Điện ảnh

Vòng eo 56: “Kẻ dám vượt qua sinh mệnh dành cho mình” 07. 04. 16 - 5:47 pm

Lê Hồng Lâm

Phần viết kia chỉ định nhập đề thôi, mà cuối cùng nó dài quá nên tách ra vì không muốn ảnh hưởng đến phần review chính về bộ phim.

Hôm qua trước khi xem phim, có bạn hỏi mình nghĩ sao về phim này? Mình bảo không nghĩ gì cả, vào rạp với một cái đầu trống, dẹp bỏ mọi định kiến về đạo diễn lẫn nhân vật. Nếu hai thứ đó chinh phục được mình, thì với mình, nó thành công. Và tối qua khi ra khỏi rạp, mình nghĩ nó đã chinh phục mình được khoảng 70%, nghĩa là với một bộ phim Việt, có thể coi đây là một thành công của Vũ Ngọc Đãng.

Một bộ phim có thể gọi là thành công, với mình, phải là một bộ phim làm người xem bất ngờ về mặt kể chuyện và mang được một chút triết lý nhân sinh về cuộc sống đương thời. Nó cũng phải xây được một bệ đỡ vững chắc cho nhân vật, để người xem không xô đổ được nó.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (ngồi) và các diễn viên đóng bốn anh em nhà Ngọc Trinh. Ảnh từ trang này

12 năm trước, với Những cô gái chân dài, Đãng mang được một cái nhìn tươi sáng về cuộc sống của các cô người mẫu. Trong cái định kiến bủa vây của người đời và những cạm bẫy giăng sẵn của danh tiếng và tiền bạc, ta không thấy những bài học đạo đức mà đạo diễn áp đặt cho các cô chân dài. Anh ta để cho họ trải nghiệm, trả giá và rút bài học kinh nghiệm cho mình. Chắc chắn người đời vẫn không hết định kiến vì một bộ phim, nhưng sẽ có thêm rất nhiều cô gái chân dài nuôi mộng bước trên sàn catwalk. Cũng như với Vòng eo 56, rất nhiều cô gái quê sẽ bỏ nhà lên phố thị để nuôi giấc mộng cổ tích đổi đời, như hình ảnh nhiều thông điệp ở đoạn kết: người cha chở đứa con gái băng qua cánh đồng làng để lên Sài Gòn ở hậu cảnh, và cận cảnh về gương mặt ngổn ngang trăm mối của Ngọc Trinh, người hơn ai hết, trải nghiệm được và mất, cùng những trả giá cho những thứ vật chất đổi đời của cô.

Khác với những câu chuyện cổ tích kinh điển với cái kết happy ending và tiếng vỗ tay tán thưởng của người đọc, câu chuyện cổ tích của Ngọc Trinh là thứ cổ tích lấm lem của những thị phi và điều tiếng, đến nổi cô phải bỏ tiền ra để làm một bộ phim về mình, như lời cô nói, để người ta có thể hiểu em trước khi ghét em.

Ngọc Trinh khi đi đóng phim

Nửa đầu của bộ phim thực sự tốt và chứng tỏ sự đầu tư công phu cả về chi tiết lẫn cảm xúc của Vũ Ngọc Đãng để xây dựng câu chuyện về gia đình của Ngọc Trinh, một bệ đỡ rất chắc chắn, như mình nói, để khán giả không thể xô đổ được nhân vật. Đãng sử dụng rất nhiều hình ảnh những cơn mưa xối xả (đôi lúc là sự lạm dụng không cần thiết) để mô tả cuộc sống lấm lem nghèo hèn của gia đình Ngọc Trinh. Một chuyển cảnh khá tinh tế về hình ảnh bốn anh em Ngọc Trinh lúc đang còn nhỏ nằm trên tấm phản nghe người mẹ kế kể câu chuyện cổ tích về chú ếch hóa thành hoàng tử và cảnh ngay sau đấy là bốn anh em đã trưởng thành, bật dậy khi cơn mưa nặng hạt đổ ụp vào người khi mái nhà bị hỏng. Hay một hình ảnh tiếp nối ngay sau đó, cám cảnh với cái nghèo của gia đình, Ngọc Trinh chụp chú ếch trong cơn mưa và sau đó hôn vào miệng nó, để mong có một câu chuyện như cổ tích xảy ra với mình. Cổ tích tất nhiên không diễn ra, chú ếch trở thành mồi nướng và cô công chúa hụt của chúng ta, nhai miếng đùi ếch nướng từ tay anh trai mình một cách ngon lành. Cách xây dựng hình ảnh Ngọc Trinh và cách cô chuyển tải hình ảnh của chính mình ở nửa đầu phim thuyết phục và thậm chí cảm động. Đó là phần đời hầu như rất ít khán giả biết về cô gái vật chất này, như chi tiết cô thích đi chân đất để bưng bún riêu cho khách dù đạp mẻ chai nhiều lần, cách cô yêu thương người cha và gia đình mình, cách gia đình cô, trong nghèo khó vẫn yêu thương và bảo vệ nhau…

Một cảnh phim

Những chi tiết giản dị mà không thiếu chất thơ, mộc mạc mà hóm hỉnh, thoại chân phương mà sống động vui tai, nhịp phim được đẩy hợp lý để khi những bi kịch của đói nghèo diễn ra, đạo diễn kiểm soát để không sa vào mê lô quá đà, như cách anh từng thể hiện trong Hotboy nổi loạn.

Ở nửa sau, nhịp phim bị đẩy lên quá nhanh và bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt là cách phát triển tâm lý vội vã, lặp lại nhiều chi tiết khuôn sáo trong các bộ phim trước (những cuộc dàn cảnh chặn đánh dằn mặt và cách xóa sổ một nhân vật rất vụng về) và cảm giác ở gần kết, anh hoàn toàn mất phương hướng không biết tiếp tục thế nào. Rất may là chi tiết cuối phim, như đã nói ở trên, là một hình ảnh khá đắt già và giàu thông điệp, đã cứu bộ phim một bàn thua trông thấy.

Ở phần này, Ngọc Trinh, với phần đời mà người ta biết về cô nhiều hơn, những cuộc thi hoa hậu ao làng, nữ hoàng bikini quán bar, và cuộc tình với đại gia lại sa vào lối diễn minh họa và biểu cảm gương mặt rất gượng gạo. Có vẻ như áp lực của nhân vật đại gia bỏ tiền sản xuất bộ phim này khiến cả đạo diễn lẫn nữ chính co cụm và căng cứng lại trong lối diễn và dựng an toàn, trong cái đẹp cổ tích có phần giả tạo và tô hồng. Một phần quan trọng nhất khi nói về Ngọc Trinh là những thị phi và những trận đòn hội chợ trên mạng qua những phát ngôn của cô, câu chuyện về kẻ thứ ba, hoàn toàn bị bỏ qua hoặc được làm rất hời hợt cho qua chuyện. Trong khi, đây là những chất liệu rất tốt để phản ánh về mặt tối và những áp lực của định kiến mà Ngọc Trinh nói riêng và các cô gái chân dài nổi tiếng khác nói chung đều phải đối mặt với nghề nghiệp của họ.

Ngọc Trinh với chiếc xe là đạo cụ của phim. Ảnh: Lê Thiện Viễn

Vòng eo 56 là một nỗ lực đáng ghi nhận của Vũ Ngọc Đãng với nghề nghiệp đạo diễn của mình, một nghề mà anh có tố chất ngay từ bộ phim đầu tiên, nhưng cứ rớt dần trong dễ dãi và thỏa hiệp của những rating và doanh số phòng vé. Hoặc cũng có thể, anh có thế mạnh về đề tài người mẫu, có cái đồng cảm từ xuất thân nghèo khó vươn lên. Nhưng “lãi” nhất với bộ phim này không ai khác ngoài Ngọc Trinh. Có thể cô sẽ không xóa được định kiến về hình mẫu của một cô gái thực dụng và vật chất trong mắt người đời, nhưng sau bộ phim này, chắc chắn sẽ có thêm nhiều cô bé rời quê lên phố với giấc mộng đổi đời.

.

Trong bộ phim Phúc Lạc Hội (The Joy Luck Club), có nữ diễn viên Kiều Chinh đóng, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Amy Tan, trong đoạn voiceover đầu phim, tác giả dẫn chuyện về một người mẹ châu Á, trên hành trình đến Mỹ, mang theo một chú thiên nga. Lúc mua con thiên nga này, người bán hàng nói khoác rằng, con vật này vốn là một con vịt xấu xí, nhưng nó đã sải đôi cánh của mình để biến thành thiên nga. Và nó quá đẹp để bị ăn thịt. Người mẹ muốn vin vào câu chuyện của người bán hàng để mong hành trình nơi xa xứ của đứa con mình sẽ như vậy, hành trình của “một sinh vật đã vượt qua được sinh mệnh dành cho nó”. Đáng tiếc là khi nhập cảnh, người ta giữ lại con thiên nga. Cái duy nhất mà người mẹ giữ được là chiếc lông cánh của nó. Và nhiều năm sau, người mẹ nói với cô con gái rằng, “chiếc lông không có giá trị gì, nhưng nó đến từ một nơi rất xa và mang theo mọi thiện ý của mẹ.”

Một cảnh trong phim “Phúc Lạc Hội”

Hình ảnh Ngọc Trinh trong Vòng eo 56 giống như hành trình của một con vịt sải đôi cánh để hóa thành thiên nga, một hành trình lấm lem nhọc nhằn và cả những may mắn của số phận dành cho kẻ “đã dám vượt qua được sinh mệnh dành cho mình”.

*

Nguồn: Từ Fb của Lê Hồng Lâm

Ý kiến - Thảo luận

15:15 Friday,8.4.2016 Đăng bởi:  Nói nhàm
Bao giờ phim Việt không chọn gái xinh để đóng nữa chắc phim mới hay được.
...xem tiếp
15:15 Friday,8.4.2016 Đăng bởi:  Nói nhàm
Bao giờ phim Việt không chọn gái xinh để đóng nữa chắc phim mới hay được. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả