Gẫm & Bình

Chuyện sơn mài Việt Nam (phần I):
Giá như cụ thể hơn, sống động hơn… 17. 04. 16 - 11:44 am

Tịch Ru

CHUYỆN SƠN MÀI VIỆT NAM

Thời gian: 15. 4. 2016 đến 2. 5. 2016
Khai mạc: 17h, thứ 6, ngày 15. 4. 2016
Địa điểm: Trung tâm giao lưu văn hóa phố Cổ – 50 Đào Duy Từ, Hà Nội.

.

Theo lời giới thiệu của ban tổ chức, đây là:

“Một triển lãm đặc biệt trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh một nghề cổ truyền với những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam”

Cũng theo tờ giới thiệu, qua triển lãm này, bạn sẽ biết một cách “tổng quan khái quát” về:

– Nguồn gốc của cây sơn và các loại sơn ta

– Công cụ khai thác, công cụ chế tác, kỹ thuật chế tác và hiện thực phát triển của nghề

– Một nghề cổ truyền với những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Tôi dắt theo một cậu bạn ngoại đạo, kiến thức của anh chàng về “sơn mài” chỉ vỏn vẹn: “Nghe quen quen, là mấy cái hộp souvenir hay bán cho khách du lịch đấy hả?”

Tọa lạc giữa Đào Duy Từ, con phố sầm uất về đêm bậc nhất của thủ đô, “Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ” hiện diện khá trang nghiêm so với các quán bar, pub đầy màu sắc xung quanh.

 

Chúng tôi đến khá sớm (4h30). Đây là quang cảnh phòng triển lãm trước giờ khai mạc. Bên trên có cả màn hình để chiếu video. Hóa ra triển lãm còn được trưng bày đồng thời ở Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc.

 

Quang cảnh phòng triển lãm nhìn từ trên cao.

 

Những tấm pano giới thiệu về cây sơn Việt Nam, các loại sơn ta và ứng dụng, giới thiệu về trường trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội (một đơn vị tham gia triển lãm lần này).

 

Có một pano giới thiệu về mỹ thuật sơn mài Việt Nam và các kĩ thuật làm sơn mài.

 

Giữa phòng triển lãm là bàn giới thiệu về các quy trình, trình tự, kỹ thuật làm sơn mài. Ví dụ:

 

Kỹ thuật gắn vỏ trứng.

 

Kỹ thuật thếp bạc,

 

Các bảng màu cơ bản.

 

Các kỹ thuật gắn rắc vỏ trai, vỏ trứng.

 

Thủ pháp tạo chất bề mặt.

 

Kỹ thuật thếp rắc vàng bạc.

 

Một lọ sơn sống đặt bên một thân cây sơn làm trang trí. Theo lời giới thiệu, cây sơn Việt Nam có tên khoa học là Rhus Succedanea tại Phú Thọ, là loại cây cho ra hàm lượng nhựa và độ kết dính (chất sơn) cao nhất trong các loại cây sơn ở vùng châu Á.

 

Triển lãm giới thiệu tỉ mỉ (bằng chữ) các kỹ thuật làm sơn. Thí dụ để đánh sơn màu cánh gián thì cần mật dầu + giọt nhất + giọt nhì đánh đều bằng tay trong thùng gỗ với mỏ vầy gỗ trong khoảng 2 ngày (nếu đánh máy thì khoảng 13h đến 15h). Muốn có sơn chin màu đen thì cũng công thức kia nhưng đánh đều trong chảo sắt với mỏ vầy sắt trong khoảng 2 ngày

 

Những giới thiệu ấy sẽ lý thú hơn nếu có minh họa. Nhưng ở đây thì không. Thí dụ như dụng cụ này chắc là để pha sơn, nhưng mà không thấy ghi chú thích.

 

Cả đây nữa, tôi thấy để những vật này trên hai cái bàn ở hai bên trung tâm mà không biết là cái gì. Chắc đối tượng khách triển lãm hướng đến là những người trong nghề. Nhưng trong nghề rồi thì ai mà cần xem làm gì những bước kỹ thuật căn bản và “tổng quan khái quát” này?

 

Trong khi đó, phần dụng cụ nghề làm sơn mài thì lại trưng bày khá đẹp mắt. Tôi nghĩ với quy mô của cả một chủ đề lớn như thế này, sao các nghệ sĩ không tạo ra hẳn một workshop cho những người ngoại đạo có thể hiểu được và thử thực hành trực tiếp. Vì những hình vẽ, ví dụ và lời giới thiệu ở trên đối với những người bình thường sẽ dễ bị đóng khung theo một kiểu “trong bảo tàng” và như thế thì thật phí.

 

Bên dưới là một số ảnh miêu tả các công đoạn làm sơn mài.

 

Khoảng 5h thì video bắt đầu được chiếu. Không biết là do không bật tiếng hay phòng quá đông người mà tiếng nhỏ quá không nghe ra. Nhìn vào hình ảnh thì chúng tôi lờ mờ đoán được là nói về mỹ nghệ sơn mài, các họa sĩ vẽ sơn mài và triển lãm chuyện sơn mài.

 

Khoảng 5h30 khi khách khứa tương đối đông đủ, đại diện trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ lên có đôi lời đọc diễn văn (vậy là không có tiệc trà). Micro của ông hơi nhỏ nên chúng tôi nghe câu được câu chăng, và thực tế mọi người đang bận tán gẫu nên cũng chẳng ai nghe lời phát biểu. Ông giới thiệu qua các nghệ sĩ sẽ tham gia triển lãm lần này là: Lý Trực Sơn, Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Đình Bảng, Đào Ngọc Hân, Nguyễn Tuấn Cường, Nguyễn Đức Việt, Vũ Tuấn Dũng và Trần Đình Bình.

 

Bài diễn văn ngắn gọn, nằm hết trong thông cáo báo chí, được trình bày chưa đầy 1 phút. Kế là ông Đặng Đình Lâm, hiệu trưởng trường trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội đứng lên giới thiệu về trường (được thành lập năm 1961, từng là nơi tập trung của các nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ toàn miền Bắc.

 

Khách khứa đến rất đông, và như các buổi khai mạc khác, đa phần là bạn bè của các nghệ sĩ (có lẽ vì thế mà không có màn cảm ơn khách sáo) và các họa sĩ làm nghề.

 

Mọi người tụ tập chụp ảnh rất đông ở “bàn sơn mài”

 

Họa sĩ Nguyễn Đức Việt đang chụp lại tác phẩm của mình.

 

Ông Đặng Đình Lâm rât tâm huyết chia sẻ với báo chí về các kỹ thuật sơn mài.

 

Hội “bàn tròn” này gồm có họa sĩ Lý Trực Sơn (đeo kính ngồi sau), anh Minh Pháp, họa sĩ Vũ Tuấn Dũng (đeo kính ngồi trước) và một họa sĩ tôi không nhớ tên ngồi quanh một cái mâm vẽ hai con chuột quanh cây sơn, mà theo anh Minh Pháp thì đây là trường phái hậu hiện đại. Hình như cái mâm là tác phẩm của họa sĩ Trần Đình Bình mới mang đến.

 

Cận cảnh chiếc mâm.

 

Nhà điêu khắc Nguyễn Quân đang nói chuyện với họa sĩ Nguyễn Đức Việt. Không biết với tâm thức một người làm nghệ thuật bằng nghề thủ công mỹ nghệ (gốm ) thì điêu khắc Nguyễn Quân nghĩ sao về triển lãm này. Phía bên tay trái, áo thun đen họa tiết đỏ là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo.

 

Họa sĩ Vũ Tuấn Dũng đang nói chuyện với khách xem triển lãm về các tác phẩm của mình.

 

Họa sĩ Lý Trực Sơn là bậc cao niên trong nghề nên được rất nhiều báo chí phỏng vấn.

 

Anh Minh đang nói chuyện với họa sĩ Nguyễn Đình Bảng và ông Đặng Đình Lâm.

 

Các họa sĩ trao đổi rất nhiều về các kĩ thuật sơn mài truyền thống.

 

Họa sĩ Trần Đình Bình (đang nghe điện thoại) và phía sau là nữ họa sĩ Nguyễn Thị Quế đang trò chuyện với bè bạn.

 

Một nhóm các nữ họa sĩ đến xem triển lãm, hình như đều là các cựu sinh viên trường Mỹ thuật lâu ngày tụ tập với nhau hàn huyên đôi chuyện.

Bài sau tôi sẽ mời các bạn xem một số ảnh các tác phẩm có trong triển lãm, cũng như lướt qua hai nhà triển lãm đồng thời của triển lãm sơn mài này.

 

Ý kiến - Thảo luận

22:38 Monday,18.4.2016 Đăng bởi:  cứ từ từ

nghệ thuật tranh sơn mài vẫn mới chỉ đang đi những bước chân đầu tiên, vẫn cần quá nhiều thời gian để kiểm nghiệm. Những sáng tác sơn mài đầu tiên của các tiền bối mỹ thuật Đông dương đều đã xuống cấp ( bong, nứt, biến sắc...) chỉ sau chưa đến 1 thế kỉ. Liệu đó có phải 1 tuổi thọ nên có đối với 1 tác phẩm hội họa ? Có vẻ như từ thời đó đ
...xem tiếp

22:38 Monday,18.4.2016 Đăng bởi:  cứ từ từ

nghệ thuật tranh sơn mài vẫn mới chỉ đang đi những bước chân đầu tiên, vẫn cần quá nhiều thời gian để kiểm nghiệm. Những sáng tác sơn mài đầu tiên của các tiền bối mỹ thuật Đông dương đều đã xuống cấp ( bong, nứt, biến sắc...) chỉ sau chưa đến 1 thế kỉ. Liệu đó có phải 1 tuổi thọ nên có đối với 1 tác phẩm hội họa ? Có vẻ như từ thời đó đến giờ, các thế hệ họa sĩ VN vẫn chưa tìm ra phương án khắc phục? Mong các họa sĩ tiếp tục tìm tòi, khắt khe với bản thân hơn, may ra con cháu nhiều thế kỉ sau mới có thể hân hưởng các sáng tác của tiền bối

 
14:38 Sunday,17.4.2016 Đăng bởi:  Candid
Soi ơi xem lại một số đoạn của bài đọc trên điện thoại vẫn bị mất chữ bên lề phải.
...xem tiếp
14:38 Sunday,17.4.2016 Đăng bởi:  Candid
Soi ơi xem lại một số đoạn của bài đọc trên điện thoại vẫn bị mất chữ bên lề phải. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả