Nhiếp ảnh

Khi Joel Meyerowitz chụp tĩnh vật đẹp như tranh Morandi 30. 04. 16 - 9:09 am

Hoàng Lan st và dịch

Joel Meyerowitz là một nhiếp ảnh gia nổi danh. Ông chuyên chụp những cảnh đường phố và ảnh phong cảnh. Tuy nhiên, sau này ông còn chụp nên nhiều ảnh tĩnh vật rất đẹp nữa.

Mọi thứ xảy đến một cách tình cờ, trên đất Pháp. Trong chuyến đi thăm Provence vài năm trước, Meyerowitz mua vài món đồ cũ làm quà một người bạn ở Tuscany, do ông tính sau Pháp sẽ sang Ý thăm bạn. Những món đồ này gần như cũ quá, chẳng biết dùng làm gì. Nhưng khi đến Ý, những cái mũ cũ, các chai đựng bằng thủy tinh và lọ kim loại bỗng mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. “Có thể nói, tôi nhận ra ‘tính cách’ của chúng, và tôi bắt đầu sắp xếp chúng – cùng với vài món đồ cũ khác tôi lượm được – vào một không gian nhỏ mà tôi tự dựng nên. Sau một thời gian, những món đồ cũ này biến thành diễn viên, chúng bỗng bước lên sân khấu như các cá thể độc lập, và tôi trở thành người chụp ‘chân dung’ cho chúng”. 

“Chiếc lá”, Meyerowitz. Một trong những vật ông nhặt được và chụp “chân dung”

Không bằng lòng với những khung ảnh đơn giản mình dựng nên lúc ban đầu, Meyerowitz tưởng tượng ra thêm nhiều cảnh nền khả dĩ hơn để các món đồ cũ của ông nổi lên một cách hài hòa. Ông bèn nghĩ đến nơi có nội thất xưa cũ với màu nâu làm chủ đạo. Thế là Meyerowitz dựng tiếp một phông nền khác theo trí tưởng tượng của mình. “Những đồ vật khoác lên một sức sống mới, tựa như một lần nữa chúng có thể biểu lộ điều gì đó về bản chất của mình; âu cũng là một cách nhìn nhận nhiều cảm xúc đối với những món bị cho là vô dụng”, Meyerowitz cho biết. Ông gọi loạt ảnh này bằng tên The Effect of France (Hiệu ứng Pháp).

“Tĩnh vật”, Meyerowitz, trong bộ ảnh “Hiệu ứng Pháp”

 

“Cô dâu và những người từng cầu hôn cô”, Meyerowitz, trong bộ ảnh “Hiệu ứng Pháp”

Sau thành công của Hiệu ứng Pháp, Meyerowitz bắt đầu khoái ảnh tĩnh vật và chuyển mối quan tâm sang họa sĩ Giorgio Morandi.

Họa sĩ Morandi

Giorgio Morandi sinh tại Bologna, Ý, vào ngày 20. 7. 1890. Sau khi thân phụ mất, cả gia đình ông chuyển đến sống tại ngôi nhà cũ ở via Fondazza 36. Morandi sống tại đây trong suốt quãng đời còn lại của mình, cùng mẹ và ba chị em gái. Ông làm việc và ngủ trong một căn phòng đơn, vây quanh ông là những vật thể đơn giản phủ bụi mà ông dùng làm mẫu vẽ. Tác phẩm ông cũng giản dị y như lối sống của ông.

Kì thực, ít có họa sĩ nào làm việc một cách trầm lặng như Giorgio Morandi. Ngay từ năm 1920, Morandi đã giới hạn đề tài của mình với tranh tĩnh vật, ngoại trừ một vài bức phong cảnh hiếm hoi. Màu ưa thích của ông là những tông màu dịu, như màu vàng đất, màu đất son, màu xanh xám hoặc màu hoa hồng. Những bức tĩnh vật đầy tính suy tư của ông thường chỉ gồm vài cái chai, ly cốc, chén bát và lọ hũ, nhưng cách bố trí chúng lại luôn khác nhau.

Tĩnh vật với các kiểu chai lọ, Morandi, 1953

 

Tĩnh vật, Morandi, 1947

 

Một bức tĩnh vật khác của Morandi, để ý sẽ thấy một số vật dụng ông vẽ sẽ xuất hiện tới lui trong các bức tranh, tuy nhiên vị trí cách sắp xếp sẽ khác nhau.

Meyerowitz luôn ngưỡng mộ các tác phẩm của Morandi. Đang hứng thú với tĩnh vật, ông bèn liên hệ bảo tàng Istituzione Bologna Musei – nơi trưng bày khá nhiều tác phẩm của vị họa sĩ. Nhờ có họ giúp đỡ, Meyerowitz được phép đến thăm căn phòng của cố nghệ sĩ, nơi các vật mẫu ông vẽ vẫn nằm đó. “Tôi ngồi tại bàn của Giorgio Morandi, ngay chính chỗ ông ngồi trong hơn 40 năm. Tia sáng chiếu rọi lên bàn trước mặt tôi như chúng từng soi rọi cho ông. Suốt hai ngày mùa xuân năm 2015, tôi ngắm các tia nắng chầm chậm soi khắp các bề mặt bàn ghế vốn còn lưu dấu nhiều vết tích. Từng món một, những vật ông thu thập bắt đầu chạm vào tay tôi. Nom rất bình thường và phủ đầy bụi, chúng hiện lên như một phần của sự bí ẩn mà Morandi để lại, chờ đợi ta giải mã chúng”.

Mayerowitz đã nghiên cứu phân loại cặn kẽ cả thảy 270 vật thể phủ bụi trong căn phòng nhỏ: lọ hoa, vỏ sò, các kiểu chai với mọi kích cỡ, chai thủy tinh màu hay thủy tinh trong, hoa lụa, ca nước, hộp vuông, hộp thiếc, phễu và nhiều thứ khác. Ông gọi loạt ảnh với tên Các vật thể của Morandi. Meyerowitz nổi tiếng là một trong những người đi tiên phong cho ảnh màu. Với kỹ năng xử lý các tông sắc và tính điềm đạm khi dùng khổ ảnh lớn 8×10, ông quả là người phù hợp để chụp ảnh các món đồ dùng của người họa sĩ như Morandi. Có kẻ ngạc nhiên khi Meyerowitz chuyển từ ảnh đường phố sang thể loại tĩnh vật, tuy nhiên  nghĩ lại cũng thấy điều này chẳng ngạc nhiên gì. Màu trong ảnh của Meyerowitz cứ như tranh vậy.

Meyerowitz chụp tại bàn làm việc của Morandi, nơi ánh sáng mặt trời vẫn rọi như nó vẫn chiếu rọi bao năm trước, soi trên những vòng tròn và đường nét người họa sĩ đã vẽ để đánh dấu vị trí của các vật mẫu. Màu sắc phông nền của căn phòng cũng còn y nguyên như lúc Morandi từng ở đó: tấm giấy dán tường màu vàng ửng hồng, nhợt nhạt và nhàu nhĩ như sắp nát vụn ra nếu ta chạm nhẹ vào. Ta vẫn cảm thấy được sự hiện hữu của Morandi lảng vảng đâu đây.

Một số tác phẩm trong bộ ảnh Các vật thể của Morandi do Meyerowitz chụp:

“Cái phễu” món này Morandi rất thích và thường xuất hiện trong tranh của ông.

 

“Lọ”

 

“Lọ, số 2”

 

“Bình đựng nước”

 

“Đầu”

 

“Không đề”. Để ý trên bàn có nhiều đường nét Morandi vẽ lên để đánh dấu vật thể qua bao năm tháng.

 

“Mũ cũa Morandi”

 

“Vỏ ốc”

 

Ảnh chụp ba vật thể như tranh “bộ ba”

 

“Cái bình”

Ý kiến - Thảo luận

0:30 Sunday,1.5.2016 Đăng bởi:  DVT
Ôi, nghệ...thuật....!
...xem tiếp
0:30 Sunday,1.5.2016 Đăng bởi:  DVT
Ôi, nghệ...thuật....! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả