơi thì… quán đóng cửa, Tết ra chưa mở hàng! Thế là đành ỉu xìu kéo nhau đi. Bên kia đường chỗ Trần Quốc Toản có hàng bún cù kỳ cũng được coi là đặc sản, nhưng thấy chị em bắt đầu uể oải vì phải đi bộ lòng vòng nên quyết định ăn… bún cá Hải Phòng. Người ngồi kín trong quán, nên đoàn nhà mình phải ra vỉa hè. Ông anh mấy chục năm kinh doanh ở mặt phố Hà Nội đã ngay lập tức chỉ ra điểm lãng phí của thành phố này. Vỉa hè gì mà rộng kinh người, phố nào cũng hơn năm mét mỗi bên, đường thì chỉ có hai làn, rồi chép miệng xót xa, giá mà ở Hà Nội thì… Rau sống thái chỉ, kèm thêm bát nước chấm chua cay ăn cũng rất ngon, mình ăn hết bát bún còn ngồi ăn nốt cả đĩa rau.

Ăn sáng xong thì ngồi cà phê, lại là một cái thú vui tao nhã và xa xỉ của nước mình. Mấy ông ngồi cười phớ lớ với nhau: “Khổ thân thằng em tớ bên Đức, sáng ra làm gì kịp ăn sáng, mà bảy giờ thì làm gì có hàng ăn nào mở cửa, rét run cầm cập, tay cầm cái bánh kẹp với cốc cà phê đem lên tàu đi làm thôi”. Móng Cái có lẽ là đô thị thịnh vượng nhất trong cả vùng biên giới phía Bắc thế mà lúc này đã gần tám giờ, đường phố vẫn vắng hoe, thưa thớt người đi lại. Không phải tại ở đây người ta chở hàng ban đêm, ban ngày đi làm muộn mà bởi vì đang là đầu năm mới, còn chưa qua rằm. Người Móng Cái hầu hết kinh doanh buôn bán, cả năm quần quật làm ăn rồi, đầu năm phải tranh thủ đi chơi, nhất là đi lễ. Nhiều người đi lễ xa, mãi trong Thanh Hóa, Nghệ An hay lên tận Lào Cai, Yên Bái, tranh thủ đi vay Bà Chúa Kho ít vốn hay xin ấn đền Trần, xin lương đền Trần Thương. Vì vậy cứ phải hết tháng Giêng thì Móng Cái mới sôi động trở lại. Vậy cũng có cái hay của nó, là hôm nay được ngồi uống cà phê đến gần chín giờ mà không một tiếng còi xe. Mấy ngày này ai cũng tính theo lịch âm, chỉ nghĩ hôm nay là ngày mùng Mười âm, đến lúc kéo Facebook, cứ thấy người ta đổi ảnh đại diện hoa sim tím mới giật mình nhớ ra: “Chết cha! Hôm nay ngày 17-2. Nhà ta đi Trung Quốc!”.

Sang bên kia biên giới, tìm đỏ mắt cũng không thể thấy được hai món đặc sản quê nhà là hai tấm băng rôn thả hai bên cửa khẩu cùng bức tranh to đùng ở bên phải tấm ảnh. Thay vào đó chỉ thấy khắp nơi là quảng cáo của một vùng kinh tế biên mậu.

Sang Đông Hưng

Đến cửa khẩu thì mới biết là chỉ có mình để ý ngày 17-2 còn lại nhân dân cần lao thì không ai quan tâm cả. Hàng hóa đang ùn ùn kéo về, người mua bán, đổi tiền xôn xao cả một góc. Đúng là dịch vụ đểu, tưởng làm giấy thông hành thế là đã xong, hóa ra còn phải dán mã vạch ở cửa khẩu. Mất thêm 30.000 là một chuyện, mà xếp hàng đợi dán được mã vạch mới là vấn đề. Đống giấy thông hành chất cao như núi mà có mỗi hai anh bộ đội biên phòng vừa gõ máy, in mã vạch vừa thu tiền. Chưa kể thỉnh thoảng lại có một hai sổ chen ngang, “anh X. ơi, giúp em một tí nhé”, đứng chồn hết cả chân.

Giấy thông hành nhập xuất cảnh trông rất lịch sự nhưng rẻ bằng có một phần tư hộ chiếu nên chữ với quốc huy chỉ như lớp bạc phủ trên thẻ điện thoại, cạo cạo tí là bong sạch. Ra cửa khẩu thấy mấy bà hàng bánh mì còn bán kèm luôn cả chồng giấy thông hành mới. Mấy anh khuân vác hàng thì nhét vào túi quần sau cùng với ví tiền, đến lúc móc ra thấy nhàu nát, cong queo hết cả.

Cuối cùng thì cũng đến đoạn xếp hàng đóng dấu để xuất cảnh. Mình hỏi cậu lính biên phòng trẻ măng đương dập dấu như máy khâu là cái giấy này có dùng đi qua cửa khẩu khác ngoài Móng Cái này được không, cậu này đờ người ra như chưa bao giờ được hỏi, quay lại hỏi một cậu khác, cậu khác lại gọi với hỏi một cậu khác nữa, mấy cậu suy nghĩ lung lắm nhưng cuối cùng câu trả lời là: “Hình như chỉ đi được cửa khẩu Móng Cái này thôi”. Lúc sáng chị lễ tân có nói: “Một ông khách đến đây trách là sao chỉ đi được qua Móng Cái còn không qua được Tân Thanh, Lạng Sơn”, chính vì tò mò nên mình mới hỏi. Lúc quay về lại hỏi anh đóng dấu nhập cảnh, lần này rõ ràng hơn: “Giả sử như cửa khẩu Bắc Phong Sinh thì có dùng giấy này được không ạ?”, anh cũng ngập ngừng một lúc rồi bảo được, hỏi tiếp về phạm vi cho phép vào đất Trung Quốc thì anh nói 15km. Về nhà ngồi tra quy định thì chỉ thấy nói chung chung là giấy dùng đi qua các địa phương tiếp giáp biên giới, chẳng có quy định phạm vi hay cửa khẩu nào. Bận quá vẫn chưa hỏi được ai làm bên Xuất nhập cảnh, bác nào có kinh nghiệm đề nghị chia sẻ vì giấy này có hạn sử dụng những một năm, biết đâu sang năm còn dùng được đi Lào Cai.

Hai bờ sông nhìn từ cầu Bắc Luân. Chỗ đứng chụp ảnh chính là vạch chia biên giới. Từ sau chiến tranh, bộ đội biên phòng của ta đã không cho xây dựng dân sự ở sát bờ sông nữa nên bên mình um tùm cỏ lau.

Cầu Bắc Luân II cách đoạn này khoảng 3km đã được tiến hành xây dựng để có thêm đường vận chuyển hàng hóa. Bên Trung Quốc phải làm hơn bốn trăm mét và đã xong còn quân và dân ta chỉ phải làm hơn trăm mét nhưng vẫn chưa xong. Dạo này đang có lắm tin đâm hỏng cầu ở Hải Dương, ở Đồng Nai lại nhớ năm nọ có bão Hải Yến, cầu Bắc Luân cũng từng bị pông-tông trôi bên Tàu sang đập cho mẻ một mảng.

Cái vạch sơn ở giữa cầu nhìn như một vạch vôi ở bất kì sân cầu lông nào nhưng lại là một biểu tượng cho biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của những người mà chúng ta không bao giờ biết đến. Cột mốc ở cửa khẩu Móng Cái là cột mốc lịch sử đầu tiên được cắm trên toàn bộ 1400 cây số biên giới Việt Trung vào năm 2001. Nhưng còn hơn 2000 cột mốc nữa được các lực lượng vũ trang của ta cắm dọc theo biên giới, ở những chỗ rừng rú núi non hiểm trở chẳng ai qua lại. Mười năm đàm phán, mười năm nữa cắm mốc, mình có ông chú làm công an đi biền biệt từng ấy năm, mỗi năm chỉ về mấy lần như lính hải quân ngoài đảo. Đến nỗi ai hỏi thằng con “Bố cháu làm nghề gì?” thì nó chỉ biết trả lời “Bố cháu đi cắm mốc!”.

Hết đàm phán nọ lại đến thương lượng kia, Trung Quốc họ kì kèo, lấn chiếm từng mét đất một trên suốt cả hàng nghìn cây số như thế mới khiến quá trình lâu đến như vậy. Phân định rồi lại đến xây mốc cũng là vấn đề, mỗi cột mốc nặng hàng mấy tấn, chưa kể nguyên vật liệu và phải vận chuyển lên những chỗ đồi núi cheo leo ấy. Cuối cùng thì năm 2009 cũng hoàn thành, ông chú đi nhận huân chương trên Chính phủ về kể: “Lúc bắt tay xong, bác Dũng chỉ cười hỏi: Ô cái chú này sao mà đen thế!”. Bao nhiêu năm lăn lộn, không chỉ ngoài thực địa mà ngay cả trên bàn họp, núi rừng mênh mông nhưng phải đo đúng từng li, hiệp định hàng nghìn trang phải sửa từng chữ, vất vả như thế nên đọc được mấy ông Việt kiều hải ngoại ngồi bên Mỹ lướt nét pháán (phá án) nghĩ cũng uất!

Các khu vực xuất nhập cảnh, kiểm tra hộ chiếu bao giờ cũng cấm chụp ảnh nhưng mà mình nhanh tay chụp được một phát để mọi người cùng thấy bên họ hiện đại, sạch sẽ, đâu ra đấy cả, mấy em công an xuất nhập cảnh đều cắt tóc ngắn hết.

Cô em lơ ngơ giơ điện thoại lên mãi chưa chụp đã bị một anh đứng sau kéo tay xuống: “Cất ngay đi, công an họ ra thu máy bây giờ, đây có phải Việt Nam đâu!”. Lúc sau bà chị đứng đợi để vào quầy đưa giấy thông hành lỡ dẵm lên cái vạch đứng chờ, một chị đội nón đứng đằng sau nói ngay: “Đứng lùi xuống, họ quát cho bây giờ, đây có phải Việt Nam đâu!”. À, ra là dân mình cũng rút được kinh nghiệm thực sự sau nhiều lần ra “nước ngoài”, chứng tỏ là phương pháp giáo dục của Tàu có hiệu quả với dân Ta. Mà đúng là mấy anh Trung Quốc này rất khắt khe cái đoạn đứng sau vạch để đợi đưa hộ chiếu, viết hẳn chữ là phải đứng sau vạch in lên nền nhà, hồi đi Bắc Kinh mình cũng từng bị quát, chắc tại dân Tàu hay chen lấn.

Ra ngoài cửa khẩu đã thấy mấy anh xe ôm chờ sẵn như những chú chim non đợi chim mẹ về, miệng ríu rít mời chào. Con phố đi bộ nửa xe máy sát bờ sông dày đặc các chị ngồi bán hàng rong, cả Ta cả Tàu, hàng hóa chủ yếu là lược sừng, lược và các đồ lưu niệm nhỏ bằng gỗ (“gỗ hương”), bạch hổ hoạt lạc cao và cao sao vàng (hàng nghìn năm vẫn không thay đổi được kích cỡ hộp cao, chưa nói tay mấy ông Liên Xô, mấy ông Tàu là đã vã mồ hôi ra để cạy nắp rồi). Khuất sau một xe đang rán đậu phụ thối, bốc mùi nồng nặc như nước cống là cái cột mốc của nhà Thanh được đóng khung lồng kính.

Sáu chữ lớn là: Đại Thanh Quốc, Khâm Châu Giới. Cột mốc được dựng vào đời Quang Tự. Sau khi Pháp chiếm Bắc Kỳ đã tiến hành phân định biên giới với nhà Thanh. Đất này trước của ta nhưng sau Công ước Pháp – Thanh năm 1887 thì thuộc Tàu. Nghĩa là thực dân Pháp đã để mất vô cùng nhiều đất dọc theo biên giới phía bắc của An Nam vào tay nhà Thanh.

Đông Hưng là một thành phố thương mại hóa cao độ, nghề nghiệp chính của cư dân ở đây là làm các dịch vụ thương mại. Về công nghiệp thì phải đi sâu hơn nữa đến Phòng Thành. Phố xá tấp nập người buôn kẻ bán, xe chở hàng hóa từ container thanh long đến xe máy chở hàng chồng hộp xốp đựng cơm cao ngất ngưởng. Cách đây độ hơn chục năm về trước thì Đông Hưng là một thiên đường mua sắm với dân ta, nhất là đồ điện tử Trung Quốc, hồi mà đầu đĩa vẫn đang thịnh hành, nhà nào cũng phấn đấu có một cái. Quần áo cũng bạt ngàn, các loại áo rét, áo phao của Trung Quốc mẫu mã rất đẹp mà ấm. Những nhà giàu Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội phải lặn lội sang đây mua đồ nội thất kiểu cách về bày biệt thự, thậm chí nhiều người còn đi đường bộ lên mãi Quảng Châu để mua bộ giường tủ, sofa kiểu giả châu Âu giả cổ. Nhớ mãi hồi ấy mỗi nhà còn vác về một thùng mấy chục lon chè đóng hộp vì ăn thấy ngon quá, nó y hệt (ngon hơn) cái loại cháo sen bát bảo bây giờ từ cách gấp cái thìa nhựa trên nắp trở đi (mà tôi đồ rằng trong hai thương hiệu có một bên đạo ý tưởng).

Một trung tâm thương mại lớn ngay cửa khẩu bước ra

Nhưng thời thế thay đổi. Giờ đây trong nước chẳng thiếu thứ gì, quần áo thì thừa mứa, giới trung lưu giờ đã dùng các thương hiệu Tây, đồ Trung Quốc không còn giá trị, lên Móng Cái đã không có nhu cầu mua, sang Đông Hưng lại càng không. Hàng quán bên này bán toàn hoa quả nhiệt đới Việt Nam xuất sang, đi dọc các dãy phố chỉ thấy bán đồ gỗ nội thất, cũng toàn hàng Việt Nam cả, Đồng Kỵ mấy trăm triệu một bộ cũng có. Hàng Trung Quốc duy có xe đạp điện là thấy bán rất nhiều. Vậy là đi loanh quanh nhìn ngắm cho biết vậy thôi chứ Đông Hưng chỉ còn là dĩ vãng, nước mình cũng đã thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc kinh tế gần như hoàn toàn vào phương Bắc những năm về trước, đã tiến về phương Nam để mở lối đi riêng rồi. Đang đi thấy ông anh sà vào một quầy nhỏ ven đường, ngoảnh lại cười: “Làm một bao cho biết mùi Tàu.” Thuốc lá tương đối đắt, loại đắt nhất là Trung Hoa Bài đến những 72 tệ một bao nghĩa là gần hai trăm rưỡi. Ông anh theo sự cố vấn của mình mua Song Hỉ 24 tệ. Vừa rít được một hơi đã lục khục, kêu là nặng quá, thôi để về biếu ông hàng xóm.

Trung Quốc nhìn chung là sạch hơn Việt Nam ta, nhưng Đông Hưng này thì không sạch bằng Móng Cái.

Phố xá người ta xây như thế chứ lại! Có một điều đặc biệt, như cửa hàng bên phải ảnh chẳng hạn, họ cứ dựng những cái cổng chào bằng hoa, trải thảm đỏ giống đám cưới ở mình, nhưng có điều là ngày nào cũng thế.

Đi bộ một lúc là đội quân bắt đầu rệu rã, nói bóng nói gió đến “xực phàn”. Cô em từng đi du học Trung Quốc nhanh nhẩu xung phong tìm hàng mì tươi để ăn cho bõ nhớ nhung ẩm thực Trung Hoa. Mì tươi nghĩa là mì do đầu bếp nhồi bột kéo mì, chứ không phải mua mì khô đóng gói đề nấu. Hàng mì bên đường thì cũng bắt gặp một hai hàng bốc khói nghi ngút, nhưng nhiệm vụ của cấp trên giao phó lại là phải tìm được nhà nào vừa có đầu vào, vừa có đầu ra. Đi đến lúc đói mờ mắt mới gặp một chỗ có bàn ghế trong nhà tử tế, sạch sẽ, sáng sủa nhưng đau nhất là nhà này bán phở và bún bò Huế. Đến lúc đang định bỏ cuộc thì mình quyết định phi vào một nhà có cửa kính nhưng tôi tối. “Ơn giời, mì đây rồi!”. Giao cho cô em gọi mỗi người một loại mì khác nhau vì phần còn lại đều mù chữ. Trong lúc đợi mì thì làm liền mấy lồng hấp chưng giảo. Mấy loại bánh bột mì (dumpling) của Trung Quốc ở Việt Nam hầu như không có tên gọi chính xác, sủi cảo (theo tiếng Quan Thoại là thủy giảo) tức là món thả vào nước, thế nhưng ngoài Bắc thì gọi là vằn thắn hay trong Nam lại là hoành thánh. Còn món hấp thì không biết gọi là gì, há cảo thì phải có tôm, vỏ bột trong, còn đây thì nhân thịt, thôi thì cứ gọi bừa là sủi cảo.

Nặn bánh này trông vậy nhưng khá khó, nhất là làm nhanh. Chính ra chấm xì dầu/nước tương thì ngon nhưng quán lại chỉ có mỗi món sốt bơ lạc truyền thống.

Cuối cùng ông đầu bếp hớn hở bê ra tất cả các bát mì giống nhau như đúc. Cãi nhau một hồi thì cũng đành ăn vậy, bởi mọi người đói lắm rồi. Bát mì có một ít thịt băm và một cọng rau xà lách mềm nhũn cùng nước dùng “trong suốt”. Miền nam Trung Quốc rất hay ăn xà lách thả vào canh còn ở mình chỉ thường ăn sống. Bát mì cũng khá rẻ, chỉ có 8 tệ, cái bát bé xíu mà mì thì nhiều, lại là mì bột mì nên no hơn nhiều mì gạo ở ta. Mấy bố con chú cháu còn làm đôi ba chai bia, vì bố mình cứ đi đâu là phải chăm chăm nghiên cứu ngay mối quan hệ biện chứng giữa ngành công nghiệp rượu bia địa phương và vị trí của ẩm thực địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bia nhạt phèo phèo nhưng cũng hết veo mấy lồng sủi cảo hấp. Cơm no rượu say thì chỉ nghĩ đến quay về cố quốc. Nghĩ cũng tiếc mấy trăm nghìn làm cái giấy thông hành, định đi xem nốt cái phố xây giả cổ kiểu Tây, tìm hỏi mãi thì có một cô Hoa kiều nói tiếng Việt khá tốt, bảo chỗ ấy ở xa lắm, phải bắt xe buýt đi. Thế là quyết tâm cửa khẩu thẳng tiến.

Trên đường về

Tình cờ đi ngang qua trụ sở Công an thành phố. Trên thế giới có mỗi hai nước có Công an, nên phong tục chắc cũng giống nhau, cả thành phố duy có chỗ này là thấy treo mấy khẩu hiệu, đại loại là “(tá…) tận (lư…) tâm” và “v(u)ì dân”.

Đi qua đồn Công an một đoạn thì gặp một dãy phố toàn những cửa hiệu san sát, nhìn biển hiệu và những hình quảng cáo có người mẫu uốn éo thì biết đấy là karaoke. Nhưng ngay giữa phố lại có cái biển bằng ba thứ tiếng. Tiếng Việt và tiếng Trung ghi rõ: “Phố phong tình Việt Nam”, nhưng đểu nhất là tiếng Anh: “Vietnamese Style Street”. Mình chỉ hơi băn khoăn là sao chỗ này lại được ngang nhiên làm vậy, hay là ở đây xin được cơ chế đặc biệt để hút khách từ bên kia biên giới. Đi qua thôi chứ cũng không buồn chụp ảnh lại, lúc sau thấy biển chỉ đường ghi rẽ trái là “Phố phong tình ASEAN” mới thực sự là sốc. Đến cửa khẩu thì thấy mấy chị em Việt Nam ăn mặc sành điệu vừa xuất cảnh, tay xách mấy thùng miến Phú Hương lên xe, có vẻ đi vào sâu trong nội địa. Lại chép miệng không biết có công tác ở cái phố kiểu vừa nãy không.

Cửa hàng miễn thuế ở phía Trung Quốc sạch đẹp khang trang như cửa khẩu của họ. Ngoài đồng hồ, nước hoa, có bán cả nhưng chai rượu vang năm bảy nghìn tệ. Thế nhưng đến lúc nhìn thấy cửa hàng miễn thuế dột nát, tối om, vắng tanh phía Việt Nam vẫn cứ có cảm giác gì đấy khang khác. Bước qua cửa khẩu mà mình mới rời đi có mấy tiếng trước nhưng vẫn thấy sung sướng vì về đến “nhà”. Phần nào giống như cảm giác máy bay vừa hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất vậy.

Trước khi lên xe về, đoàn còn rẽ qua đền Xã Tắc, xây sát bờ sông, phía sau biển “Vành đai biên giới” mấy trăm mét. Đền vẫn đang xây dở nhưng quy mô khá lớn, là điểm du lịch tâm lịch cuối cùng kết thúc một chuỗi dài đền chùa theo dọc tỉnh Quảng Ninh. Các đền chùa ở Quảng Ninh giờ đều xây theo lối mới, nghĩa là từ những cây cột chống cao hàng năm bảy mét nhập từ Nam Mỹ đến hàng cửa bức bàn gỗ lim Lào đều không sơn hay đánh véc-ni, cứ để mộc. Thế cũng có cái hay của nó, mỗi tội nhìn tòa ngang dãy dọc vẫn cứ thấy xót xa cho hành tinh xanh!

Gian trước và gian sau của đền.

 

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

15:05 Wednesday,13.4.2016 Đăng bởi:  dilettant

@ Đặng Thái và NMH,
Vâng cô ấy ở xứ đại dương vỗ sóng và hầu như không tàu lạ. Cô ấy chắc cũng đọc được tiếng Việt, có thể hơi cà rịch cà tang. Về vấn đề cô ấy tưởng bún cũng ngàn năm vật lộn, anh em mình cũng chịu. Nếu là vấn đề chánh chị chánh em, mình có thể chỉnh sửa theo báo đài. Còn các vấn đề khác, tỉ như ăn uống, thì nói thiệt là
...xem tiếp

15:05 Wednesday,13.4.2016 Đăng bởi:  dilettant

@ Đặng Thái và NMH,
Vâng cô ấy ở xứ đại dương vỗ sóng và hầu như không tàu lạ. Cô ấy chắc cũng đọc được tiếng Việt, có thể hơi cà rịch cà tang. Về vấn đề cô ấy tưởng bún cũng ngàn năm vật lộn, anh em mình cũng chịu. Nếu là vấn đề chánh chị chánh em, mình có thể chỉnh sửa theo báo đài. Còn các vấn đề khác, tỉ như ăn uống, thì nói thiệt là không có thời gian, vợ con biết bảo hết việc à đi thổi tù và. Ở đây đọc Soi ẩm thực Soi mồm đầy nước (miếng), nhưng ra chợ trợn mắt không biết mua gì, chỉ cố sổng thêm qua đôi mùa hạ là đạt iêu cầu.

 
14:42 Wednesday,13.4.2016 Đăng bởi:  NMH
@Dilletant:
Hình như cô ấy đang hiểu là 1.000 nắm.
...xem tiếp
14:42 Wednesday,13.4.2016 Đăng bởi:  NMH
@Dilletant:
Hình như cô ấy đang hiểu là 1.000 nắm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả