Nghệ sĩ Việt Nam

Hãy tranh thủ nốt hôm nay đi xem ‘Into thin air’ 18. 04. 16 - 11:14 am

Thông tin từ BTC

INTO THIN AIR LÀ GÌ VẬY:

1 thành phố
10 ngày và còn tiếp…
10 tác phẩm đương đại, tương tác với không gian
10 không gian công cộng
1 bản đồ và ứng dụng cho smartphone giúp bạn ‘săn lùng’ các tác phẩm thuộc dự án

KHI NÀO: Dự án khai mạc 15h00, thứ Bảy, 09 tháng 4 đến và kéo dài tới thứ Ba, 19 tháng 4 2016 (và sẽ còn tiếp tục)

Gồm các tác phẩm sau:

01. ‘Sự tàn của cửa võng’ của Lê Giang

61 Lý Thái Tổ

Điều gì còn lại khi loài người bị tuyệt chủng? Loài sinh vật nào sẽ thay thế chúng ta và họ sẽ hiểu được gì về hiện tại và quá khứ của ta? Sắp đặt ‘Sự tàn của cửa võng’ mô phỏng một khu di tích khảo cổ ở thời tương lai nêu lên những câu hỏi này. Nhân vật chính của tác phẩm là một khối thạch cao mang dáng dấp của chiếc Cửa Võng – khối cửa gỗ theo truyền thống được dùng để phân cách giữa không gian tâm linh và không gian trần tục, giữa không gian siêu hình và không gian hữu hình trong nhà, đền chùa và đình làng. Nhưng điều gì còn lại khi cánh cửa đã bị lột trần khỏi ý nghĩa và không gian nguyên gốc của nó? Ở thời tương lai, trong một không gian không xác định, phải chăng chiếc Cửa Võng chỉ còn đơn thuần là một khối gỗ? Tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian và thời gian trong việc xác định ý nghĩa và mục đích của cả đồ tạo tác lẫn nghệ phẩm.

.

Lê Giang

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật tại London, Lê Giang quay trở lại Hà Nội và mở Six Space, không gian nghệ thuật tổ chức triển lãm và workshop giáo dục của riêng mình. Giang đã triển lãm ở cả Việt Nam và nước ngoài với các tác phẩm đa dạng về thể loại, từ sắp đặt tới tranh vẽ. Các tác phẩm của cô đều có điểm chung là sử dụng những chất liệu mỏng manh như tro, kính, thạch cao và đều tập trung chất vấn sự tồn tại và vị trí của con người trong thế giới. Hiện Giang vừa tiếp tục thực hành nghệ thuật, vừa tổ chức các workshop về kĩ năng sáng tạo cho mọi lứa tuổi.

 

02. ‘Phượt’ của Nguyễn Mạnh Hùng

2 Núi Trúc (ngay ngoài khuôn viên đại sứ quán Thụy Điển)

Sắp đặt bao gồm một chiếc xe ô tô thật với bốn bánh xe được thay thế bằng bốn con rùa làm bằng chất liệu composite, đầu rùa hướng về bốn hướng khác nhau. Hãy tưởng tượng nếu khối điêu khắc này sống dậy, mỗi con rùa sẽ di chuyển theo một hướng, khiến chiếc xe bị xé ra thành nhiều mảnh. Với tinh thần giễu nhại vốn đặc trưng trong sáng tác của Hùng, tác phẩm khám phá mối mâu thuẫn xảy ra khi các cá thể độc lập – với phương hướng và quan điểm khác nhau – bị đặt vào tình thế phải làm việc cùng nhau. Con người là những cá thể như vậy. Đây chỉ là những mâu thuẫn nội tại khi làm việc trong nhóm nhỏ, vậy nên việc 7 tỉ người cùng sống, sẻ chia và di chuyển trên một hành tinh nghiễm nhiên cũng sẽ là điều không thể. Tác phẩm được trưng bày gần một ngã tư công cộng, nơi thử thách này chắc hẳn diễn ra hàng ngày, ngay trên đường phố, giữa những phương tiện và người tham gia giao thông.

.

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguyễn Mạnh Hùng hiện là một trong những nghệ sĩ đương đại Việt Nam thành công nhất trong nước và quốc tế. Tận dụng kỹ năng hội họa hiện thực được đào tạo tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, kết hợp cùng óc phân tích đầy tính hài hước và châm biếm sắc sảo, tác phẩm của Hùng thể hiện sự trăn trở về quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa quá nhanh của Việt Nam; đồng thời sử dụng yếu tố lịch sử để tìm hiểu về những gì đã định hình nên Việt Nam ngày nay. Là thành viên tích cực của nhóm nghệ sĩ tiên phong Nhà Sàn, Hùng còn được biết đến như một nghệ sĩ nhạc thể nghiệm và một curator xuất sắc.

 

03. ‘Cam kết Văn hoá’ của Bùi Công Khánh

Manzi, 14 Phan Huy Ích

Tác phẩm sắp đặt tương tác gồm hai cánh cửa gỗ do nghệ sĩ tìm được tại khu vực nơi tác phẩm được trưng bày. Trong khuôn khổ dự án ‘Into Thin Air’, cánh cửa gỗ ở Manzi được lựa chọn để khắc lên toàn bộ nội dung của ‘Bản cam kết gia đình văn hóa’. Bản “hợp đồng” này giữa chính quyền và các hộ dân được ký nhằm khẳng định sự đồng ý tuân thủ bộ quy tắc về nghĩa vụ của công dân và giá trị của gia đình. Đây có thể được coi là một ví dụ điển hình của việc không gian cá nhân bị điều khiển và can thiệp bởi ý thức công. Tuy nhiên, với xã hội ngày càng đa dạng hoá, bộ quy tắc này càng khó kiểm soát cái tôi của mỗi cái nhân. Trong tác phẩm này, những con chữ được đục rời khỏi cánh cửa sẽ được giữ lại để công chúng tương tác và sắp đặt lại. Từ đây, cái mới sẽ được sản sinh từ cái truyền thống. Mặt khác, giới hạn của những con chữ cho thấy rõ rằng dù phát triển thế nào, hiện tại vẫn luôn bị/được tạo dựng bởi quá khứ.

.

Bùi Công Khánh

Hoạt động từ những năm 90 với vai trò là họa sĩ, nghệ sĩ trình diễn, làm gốm và sắp đặt, Bùi Công Khánh thuộc lứa nghệ sĩ đương đại đầu tiên của Việt Nam được ghi nhận tên tuổi ở cả trong và ngoài nước. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học mỹ thuật TP.HCM chuyên ngành sơn dầu, Khánh theo đuổi các thể nghiệm nghệ thuật đương đại, các tác phẩm của anh thường giàu tính suy ngẫm, sử dụng tư duy triết học để phân tích và phản ánh quá trình phát triển nhanh chóng của Việt Nam mà anh đã trực tiếp chứng kiến trong suốt những thập kỷ qua.

 

04. ‘Âm thanh từ bên trong’ của Nhung Nguyễn (Sound Awakener)

Lộ trình: từ Bảo tàng Mỹ thuật, 66 Nguyễn Thái Học, đi qua Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, rẽ Hàng Bún, đến Manzi, 14 Phan Huy Ích. Khuyến khích người nghe đi bộ

Hướng dẫn sử dụng:

Các thiết bị cần thiết: điện thoại thông minh (iPhone, Android), iPad, iPod touch và tai nghe. Ứng dụng chỉ chạy được với thiết bị IOS 8 trở lên hoặc Android 4.1 trở lên.

1. Tải xuống ứng dụng Echoes tại Appstore hoặc Google Playstore.
2. Để đảm bảo kết nối được ổn định, 3G được khuyến khích sử dụng.
3. Chọn walk “Âm thanh từ bên trong”. Tải xuống walk và chọn biểu tượng “play” để mở. Lưu ý: Tác phẩm sẽ không được phát ra nếu ứng dụng Echoes đang ở chế độ chạy ngầm hoặc tự khóa.

Đoạn âm thanh dài 37 phút được sáng tác dành riêng cho người nghe khi di chuyển trên tuyến đường từ Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội (66 Nguyễn Thái Học) tới Manzi (14 Phan Huy Ích). Các âm thanh được trộn lẫn vào nhau, không hài hòa mà nhiều khi đối lập đến gay gắt. Đây chính là âm thanh đại diện cho những tiếng ồn luôn trực sẵn bên trong cơ thể mỗi người: stress, nỗi sợ, sự lo lắng, áp lực và những cảm xúc đối lập diễn ra cùng lúc. Phản ứng của người nghe được xem như một thành tố quan trọng của tác phẩm. Lắng nghe âm thanh và các khoảng lặng khi tương tác với cảnh quan đô thị là một trải nghiệm sống động, tạo cảm xúc, cho thấy âm thanh ảnh hưởng thế nào tới chúng ta, cách ta tương tác với không gian sống và cho thấy khả năng của âm thanh trong việc khơi gợi ký ức, đưa ta đi vào tương lai hay giữ ta lại ở thời điểm thực tại.

.

Nhung Nguyễn

Theo đuổi dòng nhạc thể nghiệm từ năm 13 tuổi, Nhung Nguyễn – nghệ danh Sound Awakener – là một trong những nghệ sĩ nhạc thể nghiệm trẻ nhất ở Việt Nam và cô đã tạo được tiếng tăm đáng kể trong làng nhạc underground của Hà Nội trong vài năm qua. Với vốn hiểu biết đáng nể về âm nhạc và giai điệu cùng đôi tai nhạy cảm với các âm thanh đời sống thường ngày, Nhung đã sáng tác nhiều tác phẩm và tham gia nhiều dự án kết hợp yếu tố âm thanh với trải nghiệm thị giác cùng các nghệ sĩ trong và ngoài nước.

 

05. ‘… chở những người chở những người chở…’ của Nguyễn Thế Sơn

Sắp đặt di động: vào các ngày 9, 15 và 19 tháng 4. Chuyến đi bắt đầu từ manzi, 14 Phan Huy Ích vào 15h00, tạm dừng ở Hanoi Creative City, 1 Lương Yên vào 15h30 và kết thúc tại 94 Thanh Nhàn. Sau đó, tác phẩm sẽ lại xuất hiện và khởi hành từ manzi lúc 3h00 chiều ngày 15. 4 và tiếp sau đó, sẽ đỗ tại Hanoi Creative City lúc 3h30.

Sắp đặt di động kể câu chuyện về hoàn cảnh sống vất vả của người lao động trong thành thị, từ người bán rong cho đến những người chuyên chở hàng thuê. Tác giả chụp lại những “người chở” này trong những khoảnh khắc mưu sinh của họ, sau đó in lên bìa cứng theo kích cỡ thật, gắn vào một kết cấu khung đặc biệt và thuê xe thương binh chở “tượng đài” này khắp thành phố. Là một sắp đặt tương tác, phản ứng của các khán giả ngẫu nhiên trên đường phố sẽ được ghi lại. Tác phẩm cũng như một cách ẩn dụ cho việc những nhân vật chính của tác phẩm cuối cùng cũng có cơ hội để nghỉ ngơi. Một lần hiếm hoi, họ là những người được chở.

.

Nguyễn Thế Sơn

Trong suốt 20 năm làm nghệ thuật, Nguyễn Thế Sơn luôn tìm tòi thể nghiệm với nhiều chất liệu và đề tài khác nhau, với những nghiên cứu tỉ mỉ và có hàm lượng lý luận cao. Đề tài chủ đạo trong các tác phẩm của anh là sự phát triển nhanh chóng trong chính trị, xã hội và kinh tế của Việt Nam. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ nhiếp ảnh tại Trung Quốc, và khi trở về Hà Nội, đã dần khẳng định mình là một trong những nghệ sĩ hoạt động năng nổ nhất, liên tục thử nghiệm với tranh lụa, sơn mài, nhiếp ảnh và sắp đặt.

 

06. ‘Không lời’ của Nguyễn Quốc Thành

Toilet công cộng tầng 1 toà nhà Hanoi Creative City (từ 9 tới 15 tháng 4); Sảnh chính của Hanoi Creative City (từ 15 tới 19 tháng 4), số 1 Lương Yên

Tác phẩm sắp đặt của Quốc Thành được đặt trong nhà vệ sinh công cộng – không gian mang nhiều ý nghĩa nhất trong tương quan với cộng đồng queer và LGBT. Những tấm rèm trong tác phẩm được làm từ chất liệu đồng phục, tạo một ranh giới mong manh giữa chốn riêng tư và nơi công cộng. Chúng có thể dùng để ngăn cách hai mảng không gian nhưng cũng rất dễ dàng bị vén lên để nhìn trộ, phơi bày hoàn toàn những gì được che/giấu đằng sau chúng. Sự riêng tư mà bức rèm mang lại cũng giống như sự riêng tư ở nhà vệ sinh công cộng – nơi thường được cộng đồng LGBT trên thế giới chọn làm nơi để gặp gỡ và làm những chuyện “riêng tư”. Ai được quyền làm cái gì và ở đâu? Quy chuẩn xã hội phân định rõ ràng và tách biệt giữa giới nam và giới nữ, và điều này tạo ra mâu thuẫn với góc nhìn về thế giới của cộng đồng queer.

.

Nguyễn Quốc Thành

Sống và làm việc tại Hà Nội, Quốc Thành hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, viết, trình diễn, làm trang phục và tổ chức các sự kiện nghệ thuật khám phá các vấn đề về thẩm mỹ và hoạt động xã hội queer. Thành là người đồng sáng lập Nhà Sàn Collective – nhóm các nghệ sĩ độc lập tại Hà Nội. Năm 2013, Thành sáng lập và tổ chức liên hoan nghệ thuật Queer Forever!, liên hoan nghệ thuật queer đầu tiên ở Việt Nam, không gian chia sẻ tình yêu, tri thức queer và văn hóa Việt Nam. Ngoài liên hoan nghệ thuật được tổ chức hai năm một lần, Queer Forever! còn hợp tác với các cá nhân, nhóm và tổ chức để thực hiện chương trình gặp gỡ, nói chuyện nghệ thuật, chiếu phim và triển lãm trong năm.

07. Sân chơi ‘Playstreet’ của Think Playground

Sân đình làng Ngọc Hà, Ngõ 158 phố Ngọc Hà
Từ 15h00 đến 18h00, thứ Bảy, 09 tháng 4 và thứ Bảy, 16 tháng 4

Khu sân của các ngôi đình trong thành phố thường bị quên lãng trong suốt năm trừ những ngày lễ tết. Thay vì để lãng phí mảng không gian này, Think Playground đã thiết kế các món đồ chơi bằng vật liệu tái chế và tạo một sân chơi cho trẻ em trong khu. Điều này đã giúp thổi luồng gió mới và mở ra những mục đích sử dụng khác cho một trong những không gian công cộng đậm tính truyền thống.

.

 

08. ‘Xe ô tô gỗ’ của Think Playground

Sân tập thể Phương Liệt ngõ 208 Giải Phóng

Sân chung của một khu nhà tập thể đã biến thành một bãi đỗ xe – ví dụ điển hình về việc sân chơi công cộng của trẻ em dần bị xâm chiếm bởi sự phát triển của đô thị. ‘Xe ô tô gỗ’ ở khu tập thể Phương Liệt (208 Giải Phóng) được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, được để tại bãi đỗ xe đó nhằm tái chiếm lại không gian cho trẻ em.

.

Think Playground

Là nhóm các kiến trúc sư trẻ mong muốn tìm ra những giải pháp sáng tạo và bền vững cho không gian công cộng ở đô thị. Khi nhận thấy những sân chơi công cộng dành cho trẻ em đang dần biến mất, thay thế vào đó là những không gian mở chỉ dành cho người lớn, Think Playground đã làm việc chặt chẽ cùng các cộng đồng dân cư để thiết kế và cải tạo hơn 20 sân chơi công cộng ở đô thị. Think Playground luôn sử dụng các nguyên liệu tái chế và thân thiện với môi trường để đảm bảo tính bền vững của dự án, cũng như để tạo sự cân bằng đối lập với những khu vui chơi sử dụng công nghệ cao và vật liệu hiện đại trong các trung tâm thương mại.

 

09. ‘DOOor’ của Lê Thanh Tùng (Tùng khỉ)

Ambient sounds/doors/world of darkness của Trí Minh
Tầng 2, Container Bò Sữa, Hanoi Creative City, số 1 Lương Yên

Tích hợp giữa hội họa, sắp đặt video, tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số này khám phá sự tinh tế và khoảng cách ngày càng mờ giữa hiện thực và thế giới ảo. “Sau một cánh cửa có thể là một chiều không gian khác. Một cách đưa bạn nhìn lại chính bản thân, đối chiếu bản thân bạn với không gian ảo phía trước. Một không gian mà ở đó những giá trị ảo đang trỗi dậy, tiến về thực tại. Sau cánh cửa là gì?”

.

Lê Thanh Tùng

Sau khi tốt nghiệp mỹ thuật ở Hà Nội, Lê Thanh Tùng (Tùng Khỉ) đã theo đuổi nghệ thuật thị giác bằng việc thử nghiệm nghệ thuật với nhiều loại hình kỹ thuật số của thế kỷ 21. Anh đã từng thử sức với thiết kế đồ họa, graffiti, visual mapping, sắp đặt video, hologram và gần đây nhất là các chương trình VJ trực tiếp. Dù là tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm thương mại, các tác phẩm của anh luôn mang những yếu tố siêu thực và mỉa mai khơi gợi từ những hình tượng truyền thống của châu Á và các yếu tố thẩm mỹ của văn hóa pop đương đại. Tùng Khỉ hiện là một trong những nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật số mang tính đột phá nhất ở Việt Nam.

 

10. ECHOES – Âm thanh nghe dạo ‘Into Thin Air’ của Joshua Kopecek và Eliza Lomas 

Echoes là ứng dụng bỏ túi đặc biệt thiết kế dành riêng cho ‘Into Thin Air’. Theo nguyên gốc, Echoes được phát triển từ phần mềm soundwalk/nghe dạo mang tới trải nghiệm độc đáo khi khám phá Hà Nội qua việc tích hợp các âm thanh đô thị và đoạn nhạc tương ứng với từng địa điểm và từng con đường mà bạn đi qua. Âm thanh mà bạn nghe được qua ứng dụng và âm thanh thực tại ở xung quanh nhiều khi không nhất thiết phải có sự khác biệt. Âm thanh từ ứng dụng này sẽ thay đổi theo lộ trình của người nghe, không gian người đó sẽ đi đến, và vì vậy mỗi lần đi, là một lần tác phẩm được phối lại. Với phiên bản dành riêng cho ‘Into Thin Air’ lần này, phần mềm sẽ đóng vai trò một bản đồ trực tuyến quan trọng, cung cấp thông tin về các tác phẩm và nghệ sĩ, cùng các hình ảnh và đoạn băng phỏng vấn khi bạn đang tới gần địa điểm đặt tác phẩm của dự án.

.

Joshua Kopecek và Eliza Lomas

Josh Kepecek – nhạc sĩ thể nghiệm người Anh là người thiết kế và phát triển ứng dụng Echoes. Phần mềm ứng dụng ‘nghe dạo’ này mang tới cho người nghe tới một trải nghiệm âm thanh độc đáo, một cách khám phá Hà Nội rất khác. Bao gồm những bản thu âm thanh đô thị và tác phẩm âm thanh sáng tác bởi nghệ sĩ địa phương dành riêng cho dự án, ứng dụng đem tới trải nghiệm độc đáo khi âm thanh sẽ liên tục thay đổi theo chuyển động của người dùng. Trong dự án này, Josh kết hợp cùng nhà sản xuất chương trình phát thanh Eliza Lomas – người đã tạo nên những câu chuyện sống động trên sóng phát thanh khi kết hợp các bản thu phỏng vấn với âm thanh hiện trường để truyền tải không khí chân thực cho người nghe.

*

LƯU Ý:

Into Thin Air sẽ kết thúc vào 6h00 chiều mai ở tất cả các địa điểm. Tuy nhiên, sau ngày đó, nếu mọi người quan tâm, vẫn có một số tác phẩm tồn tại cho tới khi ‘Biến vào không gian’:

– Tác phẩm số 4, ‘Âm thanh từ bên trong’ của Nhung Nguyễn.: Khán giả vẫn có thể thưởng thức được tác phẩm bất cứ khi nào, chỉ cần download phần mềm into thin air vào máy điện thoại của họ.

– Tác phẩm Phượt của Nguyễn Mạnh Hùng: Vẫn sẽ được bày tại số 2 Núi Trúc (mặt trước của Sứ quán Thuỵ Điển) trong thời gian tới

– Tác phẩm ô tô gỗ của nhóm Think Playground ở Khu tập thể Trung Liệt, 208 Giải Phóng: Vẫn sẽ ở đó cho tới khi hỏng, tác phẩm đặt trong bãi đỗ xe nhằm chiếm dụng lại không gian chơi cho trẻ em trong khu tập thể

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Quái vật và biển xanh

Trần Quang Thi

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả